Số 34.2010 (492) ngày 31/08/2010

CHÍNH PHỦ

Phê duyệt Đề án tuyên truyền Luật Dân quân tự vệ (SMS: 1602/QD-TTg) - Ngày 27/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1602/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Dân quân tự vệ. Mục tiêu cụ thể của Đề án này là đến hết năm 2012, bảo đảm 100% cán bộ, đảng viên, các cấp các ngành được quán triệt, học tập và không ngừng nâng cao nhận thức về pháp luật dân quân tự vệ; tổ chức triển khai vận dụng tốt công tác dân quân tự vệ theo chức trách, nhiệm vụ ở mỗi cấp, mỗi ngành; bảo đảm 100% dân quân tự vệ được phổ biến, tuyên truyền học tập, nắm chắc các nội dung pháp luật dân quân tự vệ; bảo đảm phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về pháp luật dân quân tự vệ.
Phạm vi thực hiện Đề án này là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành; trọng tâm là các nội dung liên quan đến công tác tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng dân quân tự vệ. Ngân sách Trung ương dự kiến khoảng 23,73 tỷ đồng bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Đề án theo quy định tại mục I, phụ lục II kèm theo Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 26/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ; ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về dân quân tự vệ thuộc nhiệm vụ của địa phương. Các doanh nghiệp sử dụng kinh phí thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Dân quân tự vệ; khoản kinh phí này được tính vào khoản khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Thống kê (SMS: 54/2010/QD-TTg) - Theo quy định tại Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê; tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật. Cơ quan này có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định: các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thống kê; chiến lược, quy hoạch, chương trình hành động, đề án, dự án quan trọng về thống kê; hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cơ sở, chế độ báo cáo thống kê tổng hợp, chương trình điều tra thống kê quốc gia…
Tổng cục Thống kê được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất. Tổng cục Thống kê có một Tổng cục trưởng và không quá 03 Phó tổng cục trưởng, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật. Tổng cục trưởng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục Thống kê.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2010.
Phân công soạn thảo dự án luật, pháp lệnh năm 2011 (SMS: 1586/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24/8/2010 ban hành Bản phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội. Theo đó, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ được phân công chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh có trách nhiệm củng cố hoạt động của các Ban soạn thảo đã được thành lập. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định thay đổi, bổ sung thành phần Ban soạn thảo cho phù hợp với yêu cầu của từng dự án; thành lập Ban soạn thảo và tổ chức ngay việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh mới được bổ sung vào Chương trình, kể cả các dự án thuộc Chương trình chuẩn bị.
Trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Định kỳ hàng quý, 20 ngày trước khi kết thúc tháng cuối cùng của quý, cơ quan chủ trì soạn thảo gửi báo cáo về tình hình tiến độ soạn thảo các dự án đã được phân công, qua đó nêu rõ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình soạn thảo đến Bộ Tư pháp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Kèm theo Quyết định này là Bản phân công cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh năm 2011 của Chính phủ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chế độ trợ cấp đối với cán bộ ngành công an (SMS: 53/2010/QD-TTg) - Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ từ ngày 30/4/1975 trở về trước có dưới 20 năm công tác trong công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương. Theo đó, trợ cấp hàng tháng được tính theo số năm công tác thực tế trong công an nhân dân: đủ 15 năm được trợ cấp 813.614 đồng/người/tháng, sau đó cứ thêm một năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 5% trên mức trợ cấp khởi điểm. Khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp hàng tháng thì mức trợ cấp hàng tháng nêu trên được điều chỉnh tương ứng theo quy định của Chính phủ. Người được hưởng trợ cấp hàng tháng từ trần thì thôi hưởng từ tháng tiếp theo; thân nhân của người từ trần được trợ cấp một lần bằng 03 tháng trợ cấp hiện hưởng của người từ trần. Đối tượng đã được hưởng trợ cấp một lần quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005; khoản 2, Điều 1 Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ đủ điều kiện chuyển sang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng thì ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện truy thu khoản trợ cấp một lần đã nhận vào ngân sách nhà nước.
Trợ cấp một lần được tính theo số năm công tác thực tế trong công an nhân dân: đủ 2 năm trở xuống được trợ cấp bằng 02 triệu đồng; từ năm thứ 3 trở đi, cứ mỗi năm được trợ cấp bằng 600 ngàn đồng. Trường hợp có tháng lẻ: dưới 6 tháng được tính bằng một nửa (1/2) mức hưởng của một năm, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính bằng mức hưởng của một năm. Những người thuộc đối tượng áp dụng Quyết định này đã từ trần từ trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì một trong những người sau đây: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần được trợ cấp một lần bằng 03 triệu đồng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2010. Chế độ trợ cấp hàng tháng quy định tại Quyết định này được thực hiện kể từ ngày 01/5/2010.

 
BỘ NỘI VỤ

Ban hành chức danh viên chức công tác xã hội (SMS: 08/2010/TT-BNV) - Chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội vừa được Bộ Nội vụ ban hành theo Thông tư số 08/2010/TT-BNV ngày 25/8/2010. Cụ thể, công tác xã hội viên chính có mã số 24.291, công tác xã hội viên có mã số 24.292 và nhân viên công tác xã hội có mã số 24.293. Chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội quy định tại Thông tư này là căn cứ để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức chuyên ngành công tác xã hội.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
 
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Bổ sung danh mục giống cây trồng, phân bón được kinh doanh và sử dụng ở VN (SMS: 49/2010/TT-BNNPTNT) - Ngày 24/8/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra Thông tư số 49/2010/TT-BNNPTNT. Kèm theo Thông tư này là Danh mục bổ sung giống cây trồng, phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Danh mục bổ sung giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam gồm 01 giống lúa lai và 01 giống đậu tương. Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam, bao gồm: danh mục bổ sung các loại phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam (bao gồm những phân bón đã được công nhận theo Quyết định số 57/QĐ-TT-ĐPB ngày 24/3/2010 và Quyết định số 61a/QĐ-TT-ĐPB ngày 26/3/2010 của Cục trưởng Cục Trồng trọt; phân bón đăng ký lại từ Danh mục phân bón ban hành kèm theo Quyết định số 40/2004/QĐ-BNN ngày 19/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có 460 loại, được chia thành phân hữu cơ (12 loại), phân vi sinh vật (02 loại), phân hữu cơ vi sinh (53 loại), phân hữu cơ sinh học (70 loại), phân hữu cơ khoáng (71 loại), phân bón lá (246 loại) và giá thể (06 loại); danh mục các loại phân bón thay thế các loại phân bón đã có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam nhưng có sự điều chỉnh về tên phân bón, thành phần, hàm lượng các chất đăng ký và đơn vị đăng ký bao gồm 93 loại, được chia thành phân hữu cơ vi sinh (09 loại), phân hữu cơ sinh học (11 loại), phân hữu cơ khoáng (10 loại) và phân bón lá (63 loại).
Cũng theo Thông tư này, có hai loại phân bón bị loại ra khỏi Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam, bao gồm 02 loại phân khoáng là Indo Guano Calcium Phosphate và  Indo Guano. Tổ chức, cá nhân được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại phân bón quy định tại các Danh mục nói trên khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07/10/2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón và quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định 191/2007/NĐ-CP ngày 31/12/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

 
BỘ TÀI CHÍNH

Điều chỉnh thời hạn nộp thuế VAT một số mặt hàng nhập khẩu (SMS: 128/2010/TT-BTC) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 128/2010/TT-BTC ngày 26/8/2010 tạm thời điều chỉnh thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón và thuốc trừ sâu ở khâu nhập khẩu lên 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Danh mục các mặt hàng này do Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể. Để được áp dụng thời hạn nộp thuế nêu trên, người nộp thuế phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 42 Luật Quản lý thuế hoặc có bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng trong trường hợp người nộp thuế không đáp ứng được điều kiện quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 42 Luật Quản lý thuế. Người nộp thuế đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 42 Luật Quản lý thuế được xác định theo hướng dẫn tại khoản 5, Điều 3 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 80/2007/QĐ-BTC ngày 02/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các trường hợp có tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa đến thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng thì được điều chỉnh thời hạn nộp thuế đến 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu.
 
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Hướng dẫn về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa (SMS: 09/2010/TT-BVHTTDL) - Ngày 24/8/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Thông tư số 09/2010/TT-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, đó là các quy định về: xác định vi phạm khi quyết định xử phạt; giải thích từ ngữ; thủ tục tiêu huỷ văn hoá phẩm độc hại; quy định trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, quảng cáo, viết, đặt biển hiệu. Theo hướng dẫn tại Thông tư này, khi quyết định xử phạt, cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử phạt phải xác định hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa là hành vi cố ý hoặc vô ý của tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong hoạt động văn hóa mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì phải bị xử phạt hành chính. Nếu có hành vi quy định trong Nghị định số 75/2010/NĐ-CP mà không vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước thì không xử phạt đối với hành vi đó.
Cũng theo Thông tư này, việc xử phạt đối với các hành vi sau đây không phân biệt số lượng phim vi phạm: “Nhân bản phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ hoặc cấm phổ biến” quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 8 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP (Nghị định); “Nhân bản phim có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực” quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 8 của Nghị định; “Bán, cho thuê hoặc lưu hành phim nhựa, băng đĩa phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực” quy định tại điểm e, khoản 4, Điều 9 của Nghị định; “Tàng trữ nhằm phổ biến phim thuộc loại cấm phổ biến hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ” quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 9 của Nghị định; “Bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng đĩa phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm phổ biến hoặc tiêu huỷ” quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 9 của Nghị định; “Bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng đĩa phim có nội dung đồi trụy” quy định tại điểm c, khoản 6, Điều 9 của Nghị định; “Xuất khẩu phim thuộc loại phải có quyết định cho phép phổ biến mà chưa có quyết định hoặc chưa được phát sóng trên đài truyền hình Việt Nam” quy định tại điểm đ, khoản 6, Điều 9 của Nghị định.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2010. Bãi bỏ Thông tư số 12/2007/TT-BVHTT ngày 29/5/2007 của Bộ Văn hóa -Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá - thông tin.
 
BỘ XÂY DỰNG

Quản lý chất lượng sản phẩm gạch ốp lát (SMS: 14/2010/TT-BXD) - Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 14/2010/TT-BXD ngày 20/8/2010. Thông tư này quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng gạch ốp lát (gọi tắt là sản phẩm, hàng hoá gạch ốp lát) thuộc Nhóm 2 theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, bao gồm danh mục sản phẩm, hàng hoá gạch ốp lát có yêu cầu đảm bảo an toàn chất lượng, căn cứ để kiểm tra chất lượng và công tác quản lý đảm bảo chất lượng. Các sản phẩm, hàng hoá gạch ốp lát có yêu cầu đảm bảo an toàn chất lượng là gạch gốm ốp lát ép bán khô, gồm: gạch ceramic ốp lát (có men), gạch gốm granít hay granít nhân tạo (có men hoặc không có men), gạch gốm mozaic ép bán khô và gạch cotto ép bán khô; gạch gốm ốp lát đùn dẻo, gồm gạch cotto (1 lớp hoặc 2 lớp, không có men hoặc có men) và gạch gốm mozaic đùn dẻo; đá ốp lát nhân tạo trên cơ sở chất kết dính hữu cơ; gạch terrazzo; đá ốp lát tự nhiên, gồm đá granít ốp lát, đá hoa hay marble ốp lát, đá vôi hay calcit ốp lát.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất trong nước sản phẩm, hàng hoá gạch ốp lát nêu trên phải công bố chất lượng phù hợp với quy định tại Thông tư này (công bố hợp quy) và phải có hệ thống kiểm soát chất lượng phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001/ISO 9001 còn thời hạn hiệu lực. Khi nhập khẩu vào Việt Nam các sản phẩm, hàng hoá gạch ốp lát này, người nhập khẩu phải công bố hợp quy. Trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm và tài liệu về sản phẩm phải gắn dấu hợp quy do tổ chức chứng nhận hợp quy cấp cho sản phẩm. Người nhập khẩu phải cung cấp cho cơ quan hải quan tại cửa khẩu các tài liệu sau: bản sao giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng của nhà sản xuất ra sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001/ISO 9001 còn thời hạn hiệu lực; bản chứng nhận hợp quy và kết quả thử nghiệm chất lượng mẫu đại diện lô sản phẩm, hàng hoá gạch ốp lát tại cửa khẩu phù hợp với quy định tại Thông tư này được thực hiện bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp do Bộ Xây dựng chỉ định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.