Số 39.2006 (293) ngày 06/10/2006

CHÍNH PHỦ


Đầu tư tài sản cơ quan nhà nước
(SMS: 201936)
- Ngày 04/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg sửa đổi một số điều của Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg quy định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo đó, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ cho các hoạt động không nhằm mục đích thương mại…
Thủ tướng nhấn mạnh: ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở, đặc biệt là các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước có chất lượng và đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức nhà nước…
Đối với các dự án công nghệ thông tin thực hiện đấu thầu quốc tế, phải có cơ chế ưu tiên cho các nhà thầu nước ngoài có liên danh với nhà thầu Việt Nam và cam kết dành cho nhà thầu Việt Nam khối lương công việc có giá trị lớn hơn hoặc có phương án sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ thông tin nội địa hơn…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý đầu tư xây dựng công trình
(SMS: 201934)
- Ngày 29/9/2006, đã ban hành Nghị định số 112/2006/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng công trình.
Chính phủ quy định: đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì chủ đầu tư xây dựng công trình do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì chủ đầu là một trong các cơ quan, tổ chức sau: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước. Đối với dự án do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cấp Bộ, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư thì chủ đầu tư là đơn vị quản lý, sử dụng công trình. Trường hợp chưa xác định được đơn vị quản lý, sử dụng công trình hoặc đơn vị quản lý, sử dụng công trình không đủ điều kiện làm chủ đầu tư, người quyết định đầu tư giao nhiệm vụ cho đơn vị sẽ quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm cử người tham gia với chủ đầu tư để quản lý đầu tư xây dựng công trình và tiếp nhận quản lý, sử dụng khi công trình hoàn thành.
Đối với các dự án quan trọng quốc gia thì chủ đầu tư phải lập Báo cáo đầu tư trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư. Đối với các dự án khác, chủ đầu tư không phải lập Báo cáo đầu tư. Những dự án nhóm A không có trong quy hoạch ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo Bộ quản lý ngành để xem xét, bổ sung quy hoạch theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Vị trí, quy mô xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nếu chưa có quy hoạch xây dựng thì phải được UBND cấp tỉnh chấp thuận…
Các dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa triển khai hoặc đang thực hiện dở dang thì không phải làm thủ tục phê duyệt lại dự án, các công việc khác tiếp theo được thực hiện theo Nghị định này
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng
(SMS: 201937)
- Theo Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ban hành ngày 29/9/2006, Chính phủ quy định: đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn để thanh toán cho nhà thầu; trường hợp sử dụng vốn ODA thì phải nêu rõ tên nhà tài trợ vốn và cơ cấu  nguồn vốn (ngoài nước, trong nước)…
Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,01% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 30 triệu đồng. Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu là 0,01% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị nhưng tối thiểu là 2 triệu đồng và tối đa là 30 triệu đồng...
Đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, kể cả dịch vụ tư vấn xây dựng, tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật: sử dụng thang điểm (100, 1.000,...) để đánh giá, bao gồm các nội dung sau đây: Kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu. Tỷ lệ điểm đối với nội dung này quy định từ 10% - 20% tổng số điểm; Giải pháp và phương pháp luận đối với yêu cầu của gói thầu. Tỷ lệ điểm đối với nội dung này quy định từ 30% - 40% tổng số điểm; Nhân sự của nhà thầu để thực hiện gói thầu. Tỷ lệ điểm đối với nội dung này quy định từ 50% - 60% tổng số điểm.
Cần phải xác định mức điểm yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật song không được quy định thấp hơn 70% tổng số điểm. Hồ sơ dự thầu có điểm về mặt kỹ thuật không thấp hơn mức điểm yêu cầu tối thiểu thì được coi là đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật…
Đối với các gói thầu đã thực hiện sơ tuyển, trong hồ sơ mời thầu không cần quy định tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu song cần yêu cầu nhà thầu khẳng định lại các thông tin về năng lực và kinh nghiệm mà nhà thầu đã kê khai trong hồ sơ dự sơ tuyển. Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hoá. Trường hợp đặc biệt cần thiết phải nêu nhãn hiệu, catalô của một nhà sản xuất nào đó, hoặc hàng hoá từ một nước nào đó để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về mặt kỹ thuật của hàng hóa thì phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô hoặc xuất xứ nêu ra và quy định rõ khái niệm tương đương nghĩa là có đặc tính kỹ thuật tương tự, có tính năng sử dụng là tương đương với các hàng hóa đã nêu. Đối với hàng hoá phức tạp, cần yêu cầu nhà thầu nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô
(SMS: 201933)
- Theo Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ban hành ngày 28/9/2006, Chính phủ quy định: lái xe phải được tập huấn và cấp giấy chứng nhận về nghiệp vụ giao tiếp, phục vụ vận tải hành khách…
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh kinh doanh vận tải bằng ô tô phải có đủ các điều kiện sau: Đăng ký kinh doanh ngành vận tải ô tô; Đảm bảo số lượng và chất lượng phương tiện phù hợp với loại hình kinh doanh; Đảm bảo số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh: Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải có lý lịch rõ ràng được chính quyề
n địa phương xác nhận; có Giấy chứng nhận sức khoẻ đủ điều kiện lao động của cơ quan y tế có thẩm quyền; có hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động...
Ôtô có niên hạn sử dụng không quá quy định sau: Cự ly trên 300km: không quá 15 năm đối với ô tô sản xuất để chở khách, 12 năm đối với ô tô chuyển đổi công năng t­rước ngày 01/01/2002 từ các loại xe khác thành ô tô chở khách; Cự ly từ 300km trở xuống: không quá 20 năm đối với xe ô tô sản xuất để chở khách, 17 năm đối với ô tô chuyển đổi công năng trước ngày 01/01/2002 từ các loại xe khác thành ô tô chở khách...
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi ngoài việc tuân thủ các điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng ô tô còn phải đáp ừng thêm các quy định sau: ôtô taxi không quá 8 ghế (kể cả ghế ng­ười lái), có đồng hồ tính tiền theo km lăn bánh được cơ quan có thẩm quyền kiểm định và kẹp chì, có hộp đèn với chữ "TAXI" hoặc "Meter TAXI" gắn trên nóc xe; Có phù hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp; ôtô taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm; Có đăng ký màu sơn của xe, biểu trưng của doanh nghiệp và số điện thoại giao dịch với khách...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

BỘ TÀI CHÍNH


Chính sách đối  với các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập
(SMS: 201939)
- Ngày 02/10/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 91/2006/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số  53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.
Theo đó, cơ sở ngoài công lập được liên doanh, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật,
nhằm huy động vốn, nhân lực và công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tài sản của cơ sở ngoài công lập bao gồm tài sản của cá nhân, tập thể tham gia góp vốn khi thành lập và phần tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động; trong đó tài sản được hiến, tặng hoặc viện trợ không hoàn lại trong quá trình hoạt động của cơ sở ngoài công lập không được chia cho cá nhân, chỉ sử dụng chung cho lợi ích  của cơ sở và cộng đồng.
Cơ sở ngoài công lập được ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng để cung cấp các sản phẩm dịch vụ trong các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, khoa học-công nghệ, môi trường (vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước và hoạt động môi trường khác), xã hội (cơ sở chăm sóc người già cô đơn, chăm sóc người tàn tật, cơ sở cai nghiện ma tuý), dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phù hợp  với quy hoạch, kế hoạch của địa phương và của Nhà nước. Mức giá cho thuê không bao gồm tiền thuê đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng (nếu có) và lãi vay vốn xây dựng nhà, cơ sở hạ tầng theo dự án được duyệt; Được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động...
Đối với cơ sở ngoài công lập xây dựng nhà, cơ sở vật chất thuộc đối tượng phải nộp phí xây dựng, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chế độ miễn, giảm phí xây dựng cho cơ sở ngoài công lập  để thực hiện ở địa phương...
Trường hợp cơ sở công lập, bán công chuyển sang loại hình ngoài công lập thì được tiếp tục sử dụng đất giao không thu tiền, hoặc được giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất, hoặc được nhà nước cho thuê đất...
Thông tư  này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Bồi thường chi phí đào tạo
(SMS: 201932)
- Ngày 29/9/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2006/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc và kinh phí thu hồi bồi thường chi phí đào tạo.
Theo đó, đơn vị sự nghiệp được ngân sách nhà nước cấp toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên và đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên chi trả trợ cấp thôi việc từ nguồn chi phí hoạt động thường xuyên của đơn vị, bao gồm chi phí hoạt động được cơ quan có thẩm quyền giao và nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật…
Trong thời hạn 03 tháng kể từ khi có quyết định bồi thường chi phí đào tạo của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp có thẩm quyền, công chức, viên chức phải hoàn thành việc nộp đủ số tiền phải bồi thường (theo đúng quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền) cho bộ phận tài chính - kế toán của cơ quan, đơn vị…
Đối với những người tốt nghiệp các khoá đào tạo tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước: mức chi phí phải bồi thường bao gồm các khoản học bổng, trợ cấp xã hội do ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho người học (nếu có); chi phí thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục đào tạo được tính bình quân trên một sinh viên…
Đối với những người tốt nghiệp các khoá đào tạo ở nước ngoài: mức chi phí phải bồi thường là mức nhà nước đảm bảo chi phí học tập (học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại theo quy định của chương trình học, chi phí về bảo hiểm, các chi phí hợp lý khác của khoá học) hoặc toàn bộ học bổng do phía nước ngoài tài trợ theo hiệp định…
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý vốn đầu tư
(SMS: 20132)
- Ngày 27/9/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 87/2006/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 33/2005/TT-BTC hướng dẫn một số điều tại Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.
Theo đó, trường hợp một số ngành nghề có tính chất đặc thù đòi hỏi mức vốn điều lệ cao hơn hoặc thấp hơn 30% tổng giá trị tài sản trên báo cáo tài chính, đại diện chủ sở hữu nêu rõ trong phương án xác định vốn điều lệ gửi Bộ Tài chính xem xét có văn bản thoả thuận trước khi phê duyệt…
Đối với công ty thành viên đã thực hiện chuyển đổi sang công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, nếu được Tổng công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ quản lý, quảng cáo… thì phải nộp phí dịch vụ cho Tổng công ty thông qua hợp đồng…
Đối với các khoản nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, người đại diện có trách nhiệm đôn đốc tổ chức tài chính trung gian thực hiện bán đấu giá hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán chuyển thẳng tiền về Quỹ, không chuyển về doanh nghiệp…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG


Hướng dẫn chuyển đổi hợp đồng thuê đất đối với công ty cổ phần
(SMS: 201938)
- Ngày 25/9/2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 09/2006/TT-BTNMT hướng dẫn việc chuyển đổi hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
Theo đó, đối với công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án chuyển thành công ty cổ phần thì xác định diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích được giao, diện tích đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, bị chiếm, diện tích đất đang cho thuê, cho mượn, liên doanh hoặc liên kết trái pháp luật, diện tích đất đang có tranh chấp để giải quyết theo quy định…
Khi xây dựng phương án cổ phần hoá, phải nêu rõ việc lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với từng thửa đất; phương án xử lý đối với tiền sử dụng đất phải nộp khi lựa chọn hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong trường hợp thửa đất đã được Nhà nước cho thuê đất, đã được Nhà nước cho thuê đất, đã được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất nhưng tiền sử dụng đất đã nộp có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác mà tiền đã trả cho việc nhận chuyển nhượng có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước…
Trường hợp công ty nhà nước đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sau khi hoàn thành việc cổ phần hoá, công ty cổ phần làm thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất để chỉnh lý tên người sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quản lý tài chính ngân hàng
(SMS: 201935)
- Ngày 29/9/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 49/2006/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, mức vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước là 5.000 tỷ đồng thuộc nguồn vốn Nhà nước. Vốn pháp định được sử dụng để đầu tư và xây dựng trụ sở làm việc, nhà công vụ và mua sắm tài sản cố định, phương tiện kỹ thuật tin học, máy móc, thiết bị an toàn kho quỹ và các mục đích khác theo quy định của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước…
Kế hoạch sử dụng vốn đầu tư và xây dựng vốn mua sắm tài sản cố định phải lập trước ngày 10/9 hàng năm… Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc đề xuất mua sắm, thực hiện mua sắm tài sản cố định tại đơn vị và đảm bảo sử dụng hiệu quả, không lãng phí
Khi thực hiện kế hoạch mua sắm xe ô tô chuyên dùng, máy hủy tiền, máy phân loại tiền và các máy móc thiết bị khác để trang bị cho các Kho tiền Trung ương: Cục Phát hành và kho quỹ được tạm ứng tiền tại Sở Giao dịch để mua sắm và cấp bằng hiện vật cho các đơn vị theo kế hoạch đã được Vụ Kế toán - Tài chính thông báo
Khi cần thanh lý tài sản cố định, các đơn vị phải có công văn ghi rõ hiện trạng tài sản cố định và lý do thanh lý (thanh lý phương tiện vận tải  phải có ý kiến của cơ quan Nhà nước chuyên ngành - Sở Giao thông công chính); Thanh lý thiết bị tin học (đối với máy chủ, hệ thống mạng và phần mềm) phải có ý kiến của Cục Công nghệ tin học Ngân hàng gửi Vụ Kế toán - Tài chính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị chỉ được thanh lý tài sản cố định sau khi đề nghị thanh lý tài sản cố định được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và thông báo bằng văn bản

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.