Số 41.2008 (397) ngày 17/10/2008

 CHÍNH PHỦ


Đào tạo đại học
(SMS: 506593)
- Ngày 15/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1505/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015".
Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể, đến hết năm 2015, một số trường đại học triển khai thực hiện được ít nhất 30 chương trình đào tạo cử nhân tiên tiến; đào tạo khoảng 4.000 cử nhân, 600 thạc sĩ, tiến sĩ; thu hút khoảng 3.000 sinh viên quốc tế đến học tập và ít nhất 700 lượt cán bộ khoa học quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu; có ít nhất 100 công trình khoa học thực hiện đào tạo theo chương trình tiên tiến được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín ở nước ngoài và có trên 20 phòng thí nghiệm, 15 thư viện điện tử được đầu tư, hoàn thiện đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, có một số trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới.
Chương trình tiên tiến được áp dụng thực hiện là chương trình do các cơ sở đào tạo thiết kế, xây dựng phù hợp dựa trên cơ sở của chương trình đào tạo đang được áp dụng ở trường đại học tiên tiến trên thế giới (gọi là chương trình gốc) và được giảng dạy bằng tiếng Anh; có các môn học Khoa học Mác-Lênin theo quy định bắt buộc đối với sinh viên Việt Nam.
Chương trình gốc phải được chọn từ các chương trình đào tạo của các trường đại học thuộc nhóm 200 trường đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của các hiệp hội, tổ chức giáo dục có uy tín trên thế giới hoặc thuộc nhóm 20% những chương trình đào tạo tốt nhất trong bảng xếp hạng các ngành đào tạo của các hiệp hội, tổ chức kiểm định giáo dục cấp quốc gia hoặc quốc tế; có nội dung tiên tiến, gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của nước ta và phù hợp với năng lực triển khai thực hiện của trường đại học được áp dụng.
Giảng viên giảng dạy chương trình tiên tiến phải có trình độ thạc sĩ trở lên, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu giảng dạy, đồng thời được tạo điều kiện để bảo đảm có tối thiểu 40% quỹ thời gian cho nghiên cứu khoa học; thành lập các nhóm nghiên cứu, tạo cơ chế để khuyến khích thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ; hợp tác nghiên cứu với nước ngoài.
Sinh viên theo học chương trình tiên tiến là những sinh viên trúng tuyển vào đại học hệ chính quy; có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu học tập; tự nguyện đăng ký theo học chương trình tiên tiến và đóng học phí theo quy định của cơ sở đào tạo.
Thời gian đào tạo theo chương trình tiên tiến của một khóa học là từ 4,5 đến 5 năm, trong đó năm đầu tập trung đào tạo tăng cường tiếng Anh cho sinh viên; bằng tốt nghiệp khóa đào tạo do trường đại học của Việt Nam cấp hoặc cả trường của Việt Nam và nước ngoài cùng cấp.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2008.


Quy chế hoạt động khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng
(SMS: 506588)
- Ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 138/2008/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Theo Quyết định này, sẽ xây dựng và phát triển
Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (KKT)
thành vùng kinh tế động lực chủ đạo, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, cùng với sự phát triển của Khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để sau năm 2010 phát triển thành trục tứ giác kinh tế trọng điểm (Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh).
Các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh tại KKT được sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng và các dịch vụ chung phục vụ cho KKT theo giá thỏa thuận với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng; được chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất  cũng như được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời  hạn thuê đất tại các tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định của pháp luật…
KKT có 2 khu chức năng chính là Khu phi thuế quan và Khu thuế quan. Công dân Trung Quốc cư trú tại các huyện, thị có chung đường biên giới tại tỉnh Lạng Sơn được qua lại KKT bằng chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc cấp và được phép tạm trú tại KKT không quá 15 ngày (áp dụng đối với cả người mang hộ chiếu nước ngoài không thuộc diện miễn thị thực). Công dân Việt Nam được tự do ra, vào KKT.
Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại KKT và các thành viên của gia đình họ được cấp thị thực nhập cảnh, xuất cảnh có giá trị nhiều lần và được cư trú, tạm trú có thời hạn trong KKT và ở Việt Nam.
Cho phép phương tiện cơ giới đường bộ có giấy phép liên vận quốc tế ra, vào KKT để vận chuyển hàng hóa, hành khách. Phương tiện vận tải đường bộ của Trung Quốc ra, vào KKT nếu không có giấy phép liên vận quốc tế thì phải làm thủ tục kê khai tạm nhập, tái xuất và đăng ký xe tạm thời.
Các dự án đầu tư trong KKT được hưởng các ưu đãi tối đa áp dụng đối với các địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành. Tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tại KKT sau khi đã quyết toán với cơ quan thuế mà bị lỗ thì được chuyển các khoản lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá 5 năm. Các đối tượng chịu thuế cá nhân làm việc tại KKT được giảm 50% số thuế phải nộp.
Các dự án đầu tư trong Khu phi thuế quan được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm từ khi dự án đi vào hoạt động; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa không quá 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa cho 9 năm tiếp theo. Hàng hóa, dịch vụ gia công, tái chế, nhập khẩu... trong Khu phi thuế quan không phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu  thụ đặc biệt. Riêng ôtô dưới 24 chỗ ngồi từ nội địa xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ nước ngoài vào Khu phi thuế quan phải thực hiện nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Để khuyến khích các doanh nghiệp, hàng hóa gia công, tái chế, lắp ráp tại Khu phi thuế quan được miễn thuế xuất khẩu.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kết luận tại cuộc họp về các doanh nghiệp nhỏ và vừa
(SMS: 506550)
- Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ số 291/TB-VPCP ngày 14/10/2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau: trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới đang lan rộng, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện 8 nhóm giải pháp đã đề ra, điều hành linh hoạt để bảo đảm vốn cho sản xuất hàng xuất khẩu, các dự án đang dở dang sắp đưa vào hoạt động, đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách hành chính,… Nhằm tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, yêu cầu:
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành một phần vốn tín dụng cho các DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, sử dụng nhiều lao động, tham gia vào các công trình quốc gia quan trọng…
Bộ Tài chính nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ về thời gian nộp thuế (hoãn, kéo dài) hiện nay của các DNNVV để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này khắc phục được khó khăn trong tiếp cận, trả nợ và bổ sung vốn cho duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Thực hiện cải cách thủ tục cải cách hành chính trong khâu hải quan, thu nộp và hoàn thuế…
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ Nghị định mới về trợ giúp phát triển DNNVV thay thế các quy định hiện hành trong quý IV/2008, trong đó lưu ý sửa đổi tiêu chí xếp loại DNNVV cho phù hợp với tình hình thực tiễn…


Mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài
(SMS: 506530)
- Ngày 10/10/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2008/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện từ ngày 01/01/2009 với các mức tương ứng với vùng như sau:
Mức 1.200.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận và thành phố Hà Đông thuộc thành phố Hà Nội, các quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh (địa bàn này quy định trước đây là 01 triệu đồng).
Mức 1.080.000 đồng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai và thành phố Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội; các quận và các huyện Thuỷ Nguyên, An Dương thuộc thành phố Hải Phòng; các quận và các huyện thuộc thành phố Đà Nẵng; thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một và các huyện: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tàu và huyện Tân Thành thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (trước đây: 900.000 đồng).
Mức 950.000 đồng áp dụng ở các thành phố trực thuộc tỉnh; Các huyện còn lại thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng…
Các doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn còn lại sẽ áp dụng mức 920.000 đồng…


Mức lương tối thiểu vùng
(SMS: 506529)
- Ngày 10/10/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2008/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2009, mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động được chia thành các vùng như sau: Mức 800.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận và thành phố Hà Đông thuộc thành phố Hà Nội; các quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Mức 740.000 đồng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai và thành phố Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội; các huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh; các quận và các huyện Thuỷ Nguyên, An Dương thuộc thành phố Hải Phòng; Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh…
Mức 690.000 áp dụng cho các thành phố trực thuộc tỉnh.
Các doanh nghiệp hoạt động trên các các địa bàn còn lại áp dụng mức 650.000 đồng…


Bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
(SMS: 506523)
- Theo Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ban hành ngày 10/10/2008, Chính phủ quy định: giá bán doanh nghiệp được xác định theo nguyên tắc: không thấp hơn tổng giá trị phần vốn nhà nước hoặc tổng giá trị doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có từ 02 người mua trở lên phải bán theo một trong hai phương thức: đấu giá kế thừa toàn bộ số lao động còn lại và đấu giá không kế thừa lao động. Đơn đăng ký mua doanh nghiệp và tiền đặt cọc phải nộp chậm nhất 5 ngày làm việc trước ngày thực hiện bán đấu giá, mức tiền đặt cọc bằng 10% giá khởi điểm. Người mua doanh nghiệp thanh toán trong thời hạn quy định tại hợp đồng mua bán, nhưng tối đa không quá 01 năm kể từ thời điểm hợp đồng mua bán doanh nghiệp được ký, trong đó lần đầu phải thực hiện trong thời hạn 01 tháng và thanh toán không dưới 70% giá bán…
Tập thể người lao động trong doanh nghiệp được xem xét giao doanh nghiệp khi đáp ứng các điều kiện sau: Cam kết duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm tối thiểu từ 3 năm trở lên, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội; Không được bán, cho thuê, tự giải thể doanh nghiệp trong thời hạn tối thiểu 3 năm sau khi nhận giao, trừ trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản; Kế thừa công nợ và tài sản của doanh nghiệp sau khi đã xử lý…
Toàn bộ giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp sau khi đã được xử lý tài sản, tài chính, công nợ và lao động khi giao doanh nghiệp thuộc về sở hữu tập thể người lao động và được chia thành các cổ phần hoặc các phần vốn góp để giao cho từng người lao động tham gia nhận giao doanh nghiệp. Mỗi người được giao quyền sở hữu một phần giá trị tài sản còn lại này bằng cổ phần hoặc vốn góp tương ứng với số năm đã làm việc cho khu vực nhà nước; được hưởng cổ tức, phần lợi nhuận; có quyền để thừa kế nhưng không được chuyển nhượng số cổ phần hoặc phần vốn được giao trong thời hạn 3 năm sau khi nhận giao doanh nghiệp…
Nếu người mua doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp trả tiền một lần sau khi mua được giảm giá tối đa là 5% giá bán không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất nhưng không vượt quá số vốn chủ sở hữu hiện có tại doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp…
Đối với doanh nghiệp không có người đăng ký mua hoặc nhận giao doanh nghiệp thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp; trường hợp lâm vào tình trạng phá sản thì Giám đốc doanh nghiệp phải làm đơn đề nghị Toà án mở thủ tục giải quyết phá sản…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Thực hiện chế độ ăn giữa ca trong các công ty nhà nước
(SMS: 506558)
- Theo Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 15/10/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn: căn cứ khẩu phần ăn để đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, chỉ số giá sinh hoạt và khả năng chi trả của công ty, Giám đốc công ty sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định mức ăn cho một bữa ăn giữa ca nhưng tối đa tiền chi cho bữa ăn giữa ca tính theo ngày làm việc trong tháng cho một người không quá 450.000 đồng/tháng.
Nguyên tắc thực hiện chế độ ăn giữa ca được tính theo thực tế ngày làm việc, kể cả ngày làm thêm (đủ số giờ làm việc tiêu chuẩn). Những ngày làm việc không đủ số giờ tiêu chuẩn (dưới 50% số giờ tiêu chuẩn) thì không ăn giữa ca. Đối với những công ty sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn không thể đưa chi phí ăn giữa ca vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh thì công ty phải tìm mọi biện pháp giảm các chi phí khác để có nguồn tổ chức ăn giữa ca. Trường hợp công ty đã tìm mọi biện pháp để tiết kiệm các chi phí nhưng vẫn không đủ nguồn thì Giám đốc công ty trao đổi, thống nhất với Ban chấp hành công đoàn cơ sở tạm thời chưa thực hiện chế độ ăn giữa ca.
Căn cứ vào mức ăn giữa ca quy định, công ty có trách nhiệm phải tổ chức ăn giữa ca cho người lao động, không được phát tiền. Trường hợp đặc biệt không thể tổ chức ăn giữa ca được thì sau khi đã thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở, công ty cấp tiền cho người lao động tự lo ăn ca.
Khi chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng từ 15% trở lên so với lần điều chỉnh gần nhất, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ hướng dẫn điều chỉnh mức ăn giữa ca cho phù hợp.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ CÔNG THƯƠNG


Tiêu chí phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia
(SMS: 506576)
- Theo Quyết định số 36/2008/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ban hành ngày 10/10/2008, quy định: để được phê duyệt, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia phải đáp ứng tiêu chí sau: Đề án phù hợp với chiến lược phát triển xuất khẩu quốc gia; Chiến lược phát triển ngành hàng và mục tiêu của Chương trình. Mục tiêu đề án cụ thể, rõ ràng, có khả năng lượng hóa, và tính khả thi cao…
Phương án triển khai tổng thể rõ ràng, đảm bảo tính tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, tiết kiệm; phân tích rõ đối tượng mục tiêu, mặt hàng mục tiêu, thị trường mục tiêu từ đó đề ra các biện pháp phù hợp. Phương án chi tiết phải làm rõ: Nội dung các hoạt động chính; Phương thức triển khai; Kế hoạch và tiến độ thực hiện.
Đề án được đánh giá là đạt nếu có số điểm từ 85 trở lên; Từ 65 - 84 điểm: Đề án đạt nhưng cần điều chỉnh bổ sung; Dưới 65 điểm không được xét…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


An toàn hoạt động tài chính
(SMS: 506518)
- Ngày 09/10/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ra Chỉ thị số 05/2008/CT-NHNN về một số biện pháp đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện một số biện pháp như sau: theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng ở Mỹ đối với nền kinh tế, thị trường tài chính thế giới và khả năng tác động đối với nền kinh tế, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng Việt Nam để chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra…
Xây dựng phương án hoạt động kinh doanh, tiếp tục mở rộng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế với lãi suất hợp lý, đồng thời phải đảm bảo khả năng thanh toán cho các nhu cầu chi trả, nhất là dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2009…
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, trong đó: tiến hành phân tích, đánh giá, phân loại các khoản cho vay kinh doanh bất động sản để có giải pháp phù hợp đối với từng đối tượng vay vốn; tiếp tục tăng tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, các dự án trọng điểm quốc gia, các nhu cầu vốn sản xuất có hiệu quả, chú trọng mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà các khoản cho vay đó đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật và khả năng cân đối vốn của tổ chức tín dụng…

Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 UỶ BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC


Quản lý hoạt động trung gian trên thị trường chứng khoán
(SMS: 506568)
- Ngày 13/10/2008, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra Công văn số 2066/UBCK-QLQ về việc tăng cường củng cố hoạt động của các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán, yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện một số biện pháp sau: Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp nhằm tránh xung đột lợi ích và đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo quy định của pháp luật; Đảm bảo tuân thủ quy định tách bạch tài sản (tiền và chứng khoán) của nhà đầu tư và của công ty chứng khoán; tuyệt đối không được sử dụng tài sản của nhà đầu tư sai mục đích; Tăng cường hoạt động phân tích và tư vấn đầu tư, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc trong hoạt động tư vấn đầu tư cho nhà đầu tư; phải thu thập và xử lý thông tin về tình hình kinh tế quốc tế và trong nước chính xác, trung thực, thực hiện phân tích theo nguyên tắc cẩn trọng, khách quan, trung thực để giúp nhà đầu tư có quyết định đầu tư đúng; Hạn chế triển khai nghiệp vụ repo và các nghiệp vụ mới…
Đối với các công ty quản lý quỹ: tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro trong hoạt động của công ty và trong hoạt động quản lý tài sản của khách hàng ủy thác, quỹ đầu tư. Đảm bảo việc đầu tư cho các quỹ, nhà đầu tư ủy thác, đầu tư tài chính của công ty tuân thủ các quy trình nghiệp vụ, quy trình kiểm soát nội bộ, quy trình quản lý rủi ro và các quy định pháp luật hiện hành…
Đối với các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát: nghiêm túc thực hiện việc lưu ký, bảo quản tài sản của quỹ, nhà đầu tư ủy thác theo đúng quy định tại Điều lệ quỹ, hợp đồng lưu ký, hợp đồng giám sát và quy định pháp luật hiện hành. Đảm bảo việc tách biệt tài sản của từng quỹ, từng khách hàng ủy thác và tài sản của ngân hàng; Hoạt động thanh toán phải được thực hiện đúng nguyên tắc, tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật hiện hành, các quy định tại Điều lệ quỹ, hợp đồng lưu ký, hợp đồng giám sát…


Phát hành chứng khoán
(SMS: 506519)
- Để ổn định tâm lý nhà đầu tư, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, ngày 10/10/2008, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra Công văn số 2057/UBCK-QLPH về việc phát hành chứng khoán và sử dụng vốn của các công ty đại chúng, đề nghị: Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc điều hành công ty đại chúng thận trọng cân nhắc lại kế hoạch và quy mô phát hành cũng như kế hoạch đầu tư, sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành. Chỉ ưu tiên phát hành chứng khoán và đầu tư cho những dự án thực sự có hiệu quả…
Đối với các công ty đã thực hiện chào bán phải có công bố thông tin đầy đủ, kịp thời về tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn cho các nhà đầu tư…
Ngoài ra, các công ty đại chúng cần tăng cường việc công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho các cổ đông và nhà đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính hiện tại.

Khẩn trương tiến hành lựa chọn công ty kiểm toán để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 nhằm đảm bảo báo cáo tài chính được kiểm toán phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình tài chính của công ty. Hạn chế tối đa những khoản ngoại trừ. Trường hợp có ngoại trừ, công ty và công ty kiểm toán phải có giải trình nêu rõ nguyên nhân, đánh giá mức độ ảnh hưởng và phương hướng khắc phục.