Số 39.2004 (192) ngày 08/10/2004

 CHÍNH PHỦ


Xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án
(SMS: 17398 - Không gửi qua fax)
- Ngày 30/9/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định 173/2004/NĐ-CP quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, hành vi cố tình không nhận giấy báo, giấy triệu tập của cơ quan thi hành án; Đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập để thực hiện việc thi hành án mà không có lý do chính đáng... có thể bị phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền từ 50.000 đến 100.000 đồng...

Hành vi có điều kiện thi hành án nhưng trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án; Phân tán hoặc làm hư hại tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản để thi hành án... có thể bị phạt từ 100 - 200.000 đồng...
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên...

Người được thi hành án có thể được xét miễn, giảm phí thi hành án trong các trường hợp sau: có khó khăn về kinh tế, thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng, thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài... Để được xét miễn, giảm phí thi hành án, đương sự phải làm đơn đề nghị có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, sinh sống hoặc xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc...


Tổ chức bộ máy
(SMS: 17395 - Không gửi qua fax)
- Ngày 29/9/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 172/2004/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân (UBNN) huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Theo Nghị định này, các tổ chức sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện, các cơ quan của Trung ương được tổ chức theo ngành dọc. Các cơ quan chuyên môn được tổ chức theo nguyên tắc: tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn cấp huyện và bảo đảm sự thống nhất quản lý ngành, lĩnh vực từ tỉnh đến cơ sở; Tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực công tác trên địa bàn cấp huyện; không nhất thiết ở cấp tỉnh có Sở nào thì cấp huyện có tổ chức tương ứng; Phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước...
Các cơ quan chuyên môn nàycó chức năng tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự uỷ quyền của UBND huyện...; và chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Cơ cấu tổ chức
(SMS: 17391 - Không gửi qua fax)
- Theo Nghị định 171/2004/NĐ-CP ban hành ngày 29/9/2004 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chính phủ quy định: các cơ quan này có nhiệm vụ: trình UBND cấp tỉnh ban hành quyết định, chỉ thị về các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; các kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; các chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao...
Bên cạnh đó, còn trình trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục trực thuộc; Ban hành tiêu chuẩn, chức danh đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý...
Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh làm việc theo chế độ thủ trưởng...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Khoán kinh phí đối với Tổng cục Hải quan
(SMS: 17390 - Không gửi qua fax)
- Ngày 01/10/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 94/2004/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 158/2004/QĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động trong năm 2004 đối với Tổng cục Hải quan, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, trường hợp mức kinh phí được giao khoán và số dư các quỹ chưa sử dụng hết trong năm  thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng...
Ngoài số biên chế được giao khoán, trong thời gian thực hiện khoán, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, nhu cầu công việc và khả năng kinh phí, Tổng cục Hải quan được quyền ký kết hợp đồng lao động ngoài số biên chế được giao khoán nêu trên và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật...
Mức kinh phí thí điểm giao khoán cho các đơn vị thực hiện khoán thuộc hệ thống Hải quan là 1,6% trên tổng số thu nộp vào ngân sách nhà nước năm 2004 do Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện (không bao gồm lệ phí hải quan và thu chống hành vi kinh doanh trái pháp luật)...


Thời hạn nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách
(SMS: 11387)
- Theo Công văn số 11027/TC/TCT ra ngày 29/9/2004, Bộ Tài chính có hướng dẫn như sau: khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất đối với loại đất phải nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cơ quan Thuế ra thông báo nộp tiền...

Miễn, giảm tiền thuê đất
(SMS: 17386)
- Theo Công văn số 10950/TC/TCT ra ngày 28/9/2004, Bộ Tài chính hướng dẫn: đối với doanh nghiệp, nếu đáp ứng được các điều kiện: đầu tư vào các ngành, nghề quy định tại Danh mục A; Dự án đầu tư thuộc mọi lĩnh vực, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm, có sử dụng số lao động bình quân trong năm ít nhất là: ở đô thị loại 1 và loại 2: 100 người, ở địa bàn thuộc Danh mục B hoặc Danh mục C: 20 người; ở địa bàn khác: 50 người... thì tiếp tục được thực hiện miễn giảm tiền thuê đất cho thời gian ưu đãi còn lại theo giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư...
 

 BỘ THƯƠNG MẠI


Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại
(SMS: 17381 - Không gửi qua fax)
- Theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ban hành ngày 24/9/2004, Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định: nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh thương mại không có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Quy chế này tự đặt tên là Siêu thị hoặc Trung tâm thương mại, hoặc đặt tên, ghi biển hiệu bằng tiếng nước ngoài (như Supermarket, Big Mart, Shopping Center, Trade Center, Plaza,...)...
Biển hiệu của Siêu thị hoặc Trung tâm thương mại nếu ghi thêm bằng tiếng nước ngoài, kích cỡ chữ phải nhỏ hơn và phải đặt dưới hoặc sau tên tiếng Việt
Nam...
Tiêu chuẩn của Siêu thị và trung tâm thương mại được quy định như sau: Siêu thị hạng I: áp dụng đối với Siêu thị kinh doanh tổng hợp có diện tích kinh doanh từ 5.000 m2 trở lên; Danh mục hàng hóa kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên; Siêu thị hạng II: từ 2.000 m2 trở lên; từ 10.000 tên hàng trở lên; Siêu thị hạng III: từ 500 m2 trở lên; từ 4.000 tên hàng trở lên...
Trung tâm thương mại hạng I: Có diện tích kinh doanh từ 50.000 m2 trở lên và có nơi trông giữ xe phù hợp với quy mô kinh doanh; Hoạt động đa chức năng cả về kinh doanh hàng hóa và kinh doanh các loại hình dịch vụ, bao gồm: khu vực để bố trí các cửa hàng bán buôn, bán lẻ hàng hóa; nhà hàng, khách sạn; khu vực để tổ chức hội chợ triển lãm trưng bày giới thiệu hàng hóa; khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí...

Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Tín dụng nội bộ hợp tác xã
(SMS: 17379 - Không gửi qua fax)
- Theo Thông tư số 06/2004/TT-NHNN ban hành ngày 27/9/2004, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn như sau: Hợp tác xã chỉ được sử dụng một phần vốn điều lệ và có thể sử dụng thêm vốn huy động của xã viên để cho xã viên vay. Nghiêm cấm việc sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân không phải là xã viên của hợp tác xã để làm nguồn vốn cho vay...
Các hợp tác xã thực hiện tín dụng nội bộ phải có đủ các điều kiện sau đây: đã chuyển đổi hoặc thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có hoạt động tín dụng nội bộ; Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ổn định và có lãi từ  03 năm liền kề trở lên, tính đến thời điểm hợp tác xã đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có hoạt động tín dụng nội bộ; Có vốn điều lệ tối thiểu là 150 triệu đồng...
Mức cho vay tối đa đối với một xã viên áp dụng trong từng thời kỳ do Đại hội xã viên quyết định, nhưng tối đa bằng 5% số vốn điều lệ bằng tiền của hợp tác xã được sử dụng để hoạt động tín dụng nội bộ. Thời hạn cho vay chủ yếu là ngắn hạn (từ 12 tháng trở xuống); trường hợp đặc biệt có thể cho vay trung hạn (từ trên 12 tháng đến 36 tháng), nhưng dư nợ cho vay trung hạn tối đa bằng 20% tổng dư nợ cho vay...
Lãi suất áp dụng đối với khoản nợ vay quá hạn tối đa bằng 150% lãi suất cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC THUẾ


Giải quyết vướng mắc về đất đai
(SMS: 17389)
- Theo Công văn số 3212/TCT/TS ra ngày 30/9/2004 về việc vướng mắc chính sách thu về đất đai, Tổng cục Thuế có hướng dẫn như sau: giá nhà để tính lệ phí trước bạ trong trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở được tính như sau: giá chuẩn mới do UBND thành phố quy định (phù hợp với thực tế thị trường) nhân với tỷ lệ % giá trị còn lại của căn nhà (theo cấp nhà, hạng nhà và chất lượng thực tế còn lại của căn nhà)...
Giá nhà mỗi m2 là giá trị thực tế theo giá thị trường mỗi m2 sàn nhà theo cấp nhà, hạng nhà và chất lượng thực tế của nhà tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ...