Số 36.2008 (392) ngày 12/09/2008

 CHÍNH PHỦ


Thị trường trong nước tháng 8 năm 2008
(SMS: 506039)
- Theo Công văn số 5925/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ ra ngày 09/9/2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có chỉ đạo như sau: Bộ Tài chính cần khẩn trương ban hành trong tháng 9 năm 2008 văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Giá…
Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…
Các Bộ quản lý ngành hàng rà soát lại cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu những tháng cuối năm 2008 và xây dựng cân đối cung cầu các mặt thiết yếu năm 2009…


Quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân
(SMS: 506003)
- Theo Nghị định số 100/2008/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 08/9/2008, có 10 loại thu nhập buộc phải chịu thuế thu nhập cá nhân, gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng bằng tiền hoặc hiện vật; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại theo quy định của Luật Thương mại; thu nhập từ thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng; thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
14 loại thu nhập được xếp vào loại thu nhập miễn thuế gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng, cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ, anh chị em ruột... với nhau; thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng giữa vợ chồng, người thân huyết thống với nhau; thu nhập từ tiền lãi gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, thu nhập từ lãi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; thu nhập từ kiều hối; tiền lương hưu; tiền học bổng; thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phí nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động...
Khi đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai hỏa hoạn, bệnh tật hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.
Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, công được phân định thành 7 bậc thuế. Mức chịu thuế suất thấp nhất là 5% đối với thu nhập hàng tháng đến 5 triệu đồng (60 triệu/năm); 10% đối với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng (trên 60-120 triệu/năm). Mức thuế suất áp dụng cao nhất là 35% đối với thu nhập hàng tháng trên 80 triệu đồng (trên 960 triệu đồng/năm).
Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công được xác định bằng thu nhập chịu thuế các khoản này trừ đi các khoảng đóng bảo hiểm bắt buộc, giảm trừ gia cảnh và các khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.
Mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 48 triệu đồng/năm. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc (con dưới 18 tuổi, con trên 18 tuổi bị tàn tật mất khả năng lao động, vợ, chồng, cha mẹ hai bên của người nộp thuế nhưng không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc thu nhập quá thấp...) mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 1,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng. Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ 1 lần vào 1 đối tượng nộp thuế trong năm tính thuế. Mức thu nhập làm căn cứ xác định người phụ thuộc được áp dụng giảm trừ là mức bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500 ngàn đồng…
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009.


Hỗ trợ thương mại, đầu tư và du lịch
(SMS: 506004)
- Ngày 08/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 123/2008/QĐ-TTg về việc hỗ trợ thực hiện các Chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch.
Theo đó, các Chương trình này sẽ được hỗ trợ kinh phí trực tiếp từ ngân sách nhà nước và phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Chương trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nội dung hoạt động và dự toán kinh phí chi tiết; Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các khoản chi theo chế độ quy định; Các chủ Chương trình quản lý, sử dụng kinh phí có hiệu qủa và thực hiện hạch toán kế toán, báo cáo quyết toán kinh phí theo quy định.
Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chống hàng giả, kém chất lượng
(SMS: 506002)
- Theo Chỉ thị số 28/2008/CT-TTg ra ngày 08/9/2008 về một số giải pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp và các lực lượng thực thi chống hàng giả phải coi công tác chống hàng giả là một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp bách hàng đầu hiện nay; Kiên quyết tổ chức đấu tranh ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng từ quá trình sản xuất nhập khẩu, phân phối và lưu thông hàng hóa…
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có phương án kiểm tra trong những tháng cuối năm 2008, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các loại hàng giả như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm... và chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương thực hiện tốt công tác này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra việc sản xuất, gia công, chế biến, sang chiết, đóng gói, nhập khẩu hoặc phân phối các vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... nhằm ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng được sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường; Bộ Y tế chấn chỉnh, tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở phân phối, bán lẻ thuốc phòng, chữa bệnh cho người, kể cả tại các bệnh viện; phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra ngăn chặn có hiệu quả tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường…
Bộ Công an chỉ đạo công an các cấp tập trung điều tra, khám phá các tổ chức, cá nhân, các đường dây, ổ nhóm sản xuất, chế biến, đóng gói, sang chiết, nhập khẩu, buôn bán, tàng trữ hàng giả để đưa ra xử lý kịp thời những vụ việc hàng giả nổi cộm theo quy định của Bộ Luật hình sự hiện hành.
Các lực lượng thanh tra, kiểm tra kiểm soát thị trường ở các ngành, các cấp cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ trong công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Công an, quản lý thị trường phải là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh chống hàng giả ở thị trường nội địa theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp và có đủ quyền năng pháp lý để thực thi nhiệm vụ…


Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2008
(SMS: 506034)
- Theo Nghị quyết số 21/2008/NQ-CP ra ngày 06/9/2008, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ trong thời gian tới như sau: tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng linh hoạt trong điều hành để bảo đảm yêu cầu thanh khoản của nền kinh tế, bảo đảm vốn cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; Thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu; Rà soát, điều chỉnh đầu tư, tập trung vốn cho các dự án, công trình có hiệu quả, các công trình sắp hoàn thành; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, nhất là các dự án, công trình lớn, tạo đà tăng trưởng cho các năm sau; thực hiện kiên quyết chủ trương tiết kiệm 10% chi thường xuyên…
Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ổn định giá, chống đầu cơ, buôn lậu; bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hoá thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân, không để thiếu hàng cục bộ; điều hành giá xăng dầu theo hướng tiếp cận cơ chế thị trường…
Tăng đầu tư để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, đồng thời khẩn trương nghiên cứu, ban hành các chính sách mới; ban hành và triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chương trình hỗ trợ giảm nghèo cho các huyện nghèo…


Chấn chỉnh công tác đấu thầu sử dụng vốn nhà nước
(SMS: 505921)
- Theo Chỉ thị số 27/2008/CT-TTg ra ngày 05/9/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát để sửa đổi, bãi bỏ các văn bản hướng dẫn thực hiện đấu thầu không phù hợp, trái với quy định hoặc ban hành văn bản hướng dẫn mới phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu nếu thấy cần thiết. Các văn bản hướng dẫn về đấu thầu của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sau khi ban hành phải được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu để theo dõi quản lý…
Thực hiện nghiêm chỉnh quy định về các mốc thời gian, trách nhiệm trong đấu thầu từ khâu cung cấp thông tin, đánh giá, trình, thẩm định và phê duyệt các nội dung trong đấu thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án, bảo đảm chất lượng của dịch vụ, hàng hóa và công trình theo yêu cầu. Tăng cường vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư theo hướng tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện đấu thầu…
Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu, không chia nhỏ gói thầu để tổ chức chỉ định thầu, lựa chọn hình thức hợp đồng không phù hợp với gói thầu dẫn đến phải điều chỉnh gây chậm trễ tiến độ, lãng phí…; Tránh phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho từng gói thầu khi có đủ điều kiện để phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho toàn bộ dự án…
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát chặt chẽ hoạt động đấu thầu trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về đấu thầu (nếu có). Chấp hành nghiêm túc quy định xử lý vi phạm về đấu thầu; kịp thời kiểm điểm, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu và gửi thông tin xử lý vi phạm về đấu thầu đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp theo quy định…
Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Vốn cho các dự án điện
(SMS: 506030)
- Ngày 01/9/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 235/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về vốn cho các dự án điện.
Thủ tướng yêu cầu: EVN tập trung đủ vốn cho các dự án đang dở dang để hoàn thành dứt điểm, đúng tiến độ; Xử lý vốn và hoàn thành các thủ tục cần thiết để đảm bảo khởi công sớm các dự án có trong kế hoạch nhưng chưa khởi công. Kịp thời báo cáo những trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thành lập Tổ công tác liên ngành để rà soát lại nhu cầu vốn của các dự án do EVN làm chủ đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong Quý IV năm nay, Bộ Công Thương phải trình Đề án tách khâu phát điện với khâu truyền tải - phân phối - kinh doanh điện. Các nhà máy điện được nhóm lại thành một số công ty phát điện dưới hình thức công ty TNHH một thành viên hoặc công ty cổ phần.
Khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế tham gia để sớm hình thành thị trường cạnh tranh về điện. Việc huy động vốn được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh. Trường hợp giao thầu phải được sự đồng ý của Thủ tướng…

Cơ chế hoạt động của ngành điện cần được tiếp tục nghiên cứu, cải cách theo hướng: cơ cấu lại tổ chức quản lý; xây dựng thị trường điện lực cạnh tranh đồng thời với việc giảm dần vai trò độc quyền của EVN trong các khâu phát điện, phân phối điện, kinh doanh điện; xây dựng giá điện theo thị trường, trong đó Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác; huy động nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, trong đó nguồn vốn nhà nước (từ EVN, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than Khoáng sản và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác) giữ vai trò chi phối...
 

 BỘ NỘI VỤ


Thi nâng ngạch công chức
(SMS: 505972)
- Ngày 04/9/2008, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 07/2008/TT-BNV hướng dẫn thực hiện một số quy định về thi nâng ngạch công chức.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đăng ký dự thi nâng ngạch chuyên viên chính (CVC) hoặc tương đương phải là người đang ở ngạch CV hoặc tương đương; nâng ngạch chuyên viên cao cấp (CVCC) hoặc tương đương phải là người đang ở ngạch CVC hoặc tương đương.
Đối với nâng ngạch CVC, CBCCVC phải có thời gian giữ ngạch CV hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên; đạt hệ số lương từ 3,66 trở lên (nhóm A2.1) hoặc 3,33 trở lên (nhóm A2.2). Đối với nâng ngạch CVCC, CBCCVC phải có thời gian giữ ngạch CVC hoặc tương đương từ đủ 6 năm trở lên; đạt hệ số lương từ 5,42 trở lên (nhóm A3.1) hoặc 5,02 trở lên (nhóm A3.2).
Về tiêu chuẩn dự thi, trong cả 2 trường hợp, CBCCVC đều phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch CVC hoặc CVCC (đối với thi nâng ngạch CVCC); Có chứng chỉ tin học văn phòng; Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên hoặc C trở lên (đối với thi nâng ngạch CVCC) và phải có đề án, công trình theo quy định của ngạch dự thi.
CBCCVC sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ nếu có bằng đại học thứ 2 là bằng ngoại ngữ và miễn thi môn tin học nếu đã tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Chế độ điều hoà tiền tệ
(SMS: 506016)
- Ngày 08/9/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 25/2008/QĐ-NHNN ban hành Chế độ điều hoà tiền mặt, xuất, nhập Quỹ dự trữ phát hành và Quỹ nghiệp vụ phát hành trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, Quỹ nghiệp vụ phát hành bao gồm các loại tiền nhập từ Quỹ dự trữ phát hành và tiền thu hồi từ lưu thông, kể cả tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong giao dịch hàng ngày giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và các khách hàng.
Quỹ nghiệp vụ phát hành tại kho tiền Chi nhánh được xuất, nhập với Quỹ dự trữ phát hành tại kho tiền Chi nhánh và được thu, chi tiền mặt với khách hàng có quan hệ giao dịch, thanh toán với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh.
Quỹ nghiệp vụ phát hành tại kho tiền Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước được xuất, nhập với Quỹ dự trữ phát hành tại Kho tiền Trung ương tại Hà Nội và được thu, chi tiền mặt với khách hàng có quan hệ giao dịch, thanh toán với Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Căn cứ nhu cầu thu, chi tiền mặt; diện tích và điều kiện an toàn của kho tiền Chi nhánh, kho tiền Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, định kỳ 3 tháng 1 lần (hoặc đột xuất), Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ phê duyệt mức tồn Quỹ nghiệp vụ phát hành tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.