Số 42.2006 (296) ngày 27/10/2006

 CHÍNH PHỦ


Sử dụng thiết bị kỹ thuật kiểm tra giao thông
(SMS: 202010)
- Ngày 24/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 238/2006/QĐ-TTg quy định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát nhân dân được sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong hoạt động tuần tra, kiểm soát để phát hiện, lập biên bản vi phạm và xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đó là: máy đo tốc độ có ghi hình ảnh, máy đo nồng độ cồn, máy quay Camera chuyên dụng, máy ghi âm chuyên dụng, máy chụp ảnh chuyên dụng, cân tải trọng xe cơ giới, máy định vị vệ tinh, thiết bị đo lưu tốc dòng chảy, thiết bị đo độ sâu của nước, thiết bị đo gió, thiết bị đo, thử chất ma tuý, thiết bị chống bức xạ, thiết bị đánh dấu hoá chất, đèn soi tia cực tím.
Ngoài các phương tiện, thiết bị kỹ thuật trên, lực lượng Cảnh sát nhân dân khi tham gia phối hợp được sử dụng các phương tiện, nghiệp vụ chuyên ngành Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các phương tiện kỹ thuật khác trong công tác tuần tra, kiểm soát về trật tự an toàn giao thông.
Thủ tướng giao Bộ Công an quy định cụ thể việc sử dụng và quản lý các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành các quy định cụ thể về cơ chế phối hợp sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên ngành; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Sửa đổi quy định về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức
(SMS: 202006)
- Ngày 23/10/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Nghị định này bổ sung thêm các đối tượng sau được ưu tiên trong tuyển dung: con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19/8/1945 trở về trước); con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; con anh hùng lực lượng vũ trang, con anh hùng lao động; cán bộ, công chức cấp xã có thời gian làm việc liên tục tại cơ quan, tổ chức cấp xã từ ba năm trở lên.
Trường hợp số người đăng ký tuyển dụng cao hơn nhiều so với số lượng cần tuyển thì Hội đồng tuyển dụng có thể tổ chức sơ tuyển trước khi tổ chức tuyển dụng chính thức...
Nội dung xét tuyển bao gồm: Yêu cầu, tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch tuyển dụng; Kết quả học tập trung bình toàn khoá của người dự tuyển; Đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng... Trường hợp nhiều người có kết quả xét bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thì Hội đồng tuyển dụng bổ sung nội dung phỏng vấn để lựa chọn người có kết quả cao nhất trúng tuyển...

Hợp đồng làm việc không có thời hạn áp dụng đối với các trường hợp đã có hai lần liên tiếp ký hợp đồng làm việc...

Người thử việc được hưởng các chế độ tiền thưởng và phúc lợi khác như viên chức có cùng ngạch, bậc lương đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp.
Cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn và điều kiện của viên chức được cử dự thi...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 5 năm (2006 - 2010)
(SMS: 202009)
- Theo Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành kèm theo Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23/10/2006, Nhà nước sẽ tạo môi trường về pháp luật và các cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển...
Thủ tướng yêu cầu: sửa đổi, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương; khuyến khích phát triển các loại hình ngân hàng, ngân hàng thương mại cổ phần chuyên phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó bao gồm cả việc phát triển nghiệp vụ cho thuê tài chính và áp dụng biện pháp cho vay không có bảo đảm bằng tài sản thế chấp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án khả thi, có hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư và kinh doanh...
Phát triển thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh (cả về phía cung và phía cầu), hoàn thiện môi trường pháp lý về hoạt động cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh, chú trọng quản lý về chất lượng các dịch vụ. Khuyến khích các tổ chức Hiệp hội thực hiện các dịch vụ phát triển kinh doanh; tích cực triển khai các chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia xây dựng thể chế, chính sách và các chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng cường vai trò hỗ trợ của Hiệp hội và thực sự là đại diện lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phòng, chống tham nhũng
(SMS: 202005)
- Ngày 20/10/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc cung cấp thông tin; chịu trách nhiệm về việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin phải thực hiện việc cung cấp thông tin khi nội dung thông tin được yêu cầu đáp ứng các điều kiện: thuộc phạm vi công khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này; thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu; chưa được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai. Nếu thông tin được yêu cầu đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai thì trong văn bản trả lời phải có hướng dẫn cách thức tiếp cận thông tin đó...
Đối với việc cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng cho bộ, ngành, địa phương, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm cung cấp thông tin trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cung cấp thông tin. Trong trường hợp thông tin được yêu cầu cung cấp phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề nghị biết và nêu rõ lý do...
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu chung về phòng, chống tham nhũng. Việc xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu chung này bao gồm: tiếp nhận, thống kê, tổng hợp, xử lý, lưu trữ các thông tin, dữ liệu báo cáo của các cơ quan, tổ chức, địa phương về tình hình phòng, chống tham nhũng; bảo đảm sự trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu thông suốt giữa các cơ quan có trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng; tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng...
Người có trách nhiệm tiếp nhận tố cáo không tiếp nhận tố cáo, cố tình trì hoãn hoặc không chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ đối với người làm công tác thể thao
(SMS: 20219)
- Ngày 18/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao.
Theo đó, trả công bằng tiền theo ngày cho các huấn luyện viên, vận động viên thể thao là người Việt Nam trong thời gian tập trung lập huấn và thi đấu như sau: Huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia: 150.000 đồng/người/ngày; Huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển trẻ quốc gia: 100.000 đồng; : 100.000 đồng; Huấn luyện viên đội tuyển trẻ quốc gia, Huấn luyện viên đội tuyển của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 75.000...
Vận động viên đội tuyển quốc gia: 70.000 đồng/người/ngày; Vận động viên đội tuyển trẻ quốc gia, Vận động viên đội tuyển của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 50.000 đồng...
Huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu nếu bị ốm đau, phải nghỉ tập luyện, nghỉ thi đấu, bị tai nạn hoặc chết thì được giải quyết trợ cấp và bồi thường như sau: Nếu bị ốm đau được chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh và được hưởng trợ cấp bằng 75% mức tiền công hiện hưởng trong những ngày nghỉ ốm đau; Nếu bị tai nạn trong khi luyện tập thi đấu thì được chi trả toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật; tiền trợ cấp bằng 100% mức tiền công trong thời gian điều trị...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài
(SMS: 20214)
- Ngày 16/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 231/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng và quản lý hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia.
Quy chế này áp dụng đối với việc xây dựng và quản lý hệ thống chỉ tiêu chung về nợ nước ngoài của quốc gia, các ngưỡng an toàn nợ, hạn mức vay nợ, trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan có liên quan trong việc đánh giá tình trạng nợ nước ngoài, nhằm xây dựng và điều chỉnh chiến lược, chính sách vay nợ của Chính phủ cho phù hợp, đảm bảo an toàn nợ quốc gia.
Nguyên tắc của việc đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài là thực hiện liên tục, thường xuyên; việc đánh giá, giám sát nợ nước ngoài phải kết hợp với đánh giá, giám sát nợ trong nước của Chính phủ và giám sát các nghĩa vụ nợ dự phòng; đảm bảo các quy định, hướng dẫn phải được tuân thủ, các kiến nghị đề xuất phải kịp thời, cụ thể và có tính khả thi.
Các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia được đánh giá, giám sát theo ngưỡng an toàn nợ bao gồm: giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với GDP; giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (PV FD/EX); giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ hàng năm so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm so với thu ngân sách nhà nước; dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng số nợ nước ngoài ngắn hạn...
Hàng năm, tiến hành phân tích Danh mục nợ quốc gia và Danh mục nợ Chính phủ theo các chỉ tiêu nợ nước ngoài; so sánh với các ngưỡng an toàn về nợ nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành và báo cáo Chính phủ trong quý I năm sau. Đồng thời, hai năm một lần tiến hành phân tích bền vững nợ; kiến nghị các biện pháp điều chỉnh Chính sách vay nợ nước ngoài trung và dài hạn, đảm bảo an toàn nợ, báo cáo Chính phủ trước cuối tháng 6 năm sau...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Bồi thường thiệt hại vi phạm lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống phí
(SMS: 202012)
- Ngày 20/10/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 98/2006/TT-BTC hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thông tư này còn mở rộng tới các đối tượng là cán bộ, công chức được điều động sang làm việc tại các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; cán bộ công chức đang nghỉ chế độ chờ làm thủ tục hưu trí; cán bộ, công chức sau khi điều động công tác về các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mới phát hiện vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không trực tiếp vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng để xảy ra vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, lĩnh vực công tác được giao quản lý phải bị xử lý kỷ luật theo các hình thức sau: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được loại trừ trong trường hợp họ không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lãng phí như: ban hành quy chế, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra, thực hiện đúng quy định về công khai để bảo đảm quyền giám sát của tổ chức, công dân...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Mẫu các văn bản thực hiện thủ tục đầu tư
(SMS: 202007)
- Ngày 19/10/2006, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 1088/2006/QĐ-BKH về việc ban hành các mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam.
Ban hành kèm theo Quyết định này là 21 mẫu văn bản quy định cho nhà đầu tư: áp dụng chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; mẫu Giấy chứng nhận đầu tư: cấp cho trường hợp thực hiện dự án đầu tư không gắn với thành lập doanh nghiệp/hoặc Chi nhánh; cấp cho trường hợp thực hiện dự án đầu tư gắn với thành lập Chi nhánh; cấp cho trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 01/7/2006 chưa đăng ký lại và không đăng ký lại...
Tất cả các mẫu văn bản này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết cách ghi tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Quyết định...

Mẫu các văn bản thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Giấy chứng nhận đầu tư được in trên khổ A4, có hình hoa văn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành, có hiệu lực kể từ ngày 19/10/2006.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Hướng dẫn về Hợp đồng cho thuê tài chính
(SMS: 202011)
- Ngày 23/10/2006, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2006/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động bán khoản phải thu từ Hợp đồng cho thuê tài chính theo quy định tại Nghị định số 65/2005/NĐ-CP quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2001/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính.
Theo đó, trong giao dịch bán khoản phải thu, bên bán vẫn nắm giữ quyền sở hữu đối với các tài sản cho thuê và tiếp tục thu hồi tiền thuê từ bên thuê để trả cho bên mua. Giao dịch bán khoản phải thu được thực hiện dưới hình thức bán khoản phải thu kèm theo quyền truy đòi. Hợp đồng bán khoản phải thu là căn cứ pháp lý bảo đảm cho bên mua có quyền truy đòi bên bán...
Điều kiện đối với khoản phải thu được bán: Tài sản cho thuê liên quan đến Hợp đồng bán khoản phải thu: Thuộc sở hữu hợp pháp của bên bán, không sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, không có tranh chấp liên quan đến tài sản cho thuê, tài sản cho thuê đang hoạt động bình thường; Bên thuê liên quan Hợp đồng bán khoản phải thu: cho đến thời điểm khoản phải thu được chào bán, bên thuê đã thanh toán tiền thuê đầy đủ, đúng hạn theo Hợp đồng cho thuê tài chính.
Trường hợp Hợp đồng bán khoản phải thu bị chấm dứt trước hạn, bên bán phải trả cho bên mua toàn bộ số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ số tiền bên bán đã trả cho bên mua theo Hợp đồng bán khoản phải thu; Bên bán phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên mua theo quy định tại Hợp đồng bán khoản phải thu. Trường hợp bên bán không trả tiền mua khoản phải thu còn lại trong thời hạn do bên mua yêu cầu, thì bên mua được quyền khởi kiện bên bán theo quy định của pháp luật...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.