Số 35.2008 (391) ngày 05/09/2008

 CHÍNH PHỦ


Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản
(SMS: 505887)
- Ngày 01/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 26/2008/CT-TTg về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Thủ tướng yêu cầu: các địa phương hoàn thành công việc rà soát việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, xử lý các vi phạm... trước ngày 31/10/2008. Xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền trong quý IV/2008.
Việc rà soát, cấp lại giấy phép khai thác phải theo lộ trình cụ thể, bảo đảm không gây cản trở, ách tắc sản xuất của tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác khoáng sản. Riêng việc rà soát, cấp lại giấy phép khai thác than vùng Quảng Ninh cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phải hoàn thành trước ngày 31/12/2008.
Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản phải thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường; nộp phí bảo vệ môi trường và bảo đảm phục hồi môi trường sau khai thác; bảo đảm hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản không làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa và các khu dân cư, các công trình hạ tầng khác.
Kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự, tước quyền sử dụng giấy phép, thu hồi giấy phép theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, tái phạm.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2008
(SMS: 505865)
- Ngày 29/8/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 20/2008/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm 2008 theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị và Kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X).
Nghị quyết nhấn mạnh việc thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục thực hiện giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; Tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, tăng cường quản lý thị trường và điều hành giá cả; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; Bảo đảm an sinh xã hội; Nhiệm vụ thứ năm, các Bộ, ngành và địa phương cần chú trọng thực hiện quy chế về thông tin, chủ động cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin về tình hình kinh tế xã hội và các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, doanh nghiệp, qua đó củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Để cụ thể hoá 5 nhóm nhiệm vụ này, ngay trong quý III năm 2008, Ngân hàng Nhà nước phải ban hành quy định mới về tiêu chí, điều kiện thành lập ngân hàng theo hướng nâng cao yêu cầu về quy mô vốn, trình độ quản lý và các điều kiện kỹ thuật khác để làm căn cứ rà soát, điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng hiện có, làm căn cứ cấp phép thành lập các ngân hàng mới. Trong khi chưa ban hành được các tiêu chí, điều kiện mới về thành lập ngân hàng, tạm thời chưa cấp phép thành lập mới các ngân hàng.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ nâng cao chất lượng hoạt động hoặc sáp nhập với ngân hàng khác để hình thành các ngân hàng lớn hơn, đủ sức phát triển trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Bộ Công Thương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ hải sản, công nghiệp có giá trị gia tăng cao như cơ khí, máy nông nghiệp, đóng tàu; thúc đẩy hoạt động gia công hàng hoá thuộc các ngành: điện tử, đồ gỗ, thuỷ sản,... để phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm ở mức 26 - 30%; tiếp tục áp dụng linh hoạt các biện pháp thuế quan và phi thuế quan (về kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật, xuất xứ hàng hoá đối với hàng nhập khẩu để kiểm soát nhập khẩu, bảo đảm tỷ lệ nhập siêu năm 2008 so với kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 30%.
Giữ ổn định giá bán đến hết năm 2008 đối với bốn mặt hàng là điện, nước sạch, cước xe buýt công cộng, than cho 4 hộ tiêu dùng lớn (điện, phân bón, xi măng, giấy). Ngoài các mặt hàng nói trên, các mặt hàng khác thuộc danh mục các mặt hàng đang thực hiện chủ trương kiềm chế giá, doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành sau khi đã áp dụng các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm thiểu tác động bất lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về kê khai, niêm yết và đăng ký giá…


Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng
(SMS: 505891)
- Ngày 29/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam đến năm 2020.
Theo đó, phát triển VLXD phải bảo đảm tính bền vững, góp phần phát triển kinh tế, tạo sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường; Phù hợp với các quy hoạch khác liên quan. Mọi nguồn lực sẽ được thu hút vào phát triển sản xuất VLXD. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất và kinh doanh VLXD.
Các nhà máy xi măng lò quay có công nghệ hiện đại, quy mô lớn, cơ giới hóa và tự động hóa cao, tiêu tốn ít nhiên liệu, nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sẽ được xây dựng. Không đầu tư mới các nhà máy xi măng lò đứng và trạm nghiền không có cơ sở sản xuất clinker. Dự kiến, sản lượng xi măng sẽ tăng mạnh, từ hơn 59 triệu tấn năm 2010 lên 88,5 triệu tấn năm 2015 và 112 triệu tấn năm 2020.
Đối với kính xây dựng, chú trọng sản xuất các mặt hàng kính có kích thước và độ dày lớn, các loại kính có tác dụng cách âm, cách nhiệt, kính có khả năng tự làm sạch... Đầu tư mới công nghệ kính nổi hiện đại. Đến năm 2020, sản lượng kính xây dựng sẽ đạt hơn 200 triệu m2.
Về gạch đất sét nung, phát triển sản xuất gạch nung chất lượng cao có giá trị kinh tế, đặc biệt là các loại gạch xây không trát phục vụ xây dựng trong nước và xuất khẩu.
Về vật liệu xây không nung, tỷ lệ gạch không nung đến năm 2015 đạt 20 - 25% và năm 2020 là 30 - 40% tổng số vật liệu xây trong nước.
Đối với vật liệu lợp, phát triển sản xuất ngói nung truyền thống 22 viên/m2 ở các địa phương có nguồn nguyên liệu. Nghiêm cấm sử dụng amiăng amfibole (amiăng nâu và xanh) trong sản xuất tấm lợp. Đến năm 2020, sản lượng vật liệu lợp dự kiến đạt 224 triệu m2.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển các vật liệu ốp lát nội thất với những tính năng đặc biệt như ngăn ngừa sự ngưng tụ hơi nước, bám bẩm, có khả năng hút mùi hôi... Phát triển sản xuất ván gỗ công nghiệp để thay thế gỗ tự nhiên trong xây dựng, tấm trần từ các nguyên liệu chính là keo hữu cơ và sợi vải thủy tinh có khả năng chống cháy, các vật liệu cách âm, cách nhiệt từ bông sợi khoáng, bông thủy tinh, bông gốm...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Điều kiện xác định tai nạn nghề nghiệp
(SMS: 505890)
- Ngày 29/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 120/2008/QĐ-TTg quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Theo đó, người được xác định bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện: khi đang thi hành nhiệm vụ bị 1 trong 3 tai nạn (bị kim, vật nhọn đâm, vật sắc cứa xuyên qua da hoặc vật làm da bị trầy xước, nứt nẻ mà những vật này đã tiếp xúc với máu, sản phẩm máu hoặc dịch cơ thể người nghi nhiễm HIV; bị máu, sản phẩm máu, dịch cơ thể người nghi nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với da bị trầy xước, nứt nẻ hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mắt, mũi, miệng); có Biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp và được lập trong vòng 48 giờ kể từ khi xảy ra tai nạn, có xác nhận của người làm chứng và được thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người bị phơi nhiễm với HIV ký, xác nhận; kết quả xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật ELISA của người bị phơi nhiễm với HIV là âm tính.
Điều kiện xác định người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp gồm: có Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV của cơ quan có thẩm quyền và kết quả xét nghiệm HIV của người bị phơi nhiễm với HIV tại 1 trong 3 thời điểm: 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng sau khi bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp là dương tính do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
Các cơ quan tiếp nhận hồ sơ và có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, gồm: Cục Quân y thuộc Bộ Quốc phòng; Cục Y tế Bộ Công an; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Y tế thuộc Bộ Giao thông vận tải; Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thuế xuất khẩu tuyệt đối mặt hàng quặng
(SMS: 505888)
- Ngày 29/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban  hành Quyết định số 119/2008/QĐ-TTg về việc ban hành mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng quặng đồng thô và tinh quặng đồng.
Thủ tướng quyết định ban hành mức thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu đối với mặt hàng quặng đồng thô và tinh quặng đồng (thuộc phân nhóm 2603.00.00.00) là 200 USD/tấn.
Bên cạnh đó, giao Bộ Tài chính, căn cứ tình hình biến động của thị trường và giá cả các mặt hàng đồng thô và tinh quặng đồng trong từng thời kỳ, điều chỉnh tăng hoặc giảm không quá 20% mức thuế tuyệt đối trên. Trong trường hợp cần điều chỉnh vượt trên 20%, Bộ Tài chính có trách nhiệm trình Thủ tướng quyết định.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý dịch vụ Internet
(SMS: 505866)
- Ngày 28/8/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.
Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam để cung cấp dịch vụ Internet cho công cộng. Doanh nghiệp có quyền từ chối hoặc tạm ngừng, ngừng cung cấp dịch vụ trong 1 số trường hợp như: người sử dụng dịch vụ Internet vi phạm pháp luật về Internet; không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cước sử dụng...; Thiết bị truy cập đầu cuối Internet gây mất an toàn cho hệ thống thiết bị Internet, cho doanh nghiệp cung cấp và người sử dụng Internet...
Đại lý Internet là tổ chức, cá nhân tại Việt Nam nhân danh doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông cho người sử dụng thông qua hợp đồng đại lý và hưởng thù lao. Trong đó lưu ý, các tổ chức, cá nhân là chủ khách sạn, nhà hàng, văn phòng, sân bay... khi cung cấp dịch vụ Internet cho người sử dụng không thu cước dịch vụ trong phạm vi các địa điểm nói trên đều phải ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và thực hiện đầy đủ các quy định về đại lý, trừ các quy định liên quan đến giá cước đối với người sử dụng dịch vụ.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet được thuê đường truyền dẫn của các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng để kết nối trực tiếp đi quốc tế, kết nối trực tiếp với nhau hoặc kết nối với các trạm trung chuyển Internet. Các mạng Internet dùng riêng không được kết nối  trực tiếp với nhau.
Về nguyên tắc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên Internet phải tuân thủ các quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, pháp luật về sở hữu trí tuệ, báo chí, xuất bản, bảo vệ bí mật nhà nước, bản quyền, quảng cáo và các quy định quản lý thông tin điện tử trên Internet. Các cơ quan báo chí đã được cấp Giấy phép hoạt động báo điện tử theo quy định của pháp luật về báo chí được thiết lập trang thông tin điện tử sử dụng cho hoạt động báo chí. Các doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử để cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nhà nước khuyến khích, tăng cường đưa thông tin tiếng Việt lên mạng Internet. Tên miền quốc gia ".vn", địa chỉ Internet và số hiệu mạng Internet do Việt Nam quản lý là một phần của tài nguyên thông tin quốc gia, cần phải được quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Khuyến khích và tạo điều kiện để sử dụng rộng rãi tên miền quốc gia ".vn" và thế hệ địa chỉ Internet IPv6. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam và các tên miền quốc tế…
Nghị định này có nhiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế
(SMS: 505870)
- Ngày 27/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 117/2008/QĐ-TTg về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội.
Cụ thể, có 4 nhóm đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng bằng 3% mức lương tối thiểu chung bao gồm: Các đối tượng được khám, chữa bệnh theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg; Đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở một số vùng theo các Quyết định số: 24, 25, 26 và 27/2008/QĐ-TTg; Người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội; Người thuộc hộ gia đình cận nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 130% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định…
Ngân sách Nhà nước bảo đảm nguồn đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc nhóm 1, 2 và 3 và hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc nhóm 4.
Ngoài ra, ngân sách Trung ương cũng hỗ trợ 100% kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; hỗ trợ 50% kinh phí cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2008.


Quản lý tài sản nhà nước
(SMS: 505868)
- Ngày 27/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/2008/QĐ-TTg ban hành Quy đinh về công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Theo đó, việc công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được thực hiện đối với các loại tài sản: nhà, vật kiến trúc, công trình xây dựng, phương tiện đi lại, tài sản được quy định là tài sản cố định (hữu hình) theo quy định về chế độ quản lý tài sản cố định được hình thành từ nguồn gốc ngân sách; Tài sản là hàng viện trợ, quà biếu, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước, được Nhà nước giao cho các đơn vị, cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng.
Về nguyên tắc, cơ quan có trách nhiệm công khai quản lý, tài sản nhà nước phải cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về quản lý, sử dụng tài sản qua các hình thức: công bố trong các kỳ họp thường niên của cơ quan, đơn vị, tổ chức; Phát hành ấn phẩm; Niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan; Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; Đưa thông tin lên trang thông tin điện tử và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có 6 nội dung công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gồm: Chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Kinh phí, kế hoạch đầu tư, mua sắm, trang bị tài sản nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Điều chuyển, thanh lý, bán, chuyển nhượng và các hình thức chuyển đổi sở hữu khác đối với tài sản nhà nước (nội dung này được thực hiện định kỳ hàng năm, chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch); Quản lý, sử dụng các tài sản được viện trợ, quà biếu, tặng cho. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận tài sản này, cơ quan, đơn vị nhận viện trợ, quà biếu, tặng cho phải công khai quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền và phương án sử dụng tài sản tại đơn vị mình và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên theo quy định.
Các tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc đối tượng được tiếp nhận thông tin công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có quyền được chất vấn cơ quan, tổ chức, đơn vị về các nội dung công khai trên. Việc chất vấn được thực hiện theo quy chế công khai, dân chủ ở cơ sở. Người có trách nhiệm thực hiện công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải trả lời chất vấn cho người chất vấn chậm nhất không quá 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận nội dung chất vấn.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Giảm thuế nhật khẩu một số chủng loại giấy
(SMS: 505889)
- Ngày 01/9/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 71/2008/QĐ-BTC về việc sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, giấy in báo, dạng cuộn hoặc tờ định lượng không quá 55g/m2 áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu mới là 20% (quy định hiện hành là 32%); Giấy và cáctông sản xuất thủ công giảm từ 32% xuống 20%; Giấy và cáctông trang trí kể cả loại có hình bóng nước, loại làm giả vân đá, loại có các sợi, hỗn hợp các đốm mầu hoặc giấy da giả cổ, ở dạng cuộn với chiều rộng từ 15cm trở xuống giảm từ mức 32% xuống 25%...
Các loại khác nằm trong nhóm 4801 và 4802 vẫn giữ nguyên mức thuế suất 5%, 20%, 32%... như: giấy làm nền sản xuất giấy carbon và nhôm…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn
(SMS: 505900)
- Theo Thông tư số 75/2008/TT-BTC ban hành ngày 28/8/2008, Bộ Tài chính hướng dẫn: đối với các công việc được thực hiện thông qua các hợp đồng xây dựng: việc thanh toán hợp đồng phù hợp với từng loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng. Số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán và điều kiện thanh toán phải được ghi rõ trong hợp đồng.
Đối với giá hợp đồng trọn gói: thanh toán theo tỉ lệ % giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình hoàn thành tương ứng với các giai đoạn thanh toán được ghi trong hợp đồng. Sau khi hoàn thành hợp đồng và được nghiệm thu, bên giao thầu thanh toán cho bên nhận thầu toàn bộ giá hợp đồng đã ký và các khoản tiền được điều chỉnh giá (nếu có).
Đối với giá hợp đồng theo đơn giá cố định: thanh toán trên cơ sở khối lượng các công việc hoàn thành (kể cả khối lượng phát sinh được duyệt theo thẩm quyền, nếu có) được nghiệm thu trong giai đoạn thanh toán và đơn giá tương ứng với các công việc đó đã ghi trong hợp đồng hoặc phụ lục bổ sung hợp đồng. Sau khi hoàn thành hợp đồng và được nghiệm thu, bên giao thầu thanh toán cho bên nhận thầu toàn bộ giá hợp đồng đã ký và các khoản tiền được điều chỉnh giá (nếu có).
Đối với giá hợp đồng theo giá điều chỉnh: thanh toán trên cơ sở khối lượng các công việc hoàn thành (kể cả khối lượng phát sinh được duyệt theo thẩm quyền, nếu có) được nghiệm thu trong giai đoạn thanh toán và đơn giá đã điều chỉnh theo quy định của hợp đồng. Trường hợp đến giai đoạn thanh toán vẫn chưa đủ điều kiện điều chỉnh đơn giá thì sử dụng đơn giá tạm tính khi ký hợp đồng để thực hiện thanh toán và điều chỉnh giá trị thanh toán khi có đơn giá điều chỉnh theo đúng quy định của hợp đồng. Sau khi hoàn thành hợp đồng và được nghiệm thu, bên giao thầu thanh toán cho bên nhận thầu toàn bộ giá hợp đồng đã ký và các khoản tiền được điều chỉnh giá (nếu có).

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.