Số 40.2008 (396) ngày 10/10/2008

 CHÍNH PHỦ


Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất
(SMS: 506463)
- Theo Nghị định số 108/2008/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 07/10/2008, quy định: các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hoá chất phải thiết lập khoảng cách an toàn từ khu vực sản xuất, cất giữ tới các điểm dân cư, công trình công cộng, di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, nguồn nước sinh hoạt, khu bảo tồn thiên nhiên… Nếu trong cơ sở có nhiều loại hoá chất nguy hiểm, khoảng cách an toàn được xác định riêng cho từng loại hoá chất và lấy khoảng cách an toàn lớn nhất để áp dụng…
Cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất có điều kiện trong ngành thực phẩm phải có đủ trang thiết bị kiểm tra chất lượng hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra chất lượng được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận để kiểm tra chất lượng hoá chất, sản phẩm hoá chất ngành thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn được cơ quan có thẩm quyền ngành y tế chấp nhận đối với từng lô sản phẩm xuất xưởng. Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở này phải có bằng đại học các ngành hoá thực phẩm, dược, y tế…
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoá chất có trách nhiệm khai báo bằng văn bản đến Bộ Công Thương trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày thông quan hoá chất. Xác nhận đã khai báo hoá chất của Bộ Công Thương là một điều kiện để tổ chức, cá nhân được nhập khẩu hoá chất lần tiếp theo…
Các trường hợp được miễn trừ khai báo khi: Hoá chất được sản xuất, nhập khẩu một lần phục vụ an ninh, quốc phòng, ứng phó các sự cố thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp; Hoá chất được sản xuất, nhập khẩu dưới 100 kg một năm không thuộc Danh mục hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh và Danh mục hoá chất được kiểm soát theo công ước quốc tế…
Tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất nếu có yêu cầu bảo mật thông tin về: Tên và số lượng hoá chất được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh; Thông tin có liên quan đến bí quyết công nghệ, bí mật thương mại,
phải có đề nghị bằng văn bản đến cơ quan tiếp nhận khai báo hoá chất và báo cáo hoạt động hoá chất. Tuy nhiên, những thông tin quan trọng nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường sẽ không được coi là các thông tin bảo mật, bao gồm: Tên thương mại của hoá chất hoặc hỗn hợp hoá chất; Tên tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hoá chất; Thông tin trong Phiếu an toàn hoá chất; Độ tinh khiết của hỗn hợp chất và mức độ nguy hại các phụ gia, tạp chất...

Nghị đinh này có hiệu lực sau 15  ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đầu tư trụ sở làm việc
(SMS: 506464)
- Ngày 06/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1441/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch đầu tư xây trụ sở cấp xã, phường bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
Kế hoạch được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ năm 2009 - 2012, thực hiện đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ mục tiêu từ ngân sách trung ương trong cân đối ngân sách hàng năm để đầu tư xây dựng trụ sở xã chưa có trụ sở, trụ sở xã không bảo đảm tiêu chuẩn tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Việc lựa chọn các xã thực hiện trong giai đoạn này sẽ giao cho UBND các địa phương quyết định.
Giai đoạn II từ năm 2012 - 2015, đầu tư 5.200 tỷ đồng để xây dựng trụ sở các xã còn lại từ nguồn trái phiếu Chính phủ hoặc nguồn vốn đầu tư hỗ trợ mục tiêu từ ngân sách trung ương.
Số vốn trên sẽ được ưu tiên cho các dự án đầu tư xây dựng mới trụ sở các xã chưa có trụ sở, ưu tiên các xã mới thành lập, mới chia tách; Cải tạo, nâng cấp các trụ sở xã hiện có bị xuống cấp nghiêm trọng, không an toàn cho người sử dụng; Mở rộng các trụ sở xã có diện tích dưới 70% so với tiêu chuẩn, định mức quy định về sử dụng trụ sở làm việc.
Các dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch được duyệt của từng địa phương, bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm từng dự án.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2008
(SMS: 506384)
- Theo Nghị quyết số 23/2008/NQ-CP ra ngày 03/10/2008, Chính phủ họp bàn các vấn đề sau:
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2008, trọng tâm công tác chỉ đạo, điều hành những tháng cuối năm của các Bộ, ngành và địa phương cần: Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu (phấn đấu giảm nhập siêu ở mức dưới 30%); Theo dõi chặt chẽ các biến động tình hình kinh tế thế giới, nhất là thị trường tài chính - tiền tệ ở Mỹ; Kiểm soát giá cả, thị trường, xử lý nghiêm minh các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại, không để sốt giá, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán; Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xem xét giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát…
Luật Nhà ở quy định còn quá chặt về một số đối tượng là người Việt Nam định cư tại nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như nguyện vọng chính đáng của bà con ta ở nước ngoài và chủ trương của Đảng và Nhà nước ta coi người Việt Nam định cư tại nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định này cần được mở rộng hơn, tạo sự bình đẳng về quyền sở hữu nhà ở giữa công dân Việt Nam trong nước với công dân Việt Nam ở nước ngoài…
Đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã phải tuân thủ đúng trình tự pháp lý, đáp ứng yêu cầu chặt chẽ và sự đồng thuận xã hội. Khâu chuẩn bị Đề án phải có phương án xử lý những quy định khác với Hiến pháp và các luật hiện hành. Cần chú trọng tới công tác tuyên truyền, công tác cán bộ, hạn chế các tác động bất lợi do việc thay đổi tổ chức gây ra. Đề án này sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới để ban hành Nghị quyết và tổ chức thực hiện…


Biện pháp đối phó với khủng hoảng tài chính
(SMS: 506359)
- Ngày 03/10/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đối với nền kinh tế nước ta.
Thủ tướng yêu cầu: các Bộ, ngành và các địa phương tập trung thực hiện tốt một số biện pháp như sau: tổ chức thực hiện kiên quyết có kết quả 8 nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và các biện pháp điều hành vĩ mô của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong năm 2008…
Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng cần phải điều hành linh hoạt, nhằm bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, có chính sách hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại có điều kiện huy động nguồn vốn, tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đối với các lĩnh vực, những ngành và sản phẩm, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, điều hành lãi suất, tỷ giá, sử dụng dự trữ ngoại hối một cách linh hoạt, hiệu quả theo hướng khuyến khích sản xuất, xuất khẩu, góp phần giảm nhập siêu, bảo đảm thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững…
Kiên quyết thực hiện điều chỉnh và cắt giảm đầu tư công, nhất là của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước; Giảm hơn nữa bội chi ngân sách, cơ cấu lại danh mục đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước để xử lý một trong những nguyên nhân gốc của lạm phát mang tính cơ cấu của nước ta, nhằm tập trung nguồn lực xử lý những phát sinh bất ổn trong nền kinh tế và ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế hiệu quả cao hơn.
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chỉ đạo và yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tập đoàn kinh tế rà soát ngay các khoản tiền gửi và đầu tư tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính nước ngoài cũng như các khoản vay của các tổ chức này, từ đó thực hiện biện pháp cần thiết thích hợp như: cơ cấu lại danh mục đầu tư, rút vốn... (đối với các khoản cho vay, đầu tư) nhằm đảm bảo tính thanh khoản; trả nợ trước hạn, bảo hiểm lãi suất (đối với các khoản đi vay) để giảm thiểu nguy cơ mất vốn hoặc tăng chi phí do tổ chức tài chính nước ngoài bị phá sản, do lãi suất trên thị trường quốc tế tăng cao,... ; Rà soát hoạt động đầu tư, kinh doanh của các ngân hàng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Các Bộ, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Chính phủ; chủ động tiếp xúc, làm việc trao đổi với các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính quốc tế để tăng cường tính công khai, minh bạch đối với thị trường, nâng cao lòng tin của thị trường đối với hiệu lực của các chủ trương chính sách của Chính phủ.


Quản lý khai thác cát, sỏi
(SMS: 506348)
- Ngày 02/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông.
Thủ tướng yêu cầu: UBND cấp tỉnh  phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung rà soát, kiểm tra, kiên quyết đình chỉ các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép và không đảm bảo các điều kiện theo quy định; Thu hồi ngay các giấy phép đã cấp không đúng quy định; Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/11/2008.
Hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác (đối với các sông nhánh, ngắn thuộc các tỉnh miền núi, trung du, nơi cát sỏi thường được tích tụ và thay đổi theo mùa với quy mô không lớn) phải  kèm theo báo cáo khảo sát địa chất vùng dự kiến xin khai thác chứng minh không có khoáng sản khác có giá trị cao hơn được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận bằng văn bản. Khối lượng cát, sỏi của một giấy phép không vượt quá 5.000 m3 với thời hạn khai thác không quá 6 tháng và chỉ thực hiện trong mùa khô.
Trước ngày 30/11/2008, Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương và Bộ, ngành liên quan hoàn thành việc dự báo nhu cầu và cân đối cung-cầu cát, sỏi xây dựng trong nước đến năm 2015 và định hướng 2020, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương xuất khẩu cát, sỏi xây dựng.
Trước mắt, tạm dừng việc xuất khẩu cát, sỏi xây dựng bao gồm: cát, sỏi lòng sông và cát biển. Đối với các hợp đồng xuất khẩu ký trước ngày 30/11/2008 thì vẫn được thực hiện cho tới khi kết thúc hợp đồng…


Trích nộp phí công đoàn
(SMS: 506349)
- Ngày 01/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 133/2008/QĐ-TTg về việc trích nộp kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Thủ tướng quy định: kể từ ngày 01/01/2009, trích nộp kinh phí công đoàn bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động Việt Nam làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có tổ chức công đoàn hoạt động theo Luật Công đoàn (quy định trước đây: đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không áp dụng chế độ trích nộp kinh phí công đoàn từ quỹ lương)…
 

 BỘ XÂY DỰNG


Bổ sung phương pháp tính chi phí trong dự toán xây dựng công trình
(SMS: 506379)
- Ngày 06/10/2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 18/2008/TT-BXD hướng dẫn bổ sung một số phương pháp xác định chi phí xây dựng trong dự toán xây dựng công trình vào Thông tư hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình số 05/2007/TT-BXD.
Bộ Xây dựng hướng dẫn bổ sung như sau: đối với phương pháp xác định chi phí xây dựng theo khối lượng và đơn giá xây dựng công trình đầy đủ thì khối lượng công tác xây dựng được xác định từ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, nhiệm vụ công việc phải thực hiện của công trình, hạng mục công trình và được tổng hợp từ một nhóm các công tác xây dựng để tạo thành một đơn vị kết cấu hoặc bộ phận của công trình. Đơn giá xây dựng bao gồm chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy thi công, chi phí trực tiếp khác, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và được lập trên cơ sở đơn giá xây dựng công trình chi tiết…
Đối với chi phí xây dựng xác định theo đơn giá xây dựng công trình chi tiết đầy đủ, khối lượng công tác xây dựng được xác định từ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, nhiệm vụ, công việc phải thực hiện của công trình, hạng mục công trình phù hợp với danh mục và nội dung công tác xây dựng trong đơn giá xây dựng chi tiết…
Ngoài ra, chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công trong chi phí xây dựng có thể được xác định trên cơ sở tổng khối lượng hao phí vật liệu, nhân công, máy thi công và bảng giá vật liệu, giá nhân công, giá máy thi công tương ứng. Khi tính toán cần xác định rõ số lượng, đơn vị, chủng loại, quy cách đối với vật liệu; số lượng ngày công cho từng cấp bậc công nhân; số lượng ca máy cho từng loại máy và thiết bị thi công theo thông số kỹ thuật chủ yếu và mã hiệu trong bảng giá ca máy thi công của công trình…
Chi phí xây dựng công trình của các công trình phụ trợ, công trình tạm phục vụ thi công hoặc các công trình thông dụng, đơn giản có thể xác định trên cơ sở diện tích hoặc công suất sử dụng và suất chi phí xây dựng trong suất vốn đầu tư xây dựng công trình…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Trích lợi nhuận từ xăng dầu bù ngân sách
(SMS: 506445)
- Ngày 06/10/2008, Bộ trưởng bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 85/2008/QĐ-BTC về việc tạm ứng từ ngân sách nhà nước cho hoạt động kinh doanh xăng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ tạm ứng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tương ứng với số lỗ kinh doanh xăng đến ngày 21/7/2008 do thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước và cả số lỗ của năm 2007 (nếu có).
Cùng với đó, hàng tháng (kể từ tháng 10/2008) các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được phép trích từ lợi nhuận trước thuế khoảng 1.000 đồng/lít trên số lượng xăng tiêu thụ để trả nợ cho ngân sách nhà nước. Thời hạn này được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối có khả năng hoàn trả nợ ngân sách nhà nước sớm hơn thì vẫn duy trì việc trích tạo nguồn cho đến hết thời hạn Bộ Tài chính quy định.
Trường hợp hết thời hạn do Bộ Tài chính quy định, nếu nguồn trích để hoàn trả nợ ngân sách nhà nước không đủ thì các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn trả nợ.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.


Điều chỉnh nhập khẩu nhóm mặt hàng thực phẩm và sắt, thép
(SMS: 506415)
- Ngày 03/10/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 83/2008/QĐ-BTC về việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, thuế nhập khẩu mặt hàng thực phẩm: thịt vịt, ngan, ngỗng, gà lôi Nhật Bản tươi, ướp lạnh, đông lạnh tăng từ 15% lên 40%; Các loại: thịt trâu, bò, tươi hoặc ướp lạnh và đông lạnh tăng từ 15% lên 17%; Thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh tăng từ 25% lên 27%...
Chế phẩm dùng trong chăn nuôi động vật cho gia cầm và lợn tăng từ 5% lên 8%...
Ngược lại, thuế nhập khẩu các loại rau đậu khô, đã bóc vỏ quả, đã hoặc chưa bóc vỏ hạt hoặc làm vỡ hạt lại giảm mạnh, từ 23% xuống 13% (trừ những loại phù hợp để làm giống vẫn giữ nguyên mức thuế suất 0%); thuế nhập khẩu kê giảm từ 5% xuống 2%...
Các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, cán nguội (ép nguội), chưa dát phủ, mạ hoặc tráng; Các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, đã phủ, mạ hoặc tráng sẽ chịu mức thuế suất mới phổ biến từ 5% - 12% tuỳ loại…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, các mức thuế suất điều chỉnh được áp dụng cho các Tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày 12/10/2008.
 

 LIÊN BỘ: TÀI CHÍNH - LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Kinh phí hỗ trợ trẻ em
(SMS: 506446)
- Ngày 06/10/2008, Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 86/2008/TTLT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dụng và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010.
Theo đó, hoạt động bảo vệ và trợ giúp trẻ em được phép chi hỗ trợ tiền tàu xe, thuê mướn phương tiện vận chuyển (nếu có) đưa trẻ em trở về gia đình và nơi cư trú theo mức giá cước vận tải thông thường tại địa phương hoặc chi phí xăng xe thực tế (nếu đơn vị tự bố trí phương tiện vận chuyển) hoặc hợp đồng thuê xe (nếu thuê xe ngoài)…
Mức hỗ trợ tiền ăn trên đường trở về là 25.000 đồng/trẻ em/ngày, tối đa không quá 3 ngày; Tiền ăn trong thời gian chữa trị tại các cơ sở y tế cũng là 25.000 đồng, tối đa không quá 30 ngày…
Ngoài ra, trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm trong thời gian chờ đưa về gia đình hoặc nơi cư trú được đưa vào các cơ sở tập trung hoặc cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tạm thời được trợ cấp tiền ăn mức 15.000 đồng/em/ngày, thời gian tối đa không quá 30 ngày…
Trẻ em sau khi trở về địa phương, có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo sẽ được hỗ trợ giải quyết khó khăn đời sống trước mắt tối thiểu 240.000 đồng/em/tháng, tối đa không quá 3 tháng; Hỗ trợ một lần tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong trường hợp các em tiếp tục trở lại học phổ thông hoặc bổ túc văn hoá mức 300.000 đồng/em…
Trẻ em từ đủ 13 tuổi trở lên có đủ sức khoẻ và có nhu cầu học nghề sẽ được hõ trợ 300.000 đồng/em/tháng, thời gian hỗ trợ không quá 9 tháng…
Ngoài ra, Thông tư còn hướng dẫn cụ thể các mức chi: cho cán bộ tham gia thực hiện công tác theo Chương trình này; công tác truyền thông, tuyên truyền cho Chương trình…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.