Số 36.2006 (290) ngày 15/09/2006

 CHÍNH PHỦ


Chuyển đổi công ty nhà nước
(SMS: 201857)
- Ngày 08/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2006/NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Đối tượng áp dụng bao gồm: Công ty nhà nước độc lập; công ty nhà nước là công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ-công ty con; công ty mẹ của tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty nhà nước; đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc tổng công ty nhà nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Việc chuyển đổi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Điều kiện chuyển đổi được quy định như sau: Thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn; Có mức vốn điều lệ không thấp hơn 30 tỷ đồng đối với công ty nhà nước độc lập hoặc đơn vị hạch toán phụ thuộc của tổng công ty, của công ty mẹ và 500 tỷ đồng đối với công ty mẹ; Đối với các ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật quy định phải có vốn pháp định thì vốn điều lệ của công ty không được thấp hơn vốn pháp định; Trường hợp là đơn vị hạch toán phụ thuộc tổng công ty, công ty mẹ thì việc chuyển đổi không ảnh hưởng đến hoạt động của tổng công ty, công ty mẹ...
Nguyên tắc xử lý vốn, tài sản, tài chính và lao động khi chuyển đổi: Tất cả các tài sản của tổng công ty, đơn vị thành viên của tổng công ty khi chuyển đổi đều được tính bằng giá trị; Đối với tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của công ty: kiểm kê, phân loại, xác định số lượng, đánh giá thực trạng để chuyển giao sang công ty TNHH một thành viên; Đối với lao động: doanh nghiệp có trách nhiệm sắp xếp, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động và sắp xếp lại công ty nhà nước; kế thừa mọi quyền, nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục
(SMS: 201852) - Trước tình trạng gian lận trong thi cử, trong cấp và sử dụng văn bằng chứng chỉ, tiêu cực trong tuyển sinh, chuyển trường ở các cấp học, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong xây dựng trường sở và mua sắm thiết bị trường học. Các biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục đã và đang xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục và gây tác hại lâu dài cho xã hội, ngày 08/9/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục giai đoạn 2006 - 2010 với yêu cầu: nâng cao đạo đức của nhà giáo; giáo dục tính trung thực cho học sinh, sinh viên; bảo đảm trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường trong việc ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Xác định nhiệm vụ trọng tâm chống tiêu cực và bệnh thành tích của từng năm học, tập trung chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện chương trình...
Bên cạnh đó, gia đình và các bậc phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh cần chú trọng giáo dục con em mình thái độ học tập đúng đắn, trung thực; không tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và chính quyền địa phương phát hiện và kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục...
người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được tăng 4 -10% trên mức lương hưu đang hưởng...
Mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng được dùng làm cơ sở điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc và tính trợ cấp thôi việc, các chế độ được hưởng, các khoản lương tính theo lương tối thiểu chung...
Các mức tăng cụ thể như sau: Tăng 28% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng đã được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định này điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc; tăng 28,6% trên mức trợ cấp của tháng 9/2006 đối với người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tính theo mức lương tối thiểu chung; lao động dôi dư cũng được tính trợ cấp thôi việc cho số tháng làm việc kể từ ngày 01/10/2006 trở đi; các chế độ được hưởng và các khoản trích tính theo lương tối thiểu chung được tính lại tương ứng...
Nghị định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Điều chỉnh lương hưu và trợ cấp
(SMS: 201854)
- Ngày 07/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2006/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.
Các đối tượng được điều chỉnh mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng gồm: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức; quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu hàng tháng theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định; công nhân viên chức và người lao động hưởng lương hưu hàng tháng vừa có thời gian hưởng lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian hưởng lương không theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định. Các đối tượng khác gồm: công nhân viên chức đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, kể cả người hưởng trợ cấp hàng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng...
Theo đó, tăng 10% trên mức lương hiện hưởng đối với người có mức lương trước khi nghỉ hưu dưới 390.000 đồng/tháng, có hệ số lương cũ dưới 3,06; người có mức lương từ 390.000 đồng đến dưới 644.000 đồng sẽ được tăng thêm 8%; từ 644.000 đồng đến dưới 718.000: 6%; từ 718.000 đồng trở lên: 4%...
Nghị định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
(SMS: 201856)
- Ngày 07/9/2006, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 23/2006/NQ-CP về một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo quy định tại Nghị định số 61/CP.
Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đang quản lý quỹ nhà của Nhà nước phải chuyển giao toàn bộ nhà cho UBND tỉnh, thành phố trước ngày 30/12/2006. Nếu không thực hiện chuyển giao, đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các thiệt hại do nhà ở bị hư hỏng hoặc do buông lỏng quản lý gây thất thoát, tiêu cực...
Những khu nhà không xác định được cơ quan quản lý thì chính quyền các tỉnh tiến hành thủ tục quản lý mà không cần có văn bản thỏa thuận của cơ quan quản lý.
Nghị quyết cũng cho phép trường hợp mua nhà của Nhà nước áp theo giá đất mà UBND cấp tỉnh đã áp dụng tại thời điểm ngày 31/12/2004...
Ngoài ra, khi người dân mở rộng diện tích liền kề với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước nếu phù hợp với quy hoạch xây dựng thì người mua nhà phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích mở rộng đó...
Giá nhà ở cấp 4 từ cơ quan tự quản chuyển giao nhưng trước chuyển giao chưa có hợp đồng thuê nhà, người thuê đã phá dỡ, xây dựng lại thì giá trị còn lại của nhà được tính bằng 0. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất và tiền khi bán nhà thực hiện theo các chế độ ban hành trước ngày 01/01/2005...
Từ ngày nghị quyết có hiệu lực, người mua nhà áp dụng phương thức trả dần trong 10 năm thì số tiền còn lại được thanh toán trong mỗi năm tiếp theo bằng tiền đồng Việt Nam (không quy đổi ra vàng) cộng với tiền lãi suất không kỳ hạn vào thời điểm thanh toán...
Trong trường hợp đến ngày áp dụng nghị quyết mà người mua chưa trả hết tiền thì phần còn nợ đã quy ra vàng, nay được thanh toán bằng tiền cộng với tiền lãi theo quy định trên. Các trường hợp đã hoàn tất việc thanh toán mua nhà ở trước ngày nghị quyết có hiệu lực sẽ không thoái trả...


Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính
(SMS: 201851)
- Ngày 07/9/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc có chức năng, thẩm quyền trong việc giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp cần tiến hành ngay việc rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định nội bộ về quy trình, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà cho việc tiếp nhận và xử lý công việc của người dân và doanh nghiệp; kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, chồng chéo, những loại giấy tờ không cần thiết...
Phải thiết lập cho được cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, độc lập, khách quan trong nội bộ, khắc phục tình trạng khép kín, thiếu công khai, minh bạch dễ phát sinh tiêu cực trong việc giải quyết các thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp...

Công bố công khai các số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình để tiếp nhận các góp ý về quy trình, thủ tục; các thông tin, vướng mắc của cá nhân, tổ chức đối với những việc làm sai trái, sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức. Phân công trách nhiệm cụ thể trong việc theo dõi, ghi nhận đầy đủ các thông tin, góp ý; xây dựng quy chế thẩm tra, xác minh, xử lý kịp thời và công bố công khai kết quả xử lý...

Trước ngày 01/11/2006, tại tất cả các điểm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, những nơi làm việc với người dân, doanh nghiệp của cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện niêm yết công khai: Toàn bộ quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; họ tên, chức vụ của những cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc; Quyền, nghĩa vụ của công dân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến nội dung thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, tổ chức đó; Quyền và trách nhiệm khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức đối với những hành vi vi phạm, gây phiều hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc; họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết những khiếu nại, tố cáo này...


Hướng dẫn ban hành văn bản pháp luật
(SMS: 201853)
- Ngày 06/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.
Theo Nghị định này, văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND phải có đầy đủ các yếu tố sau: Do HĐND ban hành theo hình thức nghị quyết, UBND ban hành theo hình thức quyết định, chỉ thị; được ban hành theo trình tự quy định tại Luật; có chứa quy tắc xử sự chung (quy phạm pháp luật), được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng và có hiệu lực trong phạm vi địa phương, được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp theo quy định của Luật...
Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND phải quy định cụ thể thời điểm có hiệu lực tại văn bản. Việc xác định thời điểm có hiệu lực của văn bản được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành; của HĐND, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải sau 7 ngày; HĐND, UBND xã, phường, thị trấn phải sau 5 ngày...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở
(SMS: 201859)
- Theo Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ban hành ngày 06/9/2006, Chính phủ quy định: căn cứ chương trình phát triển nhà ở, danh mục dự án phát triển nhà ở thương mại trong từng thời kỳ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền công bố công khai danh mục các dự án phát triển nhà ở thương mại trong từng thời kỳ trên phạm vi địa bàn; quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/2.000; địa điểm và ranh giới của các khu đất dự án phát triển nhà ở thương mại; quy mô, điều kiện về sử dụng đất của từng dự án; yêu cầu về thời gian hoàn thành đối với từng dự án để kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại...
Điều kiện cơ bản được thuê, thuê mua nhà ở xã hội là người chưa có sở hữu nhà ở và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng là nhà ở tạm, hư hỏng hoặc dột nát...
Chủ đầu tư dự án được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (nhưng phải bảo đảm đúng nội dung và tiến độ dự án đã được phê duyệt); được thỏa thuận với người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở để huy động vốn ứng trước...
Chính phủ quy định phải có quỹ phát triển nhà ở xã hội. Quỹ này được hình thành từ tiền thu được từ việc bán, cho thuê mua quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn; trích từ 30-50% tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại và các dự án đô thị mới trên địa bàn. Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, kinh tế... là đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội...
Về thủ tục, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nghị định này quy định lệ phí cấp giấy, xác nhận thay đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở không quá 100.000 đồng/giấy đối với cá nhân, không quá 500.000 đồng/giấy đối với tổ chức đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở lần đầu. Đối với nhà ở đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu, nay đổi, cấp lại hay xác nhận thay đổi trên giấy này thì lệ phí chỉ 50.000 đồng...
Ngoài ra, điều kiện để sở hữu nhà ở của tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng khá thông thoáng. Các đối tượng này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê. Thời hạn sở hữu trùng với thời hạn quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân nước ngoài nếu được tặng cho, được thừa kế nhà ở thì không được sở hữu mà chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Hướng dẫn điều chỉnh lương và phụ cấp
(SMS: 201858)
- Ngày 14/9/2006, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 12/2006/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tiền lương và phụ cấp lương trong doanh nghiệp theo Nghị định số 94/2006/NĐ-CP.
Theo đó, việc điều chỉnh mức lương, phụ cấp lương được tính như sau: lấy hệ số lương cấp bậc theo chức danh nghề, công việc; hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ; hệ số lương chức vụ được xếp, phụ cấp lương, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) nhân với mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng/tháng...
Đối với công ty nhà nước đang áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 2 lần so với mức lương tối thiểu chung để làm cơ sở tính đơn giá tiền lương thì từ ngày 01/10/2006 trở đi áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 1,34 lần so với mức lương tối thiểu 450.000 đồng/tháng...
Mức ăn giữa ca tính theo số ngày công chế độ trong tháng đối với công nhân, nhân viên, viên chức làm việc trong công ty nhà nước không được vượt quá mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng/tháng...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.