Số 41.2010 (499) ngày 19/10/2010

 

CHÍNH PHỦ


Ứng trước vốn ngân sách 2011 cho một số dự án (SMS: 1897/QD-TTg) - Ngày 15/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1897/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính ứng trước 6.467,5 tỷ đồng dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, bao gồm nguồn ngân sách Trung ương 1.980 tỷ đồng và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 4.487,5 tỷ đồng để bổ sung vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2010 theo danh mục và mức ứng vốn cụ thể ban hành kèm theo Quyết định này. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo danh mục và mức vốn ứng trước kế hoạch năm 2011 cho các bộ, ngành và địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương được ứng trước vốn chịu trách nhiệm bố trí, quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng quy định; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để các công trình, dự án được ứng vốn hoàn thành trong năm 2010; định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện dự án và tiến độ giải ngân về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2011 để hoàn trả các khoản ứng trước theo đúng quy định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Không thu hồi kinh phí hỗ trợ sản xuất thử nghiệm sản phẩm (SMS: 62/2010/QD-TTg) - Tại văn bản số 62/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định không thu hồi kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm được phê duyệt theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006, số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25/01/2007, số 97/2007/QĐ-TTg ngày 29/6/2007, số 61/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007, số 114/2007/QĐ-TTg ngày 23/7/2007, số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007, số 159/2008/QĐ-TTg ngày 04/12/2008 và số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2010.

Các biện pháp bình ổn thị trường những tháng cuối năm (SMS: 1875/CT-TTg) - Để bảo đảm đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng cả năm ở mức khoảng 8%, bình ổn giá cả thị trường những tháng cuối năm, ngày 11/10/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 1875/CT-TTg yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất đã được đề ra tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 của Chính phủ, trong đó, cần chú trọng việc tiếp tục chỉ đạo, áp dụng các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường; tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn hàng, tuân thủ các quy định về giá. Các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng chậm nhất là trong quý IV năm 2010 phải hoàn thành và công bố quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối các sản phẩm chủ yếu như xăng dầu, phân bón, thép xây dựng, xi măng, lương thực, thuốc chữa bệnh theo chủ trương của Chính phủ tại Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 20/4/2009 của Văn phòng Chính phủ.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về: thuế, kiểm soát siêu lợi nhuận, chống liên kết độc quyền nâng giá và đầu cơ trái pháp luật, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo quy định hiện hành, nhất là các mặt hàng: thuốc chữa bệnh, sản phẩm sữa, thép xây dựng và vật liệu xây dựng, khí ga …; tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký, niêm yếu giá và bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về định giá, liên kết định giá để thu lợi bất hợp lý; điều hành giữ ổn định giá điện, giá than bán cho các hộ sản xuất điện, xi măng, phân bón, giấy theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu.

Chính sách đối với doanh nghiệp phục vụ quốc phòng, an ninh (SMS: 104/2010/ND-CP) - Ngoài những quyền và nghĩa vụ như của doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được Nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ để phục vụ mục tiêu hoạt động trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. Đó là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định số 104/2010/NĐ-CP ngày 11/10/2010 của Chính phủ về tổ chức, quản lý và hoạt động của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh). Theo Nghị định này, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được đăng ký hoạt động dưới loại hình công ty TNHH một thành viên. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập mới loại doanh nghiệp này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập mới. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập những doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.
Ngoài những quy định chung về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được áp dụng chính sách của Nhà nước đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt quy định tại Điều 8 Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng. Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được hạch toán một số khoản chi phí đặc thù vào chi phí sản xuất kinh doanh bao gồm: các khoản chi cho công tác quốc phòng, công tác phục vụ quốc phòng, quan hệ quân dân. Hằng năm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tổ chức đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc giao nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thuộc dự toán chi của ngân sách Trung ương. Cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch, giá hoặc phí sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật. Danh mục sản phẩm, dịch vụ và nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh cũng được ban hành kèm theo Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2010.
 

 

BỘ CÔNG AN


Thủ tục cấp phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp (SMS: 35/2010/TT-BCA) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 35/2010/TT-BCA ngày 11/10/2010 của Bộ Công an, tổ chức được cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải là tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận chuyển hoặc có giấy phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự do cơ quan có thẩm quyền cấp, có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp về cháy, nổ trên đường vận chuyển. Người áp tải, người điều khiển phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải đủ 18 tuổi trở lên, có lý lịch rõ ràng, không có tiền án, tiền sự; có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về vật liệu nổ công nghiệp và các biện pháp bảo đảm an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp. Phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải có đủ điều kiện để được tham gia giao thông theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; có giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan đăng kiểm cấp; đáp ứng quy định của Quy chuẩn QCVN 02:2008/BCT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp.
Cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết việc cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho một lượt vận chuyển và phải được trả lại cho cơ quan đã cấp giấy phép trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hoàn tất việc vận chuyển. Trường hợp vật liệu nổ công nghiệp có số lượng lớn, phải vận chuyển bằng nhiều phương tiện trong cùng một chuyến thì chỉ cấp một giấy phép vận chuyển; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau (đường bộ, đường sắt, đường thủy) thì mỗi loại phương tiện vận chuyển được cấp riêng một giấy phép. Trường hợp trên đường vận chuyển gặp sự cố bất khả kháng mà việc vận chuyển không thể đúng thời gian, tuyến đường đã ghi trong giấy phép hoặc phải thay đổi phương tiện, thay người áp tải, người điều khiển phương tiện thì trước khi vận chuyển tiếp phải có văn bản xác nhận của cơ quan công an từ cấp xã trở lên về sự cố bất khả kháng đó.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2010.
 

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Quy chế xét tuyển vào hệ dự bị đại học (SMS: 25/2010/TT-BGDDT) - Ngày 13/10/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 25/2010/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển chọn, tổ chức bồi dưỡng và xét tuyển vào học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đối với học sinh hệ dự bị đại học. Quy chế này áp dụng đối với các trường dự bị đại học (trường DBĐH), trường dự bị đại học dân tộc (trường DBĐHDT), trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Đối tượng tuyển chọn là học sinh thuộc nhóm ưu tiên 1 (ƯT1) và thuộc khu vực 1 (KV1) quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành, có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên tính đến ngày xét tuyển thuộc đối tượng được xét vào học hệ DBĐH.
Theo Quy chế này, điều kiện tuyển chọn đối với trường DBĐH là: đã tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, trung học nghề đã dự thi tuyển sinh đại học hệ chính quy các khối A, B, C, D (trừ các ngành năng khiếu) nhưng không trúng tuyển, không có môn thi nào bị điểm không (0) và ngay trong năm dự thi tuyển sinh đại học hệ chính quy, đạt điểm vào học hệ DBĐH do các cơ sở giáo dục có chỉ tiêu hệ DBĐH, trường DBĐH quy định. Đối với trường DBĐHDT, học sinh là người dân tộc thiểu số đủ điều kiện quy định nói trên, nhưng chưa được tuyển chọn vào các trường DBĐH hoặc các cơ sở giáo dục có chỉ tiêu tuyển hệ DBĐH, thì được tuyển chọn vào học ở các trường DBĐHDT. Mỗi học sinh chỉ được học một lần hệ DBĐH; các đối tượng đang học hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục không được xét tuyển vào học hệ DBĐH.
Học sinh thuộc đối tượng và đủ điều kiện tuyển chọn, trước ngày 20/9 năm dự thi đại học nộp đơn đăng ký xét tuyển vào học hệ DBĐH theo mẫu quy định (phụ lục I) tại các cơ sở giáo dục có chỉ tiêu tuyển hệ DBĐH theo phân vùng quy định (phụ lục IV). Khi nhận được giấy triệu tập trúng tuyển vào học hệ DBĐH, học sinh đến tập trung và nộp hồ sơ trúng tuyển đúng thời hạn ghi trong giấy triệu tập. Hồ sơ trúng tuyển bao gồm: bản chính học bạ tốt nghiệp trung học phổ thông; giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, trung học nghề do hiệu trưởng nhà trường cấp đối với những học sinh đăng ký học ngay trong năm tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, trung học nghề đối với những học sinh đã tốt nghiệp các năm trước; bản sao hợp lệ hộ khẩu thường trú của học sinh; bản sao hợp lệ giấy khai sinh; bản sao hợp lệ các giấy tờ xác nhận đối tượng ưu tiên như giấy chứng nhận con liệt sĩ, thẻ thương binh hoặc thẻ chứng nhận được hưởng chính sách như thương binh của bản thân hoặc của bố mẹ (nếu có); bản chính giấy chứng nhận kết quả điểm thi hoặc phiếu báo điểm thi tuyển sinh đại học hệ chính quy do các trường tổ chức thi cấp.  
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/11/2010 và thay thế Quyết định số 09/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 29/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển chọn, tổ chức đào tạo học sinh hệ dự bị đại học và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đối với học sinh hệ dự bị đại học.
 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Chế độ tài chính đối với Cục Sở hữu trí tu (SMS: 158/2010/TT-BTC) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 158/2010/TT-BTC ngày 12/10/2010 hướng dẫn chế độ tài chính đối với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ được áp dụng chế độ tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Cục Sở hữu trí tuệ được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng của đơn vị theo đúng quy định của pháp luật; hoạt động cung cấp dịch vụ của Cục Sở hữu trí tuệ phải hạch toán riêng, bảo đảm có lãi, không lấy lãi của hoạt động do Nhà nước giao bù lỗ cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ.
Cục Sở hữu trí tuệ được để lại 85% từ nguồn thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp để phục vụ hoạt động của Cục và đầu tư phát triển sự nghiệp sở hữu trí tuệ. Cục có trách nhiệm nộp 15% số tiền phí, lệ phí sở hữu công nghiệp vào ngân sách nhà nước: định kỳ hàng tháng và kết thúc mỗi năm tài chính có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán 15% số tiền phí, lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản, mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Kinh phí không thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp (nếu có), gồm: kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước, cấp bộ, các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng (điều tra, quy hoạch, khảo sát, nhiệm vụ khác); kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao; kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo chế độ do nhà nước quy định; kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức; vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung của nhà nước; vốn đối ứng thực hiện các dự án được cấp có thẩm quyền giao.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký và được thực hiện kể từ năm ngân sách 2010; được ổn định trong thời gian 3 năm.

Quy định mới về lệ phí cấp phép hoạt động khoáng sản (SMS: 155/2010/TT-BTC) - Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02/6/2010 của Chính phủ về đơn giản hoá 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành, ngày 11/10/2010 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số  hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản, thay thế cho Thông tư số 184/2009/TT-BTC ngày 15/9/2009. Thông tư này quy định rõ việc không thu lệ phí độc quyền thăm dò đối với các trường hợp: thời hạn có hiệu lực của giấy phép thăm dò, kể cả thời gian được gia hạn ít hơn mười hai tháng; hoạt động thăm dò trong khu vực tổ chức, cá nhân được phép khai thác; trường hợp trả lại giấy phép thăm dò hoặc trả lại một phần diện tích độc quyền thăm dò khoảng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thì không phải nộp lệ phí độc quyền thăm dò đối với thời gian còn lại kể từ ngày giấy phép thăm dò được trả lại hoặc không phải nộp lệ phí độc quyền thăm dò đối với phần diện tích độc quyền thăm dò trả lại. Mức thu lệ phí cấp giấy phép đối với hoạt động thăm dò khoáng sản cụ thể như sau: diện tích thăm dò nhỏ hơn 100 ha, mức thu là 4.000.000 đồng/01 giấy phép; diện tích thăm dò từ 100 ha đến 50.000 ha, mức thu là 10.000.000 đồng/01 giấy phép; diện tích thăm dò trên 50.000 ha, mức thu là 15.000.000 đồng/01 giấy phép. Trường hợp cấp gia hạn giấy phép, cấp lại giấy phép khi chuyển nhượng, thừa kế thì người được gia hạn giấy phép, người được chuyển nhượng, thừa kế phải nộp lệ phí tính bằng 50% mức lệ phí tương ứng với các mức thu nêu trên.
Mức thu lệ phí đối với hoạt động khai thác được qui định tại “Biểu mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản” đính kèm Thông tư này với mức thu nhỏ nhất là 01 triệu đồng/01 giấy phép đối với giấy phép khai thác cát, sỏi lòng suối có công suất khai thác dưới 5.000 m3/năm và lớn nhất là 100 triệu đồng/01 giấy phép đối với giấy phép khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2010.
 

 

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG


Đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học (SMS: 19/2010/TT-BTNMT) - Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 19/2010/TT-BTNMT ngày 12/10/2010 về đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam (gọi tắt là chế phẩm sinh học), tổ chức, cá nhân có chế phẩm sinh học phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trước khi đưa vào lưu hành, sử dụng. Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên cơ sở kết quả khảo nghiệm và kết luận của hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học. Tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học phải trả phí và lệ phí theo quy định.
Chế phẩm sinh học được cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học phải lập thành Danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường. Chế phẩm sinh học phải đăng ký lưu hành bao gồm: chế phẩm sinh học sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu chưa có tên trong Danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam; chế phẩm sinh học có tên trong Danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam nhưng có thay đổi về thành phần hoặc hàm lượng các hoạt chất trong chế phẩm sinh học làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý và tính an toàn đối với sức khỏe con người và sinh vật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2010. Tổ chức, cá nhân có chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam đã đăng ký lưu hành trước khi Thông tư này có hiệu lực có trách nhiệm thống kê, gửi danh mục chế phẩm sinh học đang lưu hành về Tổng cục Môi trường để đưa vào Danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam.
 

 

LIÊN BỘ


ớng dẫn lập dự toán kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (SMS: 157/2010/TTLT-BTC-BTP) - Liên Bộ Tài chính - Tư pháp ngày 12/10/2010 đã ban hành Thông tư số 157/2010/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc lập dự toán, cấp phát, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư liên tịch này hướng dẫn thêm một số điểm đặc thù đối với Chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành. Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương: căn cứ chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương đã được bộ trưởng các bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt, cơ quan được giao nhiệm vụ đầu mối tổ chức và triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ lập dự toán kinh phí thực hiện chương trình để tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của các bộ, ngành, địa phương báo cáo các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (đối với nguồn ngân sách Trung ương) được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các bộ, ngành Trung ương chủ trì hoạt động của Chương trình. Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch thực hiện Chương trình do Ban Chỉ đạo Chương trình lập trong phạm vi hoạt động của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan chủ trì hoạt động của Chương trình lập dự toán chi tiết kinh phí thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan mình gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Chương trình, lập dự toán các hoạt động được phân công phối hợp để triển khai Chương trình trên địa bàn để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách của địa phương. Việc bố trí ngân sách để thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành phải bảo đảm không được trùng lắp với kinh phí bố trí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý của các bộ, ngành, địa phương và kinh phí từ các nguồn viện trợ, tài trợ khác (nếu có) dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.