Số 38.2008 (394) ngày 26/09/2008

 CHÍNH PHỦ


Xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực thương mại
(SMS: 506195)
- Ngày 22/9/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2008/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại.
Theo đó, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại với khung phạt tiền tối đa 70 triệu đồng và có thể bị tước giấy phép kinh doanh.
Có 4 nhóm hành vi bị xử phạt hành chính gồm: Đầu cơ hàng hóa, găm hàng; tăng giá quá mức; đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; Vi phạm về kê khai giá, đăng ký giá, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; Xuất lậu hoặc vận chuyển trái phép thóc, gạo, xăng, dầu, lâm sản, khoáng sản qua biên giới; Gian lận về đo lường, đóng gói hàng hóa và chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường, phạt 35 triệu đồng đối với mua vét, mua gom hàng hóa  có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, mua vét, mua gom các mặt hàng xăng, dầu, xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học nhằm bán lại thu lợi bất chính bị xử phạt từ 5 - 35 triệu đồng.
Các mức phạt tiền này sẽ tăng gấp đôi nếu đó là hành vi vi phạm của doanh nghiệp, chi nhánh kinh doanh tại Việt Nam; của cá nhân, doanh nghiệp, chi nhánh không đăng ký kinh doanh hoặc không được phép kinh doanh loại hàng hóa mua vét, mua gom.
Hành vi găm hàng bị phạt tiền từ 5 - 30 triệu đồng và đối với một số trường hợp, mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc cơ sở phân phối hàng hóa hiện đại găm hàng hoặc tăng giá quá mức sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần...
Các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức có liên quan có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các ấn phẩm thông tin khác gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Nếu cố ý bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật để vụ lợi thì bị phạt tiền gấp 2 lần.
Ngoài ra, đối với các vi phạm về đầu tư, hàng hóa, xuất lậu hoặc vận chuyển trái phép xăng, dầu, thóc, gạo, lâm sản, khoáng sản qua biên giới, nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Ưu đãi vay vốn tín dụng
(SMS: 506156)
- Ngày 19/9/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Theo đó, Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư gồm: Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội (không phân biệt địa bàn đầu tư) như dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch phục vụ  sinh hoạt, xử lý nước thải, rác thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp..., xây dựng các quỹ nhà ở tập trung cho công nhân, dự án đầu tư hạ tầng, mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới và thiết bị trong lĩnh vực xã hội hóa; Nông nghiệp, nông thôn như dự án xây mới và mở rộng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung, dự án phát triển giống thủy, hải sản, cây trồng, vật nuôi; Các dự án Công nghiệp như đầu tư chế biến sâu từ quặng khoáng sản, sản xuất Alumin, fero hợp kim sắt..., đóng mới toa xe đường sắt và lắp ráp đầu máy xe lửa, sản xuất thuốc kháng sinh, vắc xin thương phẩm, nhà máy điện từ gió, thủy điện nhỏ, sản xuất DAP và phân đạm; Các dự án đầu tư tại các địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn... và các dự án cho vay theo Hiệp định Chính phủ, các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng.
Lãi suất vay vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng 1%/năm (quy định trước đây là cộng 0,5%/năm).
Ngoài ra, bổ sung đơn vị sự nghiệp có thu bảo đảm chi phí hoạt động hoặc tự bảo đảm một phần  chi phí hoạt động vào diện đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng đầu tư và  tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Bộ Tài chính là cơ quan quyết định mức hỗ trợ sau đầu tư trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất vay vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng và lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; khuyến khích chủ đầu tư tìm kiếm các nguồn vốn với chi phí hợp lý (quy định trước đây: mức hỗ trợ sau đầu tư bằng chênh lệch giữa lãi suất vay vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng và 90% lãi suất vay vốn đầu tư)…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chống gian lận trong kinh doanh
(SMS: 506116)
- Ngày 17/9/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 259/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp bàn về các biện pháp chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu và sản xuất, kinh doanh phân bón, thuôc bảo vệ thực vật giả.
Phó Thủ tướng chỉ đạo: các hành vi gian lận xăng dầu cần xử phạt theo hướng không chỉ xử phạt tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mà còn phải tính đến quy mô, tính chất của hành vi vi phạm có thể diễn ra trong một thời gian dài trước đó. Đồng thời, áp dụng các hình thức tạm đình chỉ kinh doanh, đình chỉ kinh doanh có thời hạn đến 12 tháng và không thời hạn trên 12 tháng…
Bộ Công Thương làm việc với UBND các tỉnh, thành phố để tiếp tục thực hiện khẩn trương hơn công tác quy hoạch hệ thống phân phối, đại lý, cơ sở bán lẻ và các cơ sở dịch vụ kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước, trước hết là các khu vực kinh tế trọng điểm; tạo lập cơ chế hoạt động để hệ thống này có khả năng tự kiểm soát được chất lượng và số lượng sản phẩm từ khâu nhập khẩu, chế biến, phân phối, đại lý đến khâu bán lẻ cho người tiêu dùng…
Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra chất lượng, xuất xứ, nhãn mác phân bón, vật tư nông nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu; phối hợp chặt chẽ với ngành hải quan trong công tác kiểm định, thông quan hàng hoá, bảo đảm kiểm soát, ngăn chặn được hàng nhập khẩu kém chất lượng, xuất xứ, nhãn mác không rõ ràng…


Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng
(SMS: 506115)
- Theo Nghị định số 105/2008/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 16/9/2008, quy định: người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 sẽ được hưởng mức trợ cấp: diện thoát ly là 731.000 đồng/người/tháng và hưởng thêm phụ cấp 124.000đồng/thâm niên, diện không thoát ly 1.240.000 đồng…; Từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 được hưởng trợ cấp 676.000 đồng/tháng. Đồng thời, thân nhân của họ được hưởng trợ cấp tiền tuất và tiền tuất nuôi dưỡng với mức không vượt quá 767.000đồng/tháng. Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ hưởng trợ cấp 1.167.000đồng/tháng cùng với phụ cấp 547.000đồng/tháng.
Trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 từ trần là 1.095.000 đồng/tháng…
Thân nhân liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến, thương binh loại B, bệnh binh... được hưởng mức trợ cấp hàng tháng tối thiểu từ 329.000 đồng đến tối đa là 1.665.000 đồng/tháng.
Đối với mức trợ cấp ưu đãi 1 lần cho Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến chết trước ngày 01/01/1995, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động động trong kháng chiến được truy tặng và khi báo tử liệt sĩ sẽ hưởng mức trợ cấp gấp 20 lần mức chuẩn…
Các trường hợp bị suy giảm lao động từ 5 - 20% nhận mức trợ cấp ưu đãi từ 4 - 8 lần mức chuẩn.
Ngoài ra, mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh với mức trợ cấp tối thiểu là 438.000 đồng đối với tỷ lệ suy giảm lao động 21%, cao nhất là mức trợ cấp 2.086.000 đồng đối với tỷ lệ suy giảm lao động 100%. Đối với thương binh loại B, mức trợ cấp thương tật tối thiểu là 350.000 đồng khi tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 21%, trợ cấp tối đa là 1.666.000 đồng khi tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 100%.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi được tính từ ngày 01/10/2008.


Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới
(SMS: 506114)
- Theo Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ban hành ngày 16/9/2008, Chính phủ quy định: chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) theo quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định, không được đồng thời tham gia 2 hợp đồng bảo hiểm bắt buộc TNDS trở lên cho cùng 1 xe cơ giới…
Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới là 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 5 ngày từ ngày xảy ra tai nạn, chủ xe phải gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm kèm theo tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới.
Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải xác minh hồ sơ.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ các hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt. Cụ thể, hành vi không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe mô tô ba bánh và các loại xe cơ giới tương tự bị phạt 100.000 đồng; người điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe cơ giới tương tự bị phạt 500.000 đồng…
Từ chối bán bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt 50 triệu đồng, Tổng giám đốc (Giám đốc) và người liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt 10 triệu đồng.
Doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt 50 triệu đồng nếu sử dụng Giấy chứng nhận bảo hiểm cấp cho chủ xe cơ giới không đúng quy định của Bộ Tài chính; bị phạt 30 triệu đồng nếu không tuân thủ thời giạn bảo hiểm; bị phạt 50 - 70 triệu đồng nếu không tuân thủ mức phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.
Việc trả hoa hồng bảo hiểm không đúng đối tượng quy định bị phạt 70 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức có hành vi trục lợi để nhận tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm bị phạt tiền từ 30 - 70 triệu đồng…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: Y TẾ - TÀI CHÍNH


Bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo
(SMS: 506206)
- Theo Thông tư liên tịch số 10/2008/TTLT-BYT-BTC ban hành ngày 24/9/2008, Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau: mức đóng BHYT hàng tháng đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo bằng 3% mức lương tối thiểu chung, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT...
Đối tượng áp dùng là người thuộc hộ gia đình cận nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 130% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo chuẩn nghèo hiện hành (trừ những người thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc, trẻ em dưới 6 tuổi và những người đang được các chương trình, dự án của Nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ tham gia BHYT tự nguyện).

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc
(SMS: 506189)
- Ngày 23/9/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, sau 180 ngày vẫn tiếp tục điều trị, mà có mức hưởng chế độ ốm đau trong tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được tính bằng mức lương tối thiểu chung…
Trường hợp trong cùng một thời gian người lao động có từ 2 con trở lên dưới 7 tuổi bị ốm đau, thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế người lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau…
Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì tuỳ theo tình trạng thương tật, bệnh tật được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình theo chỉ định tại cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động- Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh trở lên…
Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng khi chết mà không có thân nhân thuộc diện hưởng tiền tuất hàng tháng, thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần bằng 3 tháng mức trợ cấp đang hưởng trước khi chết…

Cán bộ xã có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, đã có quyết định nghỉ việc chờ đủ tuổi để hưởng trợ cấp hàng tháng, thì được hưởng trợ cấp hàng tháng khi đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ. Trong thời gian nghỉ chờ để hưởng trợ cấp hàng tháng mà bị chết, thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung…
Người lao động làm việc thuộc khu vực nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01/11/1987 đến trước ngày 01/01/1995 do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không sắp xếp, bố trí được việc làm, chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, tính đến ngày 31/12/1994 vẫn còn có tên trong danh sách lao động của đơn vị và có quyết định nghỉ chờ việc (không bao gồm người bị kỷ luật buộc thôi việc hoặc tự ý bỏ việc, bị phạt tù giam trước ngày 01/01/1995, ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài không hợp pháp) nếu chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội thì được tổ chức bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm xã hội…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ nâng bậc lương
(SMS: 506133)
- Ngày 16/9/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 18/2008/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 114/2002/NĐ-CP về tiền lương đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, người lao động 2 năm liền được tặng Bằng khen cấp Bộ, chiến sĩ thi đua cấp ngành, lĩnh vực thì được xét nâng 1 bậc lương trước thời hạn 12 tháng..., ngược lại, nếu bị kỷ luật lao động thì bị kéo dài thêm thời hạn xét nâng bậc lương không quá 6 tháng.
Ngoài ra, một số trường hợp khác được nâng bậc lương sớm, rút ngắn thời hạn nâng bậc lương như: người đoạt giải nhất, nhì tại các cuộc thi chuyên môn cấp quốc tế, được nâng sớm 2 bậc lương; người đoạt giải nhất các cuộc thi cấp quốc gia, giải 3 các cuộc thi cấp quốc tế, người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng 1, 2, 3, Chiến sĩ thi đua toàn quốc được nâng sớm 1 bậc lương; người đoạt giải nhì các cuộc thi cấp quốc gia được rút ngắn 2/3 thời hạn xét nâng bậc lương…
Về việc xét nâng bậc lương thường xuyên, hàng năm, căn cứ vào nhu cầu công việc, tình hình sản xuất, kinh doanh, sau khi tham khảo ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở, công ty lập kế hoạch và tổ chức nâng bậc lương đối với người lao động làm việc trong công ty.
Căn cứ để nâng bậc lương đối với lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh là tiêu chuẩn, cấp bậc kỹ thuật ứng với công việc đảm nhận; đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành, phục vụ là tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức và thâm niên làm việc trong công ty.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung quy định về điều kiện và tiêu chuẩn nâng bậc lương đối với thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản lý; Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng trong công ty Nhà nước, công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên. Đó là, phải có thời gian giữ bậc 1 từ 3 năm trở lên; hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm; không vi phạm chế độ trách nhiệm; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Cấp chứng chỉ thuyền viên
(SMS: 506191)
- Ngày 18/9/2008, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 19/2008/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa và đảm nhiệm chức danh thuyền viên phương tiện thuỷ nội địa.
Theo đó, người dự kiểm tra lấy chứng chỉ chuyên môn phải được công nhận học xong chương trình bổ túc, bồi dưỡng nghề tương ứng với từng loại chứng chỉ chuyên môn. Trong đó, đối với chứng chỉ chuyên môn đặc biệt như điều khiển phương tiện loại I tốc độ cao hay điều khiển phương tiện đi ven biển, người dự thi phải có bằng thuyền trưởng từ hạng ba trở lên; có thời gian nghiệp vụ theo chức danh thuyền trưởng hạng ba đủ 24 tháng trở lên.
Người có bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng hoặc chứng chỉ khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng do các Bộ, ngành trong nước hoặc nước ngoài cấp, nếu có nhu cầu làm việc trên các phương tiện thủy nội địa thì phải làm thủ tục chuyển đổi sang bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng, phải dự sát hạch môn pháp luật giao thông đường thủy nội địa.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm in, phát hành, hướng dẫn và quản lý thống nhất việc sử dụng phôi bằng, chứng chỉ chuyên môn…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Tạm dừng mua sắm để kiềm chế lạm phát
(SMS: 506117)
- Theo Công văn số 11037/BTC-QLCS ra ngày 17/9/2008 về việc hướng dẫn tạm dừng mua sắm ôtô, phương tiện, tài sản có giá trị lớn phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phạm, Bộ Tài chính đề nghị: các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sắp xếp trong phạm vi số xe hiện có, thực hiện điều chuyển xe ôtô từ nơi thừa sang nơi thiếu để sử dụng hợp lý, có hiệu quả hoặc thực hiện các biện pháp khác như thuê phương tiện dịch vụ xe ôtô hoặc khoán kinh phí (nếu cá nhân tự nguyện nhận khoán) để tự túc phương tiện đối với các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ôtô phục vụ công tác…
|Trường hợp cơ quan, đơn vị đã ký Hợp đồng mua xe trước ngày 17/4/2008, mà trong Hợp đồng có điều khoản quy định việc bên mua phải ứng trước một phần tiền và thực tế bên mua đã ứng cho bên bán hoặc quy định bên mua phải bồi hoàn trong trường hợp tự ý không thực hiện hợp đồng thì được tiếp tục thực hiện Hợp đồng đã ký. Các trường hợp còn lại thì tạm dừng thực hiện Hợp đồng cho đến khi Thủ tướng có chỉ đạo mới về vấn đề này…

Đối với máy điều hoà nhiệt độ tạm dừng mua sắm theo đúng quy định…
 

 BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG


Tăng cường ngăn chặn hack Online game và nhắn tin lừa đảo
(SMS: 506208)
- Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong dịch vụ trò chơi trực tuyến, nhắn tin SMS lừa đảo, ngày 17/9/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Công văn số 2967/BTTTT-TTra, yêu cầu: Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa nội dung thanh tra về cung cấp Online Game vào nội dung thanh tra việc chấp hành pháp luật về Internet tại các đại lý Internet trong các đợt thanh tra; tổ chức thanh tra các doanh nghiệp công nghệ thông tin, cá nhân cung cấp, phát tán virut máy tính, phần mềm gây hại. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng Online Game, dịch vụ Internet, dịch vụ viễn thông...
Các doanh nghiệp Online Game theo dõi, tổng hợp thông tin các số điện thoại bị nhắn tin lừa đảo, địa chỉ IP, tên tài khoản và địa chỉ của những người truy nhập cơ sở dữ liệu, hệ thống thiết bị của mình kịp thời báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông và thông báo thông tin cho doanh nghiệp thông tin di động và doanh nghiệp Internet...
Các doanh nghiệp thông tin di động chủ động rà soát, xác định thông tin thuê bao thực hiện hành vi vi phạm, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý, trường hợp không xác định được chính xác chủ thuê bao thì ngừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao này.
Thanh tra Bộ khi phát hiện hành vi vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật; đưa nội dung tập huấn thanh tra dịch vụ Online Game tại các đại lý Internet trong chương trình tập huấn thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông cho các Sở Thông tin và Truyền thông...