Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Số 35.2010 (493) ngày 07/09/2010
CHÍNH PHỦ | |
Xóa nợ vay tín dụng quốc tế cho người hồi hương (SMS: 1646/QD-TTg) - Tại Quyết định số 1646/QĐ-TTg ngày 01/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xóa nợ cho các đối tượng còn nợ vay của Chương trình tín dụng quốc tế Cộng đồng Châu Âu tái hòa nhập người hồi hương (ECIP) và Chương trình hỗ trợ người hồi hương (RAP) tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đến hết ngày 15/5/2009 (thời điểm 02 Ngân hàng thực hiện khoanh nợ để xử lý xóa nợ). Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến từng hộ vay nợ về việc xóa nợ vay của hai Chương trình ECIP, RAP, làm thủ tục xóa nợ cho đối tượng vay nợ; đối chiếu số liệu các chi phí quản lý và chi phí giải ngân của 02 Chương trình ECIP, RAP; chuyển toàn bộ số tiền đã thu hồi được từ 02 Chương trình ECIP, RAP sau khi bù trừ các chi phí quản lý và chi phí giải ngân về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Thời gian hoàn thành chậm nhất là ngày 31/12/2010. Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (SMS: 1634/CT-TTg) - Để khắc phục những yếu kém và bất cập còn tồn tại, nhằm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, ngày 31/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 1634/CT-TTg yêu cầu thủ trưởng các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, cơ sở, nhất là công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhà chung cư cao tầng, khu đô thị, chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở dịch vụ, khu dân cư, các khu rừng dễ cháy, các kho tàng, cơ sở sản xuất và các công trình trọng điểm khác có nhiều nguy cơ cháy, nổ. Phát hiện và khắc phục ngay các sai phạm, sơ hở thiếu sót có thể gây cháy lan, cháy lớn. Đối với nhà cao tầng, nơi tập trung đông người cần kiểm tra kỹ và thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về thoát nạn cho người và chống cháy lan, cháy lớn. Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường đến 2020 (SMS: 1636/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 31/8/2010 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020 nhằm mục tiêu xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh bảo phóng xạ môi trường quốc gia bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân. Lộ trình của Quy hoạch này là giai đoạn 2010-2015 sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm điều hành, kiện toàn đồng bộ 4 trạm vùng và 6 trạm địa phương; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quan trắc và phân tích phóng xạ môi trường; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật và chỉ tiêu quan trắc, phân tích phóng xạ môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phóng xạ môi trường. Phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học (SMS: 92/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2010/NĐ-CP ngày 30/8/2010 quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm. Nghị định này quy định về phân loại vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm và phòng xét nghiệm theo cấp độ an toàn sinh học; điều kiện bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm; thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học; kiểm tra an toàn sinh học; phòng ngừa, khắc phục và xử lý sự cố an toàn sinh học. Năm 2015, 100% cơ quan nhà nước có cổng thông tin điện tử (SMS: 1605/QD-TTg) - Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010. Ba mục tiêu cụ thể của Chương trình này là: xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến năm 2015, 100% các cơ quan nhà nước từ cấp quận, huyện, sở, ban, ngành hoặc tương đương trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin, cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp; 50% hồ sơ khai thuế của người dân và doanh nghiệp được nộp qua mạng; 90% cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thủ tục hải quan điện tử; tất cả kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, kết quả đấu thầu, danh sách nhà thầu tham gia được đăng tải trên mạng đấu thầu quốc gia; 100% hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam phục vụ công tác xuất, nhập cảnh là hộ chiếu điện tử; 30% công dân Việt Nam đủ độ tuổi theo quy định được cấp chứng minh nhân dân sản xuất trên dây chuyền hiện đại, với một số chứng minh nhân dân duy nhất không trùng lặp, chống được làm giả và 30% số hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng được nộp qua mạng. Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến 2030 (SMS: 1587/QD-TTg) - Ngày 25/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1587/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi lập quy hoạch trong phạm vi hành chính Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47 km2 và dân số khoảng 6,23 triệu người và vùng phụ cận của Hà Nội. Quan điểm của quy hoạch này là phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại và dịch vụ vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và sử dụng thuận tiện; đảm bảo tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài; ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là loại hình vận tải có khối lượng trung bình góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Cơ quan chủ đầu tư lập quy hoạch là UBND thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng là cơ quan thẩm định và trình duyệt quy hoạch để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian lập quy hoạch là 09 tháng sau khi nhiệm vụ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ bố trí nguồn vốn và phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch. |
BỘ CÔNG THƯƠNG | |
|
THANH TRA CHÍNH PHỦ | |
|
LIÊN BỘ | |
|