Số 40.2006 (294) ngày 13/10/2006

 CHÍNH PHỦ


Xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức
(SMS: 201971)
- Theo Nghị định số 118/2006/NĐ-CP ban hành ngày 10/10/2006, Chính phủ quy định: cán bộ, công chức gây ra thiệt hại về vật chất có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quyết định của người đứng dầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền. Nếu cán bộ, công chức không đủ khả năng bồi thường một lần thì sẽ bị trừ 20% tiền lương hàng tháng cho đến khi bồi thường đủ theo quyết định của người có thẩm quyền...
Tài sản bị mất mát, hư hỏng, thiệt hại do lỗi cố ý của cán bộ, công chức thì cán bộ, công chức gây mất mát, hư hỏng thiệt hại tài sản phải bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại gây ra. Nếu tài sản bị mất mát, hư hỏng, thiệt hại do lỗi vô ý của cán bộ, công chức thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể cơ quan, người có thẩm quyền quyết định mức và phương thức bồi thường. Trường hợp thiệt hại vật chất xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng thì cán bộ, công chức liên quan không phải chịu trách nhiệm bồi thường...
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng và quản lý cán bộ, công chức gây ra thiệt hại phải thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện cán bộ, công chức gây ra thiệt hại hoặc từ ngày nhận được văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền...
Cán bộ, công chức gây ra thiệt hại và các bộ phận chức năng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản bị thiệt hại phải thực hiện đúng thời hạn, mức và phương thức bồi thường ghi trong quyết định bồi thường thiệt hại. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thu và nộp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại Kho bạc nhà nước số tiền bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
(SMS: 201972)
- Theo Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 06/10/2006, Quy chế này có 3 hình thức giám sát doanh nghiệp: Giám sát từ bên trong doanh nghiệp là giám sát nội bộ do doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện; Giám sát từ bên ngoài là giám sát do chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện dưới 2 hình thức: giám sát gián tiếp qua các báo cáo tài chính, thống kê và báo cáo khác theo quy định của pháp luật và của chủ sở hữu; giám sát trực tiếp là việc kiểm tra, nắm tình hình trực tiếp tại doanh nghiệp; Giám sát trước, trong và sau hoạt động của doanh nghiệp về tính khả thi của các kế hoạch, các dự án đầu tư, phương án huy động vốn...; quá trình thực hiện các kế hoạch và dự án của doanh nghiệp; kết quả hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở các báo cáo định kỳ, việc chấp hành các quyết định của chủ sở hữu hoặc Điều lệ doanh nghiệp, việc tuân thủ các quy định của pháp luật...
Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là: Doanh thu và thu nhập khác (áp dụng chỉ tiêu sản lượng sản phẩm tiêu thụ trong kỳ đối với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế gồm: điện, than, dầu khí, xi măng); lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn nhà nước; nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn; Tình hình chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách, tín dụng, bảo hiểm, bảo vệ môi trường, lao động, tiền lương, chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, chế độ báo cáo tài chính và báo cáo khác; tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em
(SMS: 201970)
- Theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ban hành ngày 03/10/2006, Chính phủ quy định: Hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; bắt mạch, xác định qua triệu chứng, bói toán hoặc bằng các hình thức khác không được pháp luật cho phép để xác định giới tính thai nhi mà có tính chất trục lợi; hoặc phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi qua sách, báo, tài liệu... bị phạt 500.000 - 1.000.000 đồng; Siêu âm, xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào...; cung cấp hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp loại bỏ thai nhi khi biết người mang thai muốn lựa chọn giới tính; tàng trữ tài liệu, phương tiện chứa nội dung về phương pháp tạo giới tính... bị phạt từ 3 - 7 triệu đồng; Dùng vũ lực, đe dọa, ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lí do lựa chọn giới tính, phá thai mà biết rõ người mang thai muốn lựa chọn giới tính sẽ bị phạt từ 7 - 15 triệu đồng...
Các hành vi vi phạm hành chính về dân số và trẻ em khác như: tuyên truyền, phổ biến thông tin dân số trái quy định của pháp luật bị phạt từ 3 - 20 triệu đồng; sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và cung cấp phương tiện tránh thai trái quy định của pháp luật bị phạt tối đa 30 triệu đồng; cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình phạt từ 100.000 đến 5.000.000 đồng; vi phạm quy định trong hoạt động của cơ sở trợ giúp trẻ em phạt từ 200.000 đến 5.000.000 đồng...

Đảng viên sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ. Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức. Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú...

Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi thu tiền khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế công lập trái với quy định của pháp luật; cố tình không sử dụng trang thiết bị, phương tiện khám chữa bệnh cho trẻ em trong khi có điều kiện và được phép sử dụng...
Mức phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi lăng nhục, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, gây tổn thương về tinh thần của trẻ em; đối xử tồi tệ, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc bắt làm những việc trái với đạo đức xã hội; bắt trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn. Đồng thời, phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể trẻ em làm cho trẻ em đau đớn về thể xác và tinh thần...
Mức phạt tiền cao nhất từ 10 - 30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tổ chức cho trẻ em xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc
(SMS: 201964)
- Ngày 09/10/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 94/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Theo đó, Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước là mức tối đa áp dụng cho phòng làm việc được trang bị mới lần đầu; các cơ quan chỉ thực hiện mua sắm mới những trang thiết bị và phương tiện làm việc trong trường hợp còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức hoặc phải thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc do hư hỏng hoặc thanh lý...
Đối với cán bộ, công chức, viên chức đã được trang bị thiết bị và phương tiện làm việc vượt số lượng thì phải sắp xếp trang bị bằng tiêu chuẩn, định mức quy định. Số lượng thiết bị và phương tiện làm việc vượt hơn tiêu chuẩn, định mức điều chuyển sang cho cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức quy định; Đối với cán bộ, công chức, viên chức đã được trang bị đủ số lượng thiết bị và phương tiện làm việc theo tiêu chuẩn, định mức quy định nhưng vượt giá trị thì được tiếp tục sử dụng...
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thay đổi, luân chuyển công tác giữa các bộ phận trong cơ quan thì vẫn tiếp tục sử dụng trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện có, không mua sắm mới. Đối với cán bộ được đề bạt mà trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức quy định, căn cứ khả năng ngân sách để thực hiện trang bị từng bước bảo đảm theo tiêu chuẩn, định mức quy định...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.


Thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu
(SMS: 201963)
- Ngày 06/10/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 54/2006/QĐ-BTC về việc ban hành mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, những mặt hàng xăng và các sản phẩm khác như Naptha, reformate, các chế phẩm khác để pha xăng và các loại dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc thu được từ các khoáng bitum (trừ dầu thô) và các chế phẩm chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác, có chứa từ 70% khối lượng trở lên là dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ... sẽ áp thuế nhập khẩu khẩu từ 15% lên 20%, riêng xăng máy bay và các nhiên liệu dùng trong ngành hàng không vẫn giữ ở mức 15% và dầu mazut vẫn giữ ở mức 5%...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo và áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 09/10/2006.
 

 BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG


Đơn giá quy hoạch sử dụng đất
(SMS: 201969)
- Ngày 09/10/2006, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 16/2006/QĐ-BTNMT ban hành đơn giá lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước và của vùng.
Theo đó, Đơn giá lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cả nước, của vùng được tính trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật ở điều kiện trung bình. Dự toán kinh phí thực hiện dự án lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm chi phí trong đơn giá và chi phí ngoài đơn giá...

Khi Nhà nước thay đổi mức lương tối thiểu
khác với mức 350.000 đồng/tháng tính trong đơn giá, thì các chi phí trong đơn giá được điều chỉnh như sau: Chi phí nhân công điều chỉnh = Chi phí nhân công trong đơn giá x H, trong đó (H= mức lương tối thiểu mới / (chia) 350.000). Chi phí chung được tính lại theo chi phí trực tiếp đã điều chỉnh chi phí nhân công.
Đối với nguyên giá thiết bị và đơn giá vật liệu, công cụ dụng cụ có biến động trên 10% thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn điều chỉnh hoặc ban hành lại...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Công khai các thủ tục thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng
(SMS: 201966)
- Ngày 05/10/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 33/2006/QĐ-BXD ban hành Quy định công khai thủ tục hành chính và thái độ, tác phong của cán bộ, công chức trong lĩnh vực thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình.
Bộ trưởng yêu cầu các nội dung sau phải công khai: Thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, Nội dung thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Nội dung hồ sơ thiết kế cơ sở trình thẩm định bao gồm: Đơn trình thẩm định; thuyết minh và các bản vẽ thiết kế cơ sở, Thời hạn thẩm định thiết kế cơ sở, Lệ phí thẩm định thiết kế cơ sở...
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở có trách nhiệm: Công khai tên, địa điểm làm việc của đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thẩm định thiết kế cơ sở; công khai số điện thoại (đường dây nóng) của Lãnh đạo cơ quan và Lãnh đạo đơn vị đầu mối để trực tiếp tiếp nhận những phản ánh về hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ; Kiểm tra, làm rõ những phản ánh về hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi của cán bộ, công chức thuộc quyền khi thi hành nhiệm vụ; xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời những hành vi trên...
Người tiếp nhận hồ sơ, thẩm định thiết kế cơ sở phải đeo thẻ công chức, trong đó phải ghi rõ họ tên, chức vụ, cơ quan công tác; phải có thái độ niềm nở; phải tận tình giải thích và hướng dẫn những vấn đề mà tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ chưa hiểu; Không được có thái độ hách dịch hoặc có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN


Thủ tục hải quan hàng chuyển cửa khẩu
(SMS: 201965)
- Ngày 04/10/2006, Tổng cục Hải quan đã ra Công văn số 4650/TCHQ-GSQL về việc thủ tục hải quan đối với hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu.
Tổng cục Hải quan hướng dẫn như sau: trong hồ sơ đề nghị chuyển khẩu không cần phải có bản sao Quyết định thành lập địa điểm kiểm tra của Cục trưởng Cục Hải quan địa phương. Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập khẩu không phải kiểm tra, đối chiếu vì chi cục hải quan ngoài cửa khẩu chịu trách nhiệm về việc này...

Đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu phải nộp thuế ngay theo Danh mục hàng tiêu dùng để phục vụ việc xác định thời hạn nộp thuế nhập khẩu thì phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập, không được chuyển cửa khẩu...