Số 41.2006 (295) ngày 20/10/2006

 CHÍNH PHỦ


Quy hoạch xây dựng công sở hành chính
(SMS: 201990)
- Ngày 12/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 229/2006/QĐ-TTg về yêu cầu quy hoạch xây dựng công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Thủ tướng yêu cầu: quy hoạch công sở phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu sử dụng; khắc phục tình trạng phân tán, manh mún của công sở cơ quan hành chính nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, các cơ quan, tổ chức giao dịch và thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập của đất nước...
Ở cấp Bộ, cần bố trí riêng biệt hoặc tập trung thành khu gồm một số cơ quan có mối liên hệ chức năng; vị trí xây dựng phải được bố trí trên khu đất tiếp giáp với tuyến giao thông của đô thị...
Đối với cấp tỉnh, tùy theo điều kiện cụ thể từng địa phương, việc quy hoạch xây dựng nhà công sở theo hướng UBND và HĐND bố trí ở khu vực trung tâm, trong cùng một khuôn viên, bố trí sân, vườn, cây xanh, ngoại thất, tạo sự gắn kết giữa các công trình thành một quần thể kiến trúc hài hòa với cảnh quan kiến trúc khu vực, tạo thành trung tâm hành chính của đô thị; khối cơ quan chuyên môn gồm hai hay nhiều cơ quan, có mối liên hệ chức năng, hợp khối thành liên cơ quan, bố trí trong cùng một khuôn viên hoặc ở các vị trí khác nhau trong đô thị, thành khu hành chính tập trung...
Công sở hiện có ở các cấp, nếu ở vị trí thuận tiện, đủ diện tích và đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật thì giữ lại, tiến hành cải tạo, nâng cấp theo yêu cầu hiện đại hóa. Công sở của các cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp là nhà tiếp quản sau năm 1945 và năm 1975 hoặc được xây dựng cuối những năm 1950 và trong những năm 1960 trở về sau, không đủ về diện tích đất xây dựng, bố trí rải rác, ở vị trí không thuận lợi, không đảm bảo các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật thì được đầu tư xây dựng mới thành khu hành chính tập trung, theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.


Chương trình hành động của Chính phủ
(SMS: 201982)
- Ngày 09/10/2006, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 25/2006/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và Nghị quyết của Quốc hội khóa XI về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.
Chính phủ yêu cầu: Tập trung nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm xuất khẩu sử dụng nhiều lao động; đồng thời, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị tăng thêm và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp; ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là ở các tỉnh và thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế...
Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ; ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật để nâng cao phúc lợi xã hội cho toàn xã hội, bảo đảm cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, trước hết là về y tế, giáo dục cho người nghèo, vùng nghèo và các đối tượng chính sách...
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xuất khẩu; kiểm soát và thu hẹp nhập siêu; tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế biến có nhiều giá trị tăng thêm, hàm lượng công nghệ và sức cạnh tranh cao...

Nghị quyết này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Thẩm quyền quyết định phí và lệ phí
(SMS: 201988)
- Ngày 16/10/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 97/2006/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, HĐND cấp tỉnh sẽ thực hiện việc quyết định đối với 28 khoản phí và 11 khoản lệ phí...
Đối với các khoản phí, lệ phí có ý nghĩa quan trọng của tỉnh, có số thu lớn, có thể quy định mức thu cụ thể được, như phí cầu, đường bộ thuộc phạm vi tỉnh quản lý, phí xây dựng... thì việc quyết định mức thu đối với từng khoản phí được phân cấp cho HĐND cấp tỉnh phải bảo đảm đúng trình tự quy định...
Quy định cụ thể về các khoản phí như sau: Phí xây dựng mức thu tối đa 0,5% đối với công trình nhóm A, không quá 1% đối với công trình nhóm B và không quá 2% đối với công trình nhóm C; riêng đối với nhà ở riêng lẻ, mức thu có thể tính theo diện tích xây dựng, nhưng tối đa không quá 35.000 đồng/m2; Phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất: cao nhất không quá 05 triệu đồng/hồ sơ; Phí thẩm định kết quả đấu thầu không quá 0,05%/giá trị một gói thầu và số tiền phí thu được không quá 30 triệu đồng một gói thầu...
Về lệ phí: lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Cấp mới giấy phép lao động: không quá 400.000 đồng/1 giấy phép, cấp lại: không quá 300.000 đồng, gia hạn: không quá 200.000 đồng; Lệ phí cấp giấy phép xây dựng: Cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ của nhân dân: không quá 50.000 đồng/1 giấy phép; các công trình khác: Không quá 100.000 đồng...
Trường hợp tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí có nhu cầu sử dụng hoá đơn tự in, chứng từ thu phí, lệ phí khác với mẫu chứng từ quy định chung hoặc chứng từ đặc thù như tem, vé in sẵn mức thu phí, lệ phí thì phải có văn bản đề nghị cơ quan thuế có thẩm quyền giải quyết theo chế độ quy định...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá
(SMS: 201987)
- Theo Thông tư số 96/2006/TT-BTC ban hành ngày 16/10/2006, Bộ Tài chính hướng dẫn: mức thu phí đấu giá đối với người có tài sản bán đấu giá, trường hợp bán được tài sản bán đấu giá thì mức thu phí được tính trên giá trị tài sản bán được, như sau: từ 01 triệu đồng trở xuống áp dụng mức thu 50.000 đồng; từ trên 01 triệu đến 100 triệu: 5% giá trị tài sản bán được; trên 100 triệu đến 1 tỷ: 05 triệu + 1,5% của phần giá trị tài sản bán được vượt quá 100 triệu...
Đối với việc bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, trường hợp bán đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân, nếu giá khởi điểm của quyền sử dụng đất là 200 triệu trở xuống áp dụng mức thu 100.000 đồng/hồ sơ; trên 200 đến dưới 500 triệu: 200.000 đồng; trên 500 triệu: 300.000 đồng...
Trường hợp bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, nếu diện tích đất từ 0,5 ha trở xuống thu 01 triệu đồng/hồ sơ; trên 0,5 đến 2 ha: 03 triệu; trên 2 đến 5 ha: 04 triệu; trên 5 ha: 05 triệu...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước
(SMS: 201981)
- Ngày 12/10/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 95/2006/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 126/2004/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
Theo đó, khi có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh sổ kế toán và bảng cân đối kế toán theo quyết định xác định giá trị doanh nghiệp. Bảo quản và bàn giao các khoản nợ và tài sản đã loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp trong thời gian tối đa là 60 ngày kể từ ngày công bố giá trị doanh nghiệp. Hạch toán đầy đủ các khoản chi phí liên quan đến việc thực hiện cổ phần hoá phát sinh. Thực hiện việc trích khấu hao tài sản cố định trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Trường hợp thời gian tính từ khi nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phần đến thời điểm công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên 3 tháng thì doanh nghiệp được tính chi phí lãi vay để chi trả cho các nhà đầu tư theo hướng dẫn của Thông tư và việc phân phối lợi nhuận phát sinh trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với công ty nhà nước...
Về  việc tính giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp, nếu DN đang thuê thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Nếu đất đã nhận giao và đã nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước, đất doanh nghiệp đã mua quyền sử dụng của các cá nhân, pháp nhân khác nay chuyển sang thuê đất thì chỉ tính vào giá trị doanh nghiệp các khoản chi phí làm tăng giá trị sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất như: chi phí đền bù, giải toả, san lấp mặt bằng. Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chuyển từ hình thức giao đất sang hình thức thuê đất trước thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần...
Trường hợp doanh nghiệp được giao đất xây dựng nhà, hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê và đã nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước và trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá được giao đất xây dựng nhà ở, kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê có sử dụng một phần diện tích đất làm các công trình phúc lợi công cộng, bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng...
Kết thúc quá trình cổ phần hoá, doanh nghiệp có trách nhiệm xác định chính thức số phải nộp, quyết toán các khoản chi cho người lao động và chi phí cổ phần hoá báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá. Trường hợp số phải nộp lớn hơn số đã nộp thì doanh nghiệp nộp tiếp phần còn thiếu về Quỹ. Trường hợp số phải nộp nhỏ hơn số đã nộp thì doanh nghiệp báo cáo Quỹ để Quỹ hoàn trả...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Ban hành Quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt
(SMS: 201989)
- Theo Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ban hành ngày 16/10/2006, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu: mặt ngoài của thân xe phải niêm yết giá vé và số điện thoại của đơn vị khai thác tuyến; bên trong xe phải niêm yết sơ đồ tuyến, nội quy phục vụ và số điện thoại của đơn vị vận tải khách công cộng bằng xe buýt ở những vị trí phù hợp để hành khách dễ nhận biết...
Đối với điểm dừng xe buýt: Khoảng cách tối đa giữa hai điểm dừng trong đô thị là 700m, ngoài đô thị là 3000m. Tại nhà chờ xe buýt, các thông tin phục vụ việc quảng cáo mà nội dung không liên quan đến hoạt động của xe buýt chỉ được thực hiện khi đã thông tin đầy đủ nội dung về các tuyến xe buýt...
Các điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt phải có nhà chờ và các công trình phụ trợ khác như: nhà vệ sinh, nhà bán vé...

Khi mở, điều chỉnh lộ trình, dừng hoạt động đối với tuyến xe buýt, phải công bố trên thông tin đại chúng trước 30 ngày...

Lái xe và nhân viên bán vé trên xe buýt phải đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu doanh nghiệp đã đăng ký, nắm vững những quy định về vận tải khách, có trách nhiệm cung cấp thông tin, hướng dẫn cho khách tại các điểm dừng để khách lên, xuống xe an toàn...
Hành khách được mang theo hành lý xách tay không quá 10kg và diện tích của hành lý mang theo chiếm tối đa 0,10m2 sàn xe; không được mang theo các loại hàng hoá cấm lưu thông, hàng cồng kềnh, hàng tanh hôi, chất dễ cháy nổ và động vật sống là hàng hóa...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ CÔNG NGHIỆP


Quản lý việc nạp khí dầu mỏ
(SMS: 201992)
- Ngày 16/10/2006, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã ban hành Quyết định số 36/2006/QĐ-BCN ban hành Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn về nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai.
Theo đó, điều kiện để nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai quy định như sau: Chỉ những Trạm nạp LPG đủ điều kiện, được cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai" mới được tiến hành nạp LPG vào Chai chứa LPG; Chỉ cho phép nạp lại LPG vào các chai chứa được phép nạp lại. Nghiêm cấm việc nạp lại LPG cho các chai dùng một lần (các chai ga du lịch)...
Những người có liên quan đến việc quản lý, vận hành thiết bị trạm nạp, bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển Chai chứa LPG của trạm đã được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ và được cấp giấy chứng nhận...
Các chai nạp quá mức phải được xả bớt lượng LPG thừa cho đến khi đạt mức nạp theo quy định (khối lượng, thể tích). Khi kiểm tra độ kín của chai, cần lưu ý các vị trí: thân chai, ty van khi van ở trạng thái mở, van, các mối nối đế van với chai, van an toàn, trục van, các nút bịt kín phụ. Tất cả các chai bị rò rỉ phải bị loại bỏ để sửa chữa những chi tiết, bộ phận bị hỏng. Cấm sử dụng các chai bị rò rỉ cho bất cứ mục đích gì...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Hướng dẫn hoạt động cho thuê tài chính
(SMS: 201983)
- Ngày 12/10/2006, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 08/2006/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động cho thuê tài chính hợp vốn của các công ty cho thuê tài chính theo quy định tại Nghị định số 16/2001/NĐ-CP và 65/2005/NĐ-CP.
Theo đó, trường hợp áp dụng cho thuê hợp vốn được quy định như sau: Nhu cầu thuê tài chính của bên thuê vượt giới hạn cho thuê tài chính của một công ty cho thuê tài chính (30% vốn tự có của công ty cho thuê tài chính đối với một khách hàng và 80% vốn tự có đối với một nhóm khách hàng có liên quan); Khả năng tài chính, nguồn vốn và tài sản của một công ty cho thuê tài chính  không đáp ứng được nhu cầu cho thuê tài chính; Nhu cầu phân tán rủi ro của công ty cho thuê tài chính; Bên thuê có nhu cầu thuê tài chính từ nhiều công ty cho thuê tài chính.
Thành viên phải thống nhất mức và phương thức thu lãi cho thuê. Mức lãi cho thuê được hưởng của từng thành viên được xác định hợp lý theo thoả thuận giữa các thành viên và phù hợp với các quy định về cho thuê tài chính cũng như các quy định khác của pháp luật có liên quan...
Bên cho thuê hợp vốn lựa chọn và thống nhất với nhau phương thức thẩm định dự án cho thuê hợp vốn nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, bản chính hồ sơ thẩm định phải được lưu giữ tại tổ chức đầu mối và kết quả thẩm định phải được gửi cho các thành viên và lưu tại tổ chức đầu mối cho thuê hợp vốn...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.