Số 40.2005 (243) ngày 14/10/2005

 CHÍNH PHỦ


Quản lý nhà đất
(SMS: 201170)
- Ngày 10/10/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2005/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 23/2003/QH11 và 755/2005/NQ-UBTVQH11 về quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/7/1991.
Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ về nhà ở cho chủ sở hữu có nhà đất mà Nhà nước đã sử dụng, bố trí quản lý theo chính sách cải tạo trước đây. Điều kiện là những người này thường trú ở tỉnh, thành phố có nhà đất cải tạo (thường trú trước ngày có hiệu lực của Nghị quyết 755), nhưng chỗ ở là đi thuê, mượn, ở nhờ người khác hoặc có nhà riêng nhưng diện tích bình quân trong hộ từ 6m2/người trở xuống...
Trên cơ sở có đơn đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan nhà đất kiểm tra hồ sơ gốc về việc Nhà nước đã sử dụng nhà đất của người có đơn. Cơ quan này phối hợp với UBND cấp xã nơi người đó sinh sống để kiểm tra, xác nhận thực trạng chỗ ở của họ...
Căn cứ vào thực tế địa phương, thực trạng nhà ở của từng trường hợp và đề nghị của cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết cho đối tượng này: được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; được mua nhà ở trả góp theo quy định về bán nhà ở cho người tái định cư hoặc được mua nhà ở theo quy định của UBND cấp tỉnh...
Trường hợp nhà đất có liên quan đến người Việt
Nam ở nước ngoài thì giải quyết theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở có yếu tố nước ngoài được xác lập trước 1/7/1991...
Nghị định này có hiệu lực  sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa
(SMS: 201169)
- Theo Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ban hành ngày 10/10/2005 , Chính phủ quy định: những tiểu thương cân "điêu" tại chợ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng vì đối với hành vi gian lận cân, đong hàng hoá có giá trị nhỏ trong thương mại bán lẻ, gây thiệt hại cho khách hàng. Nếu gian lận cân, đong hàng hoá có giá trị lớn mức phạt này là 2 đến 5 triệu đồng...
Phạt từ 2 đến 5 triệu đồng đối với việc không ghi định lượng thực trên bao bì hoặc bao bì đóng không đủ định lượng, có sai số vượt quá mức giới hạn cho phép đối với sản xuất hàng đóng gói sẵn...

Các hành vi can thiệp, tác động khác như thay thế, đánh tráo, rút bớt, pha trộn tạp chất, chất phụ gia, làm giảm chất lượng vượt quá giới hạn cho phép, tuỳ theo mức độ vi phạm quy định bắt buộc về sức khoẻ con người, an toàn, vệ sinh và môi trường hay chưa có thể bị phạt từ 5 đến7 triệu đồng hoặc 7 đến 10 triệu đồng. Mức phạt này nâng lên gấp đôi đối với hàng hoá có giá trị lớn (vàng, kim loại quý hiếm, đá quý)...
Mức phạt đối với hành vi sử dụng trái phép mã số mã vạch quốc gia; sử dụng mã số mã vạch của doanh nghiệp khác đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. Phạt từ 5 đến 7 triệu đồng đối với hành vi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch không đúng thẩm quyền...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tiêu chuẩn khí thải
(SMS: 201173)
- Ngày 10/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó,
lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn khí thải do hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây ra; hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường không khí nói chung, môi trường không khí các đô thị nói riêng, đồng thời triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại...
Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới được sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu mới như sau: các loại xe cơ giới được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu  mới  phải áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải theo các TCVN tương đương mức Euro 2 đối với từng loại xe kể từ ngày 01/7/2007... Đối với xe cơ giới mà kiểu loại đã được chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước ngày
01/7/2007 nhưng chưa được sản xuất, lắp ráp thì áp dụng kể từ ngày 01/7/2008...

Bảo hiểm bắt buộc đối với kinh doanh vận tải
(SMS: 201168)
- Ngày 07/10/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2005/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá dễ cháy và dễ nổ trên đường thuỷ nội địa.
Theo đó, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thuỷ nội địa bao gồm: Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người kinh doanh vận tải hàng hoá dễ cháy, dễ nổ gây ra đối với người thứ ba; Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người kinh doanh vận tải hành khách gây ra đối với hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách.
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải trên đường thuỷ nội địa nếu bên mua bảo hiểm không đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thuỷ nội địa do pháp luật quy định...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Biên lai thu tiền phạt
(SMS: 201167)
- Ngày 06/10/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2005/NĐ-CP quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, biên lai thu tiền phạt gồm 2 loại: in sẵn mệnh giá từ 5000 đến 100.000 đồng và không in sẵn mệnh giá để xử phạt các cá nhân tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có mức phạt trên 100.000 đồng... để xử phạt hành vi vi phạm hành chính tại chỗ và các trường hợp khác...
Mẫu biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính trước khi đưa ra sử dụng lần đầu, cơ quan phát hành phải có thông báo phát hành bằng văn bản...
Số tiền phạt phải được nộp vào KBNN trơng thời hạn 2 ngày làm việc. Trường hợp địa điểm xử phạt ở những nơi xa xôi, hẻo lánh thì không quá 7 ngày...


Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông
(SMS: 201172)
- Ngày 06/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Mục tiêu phát triển của Chiến lược đến năm 2010: công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm, đạt tổng doanh thu khoảng 6 đến 7 tỷ USD; Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông phủ trên cả nước, với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, giá rẻ. Mật độ điện thoại đạt 32 - 42 máy/100 dân, mật độ thuê bao Internet đạt 8 - 12 thuê bao/100 dân...
Định hướng đến 2015 và tầm nhìn đến 2020: công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông có tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, đạt tổng doanh thu khoảng 15 tỷ USD; đảm bảo 80% sinh viên công nghệ thông tin và truyền thông đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế...


Phụ cấp ưu đãi
(SMS: 201171)
- Theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ban hành ngày 06/10/2005 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, Thủ tướng Chính phủ quyết định: áp dụng mức cao nhất là 50% đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa...
Mức 25%: đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ, các học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW...
Mức 30%: nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên, dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã...
Mức 35%: nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp... ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa...
Mức 40%: đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm, trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và nhà giáo dạy môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề...
Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng HCM trong các trường ĐH, CĐ...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy
(SMS: 201166)
- Theo Nghị định số 123/2005/NĐ-CP ban hành ngày 05/10/2005, Chính phủ quy định mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng đối với vi phạm trong đầu tư, xây dựng không có thiết kế hệ thống phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc diện phải có thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; đưa công trình vào hoạt động mà chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy...
Phạt tiền từ 50.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi: không niêm yết nội quy về phòng cháy và chữa cháy theo quy định; thay đổi, dịch chuyển làm sai vị trí niêm yết nội quy, vị trí để biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy; bố trí nơi đun nấu không đảm bảo an toàn...
Nếu sử dụng kho, thiết bị chứa chất nguy hiểm về cháy, nổ không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy có thể bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng...
Hành vi sản xuất, kinh doanh trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng...
Công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy mà không có "Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy" sẽ bị xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ THƯƠNG MẠI


Quản lý hoạt động kinh doanh hàng hóa cấm nhập khẩu
(SMS: 201174)
- Ngày 10/10/2005, Bộ trưởng Bộ Thương mại đã ban hành Quyết định số 2504/2005/QĐ-BTM về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Theo đó, việc phối hợp cấp giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu giữa Bộ Thương mại và UBNDtỉnh nơi có Khu Kinh tế cửa khẩu được thực hiện như sau: Thương nhân có yêu cầu tạm nhập qua cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế và tái xuất qua Khu Kinh tế cửa khẩu thì phải xin phép Ủy ban Nhân dân tỉnh nơi có Khu Kinh tế cửa khẩu cho tái xuất tại Khu Kinh tế cửa khẩu trước sau đó xin giấy phép tạm nhập tại Bộ Thương mại; Thương nhân đã được Bộ Thương mại cấp giấy phép tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế sau đó có yêu cầu tái xuất qua Khu Kinh tế cửa khẩu thì xuất trình giấy phép của Bộ Thương mại làm cơ sở xin phép UBND tỉnh nơi có Khu Kinh tế cửa khẩu cho tái xuất qua Khu Kinh tế cửa khẩu...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.