Số 43.2006 (297) ngày 03/11/2006

 CHÍNH PHỦ


Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia
(SMS: 202030)
- Theo Nghị định số 129/2006/NĐ-CP ban hành ngày 31/10/2006, Chính phủ quy định: mọi hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia phải được phát hiện kịp thời và đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật...
Mức quy định phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng đối với tàu nước ngoài có một trong những hành vi sau: Đưa hàng hoá lên
, xuống tàu thuyền không đúng nơi quy định; Có hành vi phóng lên các phương tiện bay, hạ xuống các tàu thuyền, vật thể khác trái với quy định của pháp luật Việt Nam...
Hành vi qua lại biên giới không có giấy tờ, không đúng các điểm quy định dành cho việc qua lại biên giới; vi phạm quy định về thời gian qua lại biên giới; Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn giấy chứng minh biên giới, giấy chứng nhận hoặc giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới có thể bị phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng...
Hành vi làm hư hại, xê dịch hoặc có bất cứ hành động gì khác có hại tới mốc quốc giới; dấu hiệu đường biên giới... có thể bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng...
Áp dụng mức phạt từ 01 đến 02 triệu đồng đối với hành vi: không chấp hành, lăng mạ hoặc ngăn cản việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng bảo vệ, kiểm soát biên giới, cửa khẩu; Người, phương tiện ra, vào, hoạt động trong khu vực cửa khẩu không có giấy tờ theo quy định; Điều khiển phương tiện giao thông trong phạm vi khu vực cửa khẩu đi quá phạm vi được phép; dùng phương tiện đưa, đón người, chuyên chở, xếp, dỡ hàng hoá trong khu vực cửa khẩu không đúng nơi quy định hoặc không tuân theo sự hướng dẫn của người có trách nhiệm...
Việc in ấn, nhân bản, phát hành tài liệu về đường biên giới quốc gia mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 02 đến 05 triệu đồng...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


An ninh, trật tự an toàn xã hội
(SMS: 202028) - Ngày 27/10/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2006/NĐ-CP quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Theo Nghị định này, khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp, mọi nguồn lực về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất và  thành  tựu  khoa  học,  công  nghệ  của các tổ chức, cá nhân đều có thể được Nhà nước xem xét, huy động cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia. Trong mọi trường hợp cần thiết, khi an ninh trật tự bị xâm phạm nghiêm trọng, mọi phương tiện giao thông, thông tin và các phương tiện kỹ thuật khác của tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện đó đều có thể được Nhà nước xem xét huy động phục vụ hoạt động bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Nhà nước thực hiện chính sách đền bù kịp thời, thỏa đáng theo thời giá thị trường và quy định của pháp luật đối với cá nhân, tổ chức có nguồn lực được huy động cho hoạt động bảo vệ an ninh trật tự. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc bảo đảm điều kiện cho hoạt động bảo vệ an ninh trật tự vào mục đích trái pháp luật...
Việc huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự được thực hiện theo hình thức trưng thu, trưng mua và trưng dụng...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản
(SMS: 202027)
- Ngày 27/10/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.
Theo Nghị định này, một trong những điều kiện hoạt động khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam đối với tàu cá là phải có đủ tiêu chuẩn vùng hoạt động hạn chế cấp I hoặc cấp không hạn chế. Trường hợp hoạt động tại vùng biển của quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á thì tàu cá phải có đủ tiêu chuẩn vùng hoạt động hạn chế cấp II trở lên. Đồng thời, phải được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn cho người và tàu cá, thông tin liên lạc tương ứng với vùng biển hoạt động theo quy định của pháp luật.
Khi xảy ra sự cố tai nạn hoặc tình huống nguy hiểm cần sự cứu giúp, thuyền trưởng tàu phải phát tín hiệu cấp cứu và liên hệ kịp thời với nhà chức trách của quốc gia có biển gần nhất, thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam để được giúp đỡ; thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc về Bộ Thủy sản.
Các tỉnh ven biển hướng dẫn và phổ biến nhân rộng các mô hình tổ chức khai thác thủy sản theo tổ, đội, tập đoàn sản xuất gắn với dịch vụ hậu cần, đảm bảo an toàn trên biển; hướng dẫn và tạo điều kiện để ngư dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang làm các nghề khai thác thủy sản xa bờ hoặc nuôi trồng thủy sản, dịch vụ khác...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Dự báo thiên tai
(SMS: 202032)
- Ngày 27/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.
Theo Quy chế này, khi nhận được tin áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp, các Bộ, ngành ở Trung ương phải tổ chức thông báo ngay và sau đó chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tới tận cơ sở các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình nằm trong vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, lũ để kịp thời triển khai công tác phòng, chống...
Đối với các cơ quan thông tin, báo chí, khi nhận được tin báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, thông tin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm - Cứu nạn các cấp, các báo ra hàng ngày ở Trung ương và địa phương liên quan phải đăng ngay trên số báo phát hành sớm nhất...
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam thực hiện việc phát tin áp thấp nhiệt đới, bão trên các kênh thông tin của hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam cho các tàu, thuyền hoạt động trên biển theo chế độ. Mỗi ngày phát 132 phiên tin áp thấp nhiệt đới xa, tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, tin bão xa, tin bão trên Biển Đông, tin bão gần bờ, tin bão khẩn cấp...
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giành ưu tiên cao nhất bảo đảm kế hoạch và tài chính, đầu tư đi trước một bước cho các cơ sở vật chất kỹ thuật và các hoạt động thực hiện đầy đủ nhiệm vụ báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ theo Quy chế này tại địa phương mình để chủ động phòng tránh, góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra...
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 27/10/2006.


Chế độ, chính sách đối với quân nhân tại ngũ
(SMS: 202024)
- Ngày 26/10/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2005 về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ.
Theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn 18 tháng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ thì từ tháng 19 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 200% phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn 24 tháng thì từ tháng 19 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 200% phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn 24 tháng, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ thì từ tháng thứ 25 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng...
Về chế độ nghỉ phép, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm được nghỉ phép 1 lần, thời gian 1 lần nghỉ là 10 ngày (không kể thời gian đi về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định. Riêng hạ sĩ quan, binh sĩ là học viên các học viện, nhà trường, thời gian học từ 1 năm trở lên có thời gian nghỉ hè giữa 2 năm học thì thời gian nghỉ hè được tính vào chế độ nghỉ phép. Trường hợp đặc biệt do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn không thể giải quyết cho nghỉ phép thì được thanh toán một khoản tiền do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định...
Hạ sĩ quan, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ đủ 18 tháng trở lên khi xuất ngũ thì được hưởng 6 tháng tiền lương theo mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang tại thời điểm xuất ngũ. Trợ cấp xuất ngũ 1 lần được áp dụng theo mức cứ mỗi năm phục vụ trong quân đội được hưởng trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương theo mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang tại thời điểm xuất ngũ...
Khi xuất ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ được tiếp nhận vào làm việc ở các cơ quan nhà nước, tổ chức, các cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế được xếp lương theo công việc đảm nhiệm, thời gian phục vụ tại ngũ được tính vào thời gian công tác và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở cơ sở kinh tế đó. Hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ có giấy gọi vào học ở các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học thì khi xuất ngũ được tiếp nhận vào học tại các trường đó...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ bồi dưỡng phiên toà
(SMS: 202025)
- Ngày 25/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241/2006/QĐ-TTg quy định về chế độ bồi dưỡng phiên toà.
Theo đó, chế độ bồi dưỡng phiên toà đối với người tham gia tố tụng tại phiên toà trong một ngày xét xử được quy định như sau: Thẩm phán chủ toạ phiên toà; Hội thẩm quân nhân, Hội thẩm nhân dân (kể cả ngày làm việc nghiên cứu hồ sơ tại Toà án các cấp) được hưởng chế độ bồi dưỡng là 50.000 đồng; Thẩm phán, Kiểm sát viên tham gia phiên toà; nhân chứng được Toà án triệu tập đến phiên toà được bồi dưỡng 30.000 đồng; Thư ký Toà án, cảnh sát bảo vệ phiên toà, cảnh sát dẫn giải bị can, bị cáo: 20.000 đồng; Giám định viên được Toà án mời tham dự phiên toà: 40.000 đồng; Phiên dịch được Toà án mời đến phiên dịch tại phiên toà được bồi dưỡng từ 50.000 - 500.000 đồng...
Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân, giám định viên, phiên dịch và nhân chứng được thanh toán chi phí đi lại theo quy định...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thực hiện chế độ bảo hiểm y tế tự nguyện
(SMS: 202029)
- Ngày 25/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 240/2006/QĐ-TTg về thực hiện chế độ bảo hiểm y tế tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước đối với cán bộ dân số, gia đình và trẻ em ở xã, phường, thị trấn đang trong thời gian đương nhiệm có nhu cầu tham gia bảo hiểm y tế.
Theo đó, có 2 mức hỗ trợ như sau: 70.000 đồng/người/năm để mua thẻ BHYT cho cán bộ dân số, gia đình và trẻ em cấp xã hưởng mức phụ cấp hàng tháng cao hơn mức lương tối thiểu; hỗ trợ 100.000 đồng cho cán bộ cấp xã được hưởng phụ cấp hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu.
Thời gian thực hiện chế độ BHYT có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước đối với cán bộ cấp xã từ ngày 1/1/2007. Hỗ trợ lấy từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình. Mức phí bảo hiểm y tế tự nguyện cho cán bộ dân số, gia đình và trẻ em cấp xã là 100.000 đồng/người/năm.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN TỊCH: BỘ Y TẾ - BỘ TÀI CHÍNH


Khám sức khoẻ định kỳ
(SMS: 202026)
- Ngày 30/10/2006, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 11/2006/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn việc khám sức khoẻ định kỳ hàng quý cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.
Theo đó, các bệnh viện tổ chức khám sức khoẻ phải có trách nhiệm khám, điều trị cho người lao động mắc các bệnh Nhiễm HIV/AIDS; Nhiễm viêm gan virus B, C; Nghiện ma tuý; Bệnh lao phổi (đang tiến triển hoặc chưa chữa khỏi); Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và bệnh ngoài da... và được thu viện phí theo quy định, nếu vượt quá khả năng chuyên môn hoặc theo yêu cầu của người lao động, của người sử dụng lao động thì bệnh viện phải làm thủ tục chuyển viện cho người bệnh theo quy định hiện hành...
Căn cứ kết luận về sức khoẻ của người lao động trong sổ khám sức khoẻ, nếu người lao động mắc một hoặc nhiều bệnh thì người sử dụng lao động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải bố trí cho người lao động đi điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh và có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc điều trị bệnh của người đó; trường hợp không khỏi bệnh thì phải bố trí công việc khác cho phù hợp...
Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ có người lao động khám sức khoẻ: Phí khám sức khoẻ và các chi phí xét nghiệm cận lâm sàng được hạch toán vào chi phí dịch vụ...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Hướng dẫn nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh
(SMS: 202022)
- Ngày 19/10/2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 03/2006/TT-BKH hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh.
Theo đó, trường hợp người thành lập doanh nghiệp ủy quyền cho người đại diện của mình làm thủ tục đăng ký kinh doanh, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đề nghị người được ủy quyền xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác...
Khi thay đổi các nội dung đã đăng ký của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện để được đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện. Trường hợp thay đổi tên có địa chỉ nằm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, kèm theo thông báo, phải có bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp...
Người thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh tới cơ quan đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử. Trong trường hợp này, sau khi xem xét hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho người thành lập doanh nghiệp các nội dung cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có) hoặc thời điểm đến nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 19/10/2006.