Doanh nhân trẻ được ưu đãi về thuế, đất đai và cơ sở hạ tầng (SMS: 536908) - Đó là một trong những nội dung tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11/9/2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho thanh niên được học tập, đào tạo không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp, vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến. Đồng thời triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng bỏ học trong thanh, thiếu niên, tiến tới hoàn thành phổ cập bậc trung học cơ sở cho thanh niên vào năm 2012; phấn đấu phổ cập giáo dục phổ thông trung học cho thanh niên ở các đô thị vào năm 2020. Nghị quyết trên cũng đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên. Đó là việc xây dựng cơ chế, chính sách hướng dẫn thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm; hoàn thiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên nông thôn…; khuyến khích thanh niên học và phát triển nghề truyền thống tại các địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ ở vùng nông thôn; khuyến khích và hỗ trợ thanh niên đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Có chính sách ưu đãi, tạo môi trường để thu hút thanh niên có tay nghề và trình độ cao tình nguyện đến công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất, tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho thanh niên; ưu tiên phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là chính sách về vốn, đất đai, cơ sở hạ tầng, thuế đối với các doanh nhân trẻ; biểu dương, tôn vinh những thanh niên có thành tích làm kinh tế giỏi và tạo được nhiều việc làm cho xã hội. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Phụ cấp 50% lương tối thiểu chung cho giáo viên mầm non vùng khó khăn (SMS: 536906) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 113/2009/QĐ-TTg ngày 11/9/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Quyết định: số 24/2008/QĐ-TTg, số 25/2008/QĐ-TTg, số 26/2008/QĐ-TTg và số 27/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010. Theo nội dung sửa đổi, bổ sung tại Quyết định này, giáo viên mầm non, mẫu giáo thôn, bản ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ được hưởng phụ cấp bằng 50% so với mức lương tối thiểu chung (trước đây quy định so với mức lương cơ bản). Hỗ trợ một phần chi phí đi lại, ăn ở cho những bệnh nhân đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg khi điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và trung ương. Đối với học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông dân tộc nội trú được ưu tiên cử tuyển vào các trường đại học, dự bị đại học, các trường chuyên nghiệp để tăng cường đội ngũ cán bộ cơ sở, nếu không học tại các trường chuyên nghiệp thì được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật theo thời gian 3, 6 hoặc 9 tháng phù hợp với yêu cầu ngành nghề thực tế và được bố trí làm việc tại địa phương. Các tỉnh sử dụng các trung tâm đào tạo nghề ở địa phương để tiến hành đào tạo, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho công tác đào tạo này. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2009. Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SMS: 536905) - Ngày 11/9/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 112/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo Quyết định này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. Ngoài việc có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính dự thảo các văn bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn có quyền cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; chấp thuận những thay đổi liên quan đến các hoạt động này. Đồng thời quản lý, giám sát hoạt động của các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán và tạm đình chỉ hoạt động của các đơn vị này trong trường hợp có dấu hiệu ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; chấp thuận việc đưa vào giao dịch các loại chứng khoán mới, thay đổi và áp dụng phương thức giao dịch mới, đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới; thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gồm có 15 tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp, có Chủ tịch và không quá 03 Phó chủ tịch, các chức danh này đều do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của pháp luật. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2009. Bãi bỏ Quyết định số 63/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường sắt (SMS: 536907) - Tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt đồng bộ về kết cấu hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và công nghiệp đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, tương đương các quốc gia tiên tiến trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế khác, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Bên cạnh đó là xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh vận tải đường sắt, phấn đấu thu hút vốn ngoài ngân sách cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đạt ít nhất 10% (đến năm 2020) và 20% (đến năm 2030) tổng vốn đầu tư… Để thực hiện mục tiêu nói trên, các giải pháp, chính sách chủ yếu được đặt ra bao gồm những vấn đề về vốn, về vận tải, công nghiệp, giao thông đô thị, về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, về khoa học công nghệ, về nguồn nhân lực, về tổ chức quản lý và cải cách hành chính… Cụ thể là việc tập trung mạnh mẽ nguồn lực nhà nước, tranh thủ tối đa các nguồn hỗ trợ phát triển của nước ngoài và có cơ chế, chính sách khuyến khích và cơ chế đặc biệt để huy động tối đa mọi nguồn lực ngoài ngân sách của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt nội - ngoại ô; khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại vào các cơ sở công nghiệp đường sắt, khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp đường sắt. Tiến tới tổ chức các doanh nghiệp đường sắt hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Có các chính sách và cơ chế phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, vận tải, công nghiệp và dịch vụ đường sắt. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Hướng dẫn chi tiết Luật Thi hành án dân sự (SMS: 536903) - Theo Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất gồm có: ở Trung ương có Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp; ở cấp tỉnh có Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và ở cấp huyện có Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là cơ quan trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Hệ thống tổ chức thi hành án trong quân đội gồm có: Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý thi hành án trực thuộc Bộ Quốc phòng và Phòng Thi hành án quân khu và tương đương là cơ quan thi hành án trực thuộc quân khu. Nghị định này quy định: Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển chấp hành viên phòng thi hành án cấp quân khu. Người tham dự thi tuyển chấp hành viên phải có đủ tiêu chuẩn của ngạch chấp hành viên quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật nhưng chưa có kết luận và quyết định cuối cùng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Hồ sơ đề nghị tham dự thi tuyển chấp hành viên gồm có: đơn tham dự của người dự thi; sơ yếu lý lịch theo mẫu do Bộ Nội vụ ban hành có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ; bản kê khai tài sản; bản sao các văn bằng, chứng chỉ; bản nhận xét, đánh giá của thủ trưởng cơ quan, đơn vị về quá trình công tác, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống của người dự tuyển; văn bản đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh (đối với cơ quan thi hành án dân sự địa phương) hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng (đối với phòng thi hành án cấp quân khu). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2009 và thay thế Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ. Công an xã nghỉ việc được trợ cấp một lần (SMS: 536779) - Theo Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã, trưởng công an xã, phó trưởng công an xã và công an viên được hưởng chế độ lương, phụ cấp theo quy định của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn. Trưởng công an xã có thời gian phục vụ liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên mỗi năm bằng 1% lương và phụ cấp hiện hưởng; có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương và phụ cấp đóng bảo hiểm hiện hưởng. Phó trưởng công an xã và công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân phụ cấp hiện hưởng. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ các tiêu chuẩn sau thì được xem xét, tuyển chọn vào công an xã nơi mình cư trú: lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án, tiền sự, bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trưởng công an xã phải là Đảng viên; đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ (được cơ sở y tế cấp huyện trở lên chứng nhận); trưởng công an xã, phó trưởng công an xã phải là người đã học xong chương trình trung học phổ thông trở lên, công an viên phải là người đã tốt nghiệp từ trung học cơ sở trở lên (đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa không có đối tượng tuyển chọn có đủ tiêu chuẩn học vấn theo quy định này thì trình độ học vấn của các chức danh nói trên có thể thấp hơn nhưng cũng phải là người đã học xong chương trình tiểu học trở lên); có khả năng thực hiện nhiệm vụ và có đơn tự nguyện tham gia công an xã. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2009 và thay thế Nghị định số 40/1999/NĐ-CP ngày 23/6/1999 của Chính phủ về Công an xã. |