Số 36.2004 (189) ngày 17/09/2004

 CHÍNH PHỦ


Hỗ trợ xuất khẩu lao động
(SMS: 200201)
- Ngày 08/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 163/2004/QĐ-TTg về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động.
Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động được sử dụng để: hỗ trợ chi phí cho khai thác, phát triển, mở thị trường lao động mới; Hỗ trợ việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động: bao gồm việc hỗ trợ đào tạo đối với những ngành nghề yêu cầu cao về tay nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ cho người lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công và những người thuộc đối tượng chính sách xã hội; Hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp để giải quyết rủi ro trong hoạt động xuất khẩu lao động; Thưởng cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cá nhân có thành tích trong hoạt động xuất khẩu lao động theo quy định hiện hành...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


An toàn thực phẩm
(SMS: 200200 - Không gửi qua fax)
- Ngày 07/9/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, người tiêu dùng có quyền được bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn theo quy định của pháp luật. Đồng thời người tiêu dùng phải có trách nhiệm tự giác khai báo với cơ quan y tế gần nhất khi xảy ra ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm...
Nghị định cũng quy định, đối với nguyên liệu thực phẩm và phụ gia thực phẩm, thời hạn sử dụng ít nhất phải còn trên 2/3 thời gian ghi trên nhãn kể từ thời điểm lô hàng được nhập khẩu vào Việt
Nam. Đối với sản phẩm là thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung có chứa hoạt chất có hoạt tính sinh học mới, trong hồ sơ công bố, ngoài tiêu chuẩn của sản phẩm phải có giấy chứng nhận y tế, kết quả nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng hoặc các tài liệu khoa học đã công bố về tác dụng, tính an toàn của sản phẩm, kết quả kiểm nghiệm về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm của Phòng kiểm nghiệm được công nhận...
Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi sản xuất kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định về VSATTP như có hệ thống xử lý chất thải, phòng thay bảo hộ lao động, nhà vệ sinh, môi trường sạch sẽ, phương tiện rửa và khử trùng tay, thiết bị, dụng cụ chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính
(SMS: 200199 - Không gửi qua fax)
- Theo Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ban hành ngày 07/9/2004 Chính phủ quy định: việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau: cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc gây thương tích cho người khác; Cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp: người vi phạm không có giấy tờ tùy thân, không biết rõ lai lịch nhân thân; không có nơi cư trú nhất định, cần xác minh làm rõ lai lịch nhân thân và những tình tiết quan trọng liên quan đến hành vi vi phạm; Người bị bắt giữ theo quyết định truy tìm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính...
Thời hạn tạm giữ không được quá 12 giờ. Thời hạn này có thể được kéo dài hơn, nhưng cũng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm...
Đối với trường hợp vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn, nhưng cũng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm...
Trong mọi trường hợp, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính đều phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền và phải giao cho người bị tạm giữ một bản...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán
(SMS: 200198 - Không gửi qua fax)
- Ngày 07/9/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nghị định quy định mức phạt tối đa là 70 triệu đồng (quy định cũ là 50 triệu) đối với các hành vi: tự
ý mua, bán chứng khoán trên tài khoản của khách hàng hoặc mượn danh nghĩa khách hàng để mua, bán chứng khoán; tham gia hoạt động tín dụng và cho vay chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ họăc tư vấn cho người khác để mua, bán CK cho chính mình họăc cho bên thứ ba,giao dịch chứng khoán mà không thay đổi quyền sở hữu CK, thông đồng để thực hiện việc mua-bán CK nhằm tạo cung, cầu giả tạo, tham gia lôi kéo người khác liên tục mua-bán thao túng giá CK... của công ty chứng khoán...
Hành vi công bố thông tin không đầy đủ, kịp thời, đúng định kỳ; Công bố thông tin và báo cáo sai sự thật... có thể bị phạt từ 20 - 50 triệu đồng.

Hành vi thông tin sai lệch, che giấu sự thật trong hồ sơ đăng ký phát hành chứng khoán, phân phối CK trước khi công bố phát hành sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng; Phát hành CK khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký phát hành CK, thực hiện bảo lãnh phát hành CK khi chưa được cấp phép với loại hình kinh doanh bảo lãnh CK sẽ bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Thu phí giao thông
(SMS: 200197 - Không gửi qua fax)
- Theo Thông tư số 90/2004/TT-BTC ban hành ngày 07/9/2004 về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau: đối với những trạm thu phí chưa giải quyết được ùn tắc giao thông thì tạm thời chưa thu phí đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy...
Đối với các đoạn đường bộ bắt đầu thu phí phải bảo đảm khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường có độ dài tối thiểu là 70 km...
Đơn vị tổ chức thu phí đường bộ được trích 20% trên tổng số tiền phí thực thu được. Số tiền phí đường bộ đầu tư để kinh doanh là doanh thu hoạt động kinh doanh của đơn vị. Đơn vị thu phí đường bộ có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện hạch toán kết quả kinh doanh theo quy định của pháp luật...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đầu tư chứng khoán
(SMS: 200196 - Không gửi qua fax)
- Ngày 03/9/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 73/2004/QĐ-BTC ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo Quy chế, Quỹ đầu tư được chia thành 2 loại là Quỹ công chúng và Quỹ thành viên. Quỹ công chúng là quỹ có chứng chỉ được phát hành ra công chúng. Tổng giá trị phát hành của quỹ  ít nhất là 5 tỷ đồng và việc phát hành chứng chỉ quỹ phải được UBCKNN cấp phép...
Quỹ thành viên không phát hành chứng chỉ ra công chúng mà được lập bằng vốn góp của tối đa 49 thành viên và uỷ thác cho công ty quản lý quỹ quản lý. Quỹ thành viên cũng phải có vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ đồng, nhưng việc lập quỹ chỉ cần đăng ký với UBCKNN. Thành viên góp vốn vào quỹ thành viên phải đảm bảo điều kiện đầu tư tối thiểu 3 tỷ đồng nếu là tổ chức và 1 tỷ đồng nếu là cá nhân. Công ty quản lý quỹ thành viên chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các thành viên góp vốn chứ không phải thực hiện công bố thông tin ra công chúng...

Về cơ chế hoạt động, trong khi quỹ thành viên phải đảm bảo đầu tư tối thiểu 60% giá trị tài sản quỹ vào chứng khoán và không bị hạn chế đầu tư thì quỹ công chúng lại phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ về hạn chế đầu tư. Cụ thể, quỹ công chúng không được đầu tư quá 15% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành; không được đầu tư quá 10% giá trị tài sản quỹ vào bất động sản; không được đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản vào các công ty trong cùng một tập đoàn hay một nhóm công ty đang sở hữu lẫn nhau... Cơ cấu đầu tư của quỹ công chúng có thể sai lệch nhưng không quá 10% so với các hạn chế đầu tư và trong vòng 3 tháng kể từ ngày sai lệch phát sinh, phải có biện pháp khắc phục...
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Hoạt động thông tin tín dụng
(SMS: 200202 - Không gửi qua fax)
- Ngày 08/9/2004, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1117/2004/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy chế hoạt động thông tin tín dụng, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2005.
Quy chế này quy định: các tổ chức tín dụng có trách nhiệm báo cáo thông tin tín dụng bắt buộc cho Trung tâm Thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC) về Hồ sơ pháp lý của khách hàng vay, thông tin tài chính của khách hàng vay, về bảo lãnh cho khách hàng, tài sản bảo hiểm tiền vay, về bảo lãnh cho khách hàng, về khách hàng vay có tổng dư nợ bằng hoặc hơn 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng... Trong trường hợp cần thiết, khi CIC yêu cầu tổ chức tín dụng phải báo cáo thông tin về nợ quá hạn và thông tin về các khoản tổ chức tín dụng phải lãnh trả thay khách hàng trong trường hợp khách hàng được bảo lãnh không thực hiện được nghĩa vụ của mình khi đến hạn thanh toán...
Tổ chức tín dụng báo cáo cho CIC dưới dạng file điện tử hoặc bằng văn bản. CIC được giao làm đầu mối hướng dẫn, đôn đốc thực hiện hoạt động thông tin tín dụng đối với các đối tượng áp dụng kế trên, đồng thời làm dịch vụ thông tin tín dụng, trừ những thông tin thuộc bí mật Nhà nước...


Quy chế hoạt động Bao thanh toán
(SMS: 17299 - Không gửi qua fax)
- Ngày 06/9/2004, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN Ban hành Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó,
Bao thanh toán là một hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá đã được bên bán hàng và bên mua hàng thoả thuận trong hợp đồng mua, bán hàng. Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện hoạt động bao thanh toán trong nước khi tổ chức tín dụng có đủ các điều kiện sau: tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối tháng của 3 tháng gần nhất dưới 5%, không thuộc đối tượng đang bị xem xét xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng...
Đơn vị bao thanh toán chịu toàn bộ rủi ro khi bên mua hàng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản phải thu; và chỉ có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước cho bên bán hàng trong trường hợp bên mua hàng từ chối thanh toán khoản phải thu do bên bán hàng giao hàng không đúng như thoả thuận tại hợp đồng mua, bán hàng hoặc vì một lý do khác không liên quan đến khả năng thanh toán của bên mua hàng...
 

 TỔNG CỤC THUẾ


Khấu trừ thuế GTGT
(SMS: 200203)
- Theo Công văn số 2923/TCT/PCCS ra ngày 10/9/2004 về khấu trừ thuế GTGT với hoá đơn mua hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục Thuế hướng dẫn: đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra, do vậy các cơ sở kinh doanh mua hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra là hàng hoá không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng nên các cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào...
Công
văn này thay thế Công văn số 2874 TCT/PCCS ra ngày 07/9/2004.