Số 38.2009 (445) ngày 29/09/2009

CHÍNH PHỦ


Chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch nông, thủy sản (SMS: 537255) - Ngày 23/9/2009, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 48/NQ-CP về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Theo đó, một số giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch đã được đặt ra mà trước mắt là việc nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng và ít bị rơi rụng trong quá trình thu hoạch; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sẽ được hỗ trợ 100% tiền giống lúa, ngô khi áp dụng thử nghiệm lần đầu các giống tiến bộ kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn xác định chủng loại và quy mô áp dụng. Đối với thủy sản là xây dựng các ao nuôi trồng thủy sản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hạn chế các rủi ro do tác động của môi trường (thời tiết, dịch bệnh); trang bị các thiết bị tiên tiến cho các cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản thương mại.
Cũng theo Nghị quyết này, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn từ các tổ chức tín dụng với mức vốn vay 100% giá trị hàng hóa, hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 2 năm đầu, từ năm thứ 3 hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay để mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất trong nước có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%. Thực hiện miễn các loại thuế, lệ phí đối với các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch như dịch vụ tưới, tiêu nước, cày, bừa đất, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy bảo quản nông sản. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch được hưởng chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư thuộc Nghị định số 108/2006/NĐ-CP. Đối với các máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp trong nước chưa chế tạo được hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho tổ chức, cá nhân mua bằng sáng chế các loại máy móc, thiết bị có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt; đăng ký cấp bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích đối với những sản phẩm sáng tạo của nông dân.

Triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp (SMS: 537250) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1532/QĐ-TTg ngày 23/9/2009 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp. Đây là một đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền của công dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp; đặt ra những nhiệm vụ mới, phức tạp và khó khăn trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp như xây dựng hệ thống dữ liệu về lý lịch tư pháp, hình thành cơ chế cung cấp, tiếp nhận, cập nhật và xử lý thông tin lý lịch tư pháp…Việc chuẩn bị triển khai thực hiện những nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tòa án, kiểm sát, công an, quốc phòng, tư pháp trong việc hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành Luật; đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức; trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Trước mắt là thực hiện tốt việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, chuẩn bị nội dung và các biện pháp cần thiết để thi hành có hiệu quả Luật này ngay từ khi có hiệu lực pháp luật (ngày 01/7/2010); xây dựng cơ chế đồng bộ giữa các bộ, ngành trong việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.
Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng đề án thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và tổ chức thuộc sở tư pháp để quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; tháng 3/2010 trình Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt đề án. Bên cạnh đó là việc tuyên truyền, phổ biến Luật Lý lịch tư pháp, đặc biệt cho người dân về cơ chế cập nhật thông tin lý lịch tư pháp, chủ động xóa án tích cho những người đã từng bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức các bộ, ngành có liên quan về Luật Lý lịch tư pháp.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hướng dẫn chi tiết Luật Quốc tịch Việt Nam (SMS: 537253) - Ngày 22/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Nghị định này quy định chi tiết về hồ sơ, thủ tục liên quan đến các việc: nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch, thôi quốc tịch, tước quốc tịch, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và một số vấn đề khác như thông báo có quốc tịch nước ngoài, ghi sổ hộ tịch các việc về quốc tịch…Theo Nghị định này, giấy tờ có trong hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam và trong việc giải quyết các việc khác về quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự; giấy tờ bằng tiếng nước ngoài có trong các hồ sơ này phải được dịch sang tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 01/7/2009 mà không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam; việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện đến hết ngày 01/7/2014, hết thời hạn này, những người nói trên không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì mất quốc tịch Việt Nam, nếu muốn có quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Cũng theo quy định tại Nghị định này, kể từ ngày 01/7/2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam thì vẫn có quốc tịch Việt Nam. Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, những người này hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ, nếu ở nước ngoài phải thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền, nếu ở trong nước phải thông báo cho sở tư pháp nơi người đó cư trú biết việc họ có quốc tịch nước ngoài, kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài.
Nghị định cũng quy định trường hợp chưa được thôi quốc tịch Việt Nam là người đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam mà cơ quan thuế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ nợ có văn bản yêu cầu chưa cho người đó thôi quốc tịch Việt Nam thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ không giải quyết việc cho thôi quốc tịch Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2009 và thay thế Nghị định số 104/1998/NĐ-CP ngày 31/12/1998 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định số 55/2000/NĐ-CP ngày 11/10/2000 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 104/1998/NĐ-CP nói trên.
 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Quy định về đo đếm điện năng trong thị trường cạnh tranh (SMS: 537367) - Ngày 25/9/2009, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 27/2009/TT-BCT quy định đo đếm điện năng trong thị trường phát điện cạnh tranh. Thông tư này quy định trách nhiệm, trình tự, thủ tục về đầu tư, quản lý vận hành hệ thống đo đếm điện năng; thu thập và xử lý số liệu đo đếm điện năng; trình tự, thủ tục giao nhận điện năng; các yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị đo đếm, thu thập, lưu trữ và xử lý số liệu đo đếm điện năng phục vụ mua bán điện trong thị trường phát điện cạnh tranh. Đối tượng áp dụng Thông tư này là: các đơn vị phát điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh và các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện BOT; đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện; công ty mua bán điện; các đơn vị sở hữu, vận hành lưới truyền tải điện; các đơn vị sở hữu, vận hành lưới phân phối điện; các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến đo đếm điện năng.
Theo Thông tư này, đơn vị quản lý, vận hành hệ thống đo đếm có trách nhiệm quản lý, theo dõi vận hành, bảo dưỡng, thay thế các hệ thống đo đếm trong phạm vi quản lý của mình đảm bảo tính chính xác, ổn định, tin cậy và bảo mật của các hệ thống đo đếm. Việc thay thế thiết bị, công nghệ áp dụng cho hệ thống đo đếm chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận và thống nhất giữa đơn vị phát điện và công ty mua bán điện. Việc tháo bỏ niêm phong kẹp chì công tơ và hệ thống đo đếm chỉ do đơn vị thí nghiệm, kiểm định thực hiện trong trường hợp thay thế, kiểm định, thí nghiệm và xử lý sự cố hệ thống đo đếm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
 

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Thành lập cơ quan Bảo hiểm thất nghiệp (SMS: 537209) - Ngày 22/9/2009, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký Quyết định số 1199/QĐ-LĐTBXH thành lập Bảo hiểm thất nghiệp thuộc Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về bảo hiểm thất nghiệp. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng và kho bạc nhà nước để giao dịch; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định này, Bảo hiểm thất nghiệp có các nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về bảo hiểm thất nghiệp sau khi được Cục trưởng Cục Việc làm phê duyệt; tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; lập dự toán, phân bổ kinh phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp; kiểm tra, xét duyệt quyết toán kinh phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp…
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
 

BỘ TƯ PHÁP


Phụ cấp trách nhiệm cho giám định viên tư pháp (SMS: 537174) - Ngày 17/9/2009, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 02/2009/TT-BTP quy định về chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp. Chế độ này được áp dụng đối với giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần, giám định viên kỹ thuật hình sự là người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Mức phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp đối với các đối tượng nói trên là 0,3 so với mức lương tối thiểu chung. Thời gian hưởng chế độ này được tính kể từ ngày 01/01/2009. Những trường hợp được bổ nhiệm giám định viên tư pháp sau ngày 01/01/2009 thì được tính hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp kể từ ngày được bổ nhiệm.
Thông tư cũng quy định: giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần, giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ thì phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị; trường hợp những đối tượng này thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính thì phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
 

BỘ Y TẾ


Công tác thanh, kiểm tra của thủ trưởng cơ quan y tế (SMS: 537368) - Ngày 25/9/2009, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BYT hướng dẫn công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan y tế. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, các cơ quan hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, các cơ quan y tế thuộc sở y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá Gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan y tế có trách nhiệm tự kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, chức trách công vụ, kế hoạch được giao và chịu sự kiểm tra, thanh tra của thủ trưởng cơ quan, các cấp quản lý y tế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trưởng bộ phận của cơ quan có trách nhiệm tự kiểm tra (thường xuyên, định kỳ, đột xuất) việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của cán bộ, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình; thủ trưởng cơ quan y tế có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra (khi được yêu cầu phối hợp) việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao theo kế hoạch định kỳ, đột xuất và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý.
Hàng năm, các trưởng bộ phận của cơ quan và thanh tra của thủ trưởng giúp thủ trưởng cơ quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra và thông báo đến các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng cơ quan y tế tổ chức kiểm tra, thanh tra các trưởng bộ phận và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đánh giá ưu khuyết điểm, nguyên nhân yếu kém, sai phạm, những vấn đề cần khắc phục, nêu rõ biện pháp và thời gian khắc phục, báo cáo kết quả với thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên và Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra sở y tế theo quy định. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thì báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên và Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra sở y tế theo thẩm quyền để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 2442/2001/QĐ-BYT ngày 25/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan y tế.

Nạn nhân bạo lực gia đình được hỗ trợ khám, chữa bệnh (SMS: 537369) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 16/2009/TT-BYT ngày 22/9/2009 của Bộ Y tế, người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp nhận vào cấp cứu, khám và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bố trí cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tạm lánh tại cơ sở trong thời gian không quá 01 ngày theo yêu cầu của nạn nhân. Khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân bố trí nơi tạm lánh cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình. Trong thời gian tạm lánh, nếu nạn nhân không có người thân thích hỗ trợ, không thể tự lo ăn uống, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hỗ trợ ăn uống cho nạn nhân theo khả năng và điều kiện thực tế của cơ sở.
Chi phí cho việc khám và điều trị đối với nạn nhân bạo lực gia đình do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả đối với người có bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Chi phí khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình không có bảo hiểm y tế do nạn nhân tự chi trả. Khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét miễn giảm chi phí khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng tự chi trả. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể tiếp nhận các khoản kinh phí hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật để trợ giúp cho nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, nạn nhân bạo lực gia đình còn được các cơ sở khám, chữa bệnh tư vấn để nâng cao nhận thức của người bệnh về bạo lực gia đình; về cách chăm sóc, phục hồi sức khỏe và phòng bệnh hoặc giới thiệu người bệnh đến các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình hoặc các cơ quan, tổ chức có liên quan như công an, chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể để được trợ giúp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
 

LIÊN BỘ


Đối tượng được nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội công lập (SMS: 537168) - Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 32/2009/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 21/9/2009 hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức cán bộ, nhân viên của cơ sở bảo trợ xã hội công lập. Theo Thông tư này, cơ sở bảo trợ xã hội công lập có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý các đối tượng: trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; người cao tuổi cô đơn thuộc hộ gia đình nghèo hoặc không nơi nương tựa; người tàn tật nặng không có khả năng lao động; người mắc bệnh tâm thần mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc thuộc hộ gia đình nghèo; người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động thuộc hộ gia đình nghèo hoặc thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống; các đối tượng xã hội cần được bảo vệ khẩn cấp như nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị buôn bán, cưỡng bức lao động và các đối tượng xã hội khác do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
Cũng theo Thông tư này, cơ sở bảo trợ xã hội công lập được thực hiện tự chủ về biên chế cán bộ, nhân viên và kinh phí hoạt động. Cơ cấu tổ chức gồm có: phòng tổ chức - hành chính, phòng nghiệp vụ, các phòng, khoa hoặc bộ phận có tên gọi khác do cấp có thẩm quyền quyết định. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cơ sở bảo trợ xã hội công lập căn cứ vào nhiệm vụ, quy mô, số lượng đối tượng nuôi dưỡng và số lượng cán bộ, nhân viên để quy định cơ cấu tổ chức hành chính cho phù hợp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2009.