Số 39.2008 (395) ngày 03/10/2008

 CHÍNH PHỦ


Cung cấp thông tin cho báo chí
(SMS: 506308)
- Ngày 29/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1390/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sự phối hợp này nhằm giúp báo chí thông tin kịp thời, chính xác tình hình kinh tế-xã hội, các chủ trương, giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Việc phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa các Bộ phải tuân theo nguyên tắc là quan hệ hợp tác, phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài về các chủ trương, chính sách, giải pháp điều hành, định hướng phát triển kinh tế của Đảng và Chính phủ. Thông tin do các Bộ cung cấp cho báo chí phải đảm bảo tính chính thống, kịp thời, chính xác và công khai, minh bạch nhằm giải thích cho dư luận trong và ngoài nước, ổn định và tạo lòng tin của nhà đầu tư và nhân dân, phù hợp với lợi ích chung của đất nước.
Các Bộ tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc cử người phát ngôn, đại diện cung cấp thông tin cho báo chí trực tiếp tại các cuộc giao ban báo chí hàng tuần do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Các Bộ cũng có thể tổ chức họp báo hoặc ra thông cáo báo chí để cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí.
Khi có những sự kiện, vấn đề quan trọng mà xã hội quan tâm hoặc báo chí đề cập liên quan đến lĩnh vực của Bộ nào thì Bộ đó có trách nhiệm cử người phát ngôn hoặc cử đại diện cung cấp thông tin cho báo chí tại cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì và tại cuộc họp báo thường kỳ của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
Đối với những vấn đề, sự kiện lớn, đột xuất mà dư luận xã hội quan tâm hoặc gây tác động lớn trong xã hội, Bộ quản lý chuyên ngành phải kịp thời tổ chức họp báo đột xuất, với sự tham gia của các cơ quan liên quan để cung cấp, định hướng thông tin kịp thời cho báo chí.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 29/9/2008.


Cấp phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần
(SMS: 506285)
- Ngày 29/9/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 279/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc bổ sung tiêu chí, điều kiện thành lập và cấp phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần.
Thủ tướng yêu cầu: Ngân hàng Nhà nước rà soát lại một số tiêu chí (điều kiện, tiêu chuẩn của cổ đông sáng lập là cá nhân, Tổng Giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị) bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, hiệu quả phù hợp với thực tiễn, áp dụng cho các ngân hàng thương mại cổ phần mới thành lập và quy định lộ trình cho các ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động thực hiện các tiêu chí này, nhằm đảm bảo tính thống nhất, ổn định, hiệu quả và an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trên cơ sở đó, hoàn thiện, ban hành quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần để thay thế các quy định hiện hành; đồng thời đưa các nội dung về điều kiện, tiêu chuẩn của cổ đông sáng lập là cá nhân, Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị vào trong Dự thảo Nghị định mới…
Về phương án xử lý đối với những hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần, Thủ tướng đồng ý việc thành lập Ngân hàng thương mại cổ phần Bảo Việt với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.
Sau khi ban hành quy chế mới về cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc cấp phép thành lập mới ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định và giám sát chặt chẽ, thường xuyên hoạt động của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và mới hoạt động, bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trong hệ thống ngân hàng, nhằm duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô nói chung...


Đảm bảo phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2009
(SMS: 506241)
- Theo Công văn số 6409/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ ra ngày 26/9/2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến như sau: các đơn vị sản xuất phân bón trong nước cần tập trung sản xuất, phát huy tối đa công suất thiết kế tăng nguồn phân bón trong nước cho sản xuất nông nghiệp. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam chỉ đạo các nhà máy trực thuộc tăng tiến độ sản xuất phân Urê phục vụ nhu cầu sản xuất vụ Đông Xuân 2008 - 2009.
Các địa phương hướng dẫn, khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón hợp lý, tăng sử dụng phân bón tổng hợp, phân NPK, phân vi sinh và phân hữu cơ, giảm sử dụng phân DAP, phân Urê nhằm giảm chi phí sản xuất tăng hiệu quả đầu tư.
Các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón sẽ được tạo thuận lợi về hạn mức cho vay và vay vốn bằng ngoại tệ, để nhập khẩu đủ và kịp thời phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chủ trì theo dõi diễn biến thị trường, cân đối cung cầu phân bón kịp thời kiến nghị giải pháp khi thị trường có biến động, nhằm bảo đảm đủ phân bón cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong năm 2009, trước hết là vụ Đông Xuân 2008 - 2009.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra chất lượng phân bón, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng, đầu cơ tăng giá; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trên địa bàn tổ chức, giám sát chặt chẽ hệ thống phân phối, đại lý, chống lợi dụng ép giá khi biến động cung cầu.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Cơ chế đặc thù đối với các dự án điện
(SMS: 506334)
- Ngày 02/10/2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 17/2008/TT-BXD về việc hướng dẫn một số nội dung lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện theo cơ chế 797 - 400.
Theo đó, việc lập và quản lý chi phí phải tuân thủ nguyên tắc: đảm bảo mục tiêu, hiệu quả đầu tư, đồng thời phải đảm bảo tính khả thi của dự án đầu tư xây dựng công trình, đảm bảo tính đúng, tính đủ, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu khách quan của từng công trình.
Cụ thể, công tác xây dựng trong hầm thì chi phí trực tiếp khác (kể cả chi phí vận hành, chi phí sửa chữa thường xuyên hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp gió, cấp điện, giao thông phục vụ thi công trong hầm) được tính bằng 6,5% trên tổng chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy thi công trong dự toán xây dựng công trình.
Đối với công tác thi công ngoài hầm (ngoài hở) thì chi phí trực tiếp khác được tính bằng 2% đối với công trình chính và 1,5% cho công trình tạm phục vụ thi công trên tổng chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy thi công trong dự toán xây dựng công trình.
Đối với những loại vật liệu như: Cát, đá, đất dính và vật liệu làm lớp lọc được các đơn vị thi công khai thác, sản xuất ra thành phẩm để phục vụ thi công công trình thì được phép áp dụng tỷ lệ chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước hợp lý để tính vào giá bán sản phẩm. Tỷ lệ cụ thể chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước được xác định như sau: Chi phí chung tính bằng 2,5% trên chi phí máy thi công; Thu nhập chịu thuế tính trước tính bằng 3% trên chi phí trực tiếp và chi phí chung.
Chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công bao gồm cả chi phí đưa đón công nhân xây dựng đến hiện trường xây lắp đ­ược tính toán căn cứ vào nhu cầu cần thiết của công trình, theo tổng mặt bằng và tổng tiến độ công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nh­ưng không vư­ợt quá 2% giá trị dự toán chi phí xây dựng của công trình.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Bộ Xây dựng
(SMS: 506271)
- Theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng, ban hành ngày 26/9/2008, ngành xây dựng sẽ ưu tiên nguồn vốn ODA cho 6 lĩnh vực quan trọng, gồm lĩnh vực chiến lược, định hướng phát triển của ngành; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và hỗ trợ cải cách hành chính; quy hoạch phát triển đô thị; xử lý chất thải quy mô lớn; quản lý nhà và thị trường bất động sản, phát triển nhà cho người thu nhập thấp; hỗ trợ chuyển giao công nghệ.
Hoạt động vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA dựa trên các nguyên tắc sau: Khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ, căn cứ theo chức năng nhiệm vụ của mình, tích cực và chủ động trong việc vận động thu hút các dự án ODA phục vụ cho nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ; Tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA phải đi đôi với việc nâng cao hiệu quả sử dụng và khả năng trả nợ, phù hợp với khả năng tiếp nhận của các đơn vị thực hiện ; Các chương trình, dự án ODA phải được tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ và mục tiêu phát triển của Ngành Xây dựng; Phân định rõ trách nhiệm, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và phát huy tính chủ động của đơn vị thực hiện chương trình, dự án...

Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra định kỳ hoặc bất thường đối với các ban quản lý dự án. Đồng thời, theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai dự án ODA theo định kỳ 6 tháng, 1 năm.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Cách tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
(SMS: 506287)
- Ngày 29/9/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 20/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 101/2008/NĐ-CP.
Theo đó, cách tính điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng như sau: Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/10/2008 bằng (=) Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp tháng hiện hưởng nhân với (x) 1,15.
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng của các các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/10/2008 cho đến khi có quy định mới về điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, cũng được điểu chỉnh theo cách tính nói trên...
Tại Thông tư có nhiều ví dụ cụ thể về cách tính cho các đối tượng là cán bộ xã nghỉ việc, hưởng trợ cấp hàng tháng, hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, quân nhân nghỉ hưu...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ Y TẾ


Kiểm tra các sản phẩm sữa
(SMS: 506318)
- Trong những tuần vừa qua, ngay sau khi phát hiện một số sản phẩm sữa trên thị trường Việt Nam xuất xứ từ Trung Quốc có chất Melamine - là chất tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm do gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người sử dụng, đặc biệt là trẻ em, ngày 27/9/2008, Bộ Y tế đã ra Công văn số 6697/BYT-ATTP về việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền về sử dụng sữa và các sản phẩm sữa trên địa bàn.
Bộ Y tế chỉ đạo đình chỉ lưu hành tất cả các nguyên liệu sữa và sản phẩm sữa không có nguồn gốc xuất xứ, không có bao bì, nhãn mác theo đúng qui định.
Bên cạnh đó, để giải toả những ách tắc hiện nay trong công tác kiểm nghiệm mẫu sữa, cho phép các doanh nghiệp được tự công bố chất lượng của sữa và những thứ sản phẩm liên quan đến sữa sau khi có kết quả kiểm nghiệm tại các phòng thí nghiệm trong nước được Bộ Y tế chỉ định hoặc gửi mẫu ra nước ngoài kiểm nghiệm.
Ngoài ra, các Sở Y tế cần đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác, khách quan, kịp thời cung cấp thông tin cho người dân nhưng không được gây hiểu lầm, tâm lý hoang mang trong dân chúng. Mục tiêu quan trọng hàng đầu của công tác tuyên truyền là bảo vệ sức khoẻ nhân dân và quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng phải tích cực góp phần vào việc ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước và hoạt động thương mại của Việt Nam với các nước.
Chiến dịch truyền thông tại địa phương về việc sử dụng sữa và các sản phẩm liên quan đến sữa cần được tập trung vào những trọng tâm sau: Khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng các loại thực phẩm nói chung, trong đó có các sản phẩm sữa, có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác theo đúng quy định; tên, địa chỉ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, hạn sử dụng… phải được ghi đầy đủ, rõ ràng theo quy định; Cần nhấn mạnh: không phải tất cả các sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường Việt Nam (gồm sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu) đều có nguy cơ chứa chất Melamine; Khuyến cáo các nhà trẻ, các lớp mẫu giáo… tuyệt đối không cắt khẩu phần sữa để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các cháu. Các trường cần tăng cường việc kiểm soát nguồn gốc cung ứng sữa cho đơn vị. Khuyến cáo phụ huynh không mua các loại sữa không rõ nguồn gốc từ bên ngoài đưa vào trường cho con em mình sử dụng…
 

 LIÊN BỘ: TÀI CHÍNH - TƯ PHÁP


Kinh phí hoạt động trợ giúp pháp lý
(SMS: 506279)
- Ngày 25/9/2008, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 81/2008/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước.
Theo đó, kinh phí hoạt động của cơ quan TGPL nhà nước bao gồm các nội dung chi sau: Các khoản chi chuyên môn nghiệp vụ TGPL (Chi bồi dưỡng và chi phí hành chính hợp lý đối với cộng tác viên; Chi thực hiện TGPL lưu động, hỗ trợ chi phí sinh hoạt của Câu lạc bộ TGPL, sinh hoạt chuyên đề pháp luật; Chi truyền thông, cung cấp thông tin liên quan đến TGPL; In ấn các biểu mẫu, đơn từ; Chi tổ chức hội nghị, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; Chi nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận giải quyết vụ việc; sơ kết, tổng kết về TGPL; phối hợp về TGPL; Chi đi xác minh vụ việc TGPL để thực hiện kiến nghị thi hành pháp luật; Chi kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; Chi các hoạt động phối hợp trong tố tụng; Chi bồi thường thiệt hại do lỗi của Trung tâm gây ra trong quá trình thực hiện TGPL cho người được TGPL)…

Các khoản chi khác đối với đơn vị sự nghiệp bao gồm: chi thực hiện nhiệm vụ TGPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia; chi vốn đối ứng khi thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài tài trợ; chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao; chi thực hiện các dự án từ nguồn tài trợ của nước ngoài; chi theo phạm vi hỗ trợ của Quỹ TGPL theo quy định của pháp luật…

Kinh phí hoạt động của cơ quan TGPL nhà nước phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng theo tiêu chuẩn chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, thực hiện chế độ báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định của pháp luật.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Sửa đổi, bổ sung Quy chế nghiệp vụ thị trường mở
(SMS: 506325)
- Ngày 30/9/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 27/2008/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế nghiệp vụ thị trường mở ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-NHNN.
Theo đó, các phương thức mua hoặc bán giấy tờ có giá bao gồm: Giao dịch mua có kỳ hạn; Giao dịch bán có kỳ hạn; Giao dịch mua hẳn; Giao dịch bán hẳn. Như vậy, không còn quy định: Ban Điều hành nghiệp vụ thị trường mở quyết định mỗi phiên giao dịch chỉ áp dụng một trong các phương thức này.
Trong quy định về phương thức đấu thầu khối lượng, trường hợp tại đơn dự thầu của tổ chức tín dụng trúng thầu đăng ký nhiều loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán, nếu không bao gồm các loại giấy tờ có giá mà Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ giao dịch tại mỗi phiên giao dịch nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước xét thầu xác định thứ tự ưu tiên từng loại giấy tờ có giá theo thời hạn còn lại của các giấy tờ có giá ngắn hơn, sau đó mới tới giấy tờ có giá đăng ký bán hoặc mua có khối lượng lớn hơn. Nếu bao gồm các loại giấy tờ có giá có quy định tỷ lệ giao dịch và các loại giấy tờ có giá không quy định tỷ lệ giao dịch, Ngân hàng Nhà nước xét thầu theo nguyên tắc tỷ lệ các loại giấy tờ có giá trúng thầu tương ứng với tỷ lệ giao dịch của các loại giấy tờ có giá đăng ký tại đơn dự thầu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc xác định thứ tự ưu tiên xét thầu trong số giấy tờ có giá không quy định tỷ lệ giao dịch và giấy tờ có giá có quy định tỷ lệ giao dịch  cũng được thực hiện theo thời hạn còn lại của các giấy tờ có giá ngắn hơn, sau đó mới tới giấy tờ có giá đăng ký bán hoặc mua có khối lượng lớn hơn…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.