Số 41.2005 (244) ngày 21/10/2005

 CHÍNH PHỦ


Quản lý ngoại hối
(SMS: 201191)
- Ngày 18/10/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/1998/NĐ-CP về quản lý ngoại hối, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, trên lãnh thổ Việt
Nam, các khoản thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai được tự do thực hiện...
Người không cư trú và người cư trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các nhu cầu thanh toán vãng lai hợp pháp không phải xuất trình các chứng từ liên quan đến việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam...
Người cư trú là công dân Việt
Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để sử dụng cho các nhu cầu hợp pháp như: du lịch, học tập, chữa bệnh, trợ cấp khó khăn, thừa kế và định cư theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y
(SMS: 201190) - Theo Nghị định số 129/2005/NĐ-CP ban hành ngày 17/10/2005, Chính phủ quy định: tiền phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y là 30 triệu đồng hành vi sản xuất, gia công, san chia vi sinh vật cấm sử dụng tại Việt Nam...
Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thuốc thú y sai sự thật, không đúng với hồ sơ đã đăng ký; Quảng cáo có nội dung làm giảm uy tín, chất lượng thuốc thú y của cá nhân, tổ chức khác...
Nếu không bảo đảm vệ sinh thú y đối với nơi tập trung, bốc xếp động vật, sản phẩm động vật ở các sân bay, sân ga, bến cảng; khu cách ly kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật... có thể bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng...
Kinh doanh động vật bị mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định phải tiêu hủy hoặc sản phẩm của chúng sẽ bị phạt từ 8 đến 10 triệu đồng...
Kinh doanh thịt, sản phẩm khác của động vật ở dạng tươi sống được bảo quản bằng các hóa chất không được phép sử dụng; Kinh doanh thịt, sản phẩm khác của động vật ở dạng tươi sống bị tiêm, chích tạp chất hoặc đưa thêm chất khác ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe người sử dụng hoặc môi sinh, môi trường... sẽ bị phạt từ 4 đến 8 triệu đồng...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản
(SMS: 201189) - Theo Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ban hành ngày 11/10/2005, Chính phủ quy định: mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng đối với hành vi: khai thác thuỷ sản tại khu vực cấm khai thác hoặc trong thời gian cấm khai thác với khối lượng trên 500 kg; sản xuất, kinh doanh, vận chuyển giống thuỷ sản hoặc thả ra môi trường tự nhiên các loài thuỷ sản không có tên trong danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh...
Không thực hiện kiểm dịch giống thuỷ sản trước khi đưa ra khỏi cơ sở sản xuất; Vận chuyển giống thuỷ sản không có giấy kiểm dịch... có thể bị phạt từ 2 đến 4 triệu đồng...
Hành vi khai thác thuỷ sản bằng tầu cá có trọng tải từ 0,5 tấn trở lên mà không có Giấy phép khai thác thuỷ sản; sử dụng Giấy phép khai thác thuỷ sản đã quá hạn... có thể bị phạt từ 500.000 đến 10.000.000 đồng...
Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản thuộc danh mục cấm sủ dụng, cấm lưu hành tại Việt Nam... Nếu thuộc danh mục hạn chế sử dụng thì phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Chính sách đối với người lao động
(SMS: 201192) - Ngày 19/10/2005, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 80/2005/NĐ-CP về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước.
Theo đó, người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của công ty nhà nước tại thời điểm sắp xếp lại theo hình thức giao, bán, cho thuê sẽ được chia số dư bằng tiền (nếu có) của quỹ khen thưởng, phúc lợi theo thời gian đã làm việc thực tế tại công ty nhà nước đó tính đến thời điểm sắp xếp lại...
Riêng đối với doanh nghiệp mới hình thành do thực hiện bán công ty nhà nước hoặc bộ phận công ty nhà nước, khi giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc hoặc mất việc cho người lao động trong khoảng thời gian 5 năm đầu kể từ thời điểm doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán 50% tổng mức trợ cấp. Số còn lại được thanh toán từ tiền thu của Nhà nước do bán công ty hoặc bộ phận. Hết thời hạn này, doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán toàn bộ mức trợ cấp cho người lao động...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHINH


Thuế GTGT đối với dịch vụ vân tải quốc tế
(SMS: 201185) - Theo Công văn số 12987/BTC-TCT ban hành ngày 14/10/2005, Bộ Tài chính hướng dẫn: vận tải hàng hoá, hành khách quốc tế không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Vận tải quốc tế bao gồm vận tải của nước ngoài hoặc của các cơ sở kinh doanh vận tải trong nước tham gia vận tải hàng hoá, hành khách từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc ngược lại, vận tải hàng hoá giữa các cảng nước ngoài. Trường hợp cơ sở làm dịch vụ vận tải ký hợp đồng vận tải hàng hoá, hành khách ra nước ngoài thì doanh thu dịch vụ vận tải không chịu thuế GTGT là doanh thu thực thu của khách hàng...

Điều chỉnh mức lương tối thiểu chung
(SMS: 201184) - Ngày 13/10/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2005/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc năm 2005, 2006.
Theo đó, đối với số biên chế tăng thêm trong năm 2005, 2006 so với số biên chế tại thời điểm báo cáo, nếu trong phạm vi tổng mức biên chế được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt thì nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung của số biên chế này được tổng hợp vào nhu cầu kinh phí cải cách tiền lương của đợt cải cách tiền lương tiếp theo trong năm 2006 (nếu có) hoặc sẽ được xem xét xử lý cụ thể trong quý IV/2006...
Tiền lương tăng thêm do điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với số lao động không thuộc diện Nhà nước giao chỉ tiêu biên chế và tiền lương được tính trong đơn giá sản phẩm theo quy định của các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sự nghiệp giao thông, địa chính, địa chất,.v.v.; tiền lương tăng thêm đối với lao động của các đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên; tiền lương tăng thêm đối với lao động của các cơ quan hành chính đã thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Điều chỉnh dự toán chi phí xây dựng công trình
(SMS: 201188) - Theo Thông tư số 16/2005/TT-BXD ban hành ngày 13/10/2005, Bộ Xây dựng hướng dẫn: Chi phí nhân công trong dự toán chi phí xây dựng công trình lập theo đơn giá xây dựng cơ bản được nhân với hệ số điều chỉnh tương ứng...
Đối với các công trình xây dựng mà được
hưởng thêm các khoản lương phụ, phụ cấp lương và các chế độ chính sách khác chưa tính trong đơn giá hoặc được hưởng phụ cấp lưu động ở mức cao hơn 20% thì được bổ sung vào chi phí nhân công theo quy định hiện hành...
Những dự án đầu tư xây dựng đang lập hoặc đã lập nhưng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thì tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh phù hợp với chế độ tiền lương tối thiểu mới...
Những công trình, hạng mục công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tổng dự toán, dự toán nhưng chưa hoặc đang tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu, đã hoàn tất kết quả đấu thầu nhưng chưa ký hợp đồng, chủ đầu tư điều chỉnh lại tổng dự toán, dự toán và thực hiện việc điều chỉnh theo quy định hiện hành...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Giao dịch tài chính
(SMS: 201187) - Ngày 13/10/2005, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1498/2005/QĐ-NHNN ban hành Quy chế giao dịch một cửa áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, Quy chế giao dịch một cửa điều chỉnh các giao dịch sau: Giao dịch thu - chi tiền mặt: bao gồm nhận, trả tiền gửi từ tài khoản tiền gửi, tài khoản tiết kiệm, kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, và các giao dịch thu chi tiền mặt khác; Giao dịch thanh toán, chuyển tiền: Thanh toán qua tài khoản thanh toán, phát hành séc, thẻ ngân hàng; chuyển tiền, mua bán thu đổi ngoại tệ, séc du lịch; và các giao dịch thanh toán khác...
Các giao dịch vượt hạn mức phải được kiểm soát viên kiểm soát và phê duyệt trước khi thực hiện. Các giao dịch thu - chi tiền mặt vượt hạn mức giao dịch phải do bộ phận quỹ thực hiện...

Đầu ngày giao dịch, giao dịch viên được ứng tiền mặt, các giấy tờ có giá và các tài sản khác từ bộ phận quỹ theo quy định của tổ chức tín dụng để giao dịch với khách hàng. Trong quá trình giao dịch, nếu số dư tồn quỹ của giao dịch viên vượt hạn mức tồn quỹ trong ngày, tổ chức tín dụng phải thực hiện điều chuyển về bộ phận quỹ phần vượt hạn mức và tiếp ứng bổ sung nếu số dư tồn quỹ của giao dịch viên thấp hơn hạn mức quy định. Tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày giao dịch, số dư tồn quỹ thực tế của giao dịch viên phải khớp đúng với số dư tiền mặt trên sổ kế toán...
 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN


Không thu thế GTGT
(SMS: 201186) - Theo Công văn số 4316/TCHQ-KTTT ra ngày 17/10/2005, Tổng cục Hải quan hướng dẫn: khi nhập khẩu nếu đăng ký tờ khai là hàng tạm nhập tái xuất thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Nếu đăng ký tờ khai là hàng nhập kinh doanh thì thời hạn nộp thuế là 30 ngày (đối với trường hợp được ân hạn thuế) kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo thuế của cơ quan Hải quan về số thuế phải nộp. Trường hợp hàng hoá đã tái xuất trong thời hạn nộp thuế 30 ngày nêu trên thì không phải nộp thuế GTGT tương ứng với số hàng hoá tái xuất...