Số 35.2006 (289) ngày 08/09/2006

 CHÍNH PHỦ


Nhãn hàng hoá
(SMS: 201843)
- Theo Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ban hành ngày 30/9/2006, Chính phủ quy đinh: nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm: Tên hàng hoá; tên địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; xuất xứ hàng hoá; Thành phần, thành phần định lượng; Thông số kỹ thuật, thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn...
Tên hàng hoá ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá tự đặt. Tên hàng hoá không được làm hiểu sai lệch về bản chất và công dụng của hàng hoá...
Trường hợp trong một bao bì thương phẩm có nhiều đơn vị hàng hoá thì phải ghi định lượng của từng đơn vị và định lượng tổng các đơn vị...
Đối với thuốc dùng cho người, văcxin, sinh phẩm y tế, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, bảo vệ thực vật phải ghi thành phần và hàm lượng các hoạt chất (đối với mỹ phẩm còn phải ghi các phụ gia)...
Những hàng hoá không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là: Bất động sản; hàng hoá tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hoá quá cảnh, hàng hoá chuyển khẩu; quà biếu, tặng; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, tài sản di chuyển. Ngoài các đối tượng quy định trên, tuỳ theo sự phát triển của thị trường, cơ quan quản lý của Nhà nước về nhãn hàng hoá sẽ đề xuất bổ sung...
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất việc quản lý Nhà nước về nhãn hàng hoá trên phạm vi cả nước.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đăng ký kinh doanh
(SMS: 201842)
- Theo Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ban hành ngày 29/8/2006, Chính phủ quy định: doanh nghiệp không được đặt trùng tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; không được sử dụng tên thương mại của tổ chức, cá nhân khác đã đăng ký bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại đó...
Bên cạnh đó, nhà nước cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên doanh nghiệp...
Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Trong trường hợp này, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đặt tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi thông báo nơi đặt địa điểm kinh doanh tới Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh...
Hộ kinh doanh có sử dụng thường xuyên hơn 10 lao động phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vu có thu nhập thấp không phải đang ký kinh doanh, trừ những ngành, nghề có điều kiện...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đề án giải quyết việc lầm đối với người nghiện ma tuý
(SMS: 201840)
- Ngày 29/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án ''Thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy'' tại tỉnh Long An.
Đề án này nhằm mục tiêu: phát huy hiệu quả của giai đoạn cai nghiện tập trung, tiếp tục quản lý, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm, đạo đức, pháp luật cho người sau cai, dạy văn hoá tối thiểu đến hết trung học cơ sở, dạy ngắn hạn để củng cố tay nghề cho những nghề lao động giản đơn bậc 2/7, dạy dài hạn để nâng cao tay nghề cấp chứng chỉ bậc 3/7 cho những nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tạo việc làm để người sau cai nghiện vừa thực hành nghề đã học vừa tham gia lao động sản xuất...
Việc đưa người sau cai vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện phải tuân theo nguyên tắc chung là thực hiện bằng cách vận động, thuyết phục họ tự nguyện tham gia là chính...
Người cai nghiện lần đầu có nhân thân tốt, có nghề nghiệp ổn định hoặc là học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức có nhiều cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện phục hồi nhân cách, có sức khoẻ, có tiến bộ trong quá trình cai nghiện, được gia đình cam kết bảo lãnh không để tái nghiện và chính quyền, tổ chức đoàn thể ở cơ sở (phường, xã, thị trấn) cam kết cộng đồng trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát hoặc doanh nghiệp có cam kết bảo lãnh tiếp nhận để người sau cai nghiện tiếp tục làm việc và học tập...
Đề án này được thực hiện từ tháng 8/2006 đến tháng 8/2008.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Biện pháp xử lý vấn đề đình công
(SMS: 304169)
- Ngày 29/8/2006, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 134/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp bàn biện pháp xử lý vần đề đình công trong giai đoạn tới.
Thủ tướng kết luận: đình công, lãn công là một hiện tượng trong nền kinh tế thị trường, vấn đề quan trọng là phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước phải có cơ chế, chính sách bảo đảm hài hòa lợi ích chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích quốc gia, bảo đảm ổn định môi trường đầu tư cũng như môi trường xã hội...
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động áp dụng đối với doanh nghiệp FDI (về xây dựng thang, bảng lương, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể); khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong DN và xác định lộ trình thực hiện mức lương tối thiểu thống nhất, trình Chính phủ trong quý IV năm 2006...
UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm theo dõi tình hình đình công trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập tổ công tác phát hiện và đề xuất kịp thời các biện pháp giải quyết, ngăn ngừa những diễn biến xấu, tác động không tốt đến môi trường đầu tư...


Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Khoa học và Công nghệ
(SMS: 201837)
- Theo Nghị định số 87/2006/NĐ-CP ban hành ngày 28/8/2006, Chính phủ quy định: hoạt động thanh tra được thực hiện dưới hình thức thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất. Việc thanh tra theo chương trình, kế hoạch được tiến hành theo chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, định kỳ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao...
Việc thanh tra được thực hiện theo phương thức Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên độc lập...
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung thanh tra phải cung cấp đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp. Việc cung cấp, sử dụng và quản lý thông tin, tài liệu có nội dung thuộc bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước...
Nghị định
này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Phát triển kinh tế - xã hội
(SMS: 201839)
- Ngày 25/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 195/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tây đến năm 2020.
Thủ tướng yêu cầu: đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá; kết hợp giữa phát triển đô thị như một trung tâm phát triển gắn với vành đai nông thôn. Các đô thị của Hà Tây phải được phát triển hiện đại, bảo đảm được chức năng là các đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Đô thị hoá gắn liền với các đề án tái định cư, hỗ trợ và đào tạo nghề cho nông dân nơi Nhà nước thu hồi đất...
Bên cạnh đó, cúng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng phát triển mạnh kinh tế công nghiệp, dịch vụ để tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng lợi thế, trở thành ngành kinh tế quan trọng; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao, bền vững; sớm đưa Hà Tây trở thành tỉnh công nghiệp với một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối hiện đại và đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với hệ thống hạ tầng của vùng Hà Nội; văn hóa phát triển lành mạnh, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc; kinh tế phát triển đạt và vượt mức bình quân chung của cả nước, từng bước trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và y tế chất lượng cao của Vùng; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao tích luỹ nội bộ...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Soạn thảo văn bản hướng dẫn
(SMS: 201836)
- Theo Chỉ thị số 31/2006/CT-TTg ra ngày 25/8/2006 đẩy mạnh công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Thủ tưởng Chính phủ chỉ thị: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải xác định công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác của Bộ, ngành...
Những dự thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ sau ngày 01/7/2006, chậm nhất 30 ngày trước thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh phải hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng...
Thực hiện nghiêm thời hạn cho ý kiến đối với dự thảo các văn bản do cơ quan chủ trì soạn thảo gửi đến theo Quy chế làm việc của Chính phủ. Sau thời hạn này, nếu cơ quan được hỏi ý kiến không có ý kiến trả lời thì được xem như đồng ý với dự thảo văn bản...

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, trong trường hợp không thống nhất được hoặc gặp những vấn đề lớn, phức tạp phát sinh trong quá trình soạn thảo thì phải kịp thời báo cáo và đề xuất hướng giải quyết với Thủ tướng...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu
(SMS: 201835)
- Ngày 31/8/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 45/2006/QĐ-BTC về việc ban hành mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, hầu hết các loại xăng động cơ có pha chì, không pha chì, loại cao cấp hoặc thông dụng, xăng máy bay, dung môi, naptha, reformatic và các chế phẩm khác để pha chế xăng, dầu nhẹ đều được áp dụng mức thuế chung 5%, thay cho mức cũ 0%. Ngoài ra, các loại dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc thu được từ các khoáng bitum (trừ dầu thô) và các chế phẩm chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác, có chứa từ 70% khối lượng trở lên là dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ... cũng áp dụng mức thuế 5%. Riêng dầu hỏa thắp sáng (kể cả dầu hóa hơi), dầu diezel vẫn giữ nguyên thuế suất như cũ là 0% (Nhà nước vẫn đang phải bù lỗ cho mặt hàng này)...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 05/9/2006.
 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN


Quy trình thủ tục hải quan
(SMS: 201838)
- Ngày 29/8/2006, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1582/QĐ-TCHQ ban hành Quy trình thủ tục hải quan đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng.
Theo đó, thời hạn để thuyền trưởng hoặc người đại diện hợp pháp và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng làm thủ tục cho tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh là 02 giờ. Riêng tàu khách và tàu chuyên tuyến, thời gian chậm nhất là ngay trước thời điểm tàu chuẩn bị rời cảng...
Trường hợp tàu có chuyên chở hàng hóa nhập khẩu chuyển cảng, hàng hóa quá cảnh, hàng trung chuyển ngoài việc nộp thêm các bản khai theo quy định thì yêu cầu thuyền trưởng nộp thêm bản khai hàng hóa chuyển cảng, quá cảnh, trung chuyển khi làm thủ tục nhập cảnh cho tàu...
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu chuyển cảng, nếu người vận tải vận chuyển lô hàng nhập khẩu về cảng nhập nhưng không tiếp tục vận chuyển đến cảng đích mà uỷ quyền bằng điện uỷ quyền cho một doanh nghiệp có chức năng kinh doanh vận tải hàng hóa vận chuyển đến cảng đích ghi trên vận tải đơn thì Chi cục trưởng chấp thuận việc uỷ quyền đó...
Đối với hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan được đưa vào cảng thì chủ hàng hoàn toàn chịu trách nhiệm tự quản lý, Hải quan giám sát chỉ kiểm tra số, ký hiệu container, số kiện (đối với hàng rời), tình trạng bên ngoài, niêm phong hải quan (nếu có), nhập dữ liệu vào máy tính hoặc sổ theo dõi quản lý...

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 13/9/2006.