Số 37.2006 (291) ngày 22/09/2006

 CHÍNH PHỦ


Kiểm tra việc thực hiện quy hoạch
(SMS: 201892)
- Ngày 15/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2006/NĐ-CP về công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Theo đó, thông tin phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch là căn cứ để người có thẩm quyền kiểm tra quyết định tiến hành công tác kiểm tra. Tên của cá nhân cung cấp thông tin được giữ bí mật theo yêu cầu của người đó.

Trong quá trình kiểm tra, cơ quan kiểm tra có quyền yêu cầu cơ quan được kiểm tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác kiểm tra. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải cung cấp thông tin. Trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước thì việc từ chối cung cấp thông tin phải được thể hiện bằng văn bản...
Trường hợp phương tiện thông tin đại chúng cung cấp và phản ánh sai sự thật về những sai trái, yếu kém của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, gây ảnh hưởng đến hoạt động quản lý và uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật...
Tùy theo nội dung, tính chất của chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và tình hình thực tế, cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất bằng các cách thức bao gồm: thông qua báo cáo, thông qua sơ kết, tổng kết, họp giao ban; làm việc với cơ quan được kiểm tra; tổ chức đoàn kiểm tra. Kiểm tra định kỳ được tiến hành trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hàng năm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Kiểm tra đột xuất được tiến hành trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế hoặc trên cơ sở đề nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về những yếu kém, sai trái trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch...
Nội dung kiểm tra việc thực hiện quy hoạch bao gồm: kế hoạch thực hiện quy hoạch; kết quả, tiến độ thực hiện các mục tiêu và sản phẩm chủ lực của quy hoạch; kết quả, tiến độ thực hiện giải pháp, cơ chế thực hiện mục tiêu quy hoạch; những sai phạm, yếu kém trong thực hiện quy hoạch; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong tổ chức thực hiện quy hoạch; sự phù hợp của quy hoạch với chiến lược làm căn cứ xây dựng quy hoạch và với điều kiện kinh tế - xã hội...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt hành chính người nước ngoài
(SMS: 201884) - Ngày 15/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2006/NĐ-CP quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính.
Theo đó, cơ quan phát hiện vi phạm xét thấy người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, phải gửi ngay hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan Công an cấp tỉnh nơi người nước ngoài đăng ký tạm trú, thường trú hoặc nơi xảy ra hành vi vi phạm để lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất...
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vi phạm, Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo đề nghị trục xuất của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, ra quyết định xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính...
Người bị trục xuất có quyền được biết mình bị trục xuất vì lỗi vi phạm gì; được nhận quyết định trục xuất chậm nhất 24 giờ trước khi thi hành; được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để bảo vệ, trợ giúp; được mang theo tài sản hợp pháp của mình rời khỏi Việt Nam; được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Đồng thời, người bị trục xuất có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong Quyết định xử phạt trục xuất; xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất; nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật...
Người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật Việt Nam về khiếu nại, tố cáo. Trong thời gian chờ kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, người bị trục xuất vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt trục xuất.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Trách nhiệm của Ban chấp hành Công đoàn lâm thời
(SMS: 201883) - Ngày 14/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Điều 153 Bộ luật Lao động về Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp sau 06 tháng hoạt động, phải thành lập tổ chức công đoàn cơ sở theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đại diện, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tập thể người lao động.

Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tham gia với người sử dụng lao động đề ra các biện pháp nhằm phát triển sản xuất, phát triển doanh nghiệp; đảm bảo việc làm, chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho người lao động; tuyên truyền, phổ biến Luật Công đoàn, pháp luật về lao động, các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động và nội quy, quy chế của doanh nghiệp;...
Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời là người lao động, làm việc tại doanh nghiệp. Trong trường hợp cần thiết, công đoàn cấp trên cử và chỉ định cán bộ công đoàn chuyên trách làm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp.
Chính quyền các cấp, cơ quan quản lý nhà nước về lao động và các ngành liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời được chỉ định và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Hướng dẫn thực hiện tăng lương hưu
(SMS: 201878) - Ngày 15/9/2006,  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 14/2006/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 94/2006/NĐ-CP.
Theo đó, mức lương hưu và trợ cấp hàng tháng được tăng như sau: Mức lương hưu, trợ cấp BHXH từ ngày 01/10/2006 bằng (=) Mức lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 9/2006 đã được điều chỉnh theo Thông tư số 13/2006/TT-BLĐTBXH nhân với (x) 1,286.
Người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ra viện trước ngày 01/10/2006 mà chưa được tính hưởng trợ cấp, thì mức trợ cấp của thời gian trước ngày 01/10/2006 được trả theo mức trợ cấp tháng 9/2006...
Quân nhân, công an nhân dân chuyển ngành nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động được hưởng phụ cấp chuyển ngành, từ ngày 01/10/2006 khoản phụ cấp chuyển ngành được tính theo mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng/tháng...
Người về hưu sống cô đơn hưởng lương hưu, nếu mức lương hưu thấp hơn 675.000 đồng/tháng thì từ ngày 01/10/2006 được điều chỉnh bằng 675.000 đồng/tháng...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm
(SMS: 201877)
- Ngày 15/9/2006, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 13/2006/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 93/2006/NĐ-CP.
Theo đó, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh như sau: Mức lương hưu, trợ cấp BHXH từ ngày 01/10/2006 bằng (=) Mức lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 9/2006 nhân với (x) 1,10; 1,08; 1,06; 1,04.
Hệ số 1,10 áp dụng đối với cán bộ, công chức, công nhân, viên chức có mức lương trước khi nghỉ hưu dưới 390.000 đồng/tháng; 1,08: từ 390.000 đồng/tháng đến dưới 644.000 đồng/tháng; 1,06: từ 644.000 đồng/tháng đến dưới 718.000 đồng/tháng; 1,04: từ 718.000 đồng/tháng trở lên...
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần được tính như sau: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp BHXH bằng (Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp BHXH của các tháng từ hệ số lương và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên (nếu có) trước ngày 01/10/2004 được điều chỉnh theo hệ số lương mới và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên mới (nếu có) trong 5 năm cuối cộng với Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp BHXH của các tháng đóng theo hệ số lương mới và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên mới (nếu có) trong 5 năm cuối) chia cho 60 tháng (5 năm cuối).
Đối với người nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 10 năm 2006 trở đi: Mức lương hưu hưởng tại tháng nghỉ hưu kể từ ngày 01/10/2006 bằng (Phần lương hưu tính trên tiền lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định cộng Phần lương hưu tính trên tiền lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định nhân Mức điều chỉnh lương hưu) cộng với Phần lương hưu tính trên tiền lương không theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ NỘI VỤ - BỘ TÀI CHÍNH


Hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung
(SMS: 201881) - Ngày 15/9/2006, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2006/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung từ ngày 01/10/2006 đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Theo đó, Công thức tính mức lương được hướng dẫn thực hiện như sau: Mức lương thực hiện từ 01/10/2006 bằng (=) Mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng/tháng nhân với (x) Hệ số lương hiện hưởng.
Công thức tính mức phụ cấp: Đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương tối thiểu chung: Mức phụ cấp thực hiện từ 01/10/2006 = Mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng/tháng x Hệ số phụ cấp hiện hưởng.
Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có): Mức phụ cấp thực hiện từ
01/10/2006 = Mức lương thực hiện từ 01/10/2006 + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ 01/10/2006 (nếu có) + Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ 01/10/2006 (nếu có) x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng
(SMS: 201880) - Ngày 15/9/2006, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/10/2006 đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP và 111-HĐBT.
Theo đó, từ ngày 01/10/2006, thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã: tăng thêm 10% và 28,6% mức trợ cấp hàng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 9/2006...
Công thức điều chỉnh mức trợ cấp như sau: Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng từ 01/10/2006 bằng (=) Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 9/2006 nhân với (x) 1,10 nhân với (x) 1,286.
Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã: 562.100 đồng/tháng (tăng thêm 164.800 đồng/tháng so với mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 9/2006); Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng uỷ, Uỷ viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 541.000 đồng/tháng (tăng thêm 158.600 đồng/tháng); Đối với các chức danh còn lại: 499.500 đồng/tháng (tăng thêm 146.400 đồng/tháng)...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu
(SMS: 201879)
- Ngày 15/9/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 49/2006/QĐ-BTC về việc ban hành mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, các loại xăng động cơ có pha chì, không pha chì, loại cao cấp hoặc thông dụng, xăng máy bay, dung môi, naptha, reformatic và các chế phẩm khác để pha chế xăng, dầu nhẹ áp dụng mức thuế mới là 19%, thay cho mức cũ 5%... Riêng dầu hỏa thắp sáng (kể cả dầu hóa hơi), dầu diezel vẫn giữ nguyên thuế suất như cũ là 0%...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 18/9/2006.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Công khai thủ tục cấp phép liên quan đến hoạt động xây dựng
(SMS: 201882)
- Ngày 14/9/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 31/2006/QĐ-BXD ban hành Quy định công khai thủ tục hành chính và thái độ tác phong của cán bộ công chức trong việc cấp giấy phép xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cấp giấy phép thầu cho nhà thầu  nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.
Theo đó, Cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động xây dựng phải thông báo công khai tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trên mạng Internet (đối với các nơi đã thiết lập mạng Internet)...
Phải bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, am hiểu pháp luật về các lĩnh vực được phân công để hướng dẫn và trả lời khi tổ chức hoặc cá nhân có yêu cầu giải đáp; Công khai số điện thoại (đường dây nóng) của thủ trưởng cơ quan tiếp nhận hồ sơ và của đại diện lãnh đạo trực tiếp phụ trách để nhân dân biết và liên hệ khi có thắc mắc hoặc thông báo những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu hoặc hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ...
Khi hồ sơ đã đầy đủ theo quy định thì người tiếp nhận hồ sơ phải tiếp nhận, vào sổ tiếp nhận và viết phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trong phiếu tiếp nhận hồ sơ ghi rõ các nội dung: đã nhận đủ hồ sơ; thời gian, địa điểm giao nhận kết quả giải quyết hồ sơ và quy định các loại giấy tờ mà người nộp hồ sơ phải mang theo khi nhận kết quả...
Cán bộ, công chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ phải đeo thẻ cán bộ, công chức trong đó ghi rõ họ tên, chức vụ và đơn vị công tác. Không được có thái độ hách dịch, gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân, không được có các hành vi tiêu cực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi...
Chủ tịch UBND các cấp và thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp các loại giấy phép, chứng chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc gây chậm trễ thời gian và các hành vi tiêu cực, thái độ hách dịch, gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân của cán bộ cấp dưới. Cán bộ, công chức nếu có thái độ hách dịch, gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân, hoặc hành vi tiêu cực trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thì bị tạm đình chỉ thực hiện công việc; tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.