Số 35.2007 (340) ngày 07/09/2007

 

 CHÍNH PHỦ


Chính sách ưu đãi đào tạo
(SMS: 501436)
- Ngày 04/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 21/2007/CT-TTg về thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và dạy nghề.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: phải bảo đảm cho các sinh viên này không phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu (ăn, ở, đi lại, tài liệu học tập).
Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng phương án về mức cho mỗi sinh viên vay, điều kiện và phương thức cho vay, phương thức thanh toán sau khi đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, công bố trước ngày 30/9/2007…
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp rà soát danh sách các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã trúng tuyển đại học, cao đẳng năm học 2007 - 2008 hoặc đang học đại học, cao đẳng, có biện pháp hỗ trợ kịp thời, không để một học sinh nào đã trúng tuyển mà phải bỏ học vì không đủ tiền tầu xe đến trường và ăn, ở trong hai tháng đầu tiên của năm học thứ nhất.


Chính sách đối với nhà thuộc sở hữu nhà nước
(SMS: 501423)
- Ngày 30/8/2007, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 48/2007/NQ-CP về việc điều chỉnh một số nội dung chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP và giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước chưa được cải tạo, xây dựng lại.
Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý toàn bộ quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước diện tự quản trên địa bàn và báo cáo Thủ tướng về tình hình quản lý quỹ nhà ở thuộc diện tự quản chậm nhất vào ngày 01/10/2007, trong đó nêu rõ trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị không thực hiện việc bàn giao; chỉ đạo cơ quan quản lý nhà ở của địa phương thực hiện quản lý trực tiếp quỹ nhà ở này…
UBND cấp tỉnh căn cứ Đề án bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được HĐND cùng cấp thông qua, tiến hành phân định rõ từng loại nhà ở, cấp hạng nhà ở, từng khu vực để quyết định phương thức bán cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể, đối với nhà ở cấp IV tại các khu tập thể, khi bán, giá đất và giá nhà được áp dụng theo điểm a và điểm b Mục 2 Nghị quyết số 23/2006/NQ-CP. Tiền sử dụng đất trong giá bán nhà được ghi nợ không có lãi suất trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cấp cho người mua. Trong thời gian chưa trả hết tiền mua nhà, nếu người mua nhà tiến hành giao dịch đối với nhà ở đó (bán, tặng cho, đổi, thế chấp) thì phải trả hết khoản nợ tiền sử dụng đất trước khi thực hiện các giao dịch này.
Đối với nhà chung cư có cấu trúc kiểu căn hộ không khép kín mà địa phương chưa có điều kiện cải tạo, xây dựng lại nhưng các hộ thuê đã tự cải tạo, đảm bảo việc sử dụng độc lập, tự nguyện và đồng thuận thông qua cam kết bằng văn bản đề nghị được mua thì cho phép bán theo quy định tại Nghị định số 61/CP, Nghị quyết số 23/2006/NQ-CP và Nghị quyết này…
Từ ngày 01/01/2008, giá cho thuê đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước chưa cải tạo, xây dựng lại được áp dụng theo giá cho thuê mới phù hợp với từng đối tượng, cấp hạng và chất lượng nhà ở; phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành…


Quy hoạch xây dựng vùng biên giới
(SMS: 501424)
- Ngày 30/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1151/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung đến năm 2020, với phạm vi gồm các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh, với tổng diện tích đất tự nhiên 5.126.329 ha…
Quy hoạch này nhấn mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) toàn diện, khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội, ngoại vùng, các thế mạnh về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch, văn hóa, sinh thái cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, hướng tới phát triển bền vững…
Cụ thể, đến năm 2020, hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn dọc tuyến hành lang biên giới Việt - Trung được bố trí theo dạng liên kết-hỗ trợ, phân bố đều theo khoảng cách giữa các lưới đường giao thông cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Các đô thị dịch vụ - thương mại cửa khẩu là đô thị động lực hoặc đô thị hạt nhân gắn kết, thúc đẩy phát triển các đô thị khác, nhất là các điểm dân nông thôn trong vùng.
Quy hoạch cũng quy định chi tiết về phân vùng phát triển kinh tế, định hướng quy hoạch giao thông và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội. Trong đó, các tỉnh trong vùng cần hoàn thiện hệ thống giáo dục phổ thông, đặc biệt cần chú ý tới các huyện giáp biên để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH, tiến tới rút ngắn khoảng cách với vùng xuôi. Tại các đô thị trung tâm vùng như các thành phố Hạ Long, Lào Cai, Lạng Sơn, quy hoạch xây dựng các cụm trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề; còn ở các đô thị tỉnh lỵ, quy hoạch xây dựng các trường dạy nghề đa ngành, đa lĩnh vực đáp ứng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đầu tư phát triển địa phương
(SMS: 501437)
- Ngày 28/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (QĐTĐP) do các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thành lập.
Theo đó, Quỹ này hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự bù đắp chi phí và tự chịu rủi ro, ngân sách nhà nước không cấp kinh phí hoạt động. Số vốn điều lệ tối thiểu để thành lập Quỹ là 100 tỷ đồng.
Đối tượng đầu tư của QĐTĐP là các dự án đầu tư đã được HĐND cấp tỉnh thông qua như: các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu chế xuất, công nghiệp; các dự án đầu tư xây dựng nhà ở và phát triển khu đô thị mới; dự án cải tạo và bảo vệ môi trường. QĐTĐP có thể thực hiện đầu tư với tư cách là chủ đầu tư hoặc tham gia góp vốn với tổ chức khác.
Nếu mức vốn đầu tư trực tiếp cho một dự án chiếm trên 10% vốn chủ sở hữu của QĐTĐP (hoặc trên 15% nếu là đầu tư gián tiếp) thì UBND cấp tỉnh sẽ phải quyết định. UBND cấp tỉnh cũng quyết định nếu thời hạn cho vay vượt quá 15 năm. Về nguyên tắc, lãi suất cho vay của QĐTĐP không được thấp hơn lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước.
QĐTĐP được phép huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; được phép nhận ủy thác và ủy thác các tổ chức, cá nhân khác; QĐTĐP quyết định góp vốn thành lập các tổ chức kinh tế trên tinh thần mức vốn góp đối với một doanh nghiệp đến 10% vốn chủ sở hữu của Quỹ, nếu trên 10% vốn chủ hữu của QĐTĐP sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ CÔNG THƯƠNG


Điều kiện sản xuất, kinh doanh thuôc lá
(SMS: 501438)
- Ngày 30/8/2007, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 001/2007/TT-BCT hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 119/2007/NĐ-CP về sản xuất và kinh doanh thuốc lá.
Theo đó, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nguyên liệu thuốc lá, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của của doanh nghiệp phái đáp ứng các điều kiện sau: Diện tích của cơ sở kinh doanh nguyên liệu bao gồm khu phân loại, đóng kiện và kho nguyên liệu phải đủ rộng, phù hợp quy mô kinh doanh và tổng diện tích không dưới 500m2; Có kho riêng cho nguyên liệu thuốc lá. Kho phải có hệ thống thông gió và các trang thiết bị phù hợp yêu cầu bảo quản nguyên liệu thuốc lá bao gồm: các nhiệt kế, ẩm kế kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí trong kho, các phương tiện phòng chống sâu, mối mọt; phải có đủ các giá hoặc bục, kệ đỡ kiện thuốc lá được sắp xếp cách mặt nền tối thiểu 20cm và cách tường, cột tối thiểu 50cm…
Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá phải tham gia đầu tư trồng nguyên liệu thuốc lá dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc liên kết đầu tư thông qua các thương nhân kinh doanh nguyên liệu thuốc lá có đầu tư trực tiếp trồng thuốc lá phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá được phê duyệt…
Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá phải sử dụng nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước để sản xuất sản phẩm thuốc lá theo kế hoạch hàng năm của Bộ Công Thương, trừ trường hợp sản xuất sản phẩm thuốc lá nhãn quốc tế hoặc sản phẩm thuốc lá để xuất khẩu. Kế hoạch này được xác định phù hợp với Chiến lược, quy hoạch tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam, Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá được phê duyệt.
Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá phải có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hoá đã được đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.


Phát triển ngành công nghiệp xe máy
(SMS: 501426)
- Ngày 29/8/2007, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 002/2007/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xe máy Việt Nam giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020.
Quy hoạch được xây dựng trên quan điểm: phát triển các cơ sở sản xuất lắp ráp xe máy phải đồng bộ với sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại hoá, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất trong ngành, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; Phát triển ngành công nghiệp xe máy phải gắn liền với việc bảo đảm các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng sản phẩm, về an toàn giao thông đường bộ, về bảo vệ môi trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo đảm hài hoà lợi ích của người tiêu dùng, của xã hội, của Nhà nước và của doanh nghiệp…

Mục tiêu đến năm 2015 Việt Nam trở thành một Trung tâm thiết kế, sản xuất và lắp ráp xe máy quy mô lớn, có tính cạnh tranh trong khu v
ực, hội nhập đầy đủ vào thị trường khu vực và quốc tế. Đáp ứng 100% nhu cầu xe thông dụng ở khu vực nông thôn, 90% xe máy ở khu vực thành thị, đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60% đối với xe tay ga và trên 90% đối với xe số thông dụng. Việt Nam cũng đặt mục tiêu sản xuất được các loại xe máy phân khối trên 125 cm3, xe tay ga cao cấp, xe thể thao, xe máy 3-4 bánh cho người tàn tật, xe địa hình phục vụ du lịch, xe vận chuyển nông sản...
Ngoài ra, ngành còn phấn đấu xuất khẩu xe gắn máy và phụ tùng xe gắn máy đạt kim ngạch khoảng 400 triệu USD. Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ xe máy, ngành sẽ tham gia vào hệ thống sản xuất và cung cấp linh phụ kiện cho các tập đoàn xe máy quốc tế…

Đầu tư xây dựng một đến hai Khu công nghiệp hỗ trợ tập trung ở 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam nhằm tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư các cơ sở sản xuất hỗ trợ tại các khu vực gần các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy hiện có...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Quy định về áp dụng lãi suất tín dụng
(SMS: 501427)
- Ngày 30/8/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 75/2007/QĐ-BTC Về việc công bố lãi suất tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư.
Theo đó, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 7,5%/năm.
Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 8,4%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 6,9%/năm.
Lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 8,7%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 6,9%/năm.
Mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư là 3,9%/năm và áp dụng cho hợp đồng hỗ trợ sau đầu tư ký với Ngân hàng phát triển Việt Nam kể từ ngày 16/01/2007.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử lý rủi ro vốn tín dụng nhà nước
(SMS: 501429)
- Ngày 30/8/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 105/2007/TT-BTC hướng dẫn xử lý rủi ro vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Theo đó, các biện pháp xử lý rủi ro được áp dụng là: gia hạn nợ, khoanh nợ, xoá nợ (gốc, lãi) và bán nợ.
Việc xử lý phải tuân theo nguyên tắc: chỉ xem xét xử lý rủi ro cho khách hàng có các dự án vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước gặp rủi ro bất khả kháng và khó khăn về tài chính của Doanh nghiệp Nhà nước nhất thiết phải được xử lý khi chuyển đổi sở hữu, không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn…
Một dự án có thể được áp dụng đồng thời nhiều biện pháp xử lý rủi ro. Căn cứ vào mức độ thiệt hại và nguyên nhân dẫn đến rủi ro để áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro phù hợp…
Chỉ xem xét áp dụng biện pháp xoá nợ vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước sau khi đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo quy định, bao gồm cả việc bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm (đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc) mà khách hàng vẫn không còn nguồn để trả nợ…
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công
(SMS: 501428)
- Ngày 29/8/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 103/2007/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và công ty nhà nước.
Theo đó, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hoạt động trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn mà xe hiện có đã đủ điều kiện thanh lý nhưng không có xe điều chuyển; không có điều kiện thuê được xe ô tô của tổ chức cung ứng dịch vụ phục vụ công tác thì được mua mới với giá mua tối đa không quá 550 triệu đồng/xe, nếu phải mua xe 2 cầu thì giá tối đa 800 triệu đồng/xe…
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quy định số lượng, chủng loại đối với xe chuyên dùng trang bị cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc trung ương quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định số lượng, chủng loại đối với xe chuyên dùng trang bị cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực HĐND cùng cấp…

Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ban quản lý dự án mới thành lập sau ngày 10/6/2007 mà có chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 được trang bị 01 xe ô tô phục vụ công tác từ nguồn điều chuyển, trường hợp không có xe điều chuyển và không thuê được xe ô tô của tổ chức cung ứng dịch vụ thì được mua mới 01 xe ô tô phục vụ công tác với giá tối đa 550 triệu đồng/xe…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.