Số 40.2010 (498) ngày 12/10/2010

 

CHÍNH PHỦ


Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng xây dựng (SMS: 1843/QD-TTg) - Ngày 05/10/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1843/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng ở Việt Nam. Mục tiêu của Đề này là nhằm tăng cường năng lực cho các tổ chức thí nghiệm, kiểm định và chứng nhận sự phù hợp; cụ thể, tới năm 2015 bổ sung 200 ÷ 300 phòng thí nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn TCXDVN 297:2003, đáp ứng yêu cầu thí nghiệm các chỉ tiêu cơ, lý, hóa của vật liệu, sản phẩm, cấu kiện và kết cấu công trình nhằm kiểm soát chất lượng công trình xây dựng; phấn đấu tới năm 2015 có 5% số lượng phòng thí nghiệm được thừa nhận trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương.
Các giải pháp thực hiện Đề án này là nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách; đào tạo nghiệp vụ; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và công nghệ cho các cơ sở (khuyến khích các tổ chức thí nghiệm, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng tăng cường trang thiết bị thí nghiệm và cơ sở vật chất bằng nguồn vốn tự có và nguồn vốn hợp pháp khác); hỗ trợ kỹ thuật nghề nghiệp cho hoạt động kiểm định. Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp và từ các nguồn vốn khác (bao gồm vốn do các tổ chức thí nghiệm, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp tự đầu tư từ kinh phí thu được thông qua hoạt động dịch vụ, vay vốn ưu đãi của Chính phủ). Đề án được triển khai trong 4 năm, từ năm 2011 đến năm 2014. Sau khi hoàn thành, Bộ Xây dựng chỉ đạo tổng kết và đánh giá về hiệu quả và tác động của Đề án tới năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2010 (SMS: 39/NQ-CP) - Chính phủ đã ra Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 04/10/2010 về phiên họp thường kỳ tháng 9/2010. Chính phủ nghe các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2010; dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam; tình hình giá cả hàng hóa và các giải pháp kiểm soát giá, bình ổn giá từ nay đến cuối năm 2010; tình hình bảo đảm cung, cầu hàng hóa, bình ổn thị trường đến cuối năm 2010…Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và FDI; không mở thêm danh mục dự án đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ; thực hiện việc rà soát, điều chuyển vốn theo hướng tập trung cho các công trình hoàn thành, các công trình quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ thi công; ứng trước vốn cho một số công trình hoàn thành trong năm 2010 đúng đối tượng. Tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, thu hút vốn từ các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng dưới các hình thức BOT, BTO, BT, PPP…; rà soát và chỉnh sửa hợp lý cơ chế, chính sách đấu thầu đối với các công trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp nhà nước.
Tại kỳ họp này, Chính phủ cũng đã cho ý kiến về Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình. Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.

Quy định chi tiết về kiểm dịch y tế biên giới (SMS: 103/2010/ND-CP) - Một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới đã được Chính phủ quy định chi tiết thi hành bằng Nghị định số 103/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010. Nghị định này quy định về khai báo y tế, kiểm tra y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam và thi thể, hài cốt, tro cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam; giám sát bệnh truyền nhiễm trong khu vực cửa khẩu; tổ chức kiểm dịch y tế biên giới và trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới.
Theo Nghị định này, việc kiểm tra thực tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm được thực hiện dưới các hình thức: quan sát thể trạng; kiểm tra thân nhiệt; khám lâm sàng đối với các đối tượng nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; lấy mẫu xét nghiệm khi nghi ngờ có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Việc kiểm tra thực tế đối với một người phải hoàn thành trong thời gian tối đa là 02 giờ làm việc tính từ thời điểm hoàn thành xong việc kiểm tra khai báo y tế đối với người đó. Các phương tiện vận tải phải được kiểm tra thực tế khi: xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; chở người, hàng hóa xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Việc kiểm tra thực tế đối với một phương tiện vận tải phải hoàn thành trong thời gian tối đa là 01 giờ làm việc tính từ thời điểm hoàn thành xong việc kiểm tra khai báo y tế đối với phương tiện vận tải đó.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2010. Bãi bỏ Nghị định số 41/1998/NĐ-CP ngày 11/6/1998 của Chính phủ ban hành Điều lệ Kiểm dịch y tế biên giới.

Ứng dụng 900 công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp, nông thôn (SMS: 1831/QD-TTg) - Tại Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015 (Chương trình). Chương trình này sẽ thực hiện chuyển giao và ứng dụng ít nhất 900 công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sản xuất các nông sản và các mặt hàng phải nhập khẩu; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí sinh học (biogas); ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo. Chương trình còn hỗ trợ hình thành ít nhất 60 doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến ở khu vực nông thôn và miền núi, trong đó có ít nhất 25 doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Kinh phí để thực hiện Chương trình dự kiến là 1.200 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương là 500 tỷ đồng, từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ địa phương là 100 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng từ các nguồn hợp pháp khác. Cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan phối hợp là Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. 

Nâng định mức sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước (SMS: 61/2010/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 (Quyết định 59/2007/QĐ-TTg) quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước. Theo đó, mức giá trang bị xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh được sửa đổi, bổ sung như sau: giá mua xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh quy định tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 59/2007/QĐ-TTg tối đa là 1.100 triệu đồng/xe (trước đây quy định là 800 triệu đồng/xe); giá mua xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh quy định tại Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 59/2007/QĐ-TTg tối đa là 920 triệu đồng/xe (trước đây quy định là 700 triệu đồng/xe); giá mua xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh quy định tại Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 59/2007/QĐ-TTg tối đa là 720 triệu đồng/xe, trường hợp phải mua xe 02 cầu thì giá mua xe tối đa là 1.040 triệu đồng/xe; giá mua xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 59/2007/QĐ-TTg (chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các tổng công ty và các tập đoàn do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) tối đa là 840 triệu đồng/xe (quy định cũ là 650 triệu đồng/xe), cho các chức danh quy định tại khoản 2 Điều 9 (uỷ viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc các tổng công ty và các tập đoàn; giám đốc, phó giám đốc các công ty nhà nước) tối đa là 720 triệu đồng/xe thay cho quy định là 550 triệu đồng/xe trước đây.
Trường hợp có nhu cầu cần thiết phải trang bị xe cho các chức danh có tiêu chuẩn và xe phục vụ công tác cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có giá cao hơn mức giá quy định nói trên thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định giá mua xe cao hơn quy định song mức vượt không vượt quá 5% so với mức giá quy định. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định đối với các trường hợp giá mua xe cao hơn mức giá quy định nhưng tối đa không vượt quá 15%.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2010. Bãi bỏ Quyết định số 184/2007/QĐ-TTg ngày 30/11/2007 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

15 lĩnh vực được sử dụng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước (SMS: 60/2010/QD-TTg) - Các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010. Theo Quyết định này, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước được bố trí để chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án của các ngành, lĩnh vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; giao thông vận tải; cấp nước và xử lý rác thải, nước thải; kho tàng; văn hóa; thể thao; thông tin và truyền thông; khoa học, công nghệ và công nghệ thông tin; giáo dục và đào tạo; y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm; xã hội; tài nguyên và môi trường; quản lý nhà nước và quốc phòng, an ninh.
Các bộ, ngành Trung ương được sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước gồm: cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Quốc hội, các cơ quan tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị. Đối với vốn đầu tư cho các tổ chức xã hội, hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ khác, các tập đoàn, tổng công ty, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ xem xét cụ thể từng công trình, dự án phục vụ cho các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích công được Thủ tướng Chính phủ giao.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2010 và áp dụng cho năm ngân sách từ năm 2011 đến năm 2015. Quyết định này thay thế Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
 

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Hướng dẫn về hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo đơn đặt hàng (SMS: 56/2010/TT-BNNPTNT) - Ngày 01/10/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 56/2010/TT-BNNPTNT quy định một số nội dung trong hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Thông tư này quy định một số nội dung trong hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; các công trình thuỷ lợi được đầu tư từ các nguồn vốn khác khuyến khích áp dụng Thông tư này. Đối tượng áp dụng Thông tư này là cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước. Theo Thông tư này, đặt hàng thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi là việc cơ quan đặt hàng lựa chọn và chỉ định đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi nhằm cung cấp dịch vụ tưới, tiêu, cấp nước cho sản xuất, dân sinh, kinh tế, xã hội đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm, đơn giá, thời gian,... theo quy định. Đơn vị nhận đặt hàng là các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Sau khi kế hoạch đặt hàng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan đặt hàng lập hồ sơ yêu cầu; căn cứ quy mô, tính chất, đặc điểm của công trình mà quy định nội dung, yêu cầu công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho phù hợp. Hồ sơ yêu cầu phải đạt được mục tiêu công bằng, minh bạch, hợp lý, lựa chọn được đơn vị đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình thủy lợi theo các quy định của nhà nước và có mức giá đặt hàng hợp lý nhất. Hồ sơ yêu cầu được gửi cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi để lập hồ sơ đề xuất. Đơn vị nhận đặt hàng có trách nhiệm lập hồ sơ đề xuất trình cơ quan đặt hàng xem xét, phê duyệt. Nội dung hồ sơ đề xuất lập theo quy định của hồ sơ yêu cầu, đặc biệt là thuyết minh rõ phương án tổ chức, giải pháp kỹ thuật quản lý, vận hành, khai thác, tu sửa và bảo vệ công trình (kể cả khi có thiên tai lụt bão, hạn hán bất thường xảy ra), phương án tài chính. Hợp đồng đặt hàng được ký kết trên nguyên tắc: bình đẳng, hợp tác, trung thực, không được trái pháp luật. Các thoả thuận phải được ghi trong hợp đồng. Hợp đồng đặt hàng chỉ được ký kết sau khi hồ sơ đề xuất đặt hàng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các bên đã kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng. Giá hợp đồng đặt hàng (giá ký kết hợp đồng) không vượt giá trị dự toán đặt hàng đã được phê duyệt trong hồ sơ đề xuất, trừ trường hợp có khối lượng phát sinh và đã được cấp có thẩm quyền cho phép.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các đơn vị đã được đặt hàng hoặc giao kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện cho đến hết hợp đồng đặt hàng hoặc kế hoạch đã giao.
 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ (SMS: 154/2010/TT-BTC) - Quy chế này vừa được Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư số 154/2010/TT-BTC ngày 01/10/2010, quy định về nguyên tắc, phương pháp tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá và hiệp thương giá theo quy định của pháp luật. Tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục nói trên nếu có quy định về tính giá riêng do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật, thì thực hiện theo quy định đó. Việc tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo các nguyên tắc: bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý gắn với chất lượng của tài sản, hàng hoá, dịch vụ; phù hợp với các chế độ chính sách, các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành; phù hợp với quan hệ cung cầu của tài sản, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và sức mua của đồng tiền Việt Nam; phù hợp với giá thị trường trong nước, khu vực, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm cần tính giá và phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước thuộc phạm vi cả nước hoặc từng vùng, từng địa phương.
Có hai phương pháp tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ là phương pháp so sánh (xác định giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ cần tính giá căn cứ vào kết quả phân tích, so sánh giữa mức giá và các đặc điểm kinh tế, kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến mức giá của tài sản, hàng hóa, dịch vụ cần tính giá và tài sản, hàng hóa, dịch vụ tương tự được giao dịch trên thị trường trong nước; đồng thời có tham khảo giá cả trên thị trường khu vực và thế giới) và phương pháp chi phí (xác định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ căn cứ vào chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ bao gồm chi phí trực tiếp và gián tiếp để sản xuất, lưu thông tài sản, hàng hóa, dịch vụ và mức lợi nhuận dự kiến, nếu có). Căn cứ vào đặc tính và giá trị sử dụng của từng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, các điều kiện cụ thể về sản xuất kinh doanh, về thị trường, lưu thông tài sản, hàng hóa, dịch vụ cụ thể, tổ chức, cá nhân lựa chọn phương pháp xác định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ phù hợp để lập phương án giá theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2010. Bãi bỏ Quyết định số 06/2005/QĐ-BTC ngày 18/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ.
 

 

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG


Định mức về cơ sở vật chất cho trạm quan trắc môi trường (SMS: 18/2010/TT-BTNMT) - Ngày 04/10/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Thông tư số 18/2010/TT-BTNMT quy định về định mức sử dụng diện tích nhà xưởng, thiết bị và biên chế cho trạm quan trắc môi trường. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư này bao gồm: trạm quan trắc môi trường vùng thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và các trung tâm quan trắc môi trường địa phương; trạm quan trắc môi trường không khí tự động, cố định; trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, cố định. Đối tượng áp dụng là các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các trung tâm quan trắc môi trường ở Trung ương và địa phương và các tổ chức có liên quan trong mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được giao quản lý, xây dựng trạm quan trắc tác động môi trường vùng, trạm quan trắc môi trường không khí và nước mặt tự động, cố định từ nguồn ngân sách nhà nước.
Cơ sở để xây dựng các định mức tại Thông tư này là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/11/2010.
 

 

BỘ TƯ PHÁP


Tiêu chuẩn nghiệp vụ của viên chức Trợ giúp viên pháp lý (SMS: 15/2010/TT-BTP) - Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 15/2010/TT-BTP ngày 04/10/2010 quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức Trợ giúp viên pháp lý, bao gồm Trợ giúp viên pháp lý chính và Trợ giúp viên pháp lý; là căn cứ để tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức Trợ giúp viên pháp lý. Theo Thông tư này, tiêu chuẩn về trình độ ngạch viên chức Trợ giúp viên pháp lý chính bao gồm: có bằng cử nhân luật trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Trợ giúp viên pháp lý, có một ngoại ngữ trình độ B trở lên, có trình độ tin học văn phòng và có thời gian giữ ngạch viên chức Trợ giúp viên pháp lý hoặc các ngạch tương đương về công tác pháp luật từ 9 năm trở lên hoặc có tổng thời gian liên tục giữ ngạch viên chức Trợ giúp viên pháp lý và các ngạch tương đương về công tác pháp luật từ 9 năm trở lên. Đối với viên chức Trợ giúp viên pháp lý, về trình độ phải có bằng cử nhân luật trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, có một ngoại ngữ trình độ B trở lên, có trình độ tin học văn phòng, có thời gian làm công tác pháp luật từ 02 năm trở lên. Ngoài ra, các đối tượng này còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực như nắm vững các chủ trương, đường lối của Nhà nước; có kiến thức sâu rộng về hệ thống pháp luật; có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý…
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.