Số 37.2009 (444) ngày 22/09/2009

CHÍNH PHỦ


Chế độ phụ cấp của công chức và lực lượng vũ trang (SMS: 537016) - Ngày 15/9/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2009/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, phụ cấp thâm niên nghề áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm. Mức phụ cấp như sau: sau 05 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong ngành cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm được tính thêm 1%.
Cũng theo Nghị định này, bổ sung hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức danh lãnh đạo thuộc UBND thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I như sau: chủ tịch UBND hệ số 0,95; phó chủ tịch UBND hệ số 0,75; chánh văn phòng, trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND hệ số 0,5; phó chánh văn phòng, phó trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND hệ số 0,3; thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chánh thanh tra hệ số 0,5; phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, phó chánh thanh tra hệ số 0,4.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2009. Chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm nói trên được tính hưởng kể từ ngày 01/01/2009.

Tăng cường vai trò của Thông tấn xã Việt Nam (SMS: 536955) - Để tăng cường vai trò, nhiệm vụ quan trọng của Thông tấn xã Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, ngày 14/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 1441/CT-TTg yêu cầu các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước có trách nhiệm sử dụng nguồn tin chính thống của Thông tấn xã Việt Nam theo đúng quy định hiện hành. Đối với những tin, bài, tài liệu, văn kiện chính thức, các cơ quan báo chí và truyền thông phải sử dụng nguyên bản; các trường hợp khác cần biên soạn ngắn gọn nhưng phải đảm bảo tính toàn diện, trung thực, trong trường hợp trích dẫn không được làm sai lệch nội dung thông tin. Các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có trách nhiệm chủ động và ưu tiên cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, chính xác cho Thông tấn xã Việt Nam để đảm bảo phục vụ tốt nhất công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đông đảo nhân dân một cách nhanh chóng, chính xác. Thông tấn xã Việt Nam được phép ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc về các vấn đề thời sự, những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, cải chính những thông tin sai lệch với những quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Thông tin và truyền thông và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án về đầu tư phát triển, đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật theo đúng quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với một hãng thông tấn quốc gia trong điều kiện mới.

 

BỘ TÀI CHÍNH


Ngân hàng cho vay ưu đãi được cấp bù lãi suất (SMS: 537034) - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 183/2009/TT-BTC ngày 15/9/2009 hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Thông tư này hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, quy trình cấp bù lãi suất cho ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo. Các ngân hàng thương mại nhà nước theo quy định tại Thông tư này bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân  hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.
Các ngân hàng nói trên được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất khi đáp ứng các điều kiện: cho vay theo đúng quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, đúng đối tượng và mục tiêu quy định theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay theo lãi suất cho vay thấp nhất áp dụng cho các khoản vay vốn cùng đối tượng, cùng kỳ hạn, trên cùng địa bàn tại cùng thời điểm; các khoản vay được cấp bù lãi suất là các khoản vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất trong hạn, trường hợp các khoản vay không trả nợ gốc đúng hạn bị chuyển sang nợ quá hạn thì số dư nợ gốc không trả nợ đúng hạn không được hỗ trợ lãi suất kể từ ngày quá hạn.
Thông tư này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày ký ban hành.

Người hiến máu tình nguyện được truyền máu miễn phí (SMS: 537017) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 182/2009/TT-BTC ngày 14/9/2009 của Bộ Tài chính về nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, người hiến máu tình nguyện trong trường hợp phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập, được miễn trả tiền máu, thành phần máu tối đa bằng số lượng máu, thành phần máu đã hiến theo Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. trường hợp người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thanh toán khoản kinh phí này cho cơ sở y tế công lập; trường hợp người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế thì ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở y tế công lập khoản chi này theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
Cũng theo Thông tư này, kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước; nguồn kinh phí thu hồi khi cung cấp máu toàn phần, các chế phẩm máu; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác. Kinh phí này được dùng để chi các khoản: hỗ trợ đi lại, ăn uống nhẹ tại chỗ và quà tặng cho người hiến máu tình nguyện; hỗ trợ cho các đơn vị, cơ sở tổ chức ngày hiến máu tình nguyện; chi hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, lập kế hoạch và chỉ đạo triển khai công tác vận động hiến máu tình nguyện; chi tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện; chi khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện…
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 40/2007/TT-BTC ngày 23/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động, thu gom, sàng lọc một đơn vị máu đạt tiêu chuẩn.

Miễn, giảm thuế đối với hoạt động kinh doanh nhà ở (SMS: 536965) - Ngày 14/9/2009, Bộ Tài chính có Thông tư số 181/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 96/2009/QĐ-TTg ngày 22/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/4/2009: số 65/2009/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở để cho thuê đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; số 66/2009/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở để cho thuê đối với công nhân lao động tại các khu công nghiệp; số 67/2009/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển  nhà ở để bán, để cho thuê, cho thuê mua đối với người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Theo đó, giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 22/7/2009 (ngày Quyết định số 96/2009/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành) đến hết ngày 31/12/2009 đối với các trường hợp sau: nhà ở để cho thuê đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề (không phân biệt học tại trường công lập hay ngoài công lập) thuê trong quá trình học tập; nhà ở để cho thuê đối với công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và nhà ở để bán, để cho thuê, cho thuê mua đối với người có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở.
Nhà ở thuộc diện được giảm thuế suất thuế GTGT nêu trên phải đáp ứng các tiêu chí về nhà ở, về giá bán nhà, về giá cho thuê, về giá cho thuê mua, về đối tượng, điều kiện được thuê, được thuê mua, được mua quy định tại các Quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp được giảm thuế là doanh nghiệp đã thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ và thực hiện đăng ký nộp thuế theo kê khai.
Cũng theo quy định tại Quyết định này, miễn số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2009 đối với các khoản thu nhập từ: hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở để cho thuê đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề thuê trong quá trình học tập; hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở để cho thuê đối với công nhân làm việc tại các khu công nghiệp; hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở để bán, để cho thuê, cho thuê mua đối với người có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Đối tượng thuộc diện được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2009 là các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở quy định tại Điều 2 Thông tư số 10/2009/TT-BXD ngày 15/6/2009 của Bộ Xây dựng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng 2710 (SMS: 537035) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 180/2009/TT-BTC ngày 14/9/2009 điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu thuộc nhóm 2710 quy định tại Danh mục thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 ban hành kèm theo Thông tư số 148/2009/TT-BTC ngày 21/7/2009 của Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Cụ thể, mặt hàng nhiên liệu đốt khác (mã 2710.19.79.00) thuế suất giảm từ 25% xuống còn 20%; bổ sung mặt hàng chất chống dính sản xuất phân bón DAP (mã 2710.19.90.10) với thuế suất 1%, loại khác (mã 2710.19.90.90) với thuế suất 5%.
Thông tư này có hiệu lực thi hành và áp dụng đối với các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 21/9/2009. Bãi bỏ Thông tư số 148/2009/TT-BTC ngày 21/7/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng (SMS: 537036) - Cùng với việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng nhóm 2710, ngày 14/9/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 179/2009/TT-BTC điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của các mặt hàng thuộc nhóm 39.20, 39.26, 85.39 quy định tại Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và các văn bản sửa đổi, bổ sung thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Cụ thể, mặt hàng màng dùng để làm kính an toàn, độ dày từ 0,38mm nhưng không quá 0,76mm và chiều rộng không quá 2m (mã 3920.91.10.00) và loại khác (mã 3920.91.90.00) thuế suất giảm từ 10% xuống còn 3%; đồ dùng trong văn phòng hoặc trường học làm bằng plastic (mã 3926.10.00.00), thuế suất giảm từ 35% xuống còn 32%; hàng may mặc dùng để tránh các chất hóa học, phóng xạ và lửa (mã 3926.20.60.00), thuế suất giảm từ 18% xuống còn 16%; tăng thuế suất của mặt hàng đèn pha gắn kín dùng cho xe ô tô (mã 8539.10.10.10) từ 20% lên 25%; giảm thuế suất mặt hàng đèn ống huỳnh quang dạng compact (mã 8539.31.10.00) từ 37% xuống còn 34%; bổ sung mã hàng 3926.90.90.30 “đầu đỡ ống chân không dùng để sản xuất bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời” với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 17%.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản (SMS: 537077) - Ngày 16/9/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 60/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Thông tư này qui định trình tự, thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản gồm: xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ từ rừng tự nhiên trong nước, củi, than làm từ gỗ hoặc củi có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên trong nước; xuất khẩu, nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng; xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi; xuất, nhập khẩu thuỷ sản sống, thủy sản làm giống; nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hoá chất dùng cho động vật và thủy sản; nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật và sinh vật sống trong lĩnh vực bảo vệ thực vật; nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; thức ăn thủy sản và nguyên liệu thức ăn thủy sản; nhập khẩu phân bón và các chế phẩm phân bón; xuất khẩu, nhập khẩu nguồn gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật phục vụ nghiên cứu, trao đổi khoa học, kỹ thuật.
Thông tư cũng nêu rõ nguyên tắc thực hiện các qui định về kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể, hàng hoá nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, thủy sản, sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản, trước khi thông quan phải thực hiện quy định tại các quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Bộ Thủy sản (cũ) ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, kiểm dịch thủy sản, sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch và quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, kiểm dịch thủy sản, sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản, kiểm tra vệ sinh thú y. Hàng hóa nhập khẩu trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trước khi thông quan phải thực hiện quy định tại các quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Trường hợp cửa khẩu chưa có cơ quan kiểm dịch động, thực vật thì hàng hoá được thông quan theo cơ chế đăng ký trước, kiểm tra sau. Cơ quan kiểm dịch có thể kiểm dịch cùng lúc cơ quan hải quan kiểm tra hàng hoá hoặc kiểm dịch sau khi hàng hoá đã hoàn thành thủ tục hải quan theo thời gian và địa điểm được xác định trong giấy đăng ký kiểm dịch. Việc kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật thực hiện theo hình thức đăng ký trước và kiểm tra chất lượng sau khi thông quan.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế các văn bản sau: Thông tư 32/2006/TT-BNN ngày 08/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài; Thông tư 101/2007/TT-BNN ngày 10/12/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 32/2006/TT-BNN ngày 08/5/2006; Thông tư số 40/2008/TT-BNN ngày 03/3/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Thông tư 101/2007/TT-BNN ngày 10/12/2007; Quyết định số 15/2006/QĐ-BTS ngày 08/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành Quy chế quản lý nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa chuyên ngành thủy sản.