Cổ phần hoá Vietcombank (SMS: 501654) - Ngày 26/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1289/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Theo đó, hình thức cổ phần hóa của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn theo nguyên tắc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (NHTMCPNT) qua nhiều giai đoạn với tỷ lệ vốn Nhà nước giảm dần nhưng không thấp hơn 51/% vốn điều lệ… Vốn điều lệ của Ngân hàng là 15 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu cổ phần chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tổng khối lượng cổ phần phát hành là 30% vốn điều lệ, trong đó cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tối đa không quá 20%. Giai đoạn 2, phát hành và niêm yết quốc tế không vượt quá 15% vốn điều lệ… Ngân hàng Ngoại thương được thực hiện việc lựa chọn tối đa là 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và việc này phải thực hiện trước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu. Nhà đầu tư chiến lược cam kết đầu tư dài hạn, không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian ít nhất là 5 năm, kể từ ngày NHTMCPNT được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… NHTMCPNT được quản lý một phần tiền thu được từ cổ phần hóa để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của Nhà nước… Quyết định này có hiệu lực từ ngày 26/9/2007.
Sở hữu nhà đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (SMS: 501636) - Ngày 25/9/2007, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 182/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 19/9/2007 về việc xác định thời hạn cư trú của người Việt Nam định cư ở nước ngoài để được sở hữu nhà theo quy định của pháp luật về nhà ở. Thủ tướng khẳng định: Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cần phải sửa đổi các quy định hiện hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh và sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật… Bộ Xây dựng cần chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các quy định hiện hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà theo quy định của Luật Nhà ở; trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2007. Ngoài ra, cần mở rộng diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà, sở hữu nhà và nêu rõ người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng có quốc tịch Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam, người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang 2 quốc tịch, cần quy định rõ khi tham gia quan hệ mua bán nhà ở, sở hữu nhà thì áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam để giải quyết những vấn đề về quyền và nghĩa vụ…
Dự toán thu, chi bảo hiểm (SMS: 501625) - Ngày 20/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/2007/QĐ-TTg về việc giao dự toán thu, chi năm 2007 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo đó, dự toán tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2007 là 28.357 tỷ đồng. Chỉ tiêu dự toán năm 2007 cụ thể như sau: thu bảo hiểm xã hội bắt buộc là 22.536 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế bắt buộc là 5.180 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế tự nguyện là 641 tỷ đồng; chi quản lý bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam là 815 tỷ đồng và chi đầu tư xây dựng cơ bản 160 tỷ đồng… Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn dự toán chi bảo hiểm xã hội, chi bảo hiểm y tế và kế hoạch đầu tư tăng trưởng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2007 theo quy định hiện hành… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy tắc ứng xử của cán bộ Thanh tra (SMS: 501628) - Theo Quyết định số 1860/2007/QĐ-TTCP-TCCB ban hành ngày 06/9/2007, Thanh tra Chính phủ quy định: trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ thanh tra phải có thái độ thận trọng, khách quan, toàn diện khi xem xét, đánh giá sự việc, lắng nghe, tôn trọng và tiếp thu ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra; hướng dẫn cho đối tượng thanh tra hiểu và thực hiện đúng quy định pháp luật; Tiếp xúc với đối tượng thanh tra tại công sở hoặc nơi thanh tra, kiểm tra, xác minh trong giờ hành chính đúng nguyên tắc khách quan, minh bạch, rõ ràng… Nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa Cán bộ thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần nhằm vụ lợi; sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; dùng phương tiện, tài sản của cơ quan, đơn vị tại nơi thanh tra vì nhu cầu cá nhân… Trong ứng xử với cơ quan, tổ chức có liên quan và cơ quan thông tin, báo chí chỉ cung cấp những thông tin tài liệu về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng với các cơ quan, tổ chức có liên quan khi có kết luận chính thức của cấp có thẩm quyền và được lãnh đạo giao theo quy định của pháp luật… Trong ứng xử gia đình không để bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con, anh, chị, em ruột lợi dụng danh nghĩa, của bản thân để vụ lợi cho gia đình và bản thân; Không được tổ chức các hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các việc khác xa hoa lãng phí, để vụ lợi… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Thủ tục thực hiện nghỉ hưu (SMS: 501640) - Ngày 24/9/2007, Bộ Nội vụ đã ra Công văn số 2752/BNV-CCVC về việc thực hiện Nghị định số 143/2007/NĐ-CP quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức. Theo đó, từ tháng 10/2007, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) phải ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu CBCCVC (bao gồm cả cấp phó của người đứng đầu) có thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu từ tháng 3/2008 trở đi. Đối với CBCCVC có thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu từ nay đến trước tháng 3/2008 thì ra thông báo và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý CBCCVC được nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định… Khi ra thông báo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng thời phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý CBCCVC để ra quyết định nghỉ hưu cho CBCCVC… Vào tháng 9 hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương , Hội đồng quản trị các công ty nhà nước đặc biệt quan trọng báo cáo Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với CBCCVC thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị và danh sách CBCCVC do Thủ tướng bổ nhiệm đủ tuổi nghỉ hưu của năm tiếp theo…
|
Chấn chỉnh công tác chứng thực (SMS: 501624) - Theo phản ánh của địa phương và người dân thì trong thời gian qua có một số UBND xã, phường, thị trấn từ chối chứng thực vì lý do người yêu cầu chứng thực còn nợ các khoản đóng góp như thuế, quỹ an ninh, quỹ khuyến học,... Để được chứng thực, người dân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của địa phương. Ngày 24/9/2007, Bộ Tư pháp đã ra Công văn số 4016/BTP-VP về việc kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, nhấn mạnh: việc tuỳ tiện đặt ra các điều kiện như vậy là trái với quy định, gây phiền hà cho người dân, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra và chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền chứng thực trong địa phương mình thực hiện việc chứng thực đúng theo quy định…
|
Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng (SMS: 501605) - Ngày 19/9/2007, Bộ Xây dựng đã ra Công văn số 1989/BXD-VP về việc giải các vướng mắc, kiến nghị trong quản lý đầu tư xây dựng. Theo đó, đối với dự án đầu tư công trình đơn lẻ, không có trong quy hoạch xây dựng hoặc chưa có quy hoạch xây dựng thì trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để được xem xét chấp thuận về vị trí, quy mô; sau đó chủ đầu tư lập quy hoạch tổng mặt bằng trình duyệt theo quy định… Về cấp giấy phép xây dựng cho công trình ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt, thì bước đầu có thể xác định một số nội dung cần quản lý liên quan đến giấy phép xây dựng trong đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 như: vị trí, ranh giới, quy mô các khu chức năng; các chỉ tiêu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao, cốt xây dựng; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; phạm vi và hành lang bảo vệ đê điều, các công trình kỹ thuật; các quy định về kiến trúc để làm cơ sở cho việc cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; sau đó phải tiếp tục bổ sung và hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trình thẩm định, phê duyệt theo quy định… Ngoài ra, để tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện cho các khu vực thiếu người có đủ điều kiện năng lực theo quy định, thì tuỳ thuộc vào tính chất của dự án và tình hình cụ thể về điều kiện năng lực của lực lượng tư vấn ở địa phương mà có thể linh hoạt áp dụng cho phép các cá nhân đảm nhận chức danh giám đốc tư vấn quản lý dự án, chỉ huy trưởng công trường, giám sát thi công xây dựng được thực hiện hơn một công việc trong cùng một thời gian cho một chủ đầu tư, nhưng đảm bảo nguyên tắc công việc phải được kiểm soát, nghiệm thu theo quy định, không làm gián đoạn thực hiện công việc theo tiến độ; đồng thời phải chịu trách nhịêm về chất lượng, tiến độ của công trình…
Chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng (SMS: 501621) - Ngày 14/8/2007, Bộ Xây dựng đã ra Công văn số 1751/BXD-VP về việc công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình. Theo đó, Định mức chi phí quản lý dự án bao gồm các chi phí để tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi hoàn thành, nghiệm thu bàn giao, đưa công trình vào khai thác sử dụng, bao gồm: Chi phí tổ chức lập báo cáo đầu tư, lập dự án đầu tư, lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật; Chi phí tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư; Chi phí tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc; Chi phí tổ chức thẩm định dự án đầu tư, báo cáo kinh tế-kỹ thuật; chi phí tổ chức thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình; Chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; Chi phí tổ chức quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ, chi phí xây dựng; Chi phí tổ chức kiểm tra chất lượng vật liệu, kiểm định chất lượng công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư, nếu có… Định mức chi phí quản lý dự án được tính bằng tỷ lệ % của chi phí xây dựng và chi phí thiết bị chưa có thuế giá trị gia tăng trong tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng công trình được duyệt…
|
Quản lý tài chính công ty xổ số (SMS: 501629) - Ngày 19/9/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2007/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Công ty xổ số kiến thiết (XSKT). Theo đó, mức chi hoa hồng đại lý cho mỗi đại lý của từng loại hình xổ số tại từng thời điểm không vượt quá 15% doanh thu bán vé có thuế (theo quy định trưứơc đây là 13%). Quy định này áp dụng trong cả trường hợp Công ty XSKT làm đại lý tiêu thụ vé cho Công ty XSKT khác. Mức phí thanh toán cho đại lý được ủy quyền trả thưởng cho khách hàng trúng thưởng không được vượt quá 0,2% trên tổng giá trị giải thưởng đại lý đã thanh toán theo ủy quyền. Đại lý được ủy quyền trả thưởng không được lấy bất cứ khoản phí nào của khách hàng trúng thưởng. Ngoài ra, Thông tư đã đưa ra quy định mới về việc chi chống số đề lợi dụng XSKT để hoạt động. Cụ thể, mức chi tối đa cho 1 vụ án số đề bị đưa ra xét xử là 15 triệu đồng. Tổng mức chi chống số đề tối đa trong năm tài chính áp dụng cho các Công ty XSKT đang hoạt động kinh doanh trong khu vực miền Bắc và miền Trung không quá 1%, khu vực miền Nam không quá 0,5% tổng doanh thu hoạt động kinh doanh xổ số (có thuế) hàng năm của công ty. Các Công ty XSKT chi hỗ trợ trực tiếp qua cơ quan công an thực hiện công tác điều tra, khám phá, thụ lý chính của vụ án số đề… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|