Số 37.2010 (495) ngày 21/09/2010

 

CHÍNH PHỦ


Miễn tiền thuê đất cho dự án xây kho dự trữ nông sản (SMS: 57/2010/QD-TTg) - Theo quy định tại Quyết định số 57/2010/QĐ-TTg ngày 17/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất thực hiện dự án đầu tư trong vòng 05 năm, kể từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động. Trường hợp các dự án này thực hiện tại địa bàn ưu đãi đầu tư mà có mức miễn tiền thuê đất khác với mức quy định tại Quyết định này thì doanh nghiệp được lựa chọn mức ưu đãi cao nhất về miễn tiền thuê đất. Đối với diện tích đất không sử dụng vào mục đích nêu trên (nếu có) phải nộp tiền thuê đất theo quy định hiện hành.
Trường hợp doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích để xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà phê thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất và xử lý tài sản đã đầu tư trên đất theo quy định của Luật Đất đai. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định miễn tiền thuê đất thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2010.

Điều kiện cấp phép cho lực lượng tìm kiếm, cứn nạn nước ngoài tại Việt Nam (SMS: 95/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2010/NĐ-CP ngày 16/9/2010 quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự cấp phép đối với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam và việc phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài vào tham gia tìm kiếm, cứu nạn, trong tình huống khẩn cấp xảy ra thảm họa do thiên tai, sự cố trên lãnh thổ Việt Nam hoặc vùng tìm kiếm, cứu nạn do Việt Nam đảm nhiệm. Theo Nghị định này, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài được cấp phép tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng lãnh thổ của Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau: theo yêu cầu của Việt Nam hoặc đề nghị của quốc gia, tổ chức quốc tế sẽ đưa lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn vào tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam; lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài phải có đủ năng lực về người và phương tiện, phù hợp với tính chất, tình huống tìm kiếm, cứu nạn; tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan. Cơ quan cấp phép có quyền từ chối hoặc hủy bỏ cấp phép nếu lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài không có đủ các điều kiện nêu trên hoặc các vấn đề khác có liên quan đến an ninh, quốc phòng, y tế.
Thẩm quyền cấp phép tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài thuộc Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải tùy từng trường hợp cụ thể. Các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước khi tình huống khẩn cấp xảy ra cần yêu cầu lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài hoặc lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài có đề nghị vào tham gia tìm kiếm, cứu nạn, phải đề xuất ngay với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất của các bộ, ngành và thông báo ngay ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tới Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành có liên quan để phối hợp thực hiện.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2010.

Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản đến 2020 (SMS: 1690/QD-TTg) - Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010. Quan điểm của Chiến lược này là phát triển thủy sản thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế; chuyển nghề cá nhân dân thành nghề cá hiện đại; nâng cao mức sống, điều kiện sống của cộng đồng ngư dân và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nghề cá, xác định nông, ngư dân và doanh nghiệp là chủ thể chính của sản xuất thủy sản.
Với quan điểm như trên, mục tiêu đến năm 2020 kinh tế thủy sản đóng góp 30-35% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8-10%/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD. Tạo việc làm cho 05 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiện nay; trên 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo. Về cơ chế, chính sách, trên cơ sở những chính sách đối với nghề cá đang có hiệu lực thi hành, sẽ nghiên cứu, bổ sung những chính sách mới như: chính sách khuyến khích đầu tư hiện đại hóa tàu cá; chính sách khuyến khích phát triển mô hình quản lý nghề cá cộng đồng; chính sách khuyến khích nuôi biển; chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; chính sách đầu tư hệ thống kiểm soát và quản lý chất lượng lĩnh vực thủy sản; chính sách khuyến khích đào tạo cán bộ kỹ thuật quản lý ngành thủy sản. Dự kiến kinh phí thực hiện Chiến lược này là 57.400 tỷ đồng được huy động từ các nguồn: ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, người dân, vốn ODA, FDI và các nguồn khác.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Phê duyệt Hiệp định Vận tải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (sửa đổi) (SMS: 1687/QD-TTg) - Ngày 15/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1687/QĐ-TTg phê duyệt Hiệp định sửa đổi Hiệp định Vận tải hàng không giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã được hai bên ký ngày 18/5/2010. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì triển khai nội dung Hiệp định. Bộ Ngoại giao thực hiện các thủ tục thông báo đối ngoại cần thiết và thông báo thời gian Hiệp định chính thức có hiệu lực theo quy định.
 

 

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Chức năng, nhiệm vụ của trung tâm quản lý sau cai nghiện (SMS: 28/2010/TTLT-BLDTBXH-BNV) - Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của trung tâm quản lý sau cai nghiện ma tuý được quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2010/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 16/9/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ. Thông tư này áp dụng đối với các trung tâm quản lý sau cai nghiện ma tuý; trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội có chức năng quản lý sau cai nghiện do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập theo quy định của pháp luật. Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma tuý (trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở lao động - thương binh và xã hội có chức năng tổ chức thực hiện quản lý, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định tâm lý, sức khoẻ; phòng, chống tái nghiện; tổ chức dạy văn hoá, dạy nghề; tổ chức lao động sản xuất và hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý chuẩn bị các điều kiện tái hoà nhập cộng đồng. Trung tâm hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Công chức, viên chức làm việc tại trung tâm được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định tại Nghị định số 114/2007/NĐ-CP ngày 03/7/2007 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý.
Nhiệm vụ của trung tâm là tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, điều trị, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định tâm lý, sức khoẻ, phòng, chống tái nghiện, tổ chức dạy nghề; liên doanh, liên kết hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tổ chức lao động sản xuất, hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập; liên kết với các tổ chức xã hội ở địa phương, các trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội, các trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc sở giáo dục và đào tạo và các trường dạy nghề thuộc tỉnh để tổ chức dạy văn hoá, dạy nghề, lao động sản xuất, tư vấn giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Chế độ tiền lương trong công ty TNHH một thành viên Nhà nước (SMS: 27/2010/TT-BLDTBXH) - Ngày 14/9/2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (công ty). Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm: người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động; thành viên chuyên trách, thành viên không chuyên trách hội đồng thành viên (đối với công ty tổ chức theo mô hình hội đồng thành viên) hoặc chủ tịch công ty chuyên trách, chủ tịch công ty không chuyên trách (đối với công ty tổ chức theo mô hình chủ tịch công ty), kiểm soát viên chuyên trách, kiểm soát viên không chuyên trách; tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng (không bao gồm tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng).
Theo Thông tư này, công ty tiếp tục áp dụng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong công ty nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện để xếp lương đối với người lao động cho đến khi Chính phủ có quy định mới. Khuyến khích công ty sử dụng những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, người giỏi, người có tài năng và có chế độ xếp lương thỏa đáng đối với số lao động này. Công ty được lựa chọn mức lương tối thiểu cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ để tính đơn giá tiền lương, nhưng phải bảo đảm đủ các điều kiện: nộp ngân sách nhà nước theo quy định của luật thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện; mức tăng (theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động bình quân; phải có lợi nhuận và lợi nhuận kế hoạch không thấp hơn so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề, trừ một số trường hợp đặc biệt (Nhà nước có quyết định can thiệp để bình ổn thị trường; tăng khấu hao để thu hồi vốn nhanh; đổi mới công nghệ; mở rộng sản xuất kinh doanh; đầu tư mới).
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Thông tư số 15/2007/TT-BLĐTBXH ngày 31/8/2007. Các  chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 05/5/2010.   

Hướng dẫn bổ sung về tính thời gian hưởng BHXH (SMS: 26/2010/TT-BLDTBXH) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Thông tư số 26/2010/TT-BLĐTBXH ngày 13/9/2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 24/2007/TT-BLĐTBXH ngày 09/11/2007 về hướng dẫn tính thời gian để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo Quyết định số 107/2007/QĐ-TTg ngày 13/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, bổ sung quy định về hồ sơ của người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo Hiệp định của Chính phủ và của người đi làm đội trưởng, phiên dịch, cán bộ vùng do nước ngoài trả lương với nội dung như sau: ”Đối với trường hợp không có Quyết định cử đi công tác, làm việc, học tập, thực tập có thời hạn ở nước ngoài thì phải có xác nhận bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan, đơn vị cử người lao động, trong đó ghi rõ thời gian người lao động được cử đi công tác, làm việc, học tập, thực tập có thời hạn ở nước ngoài và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận. Trường hợp cơ quan, đơn vị cử đi không còn tồn tại thì cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận”.
Thông tư cũng bổ sung quy định về trách nhiệm và thời hạn giải quyết của tổ chức bảo hiểm xã hội: “Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và giải quyết bảo hiểm xã hội cho người lao động đã đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, tử tuất; cấp sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội; ghi bổ sung thời gian công tác hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động đã được cấp sổ bảo hiểm xã hội. Thời hạn giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất và thời hạn cấp sổ bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 122 và khoản 3 Điều 111 Luật Bảo hiểm xã hội. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết ghi bổ sung thời gian công tác hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động đã được cấp sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
 

 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Hỗ trợ lãi suất tiền vay tại Ngân hàng Phát triển (SMS: 18/2010/TT-NHNN) - Để hướng dẫn chi tiết việc hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, ngày 16/9/2010 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 18/2010/TT-NHNN. Theo Thông tư này, Nhà nước hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam của các tổ chức, cá nhân tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, kết cấu hạ tầng và các nhu cầu vốn thực hiện hợp đồng xuất khẩu nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh sản phẩm, tạo việc làm. Khách hàng vay được hỗ trợ lãi suất là chủ đầu tư và nhà xuất khẩu vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Loại cho vay được hỗ trợ lãi suất là các khoản cho vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam theo các hợp đồng tín dụng ký kết trước và sau ngày 01/4/2009 mà được giải ngân (một hoặc nhiều lần) trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2009 đến 31/12/2009.
Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng kể từ ngày giải ngân. Việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện từ ngày 01/4/2009 đến 31/12/2011. Các khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất bị quá hạn trả nợ, được gia hạn nợ vay, thời hạn vay thực tế vượt quá 24 tháng thì không được tính hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian bị quá hạn trả nợ, gia hạn nợ và vượt quá 24 tháng. Mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế, nằm trong khoảng thời gian từ 01/4/2009 đến 31/12/2011.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định về hỗ trợ lãi suất đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Thông tư số 24/2009/TT-NHNN ngày 24/12/2009 hết hiệu lực thi hành. Các khoản cho vay phát sinh từ ngày 01/4/2009 thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Thông tư này mà chưa áp dụng cơ chế hỗ trợ lãi suất thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật và Thông tư này kể từ ngày phát sinh khoản vay.

 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Sửa đổi quy định về đối tượng miễn lệ phí quốc tịch
(SMS: 135/2010/TT-BTC) - Ngày 13/9/2010, Bộ Tài chính ra Thông tư số 135/2010/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 146/2009/TT-BTC ngày 20/7/2009 hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí giải quyết các việc liên quan đến quốc tịch. Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 quy định về đối tượng được miễn lệ phí liên quan đến quốc tịch như sau: “Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó. Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là người có tài năng trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ hoặc UBND cấp tỉnh xác nhận việc nhập quốc tịch của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển trong các lĩnh vực nói trên của Việt Nam”.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.