Số 37.2008 (393) ngày 19/09/2008

 UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI


Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển
(SMS: 506074)
- Pháp lệnh số 05/2008/PL-UBTVQH12 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27/8/2008, gồm 6 chương, 72 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định bắt giữ tàu biển, bắt giữ lại tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự, thực hiện uỷ thác tư pháp của Toà án nước ngoài và thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ…
Pháp lệnh này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự và tương trợ tư pháp làm phát sinh quyền bắt giữ tàu biển.
Cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt giữ tàu biển gồm: TAND cấp tỉnh nơi có cảng biển, cảng thủy nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, thi hành án dân sự, thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài…
Trường hợp cảng có nhiều bến cảng thuộc địa phận các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, thì TAND cấp tỉnh nơi có bến cảng mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó; TAND đang giải quyết vụ án dân sự, TAND cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài thụ lý vụ tranh chấp cũng có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển…
Ngoài ra, Pháp lệnh cũng quy định rõ về trách nhiệm do yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng. Người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng mà gây thiệt hại thì người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải bồi thường thiệt hại…
Tòa án ra quyết định bắt giữ tàu biển không đúng với lý do yêu cầu bắt giữ tàu biển hoặc không đúng tàu biển có yêu cầu bắt giữ mà gây thiệt hại, thì Toà án phải bồi thường theo quy định của pháp luật…

Pháp lệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009.
 

 CHÍNH PHỦ


Xây dựng dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường
(SMS: 506090)
- Ngày 15/9/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2008/NĐ-CP về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường (TN&MT).
Theo đó, việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về TN&MT phải tuân thủ nguyên tắc: phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; Bảo đảm tính chính xác, trung thực, khách quan; bảo đảm tính khoa học, thuận tiện cho khai thác và sử dụng; bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ và có hệ thống; sử dụng dữ liệu đúng mục đích; Khai thác và sử dụng dữ liệu phải thực hiện nghĩa vụ tài chính và tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Danh mục dữ liệu về TN&MT được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet, trang điện tử của các cơ quan Trung ương và địa phương nhằm phục vụ cho cộng đồng và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Việc khai thác và sử dụng dữ liệu về TN&MT được thực hiện theo các hình thức: khai thác trên mạng Internet, trang điện tử do cơ quan quản lý dữ liệu quy định; Thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu; Khai thác và sử dụng dữ liệu bằng hình thức hợp đồng giữa cơ quan quản lý dữ liệu và bên khai thác, sử dụng dữ liệu theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng dữ liệu về TN&MT không được cung cấp cho bên thứ 3 dữ liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp cho mình để khai thác, sử dụng trừ trường hợp được thỏa thuận trong hợp đồng và phải trả kinh phí khai thác dữ liệu, sử dụng khi có quy định.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có hành vi: chiếm giữ, tiêu hủy trái phép, làm hư hại dữ liệu về TN&MT; Khai thác, sử dụng dữ liệu về TN&MT trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu và hiến tặng các dữ liệu TN&MT  thu thập được để bảo đảm việc khai thác, sử dụng thống nhất dữ liệu về TN&MT trong cả nước.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Trợ cấp khó khăn
(SMS: 506089)
- Ngày 15/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/2008/QĐ-TTg về trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và lực lượng vũ trang có mức lương thấp, đời sống  khó khăn.
Theo đó, kể từ ngày 1/10/2008, thực hiện trợ cấp khó khăn với mức 270.000 đồng/người, trả theo kỳ lương trong 3 tháng (tháng 10, 11, 12/2008) cho CBCCVC và người hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang có mức lương thấp, đời sống khó khăn có hệ số lương hiện hưởng từ 3,00 trở xuống, gồm: CBCC (bao gồm cả công chức dự bị) trên toàn quốc thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước; viên chức thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; CBCCVC thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ... đặt tại Việt Nam; cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn; giáo viên mầm non trong biên chế và giáo viên mầm non hợp đồng; cán bộ y tế xã, phường, thị trấn hưởng lương theo quy định hiện hành; người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu; quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; hạ sĩ quan, công nhân, nhân viên công an hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân Việt Nam…
Trợ cấp khó khăn được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hỗ trợ vay vốn
(SMS: 506091)
- Ngày 15/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 126/2008/QĐ-TTg sửa đổi một số điều của Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Theo đó, để được vay vốn phát triển sản xuất, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ cần đáp ứng đủ 2 tiêu chí: có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức thu nhập bình quân của hộ nghèo theo quy định hiện hành; Có phương hướng sản xuất, nhưng thiếu hoặc không có vốn sản xuất.
Quy định trước đây, các hộ này phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí: có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 60.000đồng/tháng; Tổng giá trị tài sản của hộ không quá 3 triệu đồng (không tính giá trị quyền sử dụng đất, giá trị các lán trại trên nương rẫy, nhà ở được Nhà nước và các tổ chức hỗ trợ); Có phương hướng sản xuất nhưng thiếu hoặc không có vốn sản xuất.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Điều chỉnh lương hưu và trợ cấp
(SMS: 506066)
- Ngày 12/9/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2008/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.
Theo đó, kể từ ngày 01/10/2008, tăng thêm 15% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu hàng tháng; Cán bộ xã, phường, thị trấn; Người hưởng trợ cấp, người hưởng trợ cấp mất sức lao động, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng…


Lập lại trật tự trong xuất khẩu khoáng sản
(SMS: 506070)
- Theo Công văn số 6014/VPCP-KTN ra ngày 12/9/2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến như sau: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra và xử lý nghiêm những điểm nóng về vi phạm pháp luật trong xuất khẩu khoáng sản, báo cáo Thủ tướng trong tháng 11 năm 2008. Tiếp tục theo dõi, đánh giá việc chế biến các loại khoáng sản để nâng cao yêu cầu chế biến khoáng sản xuất khẩu, kiên quyết cấm việc xuất khẩu khoáng sản thô…
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ được thực hiện việc quyết định chủ trương đầu tư cơ sở chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn sau khi đã xác định được trữ lượng tin cậy của nguồn nguyên liệu, đảm bảo có đủ nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài và đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự án.

Bên cạnh đó, rà soát, lựa chọn và giao cho doanh nghiệp thực sự có năng lực, kinh nghiệm khai khoáng, khả năng tài chính để quản lý bảo vệ, thăm dò, khai thác và chế biến các điểm mỏ chưa có chủ và có nguy cơ dễ bị khai thác khoáng sản trái phép.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Hướng dẫn thu lệ phí trước bạ
(SMS: 506106)
- Ngày 15/9/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 79/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 176/1999/NĐ-CP và 47/2003/NĐ-CP về lệ phí trước bạ.
Theo đó, mức thu phí trước bạ được xác định theo tỷ lệ % của giá trị tài sản chịu lệ phí trước bạ. Cụ thể, nhà, đất chịu lệ phí trước bạ là 0,5%; tàu thuyền có mức nộp là 1%; riêng tàu đánh cá xa bờ là 0,5%. Trong đó tàu đánh cá xa bờ là tàu được lắp máy chính có công suất từ 90 mã lực (CV) trở lên và người kê khai lệ phí trước bạ tàu đánh cá xa bờ phải xuất trình cơ quan Thuế giấy xác minh nguồn gốc hợp pháp của tàu, ghi rõ: số máy, công suất máy chính của tàu…
Xe máy chịu mức phí trước bạ là 2%, nhưng tại các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở chịu mức phí là 5% (đối với việc kê khai nộp lần đầu). Từ lần thứ 2 trở đi là 1%...
Đối với xe máy kê khai nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi, chủ tài sản phải xuất trình cho cơ quan Thuế giấy đăng ký mô tô, xe máy hoặc hồ sơ đăng ký xe do Công an cấp đăng ký trả. Địa bàn đã kê khai nộp lệ phí lần trước được xác định theo "Nơi thường trú", "Nơi ĐKHK thường trú" hoặc "Địa chỉ" ghi trong giấy đăng ký mô tô, xe máy hoặc giấy khai đăng ký xe, giấy khai sang tên, di chuyển trong hồ sơ đăng ký xe…
Xe ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ từ 10 - 15% (không bao gồm xe lam, xe ôtô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng hóa)…
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thi hành một số biện pháp xử lý nợ đọng thuế
(SMS: 506105)
- Theo Thông tư số 77/2008/TT-BTC ban hành ngày 15/9/2008, Bộ Tài chính hướng dẫn: các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh còn nợ thuế do gặp khó khăn về tài chính, kinh doanh thua lỗ liên tục 3 năm (2005 đến 2007) được xử lý gia hạn nộp số nợ thuế gồm các trường hợp sau: phải di chuyển địa điểm kinh doanh ra khỏi nội thành, nội thị theo quy hoạch mà sản xuất, kinh doanh trong thời gian di chuyển đến địa điểm mới gặp khó khăn làm phát sinh các khoản lỗ nên không có khả năng nộp đầy đủ, kịp thời tiền thuế phát sinh; Gặp rủi ro trong kinh doanh dẫn đến khó khăn về tài chính, không có khả năng nộp đầy đủ, kịp thời tiền thuế phát sinh như: đối tác kinh doanh bị phá sản, không thu được nợ, mất thị trường do thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu; tổn thất do thiên tai, tai nạn bất ngờ hoặc các nguyên nhân bất khả kháng khác; Thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà đất được Nhà nước giao đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất nhưng do chưa giải phóng được mặt bằng, chưa bàn giao đất, dẫn tới không có nguồn nộp ngân sách nhà nước…
Hết thời hạn gia hạn nộp thuế mà doanh nghiệp chưa hoàn trả hết số nợ thuế đã được gia hạn, cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan sẽ phạt chậm nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ theo quy định của pháp luật đối với số nợ thuế chưa hoàn trả hết…
Hồ sơ đề nghị gia hạn nợ thuế được gửi đến cơ quan quản lý thuế trực tiếp đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có nợ thuế. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải trả lời cho người nợ thuế. Trường hợp hồ sơ gia hạn nộp thuế chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải thông báo bằng văn bản cho người nợ thuế hoàn chỉnh hồ sơ…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Chứng nhận chất lượng công trình xây dựng
(SMS: 506063)
- Ngày 11/9/2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 16/2008/TT-BXD hướng dẫn kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng.
Theo đó, các công trình bắt buộc phải chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực trước khi đưa vào sử dụng bao gồm: công trình công cộng tập trung đông người từ cấp III trở lên như: nhà hát, rạp chiếu bóng, vũ trường, nhà ga, hội trường, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, trung tâm thương mại, siêu thị, thư viện, nhà bảo tàng và các công trình công cộng khác có quy mô và chức năng tương tự. Riêng bệnh viện, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học có quy mô từ 2 tầng và có tổng diện tích sàn từ 300m2 trở lên; Nhà chung cư, khách sạn, nhà làm việc và tháp thu phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình từ cấp II trở lên…
Chủ đầu tư các công trình xây dựng có trách nhiệm lựa chọn tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực.
Tổ chức kiểm tra được lựa chọn phái đáp ứng các điều kiện sau: không có vi phạm trong hoạt động xây dựng trong 3 năm gần nhất; Không tham gia khảo sát, thiết kế, thi công, cung ứng vật tư - thiết bị, quản lý dự án và giám sát thi công xây dựng cho chính công trình hoặc hạng mục công trình được chứng nhận; Độc lập về tổ chức, không cùng thuộc một cơ quan với chủ đầu tư, với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng và tư vấn quản lý dự án của chính công trình hoặc hạng mục công trình được chứng nhận; Không có cổ phần hoặc vốn góp trên 50% của nhau đối với chủ đầu tư và không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau đối với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng và tư vấn quản lý dự án…
Trong quá trình kiểm tra, nếu có nghi ngờ về kết quả khảo sát, kết quả tính toán kết cấu chịu lực thì tổ chức kiểm tra đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu khảo sát, thiết kế làm rõ. Trường hợp cần thiết, tổ chức kiểm tra có thể đề nghị chủ đầu tư tổ chức phúc tra kết quả khảo sát xây dựng, kiểm tra lại khả năng chịu lực của kết cấu…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - NỘI VỤ - TÀI CHÍNH


Trả lương dạy thêm giờ
(SMS: 506112)
- Ngày 09/9/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Theo đó, đối tượng được hưởng tiền lương dạy thêm giờ phải đảm bảo đủ các điều kiện sau: đ
ã được xếp lương theo chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo; Phải hoàn thành đủ số giờ tiêu chuẩn và các nhiệm vụ công tác khác theo chế độ làm việc của nhà giáo…
Căn cứ tính lương như sau: tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo bao gồm mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).
Đối với nhà giáo công tác ở các cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, thì số giờ tiêu chuẩn được tính theo số giờ tiêu chuẩn quy định cho cấp học cao nhất mà nhà giáo đó trực tiếp tham gia giảng dạy theo sự phân công của thủ trưởng cơ sở giáo dục…
Khi tính lương phải tuân thủ nguyên tắc: số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ không quá 200 giờ tiêu chuẩn/năm. Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị, bộ môn thiếu nhà giáo theo định mức biên chế. Đơn vị, bộ môn không thiếu nhà giáo theo định mức biên chế thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, thai sản theo quy định phải bố trí nhà giáo khác dạy thay…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Sửa đổi, bổ sung một số quy định về Quỹ tín dụng nhân dân
(SMS: 506077)
- Ngày 09/9/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 26/2008/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); mở, chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện và phòng giao dịch, điểm giao dịch của QTDND; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập QTDND; thanh lý QTDND dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 24/2006/QĐ-NHNN.
Theo đó, QTDND Trung ương được mở phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở của sở giao dịch, chi nhánh QTDND khi có đủ các điều kiện sau: có đủ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn đáp ứng yêu cầu hoạt động của phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm; Có đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu an toàn trong giao dịch, kho quỹ, điều chuyển tiền, phòng cháy và chữa cháy và các quy định liên quan của pháp luật; Có quy định nội bộ bằng văn bản để quản lý phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật…
Việc chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm do QTDND Trung ương quyết định. Khi phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm bị chấm dứt hoạt động, QTDND Trung ương có trách nhiệm đăng ký với Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh nơi mở phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm…
Sau khi chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm, QTDND Trung ương có trách nhiệm thanh toán cho các chủ nợ và giải quyết các tồn tại khác có liên quan theo quy định của pháp luật. Việc chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động của các QTDND cơ sở thành viên trên địa bàn…
QTDND cơ sở được mở phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm trên địa bàn hoạt động ghi trong giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp khi có đủ các điều kiện sau đây: có thời gian hoạt động tối thiểu là 03 năm kể từ ngày đi vào hoạt động; Có nhu cầu mở rộng mạng lưới hoạt động phục vụ thành viên trên địa bàn dự định mở phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm; Tình hình tài chính lành mạnh; Hoạt động kinh doanh có lãi trong 02 năm gần nhất; Bộ máy quản trị, điều hành và hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ hoạt động có hiệu quả…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.