Số 36.2010 (494) ngày 14/09/2010

 

CHÍNH PHỦ


Thủ tục cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao (SMS: 55/2010/QD-TTg) - Quyết định số 55/2010/QĐ-TTg ngày 10/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, công nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Theo Quyết định này, tổ chức, cá nhân muốn đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng hoặc nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (giấy chứng nhận hoạt động) gửi hồ sơ đề nghị đến Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Hồ sơ được lập thành 02 bộ, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ phô tô. Hồ sơ bao gồm: đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động theo mẫu (cá nhân kèm theo 02 ảnh 4x6cm); bản phô tô chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị của cá nhân, bản sao có công chứng một trong các loại giấy tờ của tổ chức (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ); bản thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển); xác nhận bằng văn bản của cơ quan chủ quản hoặc sở khoa học và công nghệ đối với các nội dung đã trình bày trong bản thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động do tổ chức, cá nhân gửi, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp giấy chứng nhận hoạt động và gửi cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động; trường hợp từ chối cấp thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Giấy chứng nhận hoạt động có hiệu lực kể từ ngày cấp và có giá trị đến khi kết thúc dự án, đề tài, đề án và chỉ có giá trị đối với từng dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và là căn cứ để tổ chức, cá nhân được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Công nghệ cao.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/10/2010.

Thành lập Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (SMS: 1659/QD-TTg) - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa được thành lập theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 09/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ để giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội. Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Khuyến khích cai nghiện ma túy tại gia đình (SMS: 94/2010/ND-CP) - Từ ngày 01/11/2010, việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng được thực hiện theo quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010. Nghị định này thay thế Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15/5/2002 của Chính phủ. Nghị định mới quy định rõ hơn về độ tuổi và thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; thủ tục đăng ký và xem xét áp dụng hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; chế độ hỗ trợ của Nhà nước đối với hình thức cai nghiện ma túy này. Cụ thể, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên; thời hạn cai nghiện từ sáu tháng đến 12 tháng tính từ ngày ký quyết định cai nghiện tại gia đình, quyết định cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Nhà nước khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện; tổ chức, hỗ trợ cho công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm tham gia, phối hợp với UBND cấp xã trong việc tổ chức các hoạt động cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Theo Nghị định này, ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần tiền thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật; hỗ trợ kinh phí lập, xét duyệt hồ sơ cai nghiện và hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện; chi đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho cơ sở điều trị cắt cơn và chi hoạt động thường xuyên của cơ sở điều trị cắt cơn.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2010.

 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Hỗ trợ lãi suất vay mua tạm trữ lúa, gạo (SMS: 134/2010/TT-BTC) - Ngày 10/9/2010, Bộ Tài chính có Thông tư số 134/2010/TT-BTC hướng dẫn việc hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010. Thông tư này áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh lương thực được giao nhiệm vụ mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 30/6/2010. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng nói trên để mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010. Số lượng lúa, gạo được hỗ trợ lãi suất theo số lượng tối đa quy định tại các văn bản phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Thời gian mua tạm trữ từ ngày 15/7/2010 đến ngày 15/9/2010. Thời gian tạm trữ là thời gian tạm trữ thực tế trong khoảng thời gian từ ngày 15/7/2010 đến ngày 15/11/2010. Thời gian được hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng là thời gian tạm trữ thực tế tính từ thời điểm mua lúa, gạo đến thời điểm bán lúa, gạo tạm trữ nhưng không quá thời hạn ngày 15/11/2010. Giá để tính hỗ trợ là giá mua thực tế theo giá thị trường (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho từng loại lúa, gạo; trường hợp doanh nghiệp mua gạo nguyên liệu để sản xuất chế biến ra gạo thành phẩm thì giá để tính hỗ trợ bao gồm cả chi phí sản xuất chế biến. Lãi suất hỗ trợ là lãi suất tiền vay thực tế theo mức lãi suất thấp nhất trong khung lãi suất cho vay hiện hành của các ngân hàng thương mại theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 5126/NHNN -TD ngày 8/7/2010 về việc cho vay thu mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010. Khoản hỗ trợ lãi tiền vay ngân hàng từ ngân sách nhà nước đối với số lúa, gạo thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được hạch toán vào khoản thu nhập khác và chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành. 
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2010.

Điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng (SMS: 133/2010/TT-BTC) - Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, ngày 09/9/2010 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 133/2010/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng qui định tại Danh mục mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới qui định tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Các mặt hàng đó thuộc 27 nhóm hàng có mã số: 0208, 0703, 0805, 1602, 1806, 1902, 1904, 2002, 2005, 2008, 2009, 3305, 3926, 6506, 7321, 7615, 8211, 8212, 8302, 8415, 8418, 8508, 8519, 8523, 8525, 9401, 9403. Theo đó, tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc các nhóm trên. Ví dụ như mặt hàng quả bưởi, kể cả bưởi chùm - mã 0805.40.00.00, thuế suất tăng từ 30% lên 40%; mặt hàng sô cô la có nhân ở dạng khối, miếng hoặc thanh - mã 1806.31.10.00, thuế suất tăng từ 20% lên 24%; các chế phẩm từ gạo, kể cả gạo đã nấu chín sơ - mã 1904.90.10.00, thuế suất tăng từ 31% lên 34%; nước ép quả nho đen - mã 2009.80.10.00, thuế suất tăng từ 25% lên 29%;…
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Sửa đổi Quy chế phát hành trái phiếu Chính phủ (SMS: 132/2010/TT-BTC) - Ngày 07/9/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 132/2010/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Quy chế phát hành trái phiếu Chính phủ theo lô lớn ban hành kèm theo Quyết định số 46/2006/QĐ-BTC ngày 06/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, sửa đổi Điều 5 về thời hạn phát hành trái phiếu, Điều 6 về khối lượng phát hành, Điều 8 về kỳ hạn trái phiếu và Điều 9 về lãi suất danh nghĩa trái phiếu. Nội dung sửa đổi cụ thể như sau: thời gian phát hành của một lô lớn trái phiếu kỳ hạn 3 năm tối đa không quá 180 ngày kể từ ngày phát hành lần đầu; thời gian phát hành của một lô lớn trái phiếu kỳ hạn 5 năm trở lên tối đa không quá 365 ngày kể từ ngày phát hành lần đầu. Kỳ hạn của trái phiếu lô lớn từ 3 năm trở lên (trước đây quy định là 05 năm trở lên). Lãi suất danh nghĩa cố định của trái phiếu lô lớn được xác định bằng lãi suất trúng thầu trái phiếu tại phiên phát hành lần đầu theo cơ chế đấu thầu trái phiếu Chính phủ; lãi suất trúng thầu trái phiếu lô lớn tại các phiên phát hành bổ sung do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước quyết định trong phạm vi lãi suất trần của Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hướng dẫn thực hiện Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (SMS: 131/2010/TT-BTC) - Ngày 06/9/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 131/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam. Thông tư này hướng dẫn quy trình góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam theo các hình thức quy định tại khoản 1 và tiết a, c, d khoản 2 Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg (không bao gồm hình thức mua cổ phần trong các công ty đại chúng niêm yết và các công ty đại chúng chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán). Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong một số lĩnh vực có quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc có cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khác với quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc các điều ước quốc tế đó.
Nhà đầu tư nước ngoài có thể ủy quyền cho đại diện giao dịch tại Việt Nam thông qua các văn bản ủy quyền (hợp đồng ủy quyền, hợp đồng ủy thác, hợp đồng chỉ định đầu tư ...) để thực hiện các hoạt động góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam. Cá nhân nước ngoài có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện tại Việt Nam, hoặc uỷ quyền cho cá nhân đại diện tại Việt Nam; cá nhân đại diện tại Việt Nam chỉ được thực hiện các hoạt động góp vốn, mua cổ phần cho cá nhân nước ngoài dưới danh nghĩa của cá nhân nước ngoài. Các hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam gồm có: góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn; góp vốn vào công ty hợp danh; góp vốn vào doanh nghiệp tư nhân; mua cổ phần phát hành lần đầu cho các cổ đông không phải là cổ đông sáng lập của công ty cổ phần; mua cổ phần trong số cổ phần được quyền chào bán, cổ phiếu quỹ, cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần; mua lại cổ phần, quyền mua cổ phần của các cổ đông trong công ty cổ phần, bao gồm cả mua lại cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập sau khi được đại hội đồng cổ đông chấp thuận để trở thành cổ đông sáng lập của công ty cổ phần;…
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

 

 

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG


Lập dự toán chi tiết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (SMS: 21/2010/TT-BTTTT) - Ngày 08/9/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 21/2010/TT-BTTTT quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng không yêu cầu phải lập dự án. Thông tư này áp dụng cho các trường hợp đầu tư nâng cấp, mở rộng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện có sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có mức vốn dưới 03 tỷ đồng, bao gồm: phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ; mua sắm, nâng cấp, lắp đặt, cài đặt thiết bị công nghệ thông tin (phần mạng, phần cứng, phần mềm thương mại) nhằm duy trì hoạt động thường xuyên có tổng giá trị trên 100 triệu đồng.
Thông tư quy định, việc lập đề cương và dự toán chi tiết phải phù hợp với yêu cầu của đơn vị thụ hưởng và phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin áp dụng đối với từng nội dung chi ứng dụng công nghệ thông tin nêu trong đề cương và dự toán chi tiết. Dự toán phải được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; đối với các nội dung chưa có tiêu chuẩn, định mức, đơn giá được ban hành thì căn cứ theo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, điều kiện làm việc để xây dựng định mức, đơn giá hoặc áp dụng định mức, đơn giá ở các dự án, nhiệm vụ khác đã được phê duyệt. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết là cơ quan trực tiếp giao dự toán ngân sách cho đơn vị sử dụng ngân sách hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2010.
 

 

BỘ Y TẾ


Hướng dẫn kiểm tra hoạt động dược và mỹ phẩm (SMS: 38/2010/TT-BYT) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 38/2010/TT-BYT ngày 07/9/2010 hướng dẫn hoạt động kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về dược và mỹ phẩm. Thẩm quyền kiểm tra được quy định như sau: Bộ Y tế kiểm tra sở y tế các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương; sở y tế kiểm tra các đơn vị trực thuộc và các đơn vị có hoạt động về dược, mỹ phẩm đóng trên địa bàn (bao gồm cả các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Nội dung kiểm tra bao gồm: công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về dược và mỹ phẩm mới ban hành; công tác tổ chức và phối hợp liên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về dược và mỹ phẩm; công tác chỉ đạo các đơn vị về việc tăng cường sử dụng thuốc sản xuất trong nước; công tác cấp giấy phép, tiếp nhận công bố liên quan đến thuốc và mỹ phẩm; công tác chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn về thực hành tốt (GPs), đặc biệt là thực hành tốt nhà thuốc (GPP); công tác chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị thực hiện quy định về quản lý dược và mỹ phẩm theo từng lĩnh vực: quản lý chất lượng thuốc, quản lý thông tin quảng cáo thuốc, quản lý giá thuốc, quản lý kinh doanh dược, quản lý dược bệnh viện, quản lý mỹ phẩm…
Từ ngày 01/10 đến ngày 30/10 hàng năm, các đơn vị trực thuộc sở y tế, các cơ sở có hoạt động về dược và mỹ phẩm trên địa bàn có trách nhiệm tự kiểm tra đánh giá, cho điểm các mặt hoạt động có liên quan đến công tác dược và mỹ phẩm của đơn vị mình dựa trên hướng dẫn của sở y tế. Từ ngày 1/11 đến ngày 15/12 hàng năm sở y tế kiểm tra các cơ sở trực thuộc sở và các cơ sở có hoạt động về dược và mỹ phẩm trên địa bàn theo thẩm quyền. Vào tháng 12 hàng năm căn cứ trên tình hình thực tế hoạt động của ngành, Cục Quản lý dược sẽ tổ chức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm một số sở y tế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 2163/2001/QĐ-BYT ngày 8/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành bản “Quy định chế độ kiểm tra công tác dược tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.