Số 40.2007 (345) ngày 12/10/2007

 CHÍNH PHỦ


Chỉ đạo của Chính phủ
(SMS: 501792)
- Ngày 09/10/2007, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 51/2007/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2007.
Trước mắt, bằng mọi giải pháp phải tiếp tục tìm kiếm người mất tích; chăm sóc, chữa trị tận tình cho người bị thương. Cần tổ chức tốt việc tiếp nhận, quản lý, phân phối nguồn cứu trợ để giúp đỡ các gia đình có người bị nạn trước mắt và lâu dài…
Các bộ, ngành, địa phương tập trung, huy động mọi lực lượng, phương tiện để phòng, chống lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước, nhân dân và không được để dân đói. Chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của Trung ương để giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiệt hại thiên tai do cơn bão số 5 gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất…
Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tìm mọi biện pháp hạ giá thành sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, để giảm nhập siêu; thúc đẩy đầu tư nước ngoài; đặc biệt, bằng mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, tiến độ xây dựng công trình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Chủ động phòng chống dập tắt có hiệu quả sâu bệnh cây trồng; dịch bệnh gia súc gia cầm. Tiếp tục thực hiện kiểm soát cân đối kinh tế vĩ mô; thực hiện nghiêm các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng giá, kiểm soát thị trường; các giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm ăn, sinh sống. Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Thường xuyên quan tâm giải quyết tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; không để xẩy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài; làm tốt công tác giải quyết tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp; chủ động ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật các vụ đình công, lãn công…


Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực du lịch
(SMS: 501830)
- Ngày 9/10/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 149/2007/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một  trong các hình phạt chính. Mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng, tùy tính chất mức độ vi phạm có thể bị phạt bổ sung; hoặc bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả…
Cụ thể, hành vi vi phạm quy định về  kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, vận chuyển khách du lịch có thể bị phạt phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 15 triệu đồng. Những hành vi hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn du lịch sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng…
Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh lưu trú du lịch bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đến 15 triệu đồng. Trong đó mức phạt nặng nhất áp dụng cho những hành vi: Mạo nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; thu tiền ngoài hợp đồng hoặc các hành vi thu lợi bất chính khác từ khách du lịch; tự ý tiếp tục hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch khi đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh…
Hành vi vi phạm quy định về xúc tiến du lịch sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng áp dụng khi lợi dụng hoạt động xúc tiến du lịch làm phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; không thực hiện, thực hiện không đúng chương trình khuyến mại du lịch như đã thông tin, quảng cáo hoặc quảng bá sản phẩm du lịch không đúng với nội dung và chất lượng thực tế…
Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là 1 năm, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm hành chính…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Quản lý tài chính dịch vụ bay
(SMS: 501829)
- Ngày 09/10/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119/2007/TT-BTC hướng dẫn công tác quản lý tài chính, giao kế hoạch cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm hoạt động bay.
Theo đó, lợi nhuận thực hiện của Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam sau khi bù đắp lỗ năm trước (nếu có) theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, số còn lại được phân phối theo quy định hiện hành. Trường hợp sau khi trích các quỹ theo quy định mà Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam không đủ trích quỹ khen thưởng và phúc lợi theo mức 02 tháng lương thực tế thì Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam được giảm trích quỹ đầu tư phát triển, giảm phần lợi nhuận được chia theo vốn nhà nước để cho đủ 2 tháng lương cho 2 quỹ. Nếu giảm toàn bộ số tiền trên mà vẫn chưa đủ 2 tháng lương cho 2 quỹ thì sẽ được nhà nước xem xét trợ cấp…
Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam được giữ lại 25% nguồn thu từ phí điều hành bay qua vùng trời và vùng thông báo bay và hạch toán vào doanh thu của đơn vị...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn quản lý dự án đầu tư
(SMS: 501715)
- Ngày 02/10/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 118/2007/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Theo đó, trường hợp được cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí đột xuất cho Ban Quản lý dự án (BQLDA) theo mục tiêu hoặc hỗ trợ thu nhập cho cán bộ quản lý dự án thì BQLDA được phép bổ sung nguồn kinh phí để chi cho mục tiêu hoặc hỗ trợ thu nhập cho cán bộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền...
Trong quá trình sử dụng, chủ đầu tư (BQLDA) được chủ động điều chỉnh các khoản chi trong dự toán chi phí quản lý dự án (không phải điều chỉnh bằng văn bản), nhưng không được vượt tổng giá trị dự toán chi phí quản lý dự án đã được duyệt...
Việc mua sắm và sử dụng phương tiện đi lại là xe ô tô phục vụ công tác quản lý dự án (nếu có) phải lập dự toán riêng trình cấp có thẩm quyền quyết định. Chủ đầu tư (BQLDA) không được cho thuê, cho mượn đối với tài sản của dự án...
Đối với các dự án không có chi phí xây dựng và thiết bị hoặc tổng chí phí xây dựng và thiết bị nhỏ hơn 60% tổng mức đầu tư của dự án, định mức trích kinh phí quản lý dự án xác định theo quy định của cấp quyết định đầu tư...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng trên Công báo.
 

 BỘ TƯ PHÁP


Chế độ kế toán thi hành án
(SMS: 501775)
- Ngày 08/10/2007, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 09/2007/QĐ-BTP về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 572/2004/QĐ-BTP về việc  Ban hành Chế độ Kế toán nghiệp vụ thi hành án.
Theo đó, Chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án áp dụng cho các đơn vị kế toán thi hành án gồm: Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp; Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Định kỳ hàng tháng, quý, năm lập báo cáo đối chiếu chi tiết số thu - chi, nhập - xuất tiền và tài sản giữa sổ kế toán với từng hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên để có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm những tồn đọng hoặc chênh lệch phát sinh theo đúng quy định của pháp luật.
Kế toán trưởng đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án giúp Trưởng Thi hành án tổ chức, chỉ đạo thực hiện toàn bộ công tác tài chính, kế toán và thông tin tài chính về thu, chi thi hành án tại đơn vị và thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động kế toán, tài chính ở đơn vị cấp dưới.

Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Hệ thống đánh giá Chương trình quốc gia giảm nghèo
(SMS: 501785)
- Ngày 05/10/2007, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 23/2007/QĐ-BLĐTBXH ban hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 của cấp tỉnh.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện Chương trình theo hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát định kỳ 6 tháng, hàng năm và các báo cáo đột xuất theo yêu cầu gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian gửi báo cáo: đối với các chỉ tiêu yêu cầu báo cáo 6 tháng, địa phương phải báo cáo chậm nhất là ngày 30 tháng 6 hàng năm; Đối với các chỉ tiêu yêu cầu báo cáo năm, địa phương phải gửi báo cáo chậm nhất là ngày 15 tháng 12 hàng năm.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Tín dụng đối với học sinh, sinh viên
(SMS: 501791)
- Ngày 04/10/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Công văn số 10607/BGDĐT-KHTC về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg như sau: UBND các cấp có trách nhiệm xác nhận hoàn cảnh gia đình của học sinh, sinh viên thuộc các trường hợp sau: mồ côi, hộ gia đình nghèo, mức thu nhập bình quân đầu người thấp…
Các trường học và cơ sở đào tạo nghề trong thời hạn 2 tuần kể từ khi bắt đầu nhập học phải xác nhận cho học sinh, sinh viên năm thứ nhất thuộc đối tượng vay vốn đã nhập học vào trường để làm thủ tục vay vốn…
Hàng năm, chậm nhất là 1 tháng trước khi khai giảng năm học mới, nhà trường phải xá nhận các học sinh, sinh viên đang theo học tại trường từ năm thứ nhất trở đi thuộc đối tượng vay vốn không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút… để làm thủ tục vay vốn…

Ngoài ra, nhà trường nên mở tài khoản riêng để thu học phí, giúp gia đình học sinh, sinh viên có thể chuyển tiền trực tiếp về tài khoản của nhà trường…
 

 BỘ NỘI VỤ


Trách nhiệm lãnh đạo đơn vị xảy ra tham nhũng
(SMS: 501703)
- Ngày 01/10/2007, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 08/2007/TT-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 107/2006/NĐ-CP quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách đối với các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước và các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.
Theo đó, việc xử lý kỷ luật người đứng đầu phải thực hiện theo nguyên tắc: Căn cứ vào sự phân công, phân cấp quản lý trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để xác định mức độ chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới ; Căn cứ vào mối quan hệ công tác giữa trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu với hành vi tham nhũng của người dưới quyền.
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được loại trừ trách nhiệm trong trường hợp họ không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Đăng ký kinh doanh hàng không
(SMS: 501778)
- Ngày 04/10/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 51/2007/QĐ-BGTVT về Sổ đăng bạ hàng không, sân bay, cấp giấy chứng nhận và giấy phép kinh doanh tại Cảng hàng không, sân bay.
Theo đó, Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay bao gồm các tài liệu sau đây: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay, bao gồm các thông tin: tên, địa chỉ của người đề nghị cấp; tên cảng hàng không, sân bay; vị trí, tọa độ; cấp sân bay; mục đích khai thác, năng lực khai thác; Bản sao Quyết định thành lập tổ chức hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; Bản sao Quyết định đầu tư cảng hàng không, sân bay…
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, thông báo kế hoạch kiểm tra kỹ thuật cảng hàng không, sân bay cho người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay...
Người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay phải thường xuyên cập nhật thông tin về những thay đổi của cảng hàng không, sân bay và đề nghị sửa đổi nội dung đăng ký trong Sổ đăng bạ cảng hàng không, sân bay.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.