Số 34.2009 (441) ngày 01/09/2009

CHÍNH PHỦ


Tổ chức, hoạt động của Thanh tra Văn hóa, Thể thao, Du lịch (SMS: 536499) - Ngày 28/8/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật. Tổ chức của thanh tra văn hóa, thể thao và du lịch bao gồm: Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (gọi tắt là Thanh tra Bộ) và Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (gọi tắt là Thanh tra Sở). Theo Nghị định này, nội dung thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch được thực hiện đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch bao gồm: di sản văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quyền tác giả, quyền liên quan; thư viện; quảng cáo (trừ quảng cáo trên các phương tiện báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm); hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; văn hóa phẩm (trừ xuất bản phẩm theo quy định của Luật Xuất bản); xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm; hoạt động của các hội, hiệp hội, liên đoàn và tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; lĩnh vực gia đình; hoạt động kinh doanh thể dục, thể thao; kinh doanh du lịch; hướng dẫn du lịch…
Hoạt động thanh tra được thực hiện dưới hình thức thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2009 và thay thế các Nghị định số 144/2004/NĐ-CP ngày 14/7/2004 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Thể dục thể thao; Nghị định số 138/2005/NĐ-CP ngày 09/11/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Văn hóa - Thông tin; Nghị định số 47/2001/NĐ-CP ngày 10/8/2001 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Du lịch.

Tăng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên (SMS: 536453) - Theo đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 11518/BTC-TCNH ngày 17/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1344/QĐ-TTg ngày 26/8/2009, điều chỉnh mức vốn cho vay tối đa quy định tại khoản 1, Điều 5 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên từ 800 ngàn đồng/tháng/học sinh, sinh viên lên 860.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Quy định về quân hiệu, cấp hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam (SMS; 536497) - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 109/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo đó, quân hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam hình tròn, ở giữa có ngôi sao nổi màu vàng, xung quanh có hai bông lúa màu vàng đặt trên nền đỏ tươi; phía dưới hai bông lúa có hình nửa bánh xe răng màu vàng, vành ngoài quân hiệu màu vàng; riêng quân hiệu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có phần nền hai bông lúa màu xanh dương. Cấp hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam mang trên vai áo, cấu tạo cơ bản của cấp hiệu gồm: nền, đường viền, cúc cấp hiệu, sao và gạch (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) và vạch (đối với hạ sĩ quan, binh sĩ). Phù hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam mang trên ve cổ áo, gồm nền phù hiệu và hình phù hiệu; nền phù hiệu lục quân màu đỏ tươi, phòng không - không quân màu xanh hòa bình, hải quân màu tím than, bộ đội biên phòng màu xanh lá cây, cảnh sát biển màu xanh dương.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2009.

Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước (SMS: 536498) - Theo quy định tại Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, cơ quan này thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước và các quỹ khác của Nhà nước được giao quản lý; quản lý ngân quỹ; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật. Kho bạc Nhà nước có nhiệm vụ tập trung và phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước, tổ chức thực hiện việc thu nộp vào quỹ ngân sách nhà nước các khoản tiền do các tổ chức, cá nhân nộp tại hệ thống Kho bạc Nhà nước, thực hiện hạch toán số thu ngân sách nhà nước cho các cấp ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi của ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác được giao theo quy định của pháp luật; quản lý quỹ ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước, định kỳ công bố tỷ giá hạch toán phục vụ cho việc hạch toán các khoản thu chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ.
Cũng theo Quyết định này, cơ quan kho bạc nhà nước ở địa phương có kho bạc nhà nước cấp tỉnh và kho bạc nhà nước cấp huyện; Kho bạc Nhà nước được tổ chức điểm giao dịch tại các địa bàn có khối lượng giao dịch lớn theo quy định của Bộ Tài chính. Kho bạc Nhà nước có Tổng giám đốc và không quá 03 Phó tổng giám đốc; các chức danh này đều do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2009. Bãi bỏ Quyết định số 235/2003/QĐ-TTg ngày 03/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước thuộc Bộ Tài chính.

Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ (SMS: 536371) - Ngày 24/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1327/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với quan điểm giao thông vận tải đường bộ là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần được ưu tiên đầu tư phát triển để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nội dung của Quy hoạch này là việc nhanh chóng phát triển giao thông vận tải xe buýt tại các đô thị lớn, đặc biệt là thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, phát triển giao thông tĩnh và giao thông cho người khuyết tật, kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân, giải quyết ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đô thị. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, huy động tối đa mọi nguồn lực, coi trọng nguồn lực trong nước để đầu tư phát triển.
Mục tiêu phát triển của giai đoạn đến năm 2020 là đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, tiện lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường. Mục tiêu đến năm 2030 là thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhanh chóng, êm thuận, an toàn; kết nối được với các phương thức vận tải khác, nhất là các điểm chuyển tải hành khách đường dài với vận tải hành khách đô thị. Dự kiến đến năm 2020 cả nước có 2,8 đến 3 triệu ô tô, trong đó xe con chiếm khoảng 50%, xe khách 17% và xe tải 33%; hạn chế mức tăng số xe máy bằng các biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật để khống chế số lượng xe máy trên cả nước, xe máy chỉ sử dụng chủ yếu ở các khu vực nông thôn, khu vực không có vận tải khách công cộng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
 

BỘ TÀI CHÍNH


Sửa đổi chế độ kiểm soát chi của đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính (SMS: 536513) - Ngày 26/8/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 172/2009/TT-BTC sửa đổi một số điểm của Thông tư số 81/2006/TT-BTC ngày 06/9/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kiểm soát chi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Theo nội dung sửa đổi tại Thông tư này, sau khi quyết toán của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi dành để chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động cao hơn số đơn vị tự xác định, căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ và đề nghị của đơn vị, Kho bạc Nhà nước thanh toán tiếp phần chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động của đơn vị và thực hiện hạch toán vào niên độ ngân sách năm sau; trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi dành để chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động thấp hơn số đơn vị tự xác định thì số đã chi trả thu nhập tăng thêm vượt so với số quyết toán được cơ quan có thẩm quyền duyệt, đơn vị phải sử dụng quỹ dự phòng ổn định thu nhập (nếu có) để bù đắp, nếu sau khi dùng quỹ dự phòng ổn định thu nhập để bù đắp vẫn còn thiếu hụt thì trừ vào chênh lệch thu lớn hơn chi phần dành để chi trả thu nhập tăng thêm của năm sau, trường hợp năm sau không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì trừ vào quỹ tiền lương của đơn vị.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 153/2007/TT-BTC ngày 17/12/2007 của Bộ Tài chính. Những quy định khác tại Thông tư số 81/2006/TT-BTC BTC ngày 06/9/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kiểm soát chi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính vẫn có hiệu lực thi hành.

Sửa đổi Quy chế thi lấy chứng chỉ hành nghề kế toán (SMS: 536409) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 171/2009/TT-BTC ngày 24/8/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ hành nghề kế toán ban hành kèm theo Quyết định số 94/2007/QĐ-BTC ngày 16/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo nội dung sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này, các bản sao văn bằng, chứng chỉ trong hồ sơ dự thi lấy các chứng chỉ hành nghề nói trên phải có xác nhận của tổ chức cấp hoặc cơ quan công chứng. Nếu là bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh thì phải nộp kèm theo bảng điểm có ghi rõ số đơn vị học trình (hoặc tiết học) của tất cả các môn học. Trường hợp người dự thi để lấy chứng chỉ hành nghề kế toán nộp bằng sau đại học thì phải nộp kèm theo bảng điểm cao học có ghi rõ ngành học. Bảng điểm phải có xác nhận của tổ chức cấp hoặc cơ quan công chứng.
Thông tư cũng sửa đổi thời hạn công bố kết quả thi kéo dài hơn so với quy định cũ 15 ngày (theo quy định mới chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày kết thúc thi). Trường hợp đặc biệt cần kéo dài thời gian công bố, chủ tịch hội đồng thi quyết định nhưng thời gian kéo dài không quá 15 ngày.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Quy trình kiểm tra, kiểm soát thị trường (SMS: 536548) - Ngày 26/8/2009, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 26/2009/TT-BCT quy định quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường. Thông tư này áp dụng thống nhất đối với lực lượng quản lý thị trường các cấp và công chức quản lý thị trường khi thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra thị trường là: đội trưởng đội quản lý thị trường, chi cục trưởng chi cục quản lý thị trường, cục trưởng cục quản lý thị trường hoặc cấp phó được uỷ quyền. Nội dung chủ yếu của quyết định kiểm tra gồm: căn cứ để tiến hành kiểm tra, người ra quyết định kiểm tra, đối tượng kiểm tra (tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân bị kiểm tra), nội dung kiểm tra, người thực hiện việc kiểm tra, thời gian hiệu lực của quyết định kiểm tra. Người được giao chủ trì việc kiểm tra phải xuất trình thẻ kiểm tra thị trường, công bố quyết định kiểm tra, thông báo thành phần đoàn kiểm tra cho tổ chức, cá nhân bị kiểm tra và yêu cầu tổ chức, cá nhân chấp hành quyết định kiểm tra.
Thông tư quy định các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính quản lý thị trường được áp dụng gồm có: tạm giữ người; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc tạm giữ người và khám người chỉ được thực hiện khi cần ngăn chặn, đình chỉ những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Không được dùng vốn ngân sách để mua trái phiếu Chính phủ (SMS: 536366) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 19/2009/TT-NHNN ngày 24/8/2009 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với các giao dịch trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ phát hành theo Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 13/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng áp dụng của Thông tư này là các tổ chức, cá nhân là người cư trú hoạt động hợp pháp tại Việt Nam tham gia giao dịch trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ. Theo Thông tư này, tổ chức, cá nhân là người cư trú chỉ được sử dụng ngoại tệ có trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ mở tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối để thực hiện các giao dịch trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ. Các tổ chức không được sử dụng nguồn vốn ngân sách hoặc các nguồn vốn hỗ trợ khác của Chính phủ để mua trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ. Tổ chức, cá nhân là người cư trú sở hữu trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ được cầm cố trái phiếu để vay vốn tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2009.

 

LIÊN BỘ


Thủ tục đầu tư dự án khu đô thị mới (SMS: 535517) - Ngày 27/8/2009, liên Bộ Xây dựng - Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 30/2009/TTLT-BXD-BKH quy định chi tiết một số điểm tại Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ về thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng đối với dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhà đầu tư trong nước có dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp không phân biệt quy mô vốn đầu tư, thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 43 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và theo mẫu quy định tại Phụ lục I-11 Quyết định số 1088/2006/QĐ-BKH ngày 19/10/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành mẫu các văn bản thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam. Trường hợp nhà đầu tư trong nước có yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì lập hồ sơ đăng ký đầu tư theo mẫu quy định tại Phụ lục I-1 Quyết định số 1088/2006/QĐ-BKH. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Nhà đầu tư trong nước phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh (nếu có) theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về nhà ở và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thông tư cũng quy định thủ tục đầu tư đối với dự án thứ phát của nhà đầu tư trong nước trong các dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở; trường hợp này không phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh (nếu có) theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về nhà ở và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.