Số 37.2007 (342) ngày 21/09/2007

 CHÍNH PHỦ


Giải quyết vướng mắc trong thu tiền thuê đất
(SMS: 501563)
- Theo Công văn số 1329/TTg-NN ra ngày 17/9/2007, Thủ tướng Chính phủ : cho phép các dự án đầu tư có quyết định thuê đất, đã bàn giao đất để sử dụng trước ngày 01/01/2006 và trả tiền thuê đất hàng năm được tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều chỉnh đơn giá tiền thuê đất đã ghi trong Giấy phép đầu tư, Quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho nhà đầu tư hoặc Hợp đồng thuê đất ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với bên thuê đất. Các trường hợp khác (đang trả tiền thuê đất hàng năm hoặc không ghi nguyên tắc điều chỉnh đơn giá tiền thuê đất trong Giấy phép đầu tư, Quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho nhà đầu tư hoặc Hợp đồng thuê đất ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với bên thuê đất) cũng được thực hiện điều chỉnh đơn giá thuê đất…

Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông
(SMS: 501564)
- Ngày 14/9/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo đó, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường theo quy định có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng…
Sẽ không áp dụng hình thức xử phạt đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe như quy định trước đây mà người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người vi phạm không được điều khiển các loại phương tiện (được phép điều khiển) ghi trong giấy phép lái xe. Nếu bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời hạn 60 ngày hoặc 90 ngày, thì phải học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ khi nhận lại giấy phép lái xe. Nếu bị tước quyền không thời hạn, sau 1 năm người vi phạm mới được làm các thủ tục để được cấp mới giấy phép lái xe.
Ngoài ta, hầu hết các mức tiền phạt vi phạm tăng lên so với quy định cũ. Cụ thể, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h đến 35 km/h bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng (quy định trước đây từ 1 đến 2 triệu đồng); sử dụng xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên trái quy định: 1 đến 2 triệu đồng (trước đây: 500 nghìn đến 1 triệu đồng); đổ phế thải ra lòng đường: 2 đến 3 triệu đồng (trước đây: 1 đến 2 triệu đồng); điều khiển xe buýt vi phạm quy định về hoạt động vận tải đô thị: 200 đến 400 nghìn đồng (trước đây: từ 100 đến 200 nghìn đồng)...
Bên cạnh đó, bổ sung các hình vi vi phạm như: phạt tiền người điều khiển xe ô tô khách từ 100 đến 300 nghìn đồng trên mỗi hành khách vượt quá quy định: chở quá từ 2 người trở lên trên xe đến 9 chỗ ngồi, chở quá từ 3 người trở lên trên xe đến 10 chỗ ngồi...
Phạt tiền từ 300 đến 500 nghìn đồng đối với người điều khiển xe taxi không có phù hiệu theo quy định khi điều khiển xe…
Các hành vi gian dối để được cấp lại biển số, đăng ký; giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông; không bố trí đủ lái xe trên xe chở khách liên tỉnh theo phương án chạy xe đã đăng ký; nhân viên phục vụ trên xe buýt vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông... cũng đều bị áp dụng hình thức xử phạt theo quy định…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách học bổng mới
(SMS: 501560)
- Ngày 14/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2008, sẽ áp dụng mức học bổng chính sách mới là 360.000 đồng/người/tháng đối với: Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển; Học sinh, sinh viên đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học; Học viên là thương binh, người tàn tật, người khuyết tật đang học tại các trường dạy nghề dành cho thương binh, người tàn tật, người khuyết tật…
Ngoài ra, mức học bổng chính sách này sẽ được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu trong hệ thống thang bậc lương của Nhà nước.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Nhập khẩu thuốc
(SMS: 501546)
- Ngày 12/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg ban hành Quy định về việc nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký tại Việt Nam.
Theo đó, thuốc chưa có số đăng ký chỉ được phép nhập khẩu theo hình thức Giấy phép nhập khẩu. Giấy phép này có giá trị tối đa 01 năm kể từ ngày ký.
Thương nhân nước ngoài cung cấp thuốc chưa có số vào Việt Nam phải là các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động tại Việt Nam do Bộ Y tế cấp…
Chất lượng thuốc chưa có số đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam phải bảo đảm theo đúng quy định về quản lý chất lượng thuốc. Hạn dùng còn lại của thuốc tối thiểu là 18 tháng kể từ ngày tới cảng Việt Nam. Đối với thuốc có hạn dùng bằng hoặc dưới 24 tháng thì hạn dùng còn lại tối thiểu phải là 12 tháng. Đối với vắc xin, sinh phẩm y tế chưa có số đăng ký hạn dùng còn lại phải ít nhất là 2/3 hạn dùng…
Nguyên liệu làm thuốc chưa có số đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam phải có hạn dùng còn lại trên 3 năm kể từ ngày đến cảng Việt Nam. Đối với nguyên liệu có hạn dùng bằng hoặc dưới 3 năm thì ngày về đến cảng Việt Nam không được quá 6 tháng kể từ ngày sản xuất. Quy định này không áp dụng đối với dược liệu.
Cơ sở nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký nhập khẩu phải kê khai giá nhập khẩu, giá bán buôn và giá bán lẻ dự kiến tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý nhà nước giá thuốc.
Thuốc của chương trình, dự án y tế quốc gia phải được nhập khẩu ủy thác qua doanh nghiệp nhập khẩu có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và có kho thuốc đạt tiêu chuẩn về "Thực hành tốt bảo quản thuốc". Trên nhãn thuốc phải ghi rõ "Thuốc chương trình y tế quốc gia" hoặc "Thuốc dự án y tế quốc gia"…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử lý vi phạm trong hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài
(SMS: 501547)
- Ngày 10/9/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Nghị định quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài,  mức nhẹ nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là 40 triệu đồng.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ có thời hạn hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ 3 - 6 tháng; tạm đình chỉ Hợp đồng cung ứng lao động từ 1 - 6 tháng; đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động; buộc đưa người lao động về nước theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; buộc bồi thường thiệt hại và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra…
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng nếu không đăng ký hợp đồng cá nhân tại cơ quan nhà  nước có thẩm quyền. Bị phạt đến 3.000.000 đồng và buộc về nước khi ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động hoặc bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng.
Trường hợp sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động không đến nơi làm việc theo hợp đồng; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng và bị buộc về nước. Ngoài ra người lao động vi phạm còn bị buộc bồi thường thiệt hại và mọi chi phí phát sinh do mình gây ra và tùy theo từng trường hợp sẽ cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn từ 2 - 5 năm…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Hồ sơ dự thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp
(SMS: 501590)
- Ngày 18/9/2007, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 1102/2007/QĐ-BKH ban hành Mẫu Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp.
Mẫu này áp dụng cho việc lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu của tổ chuyên gia đấu thầu hoặc tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đánh giá hồ sơ dự thầu (tư vấn đấu thầu, tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp,…) đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp của các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu khi thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước và quốc tế.
Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu là căn cứ để chủ đầu tư lập báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu trình người quyết định đầu tư hoặc người được uỷ quyền xem xét, quyết định việc lựa chọn nhà thầu trúng thầu.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan thuế
(SMS: 501593)
- Ngày 18/9/2007, Bộ trưởng Bộ tài chính đã ban hành Quyết định số 78/2007/QĐ-BTC ban hành Quy chế hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế và giải quyết các thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế theo cơ chế “một cửa”.
Theo đó, cơ quan thuế cấp trên có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế của người nộp thuế đã được cơ quan thuế quản lý trực tiếp giải quyết nhưng người nộp thuế không đồng ý với nội dung giải quyết của cơ quan thuế đó…
Công chức thuế phải thực hiện phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, tận tình, tôn trọng người nộp thuế; Không được yêu cầu người nộp thuế nộp các loại giấy tờ, hồ sơ không có trong qui định thủ tục hành chính thuế; Không được nhận bất kỳ một khoản tiền nào của người nộp thuế nếu không có quy định; không được nhận quà biếu, quà tặng của người nộp thuế…
Người nộp thuế khi có yêu cầu hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế thì gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn, giải quyết. Trường hợp không đồng ý với nội dung giải quyết của cơ quan thuế quản lý trực tiếp, người nộp thuế gửi yêu cầu hướng dẫn, giải đáp vướng mắc liên quan đến chính sách thuế, quản lý thuế lên cơ quan thuế cấp trên kèm theo văn bản giải quyết của cơ quan thuế quản lý trực tiếp đó…
Cơ quan thuế niêm yết công khai các quy định thủ tục hành chính thuế tại địa điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết các yêu cầu, thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế. Nội dung niêm yết bao gồm: hồ sơ thuế, thời hạn nộp hồ sơ, nơi nộp hồ sơ, thời hạn giải quyết của cơ quan thuế, quyền và trách nhiệm của người nộp thuế, quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế, mức thu phí, lệ phí (nếu có)…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thực hiện báo cáo đối với dịch vụ đòi nợ
(SMS: 501556)
- Ngày 12/9/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 110/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện chế độ báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính các loại báo cáo sau theo định kỳ hàng quý, năm: Tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong kỳ trong đó nêu rõ số lượng hợp đồng đòi nợ đã ký với khách hàng, số lượng hợp đồng tư vấn cho khách hàng về các vấn đề pháp lý liên quan đến xử lý nợ; tổng số tiền nhận uỷ quyền đòi nợ; số tiền nợ thu được theo uỷ quyền, số lượng hợp đồng kết thúc trong kỳ; Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh…
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện báo cáo Bộ Tài chính về tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn, bao gồm: Báo cáo định kỳ hàng quý, năm về tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn trong đó nêu rõ: Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Tổng số vốn điều lệ, doanh nghiệp có mức vốn điều lệ lớn nhất, doanh nghiệp có mức vốn điều lệ thấp nhất; Tổng số nợ nhận uỷ quyền đòi nợ đến kỳ báo cáo; Tổng số nợ đã đòi được theo uỷ quyền đến kỳ báo cáo; Kết quả kinh doanh trong kỳ: tổng số lãi, lỗ, số doanh nghiệp lãi, số doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có số lãi (lỗ) cao nhất, doanh nghiệp có số lãi (lỗ) thấp nhất…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Chính sách đối với lao động dôi dư
(SMS: 501557)
- Ngày 10/9/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 18/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 110/2007/NĐ-CP về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.
Theo đó, người lao động có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên khi nghỉ việc sẽ không phải trừ % lương hưu do về hưu trước tuổi và được hưởng thêm các khoản trợ cấp sau: Trợ cấp 03 tiền tháng lương và phụ cấp lương (nếu có) bình quân của 05 năm cuối trước khi nghỉ việc cho mỗi năm; 05 tháng tiền tháng lương và phụ cấp lương của 05 năm cuối trước khi nghỉ việc cho 20 năm đầu làm việc có đóng bảo hiểm. Ngoài ra, từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm được 1/2 tháng tiền tháng lương và phụ cấp lương của 05 năm cuối trước khi nghỉ việc…
Bên cạnh đó, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm tối đa 6 tháng để đủ điều kiện nghỉ hưu thì được Nhà nước đóng đóng 1 lần cho số tháng còn thiếu bằng mức đóng bảo hiểm của tháng…
Đối với người lao động thực hiện lao động xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng khi nghỉ việc ngoài mức trợ cấp 01 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm thực tế làm việc; trợ cấp 70% cho những tháng còn lại chưa thực hiện hết hợp đồng lao động, nhưng tối đa không quá 12 tháng…
Người lao động đã nhận chế độ trợ cấp mất việc làm nếu được tuyển dụng lại đơn vị đã cho thôi việc hoặc đơn vị thuộc khu vực nhà nước thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.