Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Số 42.2009 (449) ngày 27/10/2009
CHÍNH PHỦ | |
Quy chế mới về sử dụng viện trợ phi chính phủ (SMS: 538076) - Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài được Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009. Theo đó, các phương thức cung cấp viện trợ PCPNN gồm viện trợ thông qua các chương trình, dự án và viện trợ phi dự án (bao gồm cả cứu trợ khẩn cấp). Các đối tượng được tiếp nhận viện trợ là các tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của các khoản viện trợ PCPNN tiếp nhận. Viện trợ PCPNN được sử dụng hỗ trợ thực hiện các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và nhân đạo của Việt Nam trong từng thời kỳ, chủ yếu bao gồm: phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo; phát triển hạ tầng cơ sở xã hội (y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, việc làm, dân số); bảo vệ môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phòng chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, dịch bệnh; tăng cường năng lực thể chế, quản lý, kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao nâng lực nghiên cứu và triển khai; các hoạt động nhân đạo... Theo Quy chế này, các khoản viện trợ PCPNN (ngoại trừ cứu trợ khẩn cấp) chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được cơ quan chủ quản thông báo chính thức bằng văn bản cho Bên tài trợ. Không tiếp nhận những hàng hóa thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định của Chính phủ; trong trường hợp cần thiết, việc tiếp nhận phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ngoài việc thỏa thuận tiếp nhận các hàng hóa chưa sử dụng, mới 100%, cơ quan chủ quản chỉ thỏa thuận tiếp nhận hàng hóa đã qua sử dụng nếu có văn bản xác nhận của Bên tài trợ là hàng hóa đó còn hơn 80% so với giá trị sử dụng mới. Hàng hóa thuộc các khoản viện trợ phải được tổ chức bán đấu giá theo quy định hiện hành về bán đấu giá tài sản. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010 và thay thế Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Cán bộ xã biên chế không quá 25 người (SMS: 538075) - Ngày 22/10/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo Nghị định này, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể: cấp xã loại 1 không quá 25 người, cấp xã loại 2 không quá 23 người và cấp xã loại 3 không quá 21 người, bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã. Số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã loại 1 được bố trí tối đa không quá 22 người, cấp xã loại 2 không quá 20 người và cấp xã loại 3 không quá 19 người. Cũng theo quy định tại Nghị định này, cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng, hàng tháng được hưởng 90% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa nói trên, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có); trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20%. Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã khi nghỉ việc đã hết tuổi lao động, có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được đóng tiếp theo quy định tại Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu hàng tháng. Nghị định này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 01/01/2010 và thay thế Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn. Xe khách đường dài phải gắn thiết bị giám sát hành trình (SMS: 538074) - Quy định này sẽ được thực hiện từ ngày 01/7/2011 theo Nghị định số 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vừa được Chính phủ ban hành ngày 21/10/2009. Nghị định này bao gồm các quy định về các hình thức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, ngoài việc phải đảm bảo các điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định này, đến ngày 01/7/2011, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách bằng xe taxi phải được gắn phù hiệu; phương tiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch phải được gắn biển hiệu. Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có giá trị 07 năm và được cấp cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gồm có: giấy đề nghị cấp giấy phép (theo mẫu); bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đỗ xe hoặc hợp đồng thuê đất đỗ xe, văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải; phương án kinh doanh; danh sách xe kèm theo bản phô tô giấy đăng ký xe, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; hợp đồng và bản nghiệm thu việc gắn thiết bị giám sát hành trình của xe. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép, trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2009 và thay thế Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28/9/2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất (SMS: 538004) - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2009/NĐ-CP ngày 20/10/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất, bao gồm các hành vi vi phạm các quy định về: sản xuất, kinh doanh hóa chất; vận chuyển hóa chất nguy hiểm; cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất; khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm; xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh hóa chất; xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất; quảng cáo hóa chất; phân loại, ghi nhãn hóa chất; bao gói hóa chất; phiếu an toàn hóa chất; sử dụng hóa chất cho thí nghiệm, nghiên cứu khoa học; xử lý hóa chất bị thải bỏ trong sử dụng; khai báo, đăng ký hóa chất mới... Theo Nghị định này, các mức xử phạt hành chính được quy định cụ thể như sau: phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân đưa cơ sở sản xuất hóa chất vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu, bàn giao và chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện cho phép sản xuất hóa chất hoặc trường hợp không có hoặc để hư hỏng nội quy, quy trình sản xuất, quy trình vận hành thiết bị tại các vị trí sản xuất theo quy định; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất không nằm trong danh mục hóa chất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc sử dụng nguyên liệu sản xuất, kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc; phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức sản xuất, kinh doanh hóa chất khi chưa được cấp phép hoặc sửa chữa, thay đổi kết cấu, cấu trúc bộ phận xây dựng nhà xưởng vi phạm các yêu cầu về che chắn, bảo vệ bên trong nhà xưởng, các yêu cầu về lối thoát nạn, khả năng chịu lực, chịu lửa của công trình, vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường lao động; phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi lấy cắp hóa chất nguy hiểm tại kho bảo quản hóa chất nguy hiểm. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được giao quyết định xử phạt; nếu không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2009 và thay thế Nghị định số 31/2007/NĐ-CP ngày 02/3/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất nguy hiểm. Thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (SMS: 538006) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 20/10/2009 về thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Đây là hệ thống thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có quy định về thủ tục hành chính được công khai trên Trang thông tin điện tử về thủ tục hành chính tại địa chỉ http://www.thutuchanhchinh.vn; được thiết lập trên cơ sở các quyết định công bố thủ tục hành chính hoặc thủ tục giải quyết công việc của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và của người đứng đầu các cơ quan khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung của cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính gồm có: thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có liên quan đến cá nhân, tổ chức; các thủ tục hành chính hết hiệu lực thi hành hoặc bị huỷ bỏ, bãi bỏ; văn bản quy định về thủ tục hành chính; các ý kiến của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và các nội dung khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với những thủ tục hành chính mới được ban hành, trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày văn bản quy định về thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành, những người có thẩm quyền nêu trên ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính. Đối với thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng chưa có trong cơ sở dữ liêu quốc gia về thủ tục hành chính hoặc có sự khác biệt giữa nội dung thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và thủ tục hành chính được công bố trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính thì được áp dụng theo đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; người có thẩm quyền chịu trách nhiệm công bố và ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày phát hiện có sự khác biệt về nội dung hoặc phát hiện thủ tục hành chính chưa được công bố. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Nghị định về cấp chứng nhận chủ quyền nhà, đất (SMS: 537979) - Ngày 19/10/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là giấy chứng nhận). Theo Nghị định này, giấy chứng nhận được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo từng thửa đất. Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một giấy chứng nhận chung cho các thửa đất đó. Thửa đất có nhiều người sử dụng đất, nhiều chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì giấy chứng nhận được cấp cho từng người sử dụng đất, từng chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận được cấp cho người đề nghị cấp giấy sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn hoặc được ghi nợ. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc sở tài nguyên và môi trường (văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh); người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cộng đồng dân cư tại phường nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện (văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện); người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cộng đồng dân cư tại xã, thị trấn nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc UBND xã, thị trấn nơi có đất, tài sản gắn liền với đất. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, UBND xã, thị trấn khi nhận hồ sơ có trách nhiệm viết giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ; trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc phải kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết nếu cần phải hoàn thiện, bổ sung hồ sơ. Về thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, Nghị định này quy định như sau: không quá 50 ngày làm việc đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận lần đầu; không quá 30 ngày làm việc đối với trường hợp cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà có nhu cầu bổ sung chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp lại giấy chứng nhận bị mất và không quá 20 ngày làm việc đối với các trường hợp cấp đổi giấy chứng nhận khác. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2009. Bãi bỏ các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại các văn bản pháp luật có liên quan. |
BỘ TÀI CHÍNH | |
Chi phí giao, bán doanh nghiệp nhà nước (SMS: 538093) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 202/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính về tài chính trong bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chi phí bán, giao doanh nghiệp là các khoản chi phí liên quan đến bán, giao doanh nghiệp từ thời điểm quyết định bán, giao doanh nghiệp đến thời điểm thực hiện xong việc bàn giao doanh nghiệp cho bên nhận mua, nhận giao doanh nghiệp. Chi phí bán, giao doanh nghiệp bao gồm: chi phí kiểm kê, xác định giá trị tài sản; chi phí lập phương án bán, giao doanh nghiệp; chi phí tổ chức đại hội công nhân, viên chức doanh nghiệp để triển khai bán, giao doanh nghiệp; chi phí hoạt động tuyên truyền, quảng cáo, công khai thông tin; chi phí tổ chức đấu giá; chi phí thuê kiểm toán, tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp (nếu có); chi phí cho ban đổi mới tại doanh nghiệp và các chi phí khác liên quan đến bán, giao doanh nghiệp. Tổng mức chi phí bán doanh nghiệp tối đa không vượt quá 50 triệu đồng đối với doanh nghiệp có giá trị dưới 01 tỷ đồng, 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp có giá trị từ 01 đến 05 tỷ đồng, 150 triệu đồng đối với doanh nghiệp có giá trị từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng và 200 triệu đồng đối với doanh nghiệp có giá trị trên 10 tỷ đồng. Tổng mức chi phí giao doanh nghiệp tối đa không vượt quá 50 triệu đồng đối với doanh nghiệp có giá trị dưới 05 tỷ đồng, 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp có giá trị từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng và 150 triệu đồng đối với doanh nghiệp có giá trị trên 10 tỷ đồng. Chi phí bán doanh nghiệp được trừ vào tiền thu được do bán doanh nghiệp, nếu tiền thu từ bán doanh nghiệp không đủ bù đắp chi phí bán doanh nghiệp thì được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; chi phí giao doanh nghiệp được trừ vào giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nếu chi phí giao doanh nghiệp theo dự kiến lớn hơn giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì chuyển sang hình thức sắp xếp khác theo quy định. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 109/2005/TT-BTC ngày 08/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về tài chính trong giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước. |
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | |
Buộc thôi học đối với học sinh sử dụng ma tuý (SMS: 538078) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy định về công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân kèm theo Thông tư số 31/2009/TT-BGDĐT ngày 23/10/2009. Quy định này được áp dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan với yêu cầu đây là nhiệm vụ thường xuyên của các nhà trường, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường với địa phương và gia đình người học. Hình thức và thủ tục xử lý đối với người học, cán bộ, nhà giáo có liên quan đến tệ nạn ma tuý được quy định cụ thể tại Thông tư này. Theo đó, trường hợp người học vi phạm quy định về sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng ma tuý là người đang làm thủ tục nhập học thì bị thu hồi giấy triệu tập nhập học, nếu là người đang theo học trong các cơ sở giáo dục thì kỷ luật buộc thôi học, đồng thời thông báo cho gia đình và cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp cán bộ, nhà giáo thuộc biên chế nhà nước có liên quan đến các tệ nạn ma tuý thì xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định số 53/CP ngày 28/6/1994 của Chính phủ quy định các biện pháp đối với cán bộ, viên chức nhà nước và những người có hành vi liên quan đến mại dâm, ma tuý, cờ bạc và say rượu bê tha, Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức...; trường hợp cán bộ, nhà giáo làm việc theo chế độ hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện; các trường hợp nhà giáo bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên (trừ bị buộc thôi việc) thì nhà trường cho chuyển công tác khác, không bố trí tiếp tục giảng dạy trong thời gian bị kỷ luật. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/12/2009 và thay thế Quyết định số 48/2006/QĐ-BGDĐT ngày 25/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về việc xử lý người học có liên quan đến tệ nạn ma tuý. Chế độ làm việc của giáo viên phổ thông (SMS: 538077) - Ngày 21/10/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. Văn bản này quy định chế độ làm việc đối với giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm: nhiệm vụ của giáo viên, thời gian làm việc trong một năm, định mức tiết dạy, chế độ giảm định mức tiết dạy và quy đổi các hoạt động khác ra tiết dạy; áp dụng đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, giáo viên làm công tác quản lý ở các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, gồm trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường lớp dành cho người khuyết tật; không áp dụng với giáo viên giảng dạy ở cơ sở giáo dục phổ thông của nước ngoài mở tại Việt Nam và giáo viên giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục phổ thông. |