Số 36.2007 (341) ngày 14/09/2007

 CHÍNH PHỦ


Thủ tục, thời điểm, chế độ nghỉ hưu
(501499)
- Ngày 10/9/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2007/NĐ-CP quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức (CBCC) đủ điều kiện nghỉ hưu.
Theo đó, CBCC đủ tuổi nghỉ hưu thì thực hiện chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. CBCC đang là đại biểu Quốc hội không chuyên trách, đại biểu HĐND khi đủ điều kiện nghỉ hưu thì thực hiện chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội nhưng vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật…
CBCC được bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến cấp huyện mà không phải là người đang giữ chức danh  khi đủ điều kiện nghỉ hưu thì thực hiện chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Trước 6 tháng tính đến ngày CBCC đủ tuổi nghỉ hưu, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng CBCC ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu cho CBCC được nghỉ hưu biết; đồng thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý  và chuẩn bị người thay thế…
Trước 3 tháng tính đến ngày CBCC đủ tuổi nghỉ hưu, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền ra quyết định nghỉ hưu. Trong quyết định nghỉ hưu phải ghi rõ thời điểm nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền khi ra quyết định nghỉ hưu được phép lùi thời điểm nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí đối với CBCC từ 1 tháng đến 6 tháng…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ tiền lương
(SMS: 501458)
- Ngày 05/9/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2007/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu và các công ty con trong Tập đoàn kinh tế.
Theo đó, chế độ tiền lương đối với công ty mẹ và các công ty con trong Tập đoàn kinh tế được thực hiện theo nguyên tắc tiền lương phải gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với tiền công trên thị trường và từng bước hội nhập; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các công ty trong việc xác định tiền lương và trả lương, thưởng cho người lao động…
Đối với Công ty mẹ trong Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch chuyên trách Hội đồng thành viên có hệ số mức lương chức vụ từ 8,8 - 9,1; Tổng giám đốc từ 8,5 - 8,8.
Ngoài ra, đối với công ty mẹ là công ty nhà nước thì thực hiện theo các thang lương, bảng lương, phụ cấp lương quy định tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP; còn đối với công ty mẹ là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ thì thực hiện theo Nghị định 86/2007/NĐ-CP.
Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty liên doanh với nước ngoài, việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, xác định quỹ tiền lương, tiền thưởng theo quy định tại Nghị định 114/2002/NĐ-CP. Riêng đối với các công ty do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì kế hoạch tiền lương đăng ký với công ty mẹ trước khi thực hiện…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Điều kiện kinh doanh dịch vụ Lô-gi-stíc
(SMS: 501473)
- Ngày 5/9/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ Lô-gi-stíc và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ Lô-gi-stíc.
Theo đo, dịch vụ Lô-gi-stíc là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân kinh doanh dịch vụ Lô-gi-stíc tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm bốc xếp hàng hóa, nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, giao hàng, kiểm tra và phân tích kỹ thuật, dịch vụ thương mại bán buôn hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá, vận tải theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
Thương nhân Việt Nam kinh doanh các dịch vụ Lô-gi-stíc phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam; có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu.
Thương nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ Lô-gi-stíc thì còn phải tuân thủ một số điều kiện. Như đối với dịch vụ Lô-gi-stíc liên quan đến vận tải, thương nhân nước ngoài được phép thành lập công ty liên doanh nhưng tỷ lệ góp vốn phải theo quy định. Thương nhân nước ngoài không được phép thực hiện dịch vụ vận tải đường ống, trừ trường  hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Đối với dịch vụ Lô-gi-stíc khác như kinh doanh dịch vụ kiểm tra kỹ thuật thì thương nhân nước ngoài chỉ được kinh doanh dưới hình thức liên doanh sau 3 năm hoặc 5 năm.
Thông thường, giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ Lô-gi-stíc thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc do các bên tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận mà khách hàng không có thông báo trước về giá trị hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng Việt Nam đối với mỗi yêu cầu bồi thường. Trường hợp khách hàng đã thông báo trước về giá trị hàng hóa và đã được thương nhân kinh doanh dịch vụ Lô-gi-stíc xác nhận thì giới hạn trách nhiệm là toàn bộ giá trị của hàng hóa đó.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về thành lập, giải thể doanh nghiệp
(SMS: 501492)
- Ngày 05/9/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp.
Theo đó, tất cả các tổ chức là pháp nhân, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không phân biệt nơi cư trú và quốc tịch… đều có quyền: thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam; có quyền góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp với mức không hạn chế  theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp trừ những trường hợp khác đã được quy định cụ thể. Các cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối không được sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước để góp vốn, mua cổ phần và thành lập doanh nghiệp để thu lợi riêng…
Về điều kiện kinh doanh, trước hết, doanh nghiệp cần có giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; chứng chỉ hành nghề; chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; xác nhận vốn pháp định và các chấp thuận khác cũng như các yêu cầu phù hợp khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giấy chứng chỉ hành nghề được cấp ở nước ngoài không có hiệu lực thi hành tại Việt Nam…

Việc tổ chức, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp (
công ty TNHH một thành viên được phép chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; Công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên; Công ty TNHH chuyển đổi thành công ty cổ phần...) phải theo quy trình nhanh gọn, phù hợp với thực tế… Tất cả các quá trình này đều phải tuân thủ theo pháp luật, nộp hồ sơ chuyển đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước quản lý đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư…
Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ chuyển đổi, cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước quản lý đầu tư phải cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư tương ứng. Đồng thời, thu hồi lại hai loại giấy tờ này đã cấp đối với công ty được chuyển đổi…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XAY DUNG


Quản lý kiến trúc đô thị
(SMS: 501493)
- Ngày 10/92007, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số  08/2007/TT-BXD hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị (KTĐT).
Theo đó, việc quản lý kiến trúc đô thị được chia làm 2 cấp: I và II. Quy chế quản lý KTĐT cấp I quy định về quản lý KTĐT cho toàn thành phố, đưa ra các yêu cầu quy định quản lý KTĐT cho từng khu vực kiểm soát phát triển (khu bảo vệ tôn tạo, khu cải tạo chỉnh trang, khu vực xây dựng mới, khu phát triển mở rộng) và các khu đặc thù trong đô thị.
Trong đó, quản lý KTĐT cho từng phân vùng kiểm soát phát triển cần quy định rõ: vị trí; quy mô; phạm vi ranh giới; các quy định về kiến trúc quy hoạch, về hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, san nền, thoát nước, cấp nước, cấp điện, hệ thống thông tin liên lạc, quy định về quảng cáo, bảo vệ cảnh quan...). Đối với các khu vực đặc thù, cần quy định về phạm vi ranh giới, diện tích đất, các yêu cầu chính về kiến trúc quy hoạch...
Quy chế quản lý KTĐT cấp II phải cụ thể hóa các quy định về quản lý KTĐT cấp I của toàn thành phố cho từng quận thông qua việc giới thiệu, phân tích khái quát những nét chính của từng quận, đưa ra các yêu cầu quy định về quản lý KTĐT cho từng phường, từng đường phố, ô phố. Cụ thể, đối với từng đường phố, quy định về khoảng lùi của công trình, các phần đua ra ngoài công trình, thống nhất độ nhô và chiều cao của các ban công, ô văng của những dãy nhà liền kề trên từng đoạn phố, chiều cao công trình, kích thước lô đất, một số khuyến cáo về hình thức kiến trúc công trình.... Đối với các tuyến phố mới mở hoặc sắp mở cần phải có nghiên cứu trước về quy định cụ thể kiến trúc cảnh quan hai bên đường…

Khi xây dựng quy chế quản lý đô thị ở những khu đặc thù, cơ quan soạn thảo cần phải lấy ý kiến các hội chuyên môn nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân sống trong khu vực.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý xây dựng
(SMS: 501491)
- Trước thực trạng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước có nhiều công trình mới đang xây dựng do tư nhân làm chủ đầu tư đã xảy sự cố gây thiệt hại về sinh mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn của bản thân công trình và các công trình lân cận, ngày 05/9/2007, Bộ Xây dựng đã ra Công văn số 1895/BXD-GĐ về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình nhà ở tư nhân.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các công việc sau: Chỉ đạo các UBND các cấp thực hiện nhất quán và chặt chẽ trong công tác kiểm tra việc tuân thủ nội dung, trình tự đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư là tư nhân…
Tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ làm công tác quản lý xây dựng tại địa phương về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng…

Sở Xây dựng kiểm tra và báo cáo tình hình các sự cố về Bộ Xây dựng với các nội dung:
Tên công trình, vị trí xây dựng công trình,  mô tả nội dung sự cố, các tổ chức cá nhân tham gia xây dựng, biện pháp khắc phục…
 

 LIÊN TỊCH: BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động
(SMS: 501497)
- Ngày 04/9/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ngân hàng  Nhà nước đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN quy định việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, tiền ký quỹ của người lao động phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và chỉ được thực hiện sau khi người lao động ký hợp đồng này với doanh nghiệp và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa.

Trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp có quyền yêu cầu ngân hàng trích tài khoản tiền ký quỹ của người lao động để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp.
Trường hợp phải đưa người lao động đang làm việc ở nước ngoài về nước theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người lao động bị chết, bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, bị bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại tính mạng hoặc thu nhập và điều kiện làm việc, ăn, ở của người lao động không được đảm bảo nhưng doanh nghiệp không thực hiện thì sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp để thanh toán các chi phí đưa người lao động về nước…
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày rút tiền ký quỹ, doanh nghiệp phải nộp bổ sung cho đủ mức ký quỹ quy định. Nếu doanh nghiệp không thực hiện để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH


Quy định về môi giới lao động đi làm việc nước ngoài
(SMS: 501496)
- Ngày 04/9/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, doanh nghiệp chỉ được thu tiền môi giới và tiền dịch vụ sau khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa.
Tiền môi giới không áp dụng đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng lao động mới.
Doanh nghiệp không được thu tiền môi giới của người lao động đối với những thị trường, những hợp đồng mà bên đối tác nước ngoài không có yêu cầu về tiền môi giới.

Mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/người lao động cho một năm hợp đồng.

Phần tiền môi giới mà người lao động hoàn trả, nếu có, phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Doanh nghiệp thu một lần tiền môi giới của người lao động trước khi người lao động xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Khi thu tiền môi giới của người lao động, doanh nghiệp phải cấp biên lai thu tiền cho người lao động. Khoản tiền môi giới mà người lao động hoàn trả không tính vào doanh thu của doanh nghiệp và doanh nghiệp không phải nộp thuế…
Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG


Quản lý thuê bao điện thoại di động
(SMS: 501459)
- Ngày 04/9/2007, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTT quy định quản lý thuê bao di động trả trước, áp dụng cho các thuê bao đang hoạt động và các thuê bao sắp hòa mạng dịch vụ.
Theo đó, các chủ thuê bao nằm trong diện phải đăng ký thông tin cá nhân gồm thuê bao kích hoạt lần đầu tiên, thuê bao đang hoạt động, thuê bao khóa một hoặc hai chiều muốn sử dụng lại dịch vụ...
Các chủ thuê bao trả trước đang sử dụng trên mạng có thể đăng ký thông tin theo ba cách: Đăng ký qua tin nhắn SMS bằng chính số thuê bao di động đang sử dụng của mình đến hệ thống theo mẫu mà doanh nghiệp quy định; đăng ký qua cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp bằng tài khoản của thuê bao mình đang sử dụng, hoặc đăng ký tại các điểm giao dịch của nhà cung cấp dịch vụ.
Trường hợp chủ thuê bao trả trước mới hòa mạng và chủ thuê bao đang khóa hai chiều muốn hoạt động trở lại bắt buộc phải đến các điểm giao dịch, đại lý của nhà cung cấp dịch vụ để đăng ký.
Chủ thuê bao là cá nhân người Việt Nam sẽ phải đăng ký các thông tin liên quan đến số máy, mã mạng, mã vùng, họ và tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư. Cá nhân người nước ngoài sẽ phải thông tin thêm về quốc tịch, số hộ chiếu. Đối với chủ thuê bao là người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức, sẽ phải cung cấp các thông tin: số máy thuê bao, tên gọi và địa chỉ giao dịch của cơ quan, tổ chức, họ và tên chủ thuê bao, số chứng minh thư. Trường hợp người sử dụng dịch vụ dưới 14 tuổi phải có bố, mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật đứng bảo lãnh đăng ký.
Doanh nghiệp thông tin di động có trách nhiệm bảo đảm bí mật các thông tin này. Các chủ thuê bao đang hoạt động, sau 24 tháng kể từ ngày quy định có hiệu lực, nếu không khai báo thông tin theo quy định hoặc cố ý cung cấp thông tin không chính xác sẽ bị chấm hoạt động.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.