Số 38.2006 (292) ngày 29/09/2006

 CHÍNH PHỦ


Quy chế quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước
(SMS: 201920)
- Theo Quyết định số  213/2006/QĐ-TTg ban hành ngày 25/9/2006, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: việc sử dụng công sở phải đúng công năng thiết kế, đúng mục đích; không được chiếm dụng hoặc sử dụng công sở vào các mục đích sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho mượn, làm nhà ở...
Một trong những nguyên tắc bố trí sắp xếp nơi làm việc trong công sở là nơi làm việc của các bộ phận chuyên môn phải được bố trí sắp xếp theo dây chuyền hợp lý, đảm bảo thuận tiện trong việc điều hành, phối hợp công tác; phòng làm việc phải đảm bảo đủ diện tích cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị...
Đồng thời, công sở phải có phòng tiếp dân và phòng tiếp khách riêng đủ tiêu chuẩn, phù hợp với yêu cầu công tác của các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Phòng tiếp dân và phòng tiếp khách được bố trí ở vị trí thuận lợi cho việc tiếp đón và quản lý về trật tự, trị an...
Yêu cầu về sử dụng phòng làm việc trong công sở là bên ngoài các phòng làm việc phải có biển ghi tên đơn vị, chức danh cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong phòng; không được sử dụng các thiết bị đun, nấu của cá nhân trong phòng làm việc; không được để các vật liệu nổ, chất dễ cháy trong phòng làm việc; khi nghỉ làm việc từ 3 ngày trở lên, phòng làm việc phải được niêm phong;...
Công sở có diện tích làm việc dưới 70% so với tiêu chuẩn, định mức đã quy định; công sở bị hư hỏng, xuống cấp về chất lượng không đảm bảo an toàn cho các hoạt động của cơ quan; công sở không phù hợp với công năng sử dụng thì được tiến hành cải tạo lại...
Khi xây dựng mới công sở cần tính đến việc xây dựng công sở liên cơ quan theo khối chức năng chuyên môn của cấp tỉnh (các Sở, Ban, ngành) để tạo công trình có quy mô hiện đại, khang trang, tiết kiệm vốn đầu tư và đất xây dựng...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư
(SMS: 201895)
- Theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ban hành ngày 22/9/2006, Chính phủ quy định: Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...
Trong quá trình đầu tư, kinh doanh, các bên hợp doanh có quyền thoả thuận thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên hợp doanh thỏa thuận. Ban điều phối không phải là cơ quan lãnh đạo của các bên hợp doanh...

Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp để tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
Doanh nghiệp nhận sáp nhập, mua lại kế thừa các quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập, mua lại, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác...
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp chế xuất được mua hàng hoá từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hoá thuộc diện cấm xuất khẩu...

Chính phủ khuyến khích việc chuyển giao vào Việt Nam công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn và các công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên; khuyến khích hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ quản lý và sử dụng công nghệ...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử lý tham nhũng
(SMS: 201917)
- Ngày 22/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2006/NĐ-CP quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Theo đó, tăng nặng một mức kỷ luật đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, nếu họ không thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc nếu phát hiện hành vi tham nhũng mà không xử lý nghiêm minh, không báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền...
Nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức...
Hình thức cách chức được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham  nhũng đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ, việc tham nhũng rất nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp
(SMS: 201919)
- Theo Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ban hành ngày 22/9/2006, Chính phủ quy định: mức phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến gấp 5 lần giá trị hàng hóa vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, mọi hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp phải được phát hiện, xử phạt kịp thời và bị đình chỉ ngay...
Áp dụng mức phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi không xuất trình hoặc xuất trình không đầy đủ các tài liệu, thông tin, số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc cho người có thẩm quyền khi được yêu cầu...
Phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định về bảo mật đối với dữ liệu kết quả thử nghiệm trong thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh, lưu hành dược phẩm, nông hóa phẩm...
Đối với hành vi xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, sẽ áp dụng mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 lần đến 2 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã phát hiện được cá nhân, tổ chức thực hiện nhằm mục đích kinh doanh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cho xã hội hoặc không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền mặc dù đã được chủ sở hữu quyền yêu cầu trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa vi phạm có giá trị đến 20 triệu đồng. Mức phạt tiền từ 4 lần đến 5 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm được áp dụng đối với trường hợp sản phẩm đó có giá trị từ trên 60 triệu đồng trở lên...
Các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức có chức năng giám định về sở hữu công nghiệp nhưng không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục giám định; cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật, kết luận giám định khi không đủ căn cứ hoặc căn cứ không phù hợp với vụ việc; tiết lộ bí mật thông tin biết được khi tiến hành giám định mà không được phép của các bên liên quan. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng từ 6 - 12 tháng hoặc không thời hạn Thẻ giám định viên đối với các hành vi vi phạm quy định...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ
(SMS: 201916)
- Ngày 22/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Theo đó, đối với quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì các quyền này được xác định trên cơ sở bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan...
Sản phẩm, phần sản phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây: trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét, kể cả trường hợp đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao (gần như không thể phân biệt được sự khác biệt) của kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu khác đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của người đó; Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm được bảo hộ của người khác...
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền trực tiếp hoặc thông qua người đại diện nộp đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Sở hữu trí tuệ lĩnh vực công nghiệp
(SMS: 201915)
- Ngày 22/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
Theo đó, người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan...
Quyền nhân thân của tác giả được bảo hộ vô thời hạn. Nếu giữa chủ sở hữu và tác giả không có thoả thuận khác, việc thanh toán tiền thù lao phải được thực hiện không muộn hơn ba mươi ngày, kể từ ngày chủ sở hữu nhận được tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng hoặc kể từ ngày chủ sở hữu thu được lợi sau mỗi đợt sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; nếu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được sử dụng liên tục thì mỗi đợt thanh toán không được quá sáu tháng, kể từ ngày kết thúc đợt thanh toán trước...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư
(SMS: 201894)
- Ngày 21/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2006/NĐ-CP quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Theo đó, Doanh nghiệp đề nghị đăng ký lại nộp hồ sơ tại cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác về nội dung hồ sơ đăng ký lại. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư xem xét và cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nếu từ chối hoặc có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì thông báo rõ lý do với doanh nghiệp bằng văn bản...
Doanh nghiệp đăng ký lại được thừa kế toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp trước khi đăng ký lại...
Đối với hình thức chuyển đổi doanh nghiệp, doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có từ hai chủ sở hữu trở lên chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do một tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư chuyển đổi thành Công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH chuyển đổi thành Công ty cổ phần và ngược lại...
Việc chuyển đổi doanh nghiệp có thể được tiến hành sau khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lại hoặc đồng thời với việc đăng ký lại. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư xem xét và cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nếu từ chối hoặc có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì thông báo rõ lý do với doanh nghiệp bằng văn bản...
Việc đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư được áp dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 01/7/2006. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư xem xét và cấp Giấy chứng nhận đầu tư...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ
(SMS: 201893)
- Ngày 21/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.
Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan. Bộ Văn hóa Thông tin chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về quyền tác, quyền liên quan có nhiệm vụ thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan...
Đồng thời, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; người thừa kế, cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền của chủ sở hữu, cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm theo hợp đồng, người biểu diễn; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; tổ chức phát sóng...và các cơ quan, tổ chức có liên quan có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời, họ cũng có quyền khiếu nại, tố cáo liên quan đến đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ THƯƠNG MẠI


Xúc tiến thương mại
(SMS: 201921)
- Ngày 28/9/2006, Bộ trưởng Bộ Thương mại đã ban hành Quyết định số 30/2006/QĐ-BTM về việc phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2007.
Ban hành kèm theo Quyết định này là 28 danh mục hàng hoá được giao cho các hiệp hội, doanh nghiệp, hội và các đơn vị liên quan đến Chương trình chủ trì thực hiện...
Đơn vị chủ trì chương trình có trách nhiệm thực hiện các đề án được phê duyệt theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ, đảm bảo hiệu quả và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đề án được duyệt và huy động phần đóng góp của doanh nghiệp theo đúng quy định hiện hành...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa
(SMS: 20128)
- Ngày 14/9/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa ban gồm 5 phần: Quy định chung, Hệ thống tài khoản kế toán, Hệ thống báo cáo tài chính, Chế độ chứng từ kế toán, Chế độ sổ kế toán.
Chế độ kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa không áp dụng cho doanh nghiệp Nhà nước, công ty TNHH nhà nước 1 thành viên, công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán, hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã tín dụng...
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành khoá sổ kế toán tại thời điểm 31/12/2006 để tính chuyển số dư tài khoản kế toán cũ sang tài khoản kế toán mới từ ngày 1/1/2007 theo chế độ kế toán này.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.