Siết chặt quản lý cấp phép xây dựng sân golf (SMS: 536666) - Vấn đề này được nêu tại Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ ngày 05/9/2009 về phiên họp thường kỳ tháng 8/2009. Tại phiên họp này, Chính phủ đánh giá, từ kết quả 8 tháng qua, dự báo tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2009 có những chuyển biến tích cực, từng bước vượt qua suy giảm, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý và đang phục hồi khá, đồng thời xác định mục tiêu tổng quát của năm 2010 là tập trung mọi nỗ lực, phấn đấu phục hồi tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững vào năm 2011 và những năm tiếp theo; giữ ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, định hướng bước đầu các chỉ tiêu cơ bản của năm 2010 sẽ là: GDP tăng khoảng 6,5%, chỉ số tăng giá tiêu dùng dưới 7%, bội chi ngân sách khoảng 6,5%. Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo quy hoạch phát triển sân golf trên phạm vi cả nước đến năm 2020. Theo đó, nhằm phát huy vai trò tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của các sân golf, cần thiết phải xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống sân golf theo hướng phân bố hợp lý trên các vùng nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, thúc đẩy phát triển du lịch, thể thao, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước. Quy trình cấp phép xây dựng các dự án sân golf phải được tuân thủ nghiêm ngặt, có sự giám sát chặt chẽ. Việc phát triển sân golf không được lấy đất trồng lúa, đất màu, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, không được hỗ trợ tài chính từ ngân sách và phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch phát triển sân golf đến 2020 trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Quy định mới về kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (SMS: 536633) - Ngày 03/9/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2009/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Theo Nghị định này, ngành, nghề phải đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự gồm có: sản xuất con dấu; sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên); sản xuất, kinh doanh, sửa chữa công cụ hỗ trợ, sửa chữa súng săn, sản xuất pháo hoa; cho thuê lưu trú, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê nhà để ở hoặc làm văn phòng; hoạt động in; dịch vụ cầm đồ; kinh doanh karaoke, vũ trường, xoa bóp (massage, tẩm quất); trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, kinh doanh casino; dịch vụ đòi nợ. Chỉ các cá nhân, tổ chức Việt Nam ở trong nước mới được sản xuất con dấu; chỉ các cơ sở của quân đội nhân dân và công an nhân dân mới được sản xuất, kinh doanh sửa chữa công cụ hỗ trợ và sửa chữa súng săn. Trong thời hạn 10 ngày trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan công an đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và công an xã, phường, thị trấn nơi tiến hành hoạt động kinh doanh biết thời gian bắt đầu hoạt động. Khi cơ sở kinh doanh bị phá sản hoặc không kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự thì giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không còn giá trị sử dụng; trường hợp ngừng hoạt động thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ngừng hoạt động, phải nộp lại giấy này cho cơ quan công an đã cấp. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2009 và thay thế Nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22/02/2001. Các tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 08/2001/NĐ-CP, nếu có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này, vẫn được tiếp tục hoạt động; trường hợp không đủ các điều kiện theo quy định của Nghị định này thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải thực hiện theo đúng quy định của Nghị định này. Điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng (SMS: 536587) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg ngày 01/9/2009 quy định điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng. Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức (không bao gồm cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và cơ sở công nghiệp động viên), cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng. Hoạt động công nghiệp quốc phòng theo Quyết định này bao gồm: nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; dịch vụ thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; mua sắm, dự trữ, bảo quản vật tư, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tổ chức, cá nhân có thể tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng theo hai phương thức: thực hiện hợp đồng quốc phòng thông qua phương thức đặt hàng, tổ chức, cá nhân được chỉ định để triển khai hoạt động công nghiệp quốc phòng có yêu cầu đặc biệt về sản phẩm, trình độ chuyên môn và cơ sở vật chất kỹ thuật hoặc thực hiện hợp đồng quốc phòng thông qua phương thức đấu thầu. Tổ chức và cá nhân được tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; không xâm phạm đến chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của công dân Việt Nam; cam kết chấp hành các điều khoản bắt buộc được quy định cụ thể tại hợp đồng về công nghiệp quốc phòng và những điều kiện khác tuỳ theo lĩnh vực tham gia hoạt động cụ thể. Khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, tổ chức, cá nhân sẽ được hỗ trợ về đầu tư, nghiên cứu khoa học, công nghệ và cung cấp các dịch vụ liên quan theo đúng chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2009. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (SMS: 536624) - Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt công tác bảo vệ trẻ em, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các mục tiêu vì trẻ em đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01/9/2009 yêu cầu các bộ, ngành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ, chăm sóc trẻ em để sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ, ban hành mới; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng ngừa, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tập trung chỉ đạo giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm phạm tình dục, bị lạm dụng sức lao động, bị mua bán, bị bạo lực; xây dựng dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trình Chính phủ trong quý 4/2009... Cũng tại Chỉ thị này, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em của hộ gia đình nghèo; phục hồi chức năng cho trẻ em tàn tật; thực hiện thí điểm một số loại hình dịch vụ y tế hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em là nạn nhân của bạo lực; cứu chữa, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ em bị tai nạn, thương tích. Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương bố trí người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở xã, phường, thị trấn. Bộ Tài chính bố trí kinh phí để thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được Thủ tướng phê duyệt trong giai đoạn 2001-2010; ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Tây Nguyên, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. |