Số 38.2010 (496) ngày 28/09/2010

 

CHÍNH PHỦ


Sử dụng môi trường rừng phải trả tiền dịch vụ (SMS: 99/2010/ND-CP) - Ngày 24/9/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo Nghị định này, dịch vụ môi trường rừng là công việc cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng để đáp ứng các nhu cầu của xã hội và đời sống của nhân dân, bao gồm các loại dịch vụ: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững; bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.
Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc chi trả giá tiếp. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là tiền của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng ủy thác cho Quỹ để trả cho các chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là một yếu tố trong giá thành sản phẩm có sử dụng dịch vụ môi trường rừng và không thay thế thuế tài nguyên hoặc các khoản phải nộp khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định quy định, các cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện; các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch;…
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011.

Ưu tiền đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ thông tin (SMS: 1755/QD-TTg) - Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010. Mục tiêu của Đề án này nhằm phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và xuất khẩu; thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đề án này cũng nhằm hỗ trợ, khuyến khích việc ra đời của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông vừa và nhỏ, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông lớn, kinh doanh hiệu quả, năng lực cạnh tranh cao, trở thành các tập đoàn kinh tế mạnh, từng bước mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới, hình thành thương hiệu “Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam”.
Một trong những nhiệm vụ của Đề án này là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên cơ sở tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp công nghệ thông tin; ưu tiên bố trí kinh phí trong chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, sản phẩm mới, các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Ưu tiên đầu tư hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam; xây dựng thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin; ưu tiên bố trí kinh phí trong chương trình xúc tiến thương mại hằng năm để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại, chiếm lĩnh thị trường trong nước, mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Khuyến khích phục hồi nghề thủ công truyền thống (SMS: 98/2010/ND-CP) - Đó là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/9/2010 nhằm quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Nghị định này quy định chi tiết việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; tổ chức và hoạt động của bảo tàng; việc khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Theo Nghị định này, di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể bao gồm: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian; di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (gọi chung là di tích); di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa bao gồm việc xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu; khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các chính sách ưu đãi về tinh thần và vật chất đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt.
Cũng theo Nghị định này, Nhà nước khuyến khích duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống thông qua các biện pháp điều tra, phân loại các nghề thủ công truyền thống trong phạm vi cả nước; hỗ trợ việc duy trì và phục hồi các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền; tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng vật liệu truyền thống; có chính sách khuyến khích và hỗ trợ việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật thủ công truyền thống; có chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu theo quy định của pháp luật về thuế…Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi về không gian, mặt bằng để tổ chức các hoạt động truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm; được giảm hoặc miễn thuế đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về thuế và được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác nếu có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 06/11/2010 và thay thế Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa.

Vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp bị phạt tiền đến 500 triệu đồng (SMS: 97/2010/ND-CP) - Ngày 21/9/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thay thế Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006. Theo Nghị định này, mỗi hành vi vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Phạt cảnh cáo chỉ được áp dụng đối với hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại điều khoản tương ứng của Nghị định này cho phép áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm đó. Phạt tiền được áp dụng theo khung tiền phạt quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại điều khoản tương ứng của Nghị định này, mức phạt tối đa là 500 triệu đồng.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang yếu tố vi phạm, văn bằng bảo hộ, giấy chứng nhận hoặc tài liệu khác bị sửa chữa, tẩy xóa, giả mạo; tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, thẻ giám định viên, giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hành nghề giám định; đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu phải được tiến hành trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày ký quyết định xử phạt. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền có quyền tham gia giám sát và có trách nhiệm hỗ trợ cơ quan thẩm quyền xử lý hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09/11/2010. Đối với vụ vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp được thụ lý từ ngày Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực nhưng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì xử lý theo quy định của Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006; trường hợp hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp chưa xử lý mà Nghị định này quy định mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả nhẹ hơn thì áp dụng quy định của Nghị định này. 

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được miễn tiền sử dụng đất (SMS: 96/2010/ND-CP) - Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Theo đó, Điều 4 của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau: Tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ đã tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, được tổ chức và hoạt động theo một trong hai hình thức là tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ chưa tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, chậm nhất đến hết ngày 31/12/2013 phải tổ chức và hoạt động theo một trong hai hình thức nói trên hoặc được sáp nhập, giải thể.
Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 quy định về chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định này. Cụ thể, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ kể từ khi có thu nhập chịu thuế với điều kiện: doanh thu của các sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ trong năm thứ nhất từ 30% tổng doanh thu trở lên, năm thứ hai từ 50% tổng doanh thu trở lên và năm thứ ba trở đi từ 70% tổng doanh thu trở lên. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ không được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với năm tài chính không đáp ứng được điều kiện về tỷ lệ doanh thu nêu trên. Bổ sung khoản 9 Điều 10 nói trên với quy định: ngoài các hình thức khác về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được lựa chọn việc sử dụng đất theo một trong hai hình thức: cho thuê đất và miễn tiền thuê đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/11/2010.
 

 

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Định mức biên chế của trung tâm dạy nghề công lập (SMS: 29/2010/TT-BLDTBXH) - Ngày 23/9/2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 29/2010/TT-BLĐTBXH hướng dẫn định mức biên chế của trung tâm dạy nghề công lập. Thông tư này áp dụng đối với các trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc sở lao động - thương binh và xã hội; trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Theo Thông tư này, định mức biên chế của trung tâm dạy nghề công lập được xác định theo các căn cứ sau: vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm dạy nghề công lập được cấp có thẩm quyền quy định; quy mô đào tạo của trung tâm dạy nghề công lập; tiêu chuẩn giờ giảng của lãnh đạo, quản lý và giáo viên; viên chức làm công tác đào tạo, tổ chức, hành chính, quản trị, thiết bị, kế toán, tài vụ của trung tâm được quy định tại Thông tư này ngoài việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo vị trí việc làm gắn với chức danh nghề nghiệp còn phải kiêm nhiệm thêm công việc khác của trung tâm do giám đốc phân công.
Thông tư nêu rõ: mỗi trung tâm có giám đốc và không quá 02 phó giám đốc; biên chế giáo viên của trung tâm được xác định theo tỷ lệ 01 giáo viên trên 20 học sinh quy đổi; mỗi trung tâm được bố trí ít nhất 03 biên chế làm công tác đào tạo, tổ chức, hành chính, quản trị, thiết bị, kế toán, tài vụ. Căn cứ vào nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và quy mô đào tạo của mỗi trung tâm dạy nghề công lập, UBND tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bổ sung thêm biên chế làm công tác đào tạo, tổ chức, hành chính, quản trị, thiết bị, kế toán, tài vụ nhưng không vượt quá 25% tổng số biên chế của trung tâm.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
 

 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Nới rộng quy định về nguồn vốn huy động của tổ chức tín dụng
(SMS: 19/2010/TT-NHNN) - Ngày 27/9/2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra Thông tư số 19/2010/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Thông tư 19/2010/TT-NHNN đã sửa mục 5 “Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” thành “Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động”. Cụ  thể, tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng nguồn vốn huy động để cấp tín dụng với điều kiện trước và sau khi cấp tín dụng đều đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả và các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác quy định tại Thông tư này và việc cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động không được vượt quá tỷ lệ 80% đối với ngân hàng và 85% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Quy định về nguồn vốn huy động được sử dụng để cấp tín dụng tại Thông tư 19/2010/TT-NHNN được nới rộng hơn so với quy định cũ. Theo đó, nguồn vốn huy động này bao gồm: tiền gửi của cá nhân dưới các hình thức tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức, bao gồm tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức tín dụng khác và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng); tiền vay của tổ chức trong nước, tiền vay của tổ chức tín dụng khác có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên (trừ tiền vay của tổ chức tín dụng khác trong nước để bù đắp thiếu hụt tạm thời đối với các tỷ lệ về khả năng chi trả theo quy định tại khoản 1 Điều 14) và tiền vay của tổ chức tín dụng nước ngoài; vốn huy động của tổ chức, cá nhân dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2010.
 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Hướng dẫn về cho vay lại vốn vay của Chính phủ
(SMS: 141/2010/TT-BTC) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 141/2010/TT-BTC hướng dẫn việc cho vay lại và trả nợ vốn vay do Bộ Tài chính huy động cho dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất (gọi tắt là Dự án). Theo đó, nguồn vốn huy động cho Dự án có trị giá là 1 tỷ USD, bao gồm: 700 triệu USD từ nguồn vốn phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ đáo hạn vào tháng 1/2020, lãi suất tại thời điểm phát hành 6,95% năm, lãi suất danh nghĩa 6,75%/năm, trả 6 tháng/1lần, gốc trả 1 lần khi đáo hạn; 300 triệu USD vay của Ngân hàng BNP Paribas, thời hạn 13 năm, từ ngày 30/01/2007 đến ngày 29/01/2009 theo lãi suất thả nổi Libor+ 2%/năm, từ ngày 30/01/2009 theo lãi suất cố định 3,3% năm; gốc và lãi trả 6 tháng/1 lần, ân hạn trả nợ gốc là 3 năm. Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Bộ Tài chính uỷ quyền làm cơ quan cho vay lại. Bộ Tài chính ký hợp đồng uỷ quyền cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện cho vay lại theo đúng quy định hiện hành về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và quy định tại Thông tư này. Cơ quan cho vay lại có trách nhiệm thực hiện việc giám sát sử dụng vốn vay theo đúng quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và Báo cáo khả thi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thu hồi nợ từ người vay lại để hoàn trả Bộ Tài chính theo các quy định tại Thông tư này.
Theo Thông tư này, thời hạn cho vay lại là 16 năm kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên, trong đó thời gian ân hạn gốc là 4 năm. Đồng tiền cho vay lại và trả nợ gốc, lãi là đồng Đô la Mỹ (USD). Lãi suất cho vay lại là 3,6%/năm và được giữ nguyên trong suốt thời hạn cho vay của Dự án. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế năm 2010 của Chính phủ cộng 1,2%. Người vay lại được sử dụng tín chấp khi vay lại từ cơ quan cho vay lại. Quyền ưu tiên cao nhất về các nghĩa vụ nợ phải thanh toán của người vay lại thuộc về khoản cho vay lại. Tại một thời điểm, nếu người vay lại có các nghĩa vụ nợ đến hạn thì các nghĩa vụ nợ của khoản cho vay lại này được quyền thanh toán trước tiên. Trong trường hợp người vay lại không thực hiện được các nghĩa vụ của mình, Bộ Tài chính thông qua cơ quan cho vay lại yêu cầu người vay lại bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, kể cả việc yêu cầu tất cả các ngân hàng phục vụ phong toả các tài khoản của người vay lại để trả nợ. 
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 20/2007/QĐ-BTC ngày 28/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế huy động, cho vay và trả nợ vốn đối với Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.

Quy định về sử dụng kinh phí đào tạo cán bộ, công chức (SMS: 139/2010/TT-BTC) - Việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010. Theo Thông tư này, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (CBCC) được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ được sử dụng để đào tạo, bồi dưỡng CBCC thuộc phạm vi quản lý. Đối với những đối tượng tuy không thuộc phạm vi quản lý nhưng theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền phải được đào tạo, bồi dưỡng thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương giao nhiệm vụ và giao kinh phí cho các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thực hiện. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho CBCC các kiến thức: quản lý hành chính nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, ngoại ngữ, tin học, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếng dân tộc... (bao gồm cả tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý) cho các đối tượng CBCC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương (bao gồm đào tạo trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo khác).
Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC để chi cho các hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Kinh phí hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức do các bộ, cơ quan trung ương, địa phương bảo đảm từ kinh phí quản lý hành chính (đối với các cơ quan hành chính nhà nước) hoặc từ kinh phí chi các lĩnh vực sự nghiệp (tương ứng đối với các đơn vị sự nghiệp).
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16/6/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước.
 

 

LIÊN BỘ


Không yêu cầu thi hành án vẫn phải nộp phí (SMS: 144/2010/TTLT-BTC-BTP) - Ngày 22/9/2010, liên Bộ Tài chính - Tư pháp đã ra Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự. Theo đó, người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của tòa án thì phải nộp phí thi hành án, kể cả trường hợp người được thi hành án không phải là người đã nộp đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp các bên đương sự tự nguyện thi hành án với nhau mà không yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành thì không phải nộp phí thi hành án. Mức thu phí thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ. Trường hợp người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành án nhưng được nhận tiền, tài sản thì vẫn phải chịu phí thi hành án theo mức quy định nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/01 vụ việc. Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế, chia tài sản trong ly hôn, vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên.
Người được thi hành án được miễn, giảm phí thi hành án như sau: giảm 80% phí thi hành án đối với người được thi hành án là người khó khăn về kinh tế (người thuộc chuẩn nghèo theo quy định hiện hành); miễn phí thi hành án đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành; miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài; miễn phí thi hành án đối với trường hợp tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử (trường hợp đòi nhà cho thuê, cho ở nhờ…).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/11/2010 và thay thế Thông tư liên tịch số 68/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 21/7/2008.