Số 39.2007 (344) ngày 05/10/2007

 CHÍNH PHỦ


Giải quyết vướng mắc trong đầu tư xây dựng
(SMS: 501690)
- Ngày 02/10/2007. Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 189/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng về một số biện pháp giải quyết vướng mắc trong đầu tư xây dựng.
Trước thực trạng có quá nhiều loại giấy phép trong hoạt động khoáng sản, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu trình sửa đổi theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính, xoá bỏ bớt các loại giấy phép không cần thiết, trước mắt chỉ giữ lại Giấy phép thăm dò khoáng sản, thực hiện phân cấp mạnh hơn nữa việc giao cho các bộ chuyên ngành và UBND cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động khoáng sản…
Bộ Xây dựng thực hiện rà soát lại danh mục các loại dự án công trình cần lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời cải cách thủ tục, nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm tạo thuận lợi cho Chủ đầu tư, nhất là đối với các dự án nhà ở, khu đô thị nhỏ…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cải tiến giảm thiểu thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung quy trình, thủ tục, nội dung và xem xét lại giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đầu tư. Trường hợp không cần thiết phải duy trì loại giấy này thì kiến nghị bãi bỏ…


Tín dụng đối với học sinh, sinh viên
(SMS: 501661)
- Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định: kể từ ngày 01/10/2007, mức vay vốn tối đa dành cho học sinh - sinh viên là 800.000 đồng/tháng. Lãi suất cho vay ưu đãi là 0,5%/tháng và lãi suất quá hạn không quá 130% lãi suất vay…
Theo đó, tất cả học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, không phân biệt công lập và ngoài công lập; không phân biệt chính quy hay tại chức; không phân biệt thời gian đào tạo trên 1 năm hay dưới 1 năm. Ngoài ra, đối với những học sinh - sinh viên thuộc hộ gia đình nói chung không thuộc diện hoàn cảnh khó khăn nhưng trong quá trình học tập mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bênh, có xác nhận của UBND nơi cư trú cũng sẽ được cho vay vốn để tiếp tục học tập…
Ngoài ra, bên cạnh phương thức cho vay thông qua hộ gia đình đang áp dụng hiện nay, bổ sung thêm phương thức cho vay trực tiếp đối với học sinh sinh viên mồ côi cha mẹ hoặc mồ côi một người nhưng người còn lại không có khả năng giao dịch với ngân hàng. Điều này sẽ giúp cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của học sinh - sinh viên dễ dàng thuận lợi hơn…


Danh mục dự án kêu gọi đầu tư
(SMS: 501682)
- Ngày 26/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài thời kỳ 2006 - 2010.
Theo đó, những dự án trong Danh mục này là những dự án quan trọng đã được chấp thuận về chủ trương đầu tư và Danh mục này có thể được điều chỉnh theo từng giai đoạn cụ thể phù hợp với yêu cầu của quá trình phát triển.
Cụ thể, Danh mục nêu trên gồm 163 Dự án, được chia  thành 3 ngành chính: Công nghiệp - Xây dựng; Nông, lâm nghiệp và Thủy sản; Du lịch - Dịch vụ.
Ngành Công nghiệp - Xây dựng gồm 109 Dự án thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng; khai khoáng và luyện kim; cơ khí chế tạo; công nghiệp điện lực; công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất; công nghiệp vật liệu xây dựng; công nghệ cao và kỹ thuật cao, mới. Ngành Nông, lâm nghiệp và Thủy sản gồm 6 Dự án. Ngành Du lịch - Dịch vụ gồm 48 Dự án chia ra các ngành cụ thể sau: Bưu chính - Viễn thông; Y tế, Giáo dục - Đào tạo; Hạ tầng đô thị, khách sạn, du lịch.
Tùy theo quy mô, tính chất của từng dự án, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định thành lập các nhóm công tác bao gồm đại diện có thẩm quyền của các Bộ, ngành và địa phương liên quan để giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề cụ thể của dự án.
Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trong việc chuẩn bị thành lập dự án và trong quá trình triển khai dự án; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng tài liệu giới thiệu dự án làm cơ sở cho việc vận động đầu tư…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, tổng hợp tình hình cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án trong danh mục, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phối hợp phòng chống tệ nạn xã hội
(SMS: 501678)
- Ngày 25/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Theo Quy chế, có 3 nội dung phối hợp liên ngành; trong đó nội dung hàng đầu là xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch về phòng, chống tệ nạn mại dâm; tiếp đến là xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm; tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn mại dâm; thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, vay vốn, tạo việc làm cho phụ nữ có nguy cơ cao, giúp đỡ người bán dâm chữa trị và tái hòa nhập cộng đồng.
Quy chế cũng nêu rõ việc phối hợp xử lý tụ điểm mại dâm ở địa bàn giáp ranh. Chủ tịch UBND xã hoặc huyện tại nơi có tụ điểm mại dâm và nơi giáp ranh có trách nhiệm phối hợp giải quyết theo thẩm quyền. Nếu việc phối hợp giải quyết không hiệu quả hoặc tụ điểm mại dâm quá phức tạp thì Chủ tịch UBND xã, huyện tại địa bàn giáp ranh báo cáo Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp xử lý. Đối với các tụ điểm mại dâm xảy ra trên địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi có địa bàn giáp ranh có trách nhiệm chỉ đạo xử lý cũng như phải xây dựng chương trình, kế hoạch và cam kết phối hợp hành động…
Bộ Công an là đầu mối quản lý Chương trình, có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình, đồng thời báo cáo tổng hợp về kết quả thực hiện của Chương trình...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Chính sách đối với người lao động khi danh nghiệp thực hiện cổ phần hoá
(SMS: 501689)
- Ngày 04/10/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 20/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Theo đó, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động: hết hạn hợp đồng lao động; tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động hoặc lý do khác tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp thì Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hoá giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động (nguồn kinh phí lấy từ quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nếu còn thiếu thì doanh nghiệp đề nghị Nhà nước hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính) và có trách nhiệm làm đầy đủ các thủ tục để cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định của pháp luật…
Với người có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp thì thời gian được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi là tổng thời gian (tính theo số năm đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) thực tế làm việc trong khu vực nhà nước của người lao động đến thời điểm công bố giá trị của doanh nghiệp. Thời gian này không bao gồm thời gian thực tế làm việc đã được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi tại doanh nghiệp cổ phần hoá trước đó; thời gian thực tế làm việc đã được tính hưởng chế độ hưu trí; thời gian thực tế làm việc đã được tính để nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần…
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ tiền lương ở công ty mẹ
(SMS: 501688)
- Ngày 04/10/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 19/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định số 141/2007/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương đối với công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu và các công ty con trong Tập đoàn kinh tế.
Theo đó, đối với công ty mẹ trong Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập thì trưởng phòng, Kiểm soát viên được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp giữ chức vụ là: 0,8; Phó Trưởng phòng: 0,7; đối với công ty do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thì trưởng phòng, Kiểm soát viên: 0,7; Phó Trưởng phòng: 0,6...
Đối với người chuyển đến làm công nhân, nhân viên trực tiếp hoặc phục vụ sản xuất, kinh doanh thì căn cứ vào công việc được giao, chức danh, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân, công ty tổ chức kiểm tra trình độ tay nghề. Người lao động đạt bậc của nghề nào thì xếp vào bậc lương của nghề đó theo các thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định...
Bảng lương của viên chức quản lý Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập được quy định như sau: Chủ tịch Hội đồng quản trị; Chủ tịch Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty) bậc 1 là 8,80 và bậc 2 là 9,10; Tổng giám đốc bậc 1 là 8,50 và bậc 2 là 8,80...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: NỘI VỤ - TÀI CHÍNH


Hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế
(SMS: 501685)
- Ngày 24/9/2007, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP như sau: đối với những người nghỉ hưu trước tuổi sẽ được hưởng các khoản trợ cấp sau: 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; 5 tháng cho 20 năm đầu công tác có đóng đủ bảo hiểm xã hội; ½ tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ 21 đóng bảo hiểm xã hội trở đi…
Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng kinh phí thường xuyên từ ngân sách được hưởng các khoản trợ cấp sau: 3 tháng tiền lương hiện hưởng; ½ tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội…
Đối với những người thôi việc ngay được hưởng: 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội…
Cán bộ, công chức, viên chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc bầu cử. Trường hợp thời hạn còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu 6 tháng…
Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

 LIÊN BỘ: TÀI CHÍNH - LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Chế độ trợ cấp đối với người dính tệ nạn xã hội
(SMS: 501687)
- Ngày 01/10/2007, Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 117/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn về trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm.
Theo đó, người nghiện ma tuý, người bán dâm bị bắt buộc đưa vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại Trung tâm được trợ cấp các khoản sau: Tiền ăn: mức tối thiểu 240.000 đồng/người/tháng; thời gian cụ thể như sau: đối với người nghiện ma tuý là 12 tháng đối với người bán dâm là 9 tháng. Thời gian chấp hành quyết định còn lại (nếu có) người bán dâm, người nghiện ma tuý phải đóng tiền ăn theo quy định; Đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm bị nhiễm HIV/AIDS, không còn khả năng lao động; người bán dâm, người nghiện ma tuý chưa thành niên được trợ cấp tiền ăn trong thời gian chấp hành quyết định. Riêng đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại Trung tâm được trợ cấp tiền ăn mức tối thiểu 8.000 đồng/người/ngày, thời gian tối đa không quá 15 ngày...
Đối với người nghiện ma tuý được trợ cấp thuốc hỗ trợ cắt cơn, cấp cứu, chi phí xét nghiệm và thuốc điều trị các bệnh cơ hội  khác: mức tối đa 400.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định. Đối với người bán dâm được trợ cấp thuốc điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thuốc chữa bệnh thông thường, xét nghiệm và các chi phí y tế khác: mức tối đa 200.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định. Trường hợp người bán dâm đồng thời là người nghiện ma tuý thì được trợ cấp thuốc điều trị và thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện: mức tối đa 550.000 đồng/người/lần...
Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hỗ trợ nạn nhân bị bắt cóc, buôn bán
(SMS: 501684)
- Ngày 27/9/2007, Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg.
Theo đó, chế độ hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở tiếp nhận, cơ sở hỗ trợ được quy định như sau: nạn nhân sau khi được tiếp nhận tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ được xem xét, trợ cấp một lần quần áo, vật dụng cá nhân cần thiết. Mức chi được tính trên cơ sở giá cả thực tế của từng địa phương nhưng không quá 130.000 đồng/người; Tiền ăn với mức 10.000 đồng/người/ngày…
Trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ, nếu nạn nhân bị ốm phải điều trị để phục hồi sức khoẻ thì được xem xét hỗ trợ tiền khám bệnh và thuốc chữa bệnh; trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng chữa trị của cơ sở phải chuyển đến bệnh viện thì chi phí khám bệnh, thuốc chữa bệnh và điều trị trong thời gian nằm viện do Thủ trưởng cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ xem xét hỗ trợ. Mức tối đa không quá 1 triệu đồng/người/01 đợt điều trị…
Trường hợp nạn nhân chết trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ, sau khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, sau 24 giờ mà thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng thì Thủ trưởng cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ có trách nhiệm tổ chức mai táng. Mức chi phí mai táng là 2 triệu đồng/01 người…
Trợ cấp tiền ăn trong thời gian đi đường: 20.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 5 ngày…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.