Số 42.2010 (500) ngày 26/10/2010

CHÍNH PHỦ

Xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (SMS: 1946/QD-TTg) - Quyết định số 1946/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 21/10/2010. Theo đó, từ năm 2010 đến 2015 sẽ hoàn thành việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các kho lưu giữ hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu (gọi tắt là điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật) trên địa bàn toàn quốc nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cho con người và môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Việc xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu theo lộ trình, điều kiện kinh tế - xã hội của nhà nước, trước mắt ưu tiên nguồn lực để hạn chế tác động tiêu cực, cải tạo và phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng; phát huy nội lực kết hợp với sử dụng kinh nghiệm và sự giúp đỡ của quốc tế; tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, vận chuyển và xử lý hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.
Cũng theo Quyết định này, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng hoặc cấm sử dụng, nhập lậu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường phải chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ kinh phí thu gom, xử lý, tiêu hủy, khắc phục ô nhiễm và đền bù thiệt hại. Các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xử lý, tiêu hủy, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu được hưởng ưu đãi, hỗ trợ về vốn, miễn, giảm thuế và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường và Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Phê duyệt Đề án nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế (SMS: 1914/QD-TTg) - Bằng Quyết định số 1914/QĐ-TTg ngày 19/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Mục tiêu từ năm 2011 đến 2020 của Đề án này là tăng số lượng, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu và nâng dần thị phần tiêu thụ những sản phẩm này trên thị trường thế giới; tăng số doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới; xây dựng một số doanh nghiệp và sản phẩm có thương hiệu trên thị trường thế giới; tăng tỷ trọng đóng góp của công nghệ, vốn con người vào tăng trưởng; tăng số doanh nghiệp, ngành có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao bằng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.
Một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện Đề án này là ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là điều hành một cách đồng bộ, hệ thống, linh hoạt và hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để bảo đảm kiểm soát lạm phát và những cân đối lớn trong nền kinh tế về tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng, tài chính, tín dụng, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán…cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó là tăng cường cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tế của nền kinh tế; khuyến khích phát triển các hình thức liên kết, hợp tác giữa các trường đại học, cơ quan, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực và khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh phát triển các thị trường nhân tố sản xuất như lao động, công nghệ, vốn, đất đai…; rà soát, xóa bỏ các rào cản đối với việc nâng cao hiệu quả thị trường; tăng cường tính công khai, minh bạch, công khai và tiết giảm chi phí tham gia thị trường.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Hỗ trợ 100% phí đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm sáng tạo của nông dân (SMS: 63/2010/QD-TTg) - Đó là một trong những nội dung của chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản vừa được Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết tại Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010. Theo đó, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn và hỗ trợ lãi suất để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch bao gồm: hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có địa chỉ cư trú hợp pháp được UBND cấp xã xác nhận là cá nhân trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất; các doanh nghiệp có ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân. Các đối tượng này được vay vốn và hỗ trợ lãi suất khi mua các loại máy móc sau đây: các loại máy làm đất, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy sấy, vật liệu cơ bản để làm sân phơi (lúa, ngô, cà phê, hạt điều, hồ tiêu) có diện tích đến 1.000m2; máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất giống thủy sản; vật tư, thiết bị xây dựng cải tạo các ao (hồ) nuôi thủy sản; thiết bị, phương tiện phục vụ nuôi trồng, thu hoạch và vận chuyển thủy sản; thiết bị làm lạnh, cấp đông, thiết bị sản xuất nước đá trên tàu cá, hầm bảo quản phục vụ khai thác dài ngày trên biển. Các máy móc, thiết bị nói trên phải có giá trị sản xuất trong nước trên 60% và có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Mức tiền vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 02 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất.
Cũng theo Quyết định này, ngân sách nhà nước còn hỗ trợ 100% kinh phí cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua giống để áp dụng thử nghiệm lần đầu đối với các giống lúa, ngô tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao; tổ chức, cá nhân mua bằng sáng chế để tự sản xuất hoặc phối hợp với các tổ chức, cá nhân khác sản xuất các loại máy móc, thiết bị có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; đăng ký sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm sáng tạo của nông dân có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2010.
 
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Sắp có Luật Giáo dục đại học (SMS: 4714/QD-BGDDT) - Kế hoạch xây dựng các văn bản triển khai Nghị quyết số 50/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tại Quyết định số 4714/QĐ-BGDĐT ngày 19/10/2010. Theo đó, Luật Giáo dục Đại học dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 11/2011. Quý 4/2010 sẽ ban hành văn bản quy định về điều kiện và thủ tục thành lập, cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia tách, giải thể trường đại học. Trong năm 2011 sẽ ban hành các văn bản phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng; về điều lệ trường cao đẳng; tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quy trình đăng ký, kiểm tra và xử lý việc thực hiện các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học 2010-2011 (SMS: 4713/CT-BGDDT) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra Chỉ thị số 4713/CT-BGDĐT ngày 19/10/2010 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2010 - 2011 với chủ đề “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo”. Các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2010 - 2011 đối với giáo dục đại học là: tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học, cụ thể là triển khai việc phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện, đồng thời phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo và tự kiểm soát của các cơ sở theo các quy định của pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của nhà nước, của xã hội và của các cơ sở; tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực để giảm áp lực, giảm căng thẳng, tốn kém, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho thí sinh; đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục trên cơ sở triển khai thực hiện “Đề án xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020”, ban hành các văn bản quy định để thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nhằm triển khai đồng bộ và hiệu quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học, khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học đăng ký kiểm định chất lượng bởi các tổ chức quốc tế, hướng tới việc công nhận lẫn nhau về tín chỉ, chương trình, bằng cấp giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học có uy tín trên thế giới. Hợp tác và đào tạo quốc tế trong năm học 2010-2011 cũng được chú trọng, trong đó có việc đẩy mạnh ký kết các điều ước và thỏa thuận quốc tế về giáo dục đại học; triển khai rà soát, kiểm tra các chương trình hợp tác đào tạo với nước ngoài giúp các cơ sở đào tạo Việt Nam thực hiện đúng quy định và đảm bảo chất lượng; tiếp tục thực hiện cử lưu học sinh đi học nước ngoài, dự kiến trong năm học 2010-2011 có 1.200 học bổng ngân sách nhà nước, 575 học bổng hiệp định, 200 học bổng diện xử lý nợ và khoảng 100 học bổng từ các nguồn khác.
 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Ban hành Danh mục động, thực vật hoang dã theo Công ước quốc tế (SMS: 59/2010/TT-BNNPTNT) - Ngày 19/10/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Thông tư số 59/2010/TT-BNNPTNT Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đã được bổ sung, sửa đổi và thông qua tại Hội nghị các nước thành viên CITES lần thứ 15. Trong Danh mục này các từ ngữ, ký hiệu dưới đây được hiểu như sau: loài trong các Phụ lục bao gồm tên của một loài nhất định hoặc toàn bộ các loài của một đơn vị phân loại sinh học cao hơn hoặc chỉ một bộ phận xác định của loài. Phụ lục của CITES bao gồm: Phụ lục I là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe doạ tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại; Phụ lục II là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe doạ tuyệt chủng, nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng, nếu việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại những loài này không được kiểm soát; Phụ lục III là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã mà một nước thành viên CITES yêu cầu nước thành viên khác của CITES hợp tác để kiểm soát việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 74/2008/QĐ-BNN ngày 20/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
 
BỘ TÀI CHÍNH

Điều kiện được xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội (SMS: 161/2010/TT-BTC) - Theo Thông tư số 161/2010/TT-BTC ngày 20/10/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, việc xem xét, xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau: khách hàng thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định, đã sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng; khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản; khách hàng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ cho ngân hàng. Việc xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của khách hàng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng trình tự, khách quan và công bằng giữa các đối tượng vay vốn. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trường hợp khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội có tài sản bảo đảm theo quy định, gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, Ngân hàng Chính sách xã hội được quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm theo thoả thuận với khách hàng và theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn. Trường hợp tài sản của khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (tài sản bảo đảm, cây trồng, vật nuôi, gia súc, gia cầm và tài sản khác) có mua bảo hiểm, nếu bị tổn thất thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm; khoản tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm được dùng để hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội , nếu thừa thì trả lại cho khách hàng, nếu thiếu thì phần thiếu được xử lý rủi ro theo Điều 6 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg. Trong thời gian gia hạn nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội tính lãi, thu lãi đối với khách hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và theo chế độ quy định. Trong thời gian khoanh nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội không tính lãi, không thu lãi đối với khách hàng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Thông tư số 65/2005/TT-BTC ngày 16/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành theo Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ chế tài chính cho xây dựng ISO của cơ quan hành chính nhà nước (SMS: 159/2010/TT-BTC) - Công tác quản lý tài chính đối với việc xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư số 159/2010/TT-BTC ngày 15/10/2010. Theo Thông tư này, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, áp dụng, duy trì, hoàn thiện và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước được cân đối trong dự toán chi quản lý hành chính hàng năm, nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) của các bộ, ngành, địa phương. Các nội dung chi này thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành (chế độ công tác phí, hội nghị phí, chi đào tạo bồi dưỡng, điều tra, khảo sát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, mua sắm hàng hoá, trang thiết bị…) và một số mức chi đặc thù được quy định tại Thông tư này. Cụ thể, mức chi cho hoạt động thuê tư vấn đối với các cơ quan hành chính không có mô hình khung cấp bộ, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tối đa 80 triệu đồng/1 cơ quan và tối đa 60 triệu đồng/1 cơ quan đối với cơ quan cấp tổng cục, cục trực thuộc bộ và tương đương lần đầu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; trong trường hợp xây dựng mở rộng hệ thống quản lý chất lượng, đáp ứng yêu cầu Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, mức chi tối đa 50 triệu đồng/1 cơ quan và 40 triệu đồng/1 cơ quan tương ứng với các cấp quản lý nhà nước nêu trên.
Đối với cơ quan hành chính có cán bộ đủ năng lực tự xây dựng hệ thống quản lý chất lượng mà không cần thuê tư vấn đối với một phần hoặc toàn bộ hoạt động tư vấn, thì thủ trưởng cơ quan hành chính sẽ ký hợp đồng với người thực hiện theo phương thức giao khoán, mức giao khoán tối đa không quá 85% mức thuê tư vấn theo quy định, theo khối lượng công việc được giao trong tổng thể hoạt động tư vấn. Trường hợp phải thuê chuyên gia theo tháng, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước quyết định mức thuê chuyên gia trong khung mức chi từ 2.200.000 đồng đến 5.700.000 đồng/1 người/tháng, tuỳ theo trình độ của chuyên gia và nhiệm vụ tư vấn, với điều kiện chuyên gia đảm bảo thời gian làm việc liên tục trong tháng theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 111/2006/TT-BTC ngày 06/12/2006 của Bộ Tài chính.
 

BỘ XÂY DỰNG

Tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng (SMS: 18/2010/TT-BXD) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 18/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 15/10/2010, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt buộc áp dụng trong các hoạt động xây dựng bao gồm: khảo sát và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; lập và thẩm định dự án đầu tư xây dựng; thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng. Tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài được áp dụng trong hoạt động xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện, ngoại trừ các tiêu chuẩn được trích dẫn trong quy chuẩn hoặc văn bản quy phạm pháp luật và phải đảm bảo các yêu cầu sau: đảm bảo tính đồng bộ và tính khả thi của hệ thống các tiêu chuẩn được áp dụng cho dự án trong toàn bộ quá trình khảo sát, thí nghiệm, thiết kế, sản xuất và chế tạo, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; phải phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của pháp luật; trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu được nêu trong các tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc áp dụng do các bộ, ngành quy định. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, ưu tiên sử dụng các tiêu chuẩn quốc gia. Trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, người quyết định đầu tư có thể xem xét, chấp thuận tiêu chuẩn nước ngoài.
Tiêu chuẩn được áp dụng trực tiếp trong các hoạt động xây dựng. Khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn với phiên bản mới nhất. Có thể áp dụng tiêu chuẩn một cách gián tiếp thông qua việc thực hiện các quy định trong các tài liệu và hướng dẫn kỹ thuật, trong đó có viện dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung tiêu chuẩn đó. Người quyết định đầu tư xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở hoặc hệ thống tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài cho các hoạt động xây dựng do mình quản lý.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2010 và thay thế Thông tư số 40/2009/TT-BXD ngày 09/12/2009 của Bộ Xây dựng quy định việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam.