Số 39.2010 (497) ngày 05/10/2010

CHÍNH PHỦ

Nghị định mới hướng dẫn Luật Doanh nghiệp (SMS: 102/2010/ND-CP) - Ngày 01/10/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, thay thế cho Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007. So với Nghị định cũ, Nghị định này bổ sung một số quy định về góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, về vốn điều lệ của công ty và số cổ phần được quyền phát hành của công ty cổ phần, về một số vấn đề liên quan đến đại hội đồng cổ đông…Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn. Bộ Tài chính hướng dẫn việc định giá góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ.
Cũng theo Nghị định này, thời hạn mà thành viên hoặc chủ sở hữu công ty TNHH phải góp đủ số vốn đã cam kết vào vốn điều lệ không quá 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành; số cổ phần đã phát hành là số cổ phần mà các cổ đông đã thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty; số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Một số vấn đề về đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần cũng được Nghị định quy định rõ thêm, chẳng hạn như việc trường hợp cổ đông dự họp là người có liên quan không có quyền biểu quyết thì nghị quyết của đại hội đồng cổ đông về vấn đề đó được thông qua khi có ít nhất 65% hoặc 75% tổng số phiếu được quyền biểu quyết tương ứng theo quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2010.
Quy định về cách ly y tế (SMS: 101/2010/ND-CP) - Cách ly y tế và cưỡng chế cách ly y tế đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế được thực hiện trong trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế của người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế. Thời gian áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế do người có thẩm quyền quyết định nhưng không quá 21 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế có hiệu lực. Trường hợp hết thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế mà đối tượng bị áp dụng chưa khỏi bệnh hoặc chưa được xử lý theo quy định tại Điều 36 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhưng trong quá trình thực hiện biện pháp cưỡng chế cách ly y tế không tuân thủ các quy định của cơ quan thực hiện việc cưỡng chế cách ly thì phải gia hạn thời gian cưỡng chế cách ly; quyết định gia hạn thời gian cưỡng chế cách ly y tế là 10 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Trong thời gian áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, người bị áp dụng được hưởng chế độ ăn, mặc, ở và không được tiếp xúc với người thân hoặc ra khỏi khu vực cách ly trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu trong thời gian này, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có diễn biến bệnh hoặc mắc các bệnh khác vượt quá khả năng xử lý của mình thì thủ trưởng cơ quan thực hiện việc cách ly phải chuyển người đó đến cơ sở khám, chữa bệnh có đủ khả năng gần nhất để điều trị.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2010.
Xã, phường, thị trấn được cấp công báo miễn phí (SMS: 100/2010/ND-CP) - Ngày 28/9/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2010/NĐ-CP về Công báo. Theo Nghị định này, công báo là ấn phẩm thông tin pháp lý chính thức của Nhà nước, do Chính phủ thống nhất quản lý, có chức năng đăng các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phối hợp ban hành, các điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với Việt Nam và các văn bản pháp luật khác theo quy định. Công báo gồm có Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Văn phòng Chính phủ xuất bản và Công báo cấp tỉnh do văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuất bản dưới hai hình thức: Công báo in và Công báo điện tử. Văn bản pháp luật đăng trên Công báo là văn bản chính thức và có giá trị như bản gốc; trong trường hợp có sự khác nhau giữa Công báo in và Công báo điện tử thì sử dụng Công báo in làm căn cứ chính thức. Công báo điện tử được khai thác miễn phí. Công báo được xuất bản, phát hành rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu và được cấp phát miễn phí cho xã, phường, thị trấn với số lượng 01cuốn/số/xã, phường, thị trấn.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành văn bản, cơ quan ban hành có trách nhiệm gửi Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được điều ước quốc tế hai bên có hiệu lực, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về hiệu lực của điều ước quốc tế nhiều bên, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm sao lục, gửi Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo. Văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng các yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành phải được gửi Văn phòng Chính phủ ngay trong ngày đó để đăng Công báo.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2010 và thay thế Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ.
01/7/2011: Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn (SMS: 1785/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1785/QĐ-TTg ngày 27/9/2010 tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 (Tổng điều tra) vào ngày 01/7/2011 trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản phục vụ việc đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; thiết lập căn cứ để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới và mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung điều tra bao gồm: thực trạng nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (số lượng đơn vị sản xuất, số lao động và cơ cấu lao động, quy mô sản xuất, năng lực sản xuất, tình hình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản…); thực trạng nông thôn (thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thực trạng và những chuyển biến về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn); thông tin về cư dân nông thôn (điều kiện sống của cư dân nông thôn, tích lũy và khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng của cư dân nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn).
Thời gian thực hiện thu thập số liệu của cuộc Tổng điều tra là 30 ngày, bắt đầu từ ngày 01/7/2011 đến ngày 30/7/2011. Số liệu sơ bộ công bố vào tháng 12 năm 2011. Kết quả chính thức công bố vào quý III năm 2012. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương và cấp tỉnh cũng được thành lập theo Quyết định này để tổ chức và chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra. Kinh phí thực hiện cuộc Tổng điều tra do ngân sách Trung ương bảo đảm. Căn cứ kế hoạch, nội dung và phương án của cuộc Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương lập tổng dự toán, tổ chức thực hiện và quyết toán kinh phí Tổng điều tra theo đúng quy định hiện hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

 
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

4 tiêu chí đánh giá chuẩn giáo viên dạy nghề (SMS: 30/2010/TT-BLDTBXH) - Ngày 29/9/2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 30/2010/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề. Thông tư này quy định chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề, bao gồm các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực nghề nghiệp; áp dụng đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề tại các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và các cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy nghề và không áp dụng đối với giáo viên, giảng viên dạy các môn chung, các môn văn hoá tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề.
Có 4 tiêu chí để đánh giá chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề, bao gồm: phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống; năng lực chuyên môn; năng lực sư phạm dạy nghề; năng lực phát triển nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học. Mục đích ban hành chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề làm cơ sở để xây dựng mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, giảng viên dạy nghề; giúp giáo viên, giảng viên dạy nghề tự đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực nghề nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; làm cơ sở để đánh giá giáo viên, giảng viên dạy nghề hàng năm phục vụ công tác quy hoạch, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ này và làm cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/11/2010.
Chỉ định 04 tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hóa ngành lao động (SMS: 1170/QD-LDTBXH) - Cùng ngày 29/9/2010, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký Quyết định số 1170/QĐ-LĐTBXH  chỉ định 04 tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa là các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và công trình vui chơi công cộng. Bốn tổ chức này bao gồm: Công ty TNHH một thành viên Kiểm định kỹ thuật, an toàn và tư vấn xây dựng - số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội; Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - số 2 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội; Trung tâm Kiểm định công nghiệp II, thuộc Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công thương - số 35-37 Bến Chương Dương (lầu 2), phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.Hồ Chí Minh; Trung tâm Kiểm định và huấn luyện kỹ thuật an toàn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh - số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh.
Các tổ chức nói trên thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu đúng theo chức năng của tổ chức kỹ thuật được quy định tại Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chứng nhận sự phù hợp các sản phẩm, hàng hóa là các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 quy định tại Thông tư số 03/2010/TT-BLĐTBXH ngày 19/01/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thời hạn có hiệu lực của Quyết định này là 03 năm.
 
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Hỗ trợ tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn (SMS: 20/2010/TT-NHNN) - Thông tư số 20/2010/TT-NHNN ngày 29/9/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng (trừ Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có việc áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam thấp hơn so với mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường và áp dụng kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 10/2010, cụ thể: đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn trên tổng dư nợ bình quân cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 70% trở lên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam bằng 1/20 so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền gửi; đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn trên tổng dư nợ bình quân cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 40% đến dưới 70%, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam bằng 1/5 so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền gửi.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn dành lượng tiền cung ứng hàng năm để tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với mục tiêu, biện pháp điều hành chính sách tiền tệ. Các khoản cho vay tái cấp vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên về thời hạn và nguồn vốn cho vay so với các lĩnh vực khác.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
BỘ TÀI CHÍNH

Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 05 tỷ trở lên được tự in hóa đơn (SMS: 153/2010/TT-BTC) - Ngày 28/9/2010, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Theo Thông tư này, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể đồng thời tạo nhiều hình thức hóa đơn khác nhau (hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử) nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Đối tượng được tạo hóa đơn tự in kể từ khi có mã số thuế bao gồm: doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; các đơn vị sự nghiệp có sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn. Các tổ chức kinh doanh đang hoạt động không thuộc các trường hợp nêu trên được tự in hóa đơn để sử dụng cho việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nếu có đủ các điều kiện: đã được cấp mã số thuế; có doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ; có hệ thống thiết bị (máy tính, máy in, máy tính tiền) đảm bảo cho việc in và lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán và có phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán; không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế.
Tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh có mã số thuế (không bao gồm hộ và cá nhân nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp) được tạo hóa đơn đặt in. Đối tượng được tạo hóa đơn đặt in tự quyết định mẫu hóa đơn đặt in và phải in sẵn tên, mã số thuế vào tiêu thức “tên, mã số thuế người bán” trên tờ hóa đơn. Đối với các số hóa đơn đã đặt in nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn địa chỉ trên tờ hóa đơn, khi có sự thay đổi địa chỉ, nếu tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh vẫn có nhu cầu sử dụng hóa đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011 và thay thế Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 về việc in, phát hành, sử dụng và quản lý hóa đơn và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 120/2002/TT-BTC.

Chính sách thuế đối với Quỹ phát triển đất (SMS: 151/2010/TT-BTC) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 151/2010/TT-BTC ngày 27/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về các loại thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước đối với Quỹ phát triển đất, nếu Quỹ này có chênh lệch thu lớn hơn chi từ hoạt động thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và khoản 1 Điều 11 Quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất thì không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Thu nhập từ các hoạt động khác thực hiện nộp thuế TNDN theo thuế suất 25%. Trường hợp Quỹ phát triển đất có thu nhập từ các hoạt động chịu thuế TNDN mà Quỹ hạch toán được doanh thu nhưng không hạch toán và xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể: 5% đối với dịch vụ, 1% đối với kinh doanh hàng hóa và 2% đối với các hoạt động khác.
Các hoạt động ứng vốn và hỗ trợ do Quỹ phát triển đất cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và khoản 1 Điều 11 Quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trường hợp UBND cấp tỉnh quyết định ủy thác cho Quỹ phát triển đất hoặc quỹ tài chính khác của địa phương quản lý Quỹ phát triển đất hoặc Quỹ phát triển đất được nhận ủy thác quản lý, sử dụng vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì phí dịch vụ ủy thác/nhận ủy thác (trừ phí dịch vụ ủy thác/nhận ủy thác cho vay) thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Quỹ phát triển đất cung cấp các dịch vụ khác hoặc có mua sắm, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế GTGT phục vụ cho hoạt động của Quỹ thực hiện nộp thuế GTGT theo quy định hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Hướng dẫn về thuế đối với cơ quan báo chí (SMS: 150/2010/TT-BTC) - Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 150/2010/TT-BTC ngày 27/9/2010 hướng dẫn về thuế GTGT và thuế TNDN đối với các cơ quan báo chí được thành lập và hoạt động theo Luật báo chí, xuất bản là đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động quảng cáo có thu nhập, bao gồm các Báo tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên (Báo tự đảm bảo chi phí hoạt động) và các Báo tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên (Báo tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động) theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Theo đó, Báo tự đảm bảo chi phí hoạt động hạch toán riêng doanh thu hoạt động quảng cáo để nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ quy định tại Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành; được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định hình thành từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Báo và tài sản cố định dùng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT; trường hợp tài sản cố định được hình thành một phần từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với tỷ lệ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên tổng nguồn vốn hình thành tài sản cố định không được khấu trừ mà được tính vào nguyên giá tài sản cố định. Báo tự đảm bảo chi phí hoạt động có hoạt động thương mại, cung cấp dịch vụ như quảng cáo, đăng tải thông tin và các dịch vụ khác thuộc đối tượng chịu thuế TNDN thì Báo hạch toán các khoản doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn; trường hợp hoạt động báo chí có chênh lệch chi lớn hơn thu, hoạt động quảng cáo có thu nhập thì Báo được dùng thu nhập của hoạt động quảng cáo để bù đắp phần chênh lệch thu chi của hoạt động báo chí trước khi xác định thu nhập tính thuế TNDN.
Cũng theo Thông tư này, Báo tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động có doanh thu từ hoạt động quảng cáo có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo chế độ quy định hoặc có đủ điều kiện xác định được đúng doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ như hợp đồng và chứng từ thanh toán và xác định được chính xác thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo quy định thì thực hiện kê khai, khấu trừ, nộp thuế GTGT như Báo tự đảm bảo chi phí hoạt động. Trường hợp Báo tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động có đầy đủ hoá đơn của hàng hoá, dịch vụ bán ra theo chế độ quy định hoặc có đủ điều kiện xác định được đúng doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ như hợp đồng, chứng từ thanh toán nhưng không đủ hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ đầu vào hoặc không xác định được chính xác thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo quy định thì kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Trường hợp Báo tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động có hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TNDN mà Báo hạch toán được doanh thu nhưng không hạch toán và xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai, nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ, cụ thể như sau: đối với dịch vụ là 5%; đối với kinh doanh hàng hoá là 1% và đối với hoạt động khác là 2%.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký, riêng nội dung hướng dẫn về thuế TNDN được áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2010 trở đi.