Số 38.2004 (191) ngày 01/10/2004

 CHÍNH PHỦ


Đổi mới nông trường
(SMS: 17325 - Không gửi qua fax)
- Theo Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ban hành ngày 22/9/29004 về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh, Chính phủ quy định: sẽ giải thể các nông trường quản lý yếu kém, làm ăn thua lỗ liên tục 3 năm liền hoặc thu nhập hiện tại chủ yếu dựa vào nguồn thu từ cho thuê đất...
Ngoài ra, việc sắp xếp, đổi mới nông trường phải nhằm mục tiêu: sử dụng bền vững và có hiệu quả đất đai, cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có của nông trường quốc doanh; Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các nông trường quốc doanh; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ...
Tiếp tục giữ lại hoặc thành lập mới những nông trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và có yêu cầu phục vụ định canh, định cư, an ninh - quốc phòng...
Cán bộ, công nhân nhận giao đất khoán sản xuất, vườn cây, gia súc đến tuổi nghỉ hưu được tiếp tục thực hiện hợp đồng khoán cho đến hết thời hạn ghi trong hợp đồng. Khi hết thời hạn hợp đồng khoán, nếu có nhu cầu thì được ưu tiên nhận khoán tiếp...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt các vi phạm về giá
(SMS: 17321 - Không gửi qua fax)
- Ngày 22/9/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 169/2004/NĐ-CP hướng dẫn việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá.
Nghị định này quy định mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng sẽ áp dụng cho các hành vi vi phạm chính sách bình ổn giá: không báo cáo, báo cáo không đúng quy định khi Nhà nước thực hiện các biện pháp bình ổn giá; không thực hiện đúng các biện pháp bình ổn giá của cơ quan có thẩm quyền. Mức phạt 10 - 20 triệu đồng áp dụng với tổ chức, cá nhân nào mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sai với mức giá cụ thể, khung giá, giá giới hạn do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định; mức phạt sẽ được nâng lên 20 - 30 triệu đồng cho các hành vi mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sai mức giá cụ thể, khung giá, giá trần do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định. Các hành vi loan tin, bịa đặt về giá không có căn cứ về việc tăng giá, hạ giá cũng bị phạt từ 3 - 10 triệu đồng. Vi phạm chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển, các biện pháp hỗ trợ thực hiện chính sách giá sẽ bị phạt từ 5 - 20 triệu đồng...
Nghị định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách xã hội
(SMS: 17324)
- Theo Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ban hành ngày 20/9/2004 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP về chính sách cứu trợ xã hội, Chính phủ có một số sửa đổi, bổ sung như sau: mức trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên thấp nhất do xã, phường quản lý bằng 65.000 đồng/người/tháng (quy định trước đây là 45.000 đồng); Mức trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng thấp nhất tại cơ sở Bảo trợ xã hội của Nhà nước bằng 140.000 đồng/người/tháng (trước đây: 100.000 đồng); Riêng đối với trẻ em dưới 18 tháng tuổi phải ăn thêm sữa và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS mức trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng thấp nhất bằng 210.000 đồng/trẻ em/tháng (trước đây: 150.000 đồng)...
Người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú được trợ cấp 7.000 đồng/người/ngày, nhưng không quá 15 ngày (trước đây: 5000 đồng)...

Nghị định này có
kể từ ngày 01/01/2005.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Quy định đối với cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế
(SMS: 200215 - Không gửi qua fax)
- Ngày 28/9/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 77/2004/QĐ-BTC quy định quản lý hải quan đối với hàng hoá bán tại  cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, các loại mỹ phẩm (thuộc danh mục do Bộ Y tế quản lý chất lượng) được phép nhập khẩu phục vụ kinh doanh tại các cửa hàng miễn thuế không phải đăng ký lưu hành. Các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng mỹ phẩm.
Hàng sản xuất tại Việt Nam đưa vào bán tại cửa hàng miễn thuế là mặt hàng không thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu. Nếu là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật...
Hàng hoá đã nhập khẩu, đang lưu thông hợp pháp trên thị trường Việt Nam, nếu đưa vào bán tại cửa hàng miễn thuế được coi như hàng xuất khẩu và phải tuân thủ chính sách mặt hàng theo quy định của pháp luật...


Lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán
(SMS: 17326 - Không gửi qua fax)
- Ngày 22/9/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 76/2004/QĐ-BTC ban hành Quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Theo Quy chế này, đối tượng bắt buộc phải được doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán báo cáo tài chính năm bao gồm: Doanh nghiệp có thực hiện phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng; Tổ chức niêm yết chứng khoán tại thị trường giao dịch tập trung; Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư chứng khoán.
Doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây: Có vốn Điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu từ 2 tỷ đồng trở lên đối với doanh nghiệp kiểm toán trong nước; Vốn điều lệ tối thiểu là 300.000 USD đối với doanh nghiệp kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài; Có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 10 người trở lên; Đã thành lập và hoạt động kiểm toán tại Việt Nam tối thiểu là 5 năm tính đến ngày nộp Đơn đăng ký tham gia kiểm toán; Có số lượng khách hàng kiểm toán hàng năm tối thiểu là 30 đơn vị...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ THƯƠNG MẠI


Danh mục hàng tiêu dùng
(SMS: 17328)
- Ngày 21/9/2004, Bộ trưởng Bộ Thương mại đã ban hành Quyết định số 1341/2004/QĐ-BTM về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục hàng tiêu dùng ban hành kèm theo Quyết định số 0404/2004/QĐ-BTM.
Bộ trưởng quyết định loại trừ các nhóm hàng, mặt hàng sau khỏi danh mục hàng tiêu dùng: thực phẩm cho trẻ em, chưa đóng gói để bán lẻ dùng cho trẻ em thiếu lactase; Vải dệt thoi dệt từ sợi tơ hoặc sợi kéo từ phế liệu tơ; Vải dệt thoi từ sợi bông, có tỷ trọng bông từ 85% trở lên, trọng lượng không quá 200g/m; Các loại vải dệt thoi khác từ xơ staple tổng hợp...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Xử lý vi phạm trong ngành đường sắt
(SMS: 200216 - Không gửi qua fax)
- Ngày 16/9/2004, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 15/2004/QĐ-BGTVT về việc ban hành quy định trách nhiệm và hình thức xử lý  đối với tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, trách nhiệm của nhà thầu xây lắp khi thi công kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt trên đường sắt đang khai thác được quy định như sau: kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng thi công phải chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; Triển khai công tác đảm bảo giao thông trước khi thi công công trình chính; Khi thi công xong phải thu dọn vật liệu thừa, đưa thiết bị ra khỏi công trình và lập hồ sơ hoàn công kịp thời để bàn giao cho đơn vị quản lý, thực hiện việc bảo hành công trình theo quy định...

Đối với nhân viên tuần đường sẽ bị khiển trách khi vi phạm lần đầu một trong các lỗi sau: đang làm nhiệm vụ mà trong máu có độ cồn vượt quá 80 miligam/100lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; Không ghi chép các nội dung tuần đường vào sổ tuần đường như quy định; Khi phát hiện ra các hư hỏng của cầu đường mà không có biện pháp báo hiệu dẫn đến mất an toàn giao thông...; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa 6 tháng khi vi phạm lần 2 các lỗi trên...
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quy định về sử dụng séc
(SMS: 17320 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/9/2004, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 05/2004/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định  số 159/2003/NĐ-CP về Cung ứng và sử dụng séc.
Theo đó, khi không còn sử dụng séc hoặc chấm dứt thoả thuận sử dụng séc với tổ chức cung ứng séc, người được cung ứng séc trắng có nghĩa vụ nộp lại toàn bộ các séc trắng chưa sử dụng và các tờ séc viết hỏng cho tổ chức cung ứng séc...
Để chỉ định số tiền trên tờ séc phải được trả vào tài khoản của người thụ hưởng, người ký phát hoặc người chuyển nhượng ghi hoặc đóng dấu thêm cụm từ "Trả vào tài khoản" ở mặt trước của tờ séc ngay dưới chữ "Séc". Cụm từ này có hiệu lực với bất kỳ người nào thụ hưởng tờ séc.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện nghiệp vụ bảo chi séc có thể áp dụng biện pháp phong toả số dư tài khoản thanh toán của người ký phát và số tiền bị phong toả đúng bằng số tiền bảo đảm thanh toán séc. Tuy nhiên khi áp dụng biện pháp này để bảo chi séc thì  ngân hàng phải bảo đảm được việc kiểm soát khả năng thanh toán của người ký phát, không để xảy ra tình trạng mất khả năng thanh toán gây ảnh hưởng đến các bên liên quan...
Tờ séc đã quá thời hạn xuất trình nhưng chưa quá 06 tháng kể từ ngày ký phát, người thu hộ vẫn có thể nhận thu hộ và có quyền quy định mức phí dịch vụ thu hộ séc đối với người thụ hưởng...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC THUẾ


Thuế GTGT
(SMS: 200217)
- Ngày 27/9/2004, Tổng cục Thuế đã ra Công văn số 3150/TCT/PCCS về hiệu lực thi hành của Công văn số 4575/TC/TCT hướng dẫn về thuế GTGT.
Theo Công văn này,
Đối với các cơ sở kinh doanh làm đại lý dịch vụ bưu điện, bảo hiểm, xổ số, bán vé máy bay theo đúng giá quy định ghi trên hóa đơn, như: hóa đơn bảo hiểm, vé xổ số, vé máy bay, thẻ điện thoại di động... hưởng hoa hồng thì không phải tính và nộp thuế GTGT đối với doanh thu theo giá ghi trên hóa đơn, vé, thẻ của các dịch vụ và doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng (từ ngày 01/01/2004)...
Trước 01/01/2004, các cơ sở kinh doanh trên phải kê khai, nộp thuế theo giá bán do chủ hàng quy định...