Cơ cấu tổ chức Ngân hàng Nhà nước (SMS: 505813) - Ngày 26/8/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN). Theo đó, NHNNVN là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và chức năng Ngân hàng Trung ương của Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của NHNNVN… NHNNVN được giao 27 nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có những nhiệm vụ quan trọng như: Xây dựng chính sách tiền tệ quốc gia, trình Chính phủ để trình Quốc hội. Sử dụng lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định; quản lý ngoại hối và xây dựng cán cân thanh toán quốc tế; quản lý việc vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và cá nhân theo quy định của pháp luật… Về thực hiện các nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương, NHNNVN tổ chức in, đúc, bảo quản, vận chuyển tiền. Thực hiện nghiệp vụ phát hành, thu hồi, thay thế và tiêu hủy tiền; thực hiện tái cấp vốn để cung ứng tín dụng ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho nền kinh tế; điều hành thị trường tiền tệ, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở và một số nghiệp vụ quan trọng khác. NHNNVN cũng là đại diện cho Việt Nam tại các ngân hàng và tổ chức tiền tệ quốc tế theo ủy quyền của Chủ tịch nước, Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Sửa đổi quy định về công ty cho thuê tài chính (SMS: 505799) - Ngày 25/8/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2001/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính (CTCTTC). Theo đó, CTCTTC là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng, là pháp nhân Việt Nam; được thành lập và hoạt động tại Việt Nam dưới 3 hình thức: trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên; trách nhiệm hữu hạn 01 thành viên và cổ phần. Việc chuyển đổi sở hữu, thay đổi hình thức CTCTTC thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước… CTCTTC liên doanh là CTCTTC được thành lập tại Việt Nam, bằng vốn góp của Bên Việt Nam và Bên nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Liên doanh được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên… CTCTTC 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam với 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu của một hoặc một số tổ chức tín dụng nước ngoài và được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn… Việc chuyển nhượng phần vốn góp của các bên trong các CTCTTC được thực hiện theo các quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước… Ngoài các điều kiện đã được quy định, CTCTTC liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài muốn hoạt động hợp pháp phải được tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nước nguyên xứ cho phép hoạt động cho thuê tài chính tại Việt Nam; có tổng tài sản trên 10 tỷ USD vào cuối năm trước thời điểm nộp đơn, trừ trường hợp Hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và nước nguyên xứ có quy định khác… Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Tiêu thụ nông sản (SMS: 505795) - Ngày 25/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 25/2008/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Thủ tướng yêu cầu: UBND các tỉnh thành, các bộ ngành rà soát, điều chỉnh, bổ sung trong xây dựng mới quy hoạch sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, nghề muối trên địa bàn; hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường. Chỉ đạo, hướng dẫn việc dồn điền đổi thửa; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Hướng dẫn các bên tham gia ký hợp đồng giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng tiêu thụ nông sản theo quy định của pháp luật. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn rà soát, bổ sung, điều chỉnh hoặc xây dựng mới quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp; liên kết hộ sản xuất với trang trại, doanh nghiệp. Bộ Công thương chủ trì việc xây dựng chế tài xử lý vi phạm hợp đồng phù hợp với quy định của Luật Thương mại. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì việc hướng dẫn dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn...
Quản lý các dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf (SMS : 505778) - Theo Công văn số 5559/VPCP-ĐP ra ngày 25/8/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá đối với đầu tư sân golf trên địa bàn về sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, diện tích đất sử dụng của từng sân golf và của các sân golf trên địa bàn; trong đó nêu rõ diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã giao cho các sân golf. Trên cơ sở đó, xác định cụ thể hiệu quả cũng như những bất lợi (nếu có), báo cáo Thủ tướng trong quý 4/2008; Đồng thời, báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện, việc tuân thủ các quy định về môi trường của các dự án sân golf để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng... Bên cạnh đó, thực hiện việc thu hồi đất và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định cho phép đầu tư theo đúng quy định… Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo và đề xuất với Thủ tướng trong tháng 9/2008 về cơ chế quản lý hoạt động cấp phép xây dựng sân golf để bảo đảm được yêu cầu vừa thực hiện tốt chủ trương phân cấp đầu tư, vừa kiểm soát ngăn ngừa được hành vi lợi dụng danh nghĩa xây dựng sân golf để giữ đất hoặc khai thác trái với mục đích được cấp phép. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu quy định mức thuế sử dụng đất đối với kinh doanh sân golf cho phù hợp…
Cơ cấu tổ chức Bảo hiểm xã hội (SMS: 505824) - Ngày 22/8/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN). Theo đó, BHXHVN là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế tự nguyện; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện theo quy định của pháp luật. Chính phủ đã giao cho BHXHVN 28 nhiệm vụ, quyền hạn; với cơ cấu tổ chức chặt chẽ, gồm 12 tổ chức giúp việc cho Tổng Giám đốc và 6 tổ chức là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc… BHXHVN chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế, của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp (SMS: 505773) - Theo Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ban hành ngày 22/8/2008, Chính phủ quy định: Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi cả nước; hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, trọng tài thương mại; ban hành và hướng dẫn sử dụng thống nhất mẫu văn bản, giấy tờ về công chứng, giám định tư pháp, trọng tài thương mại… Về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp lập dự kiến của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; dự kiến phân công cơ quan chủ trì, phối hợp soạn thảo để trình Chính phủ quyết định; kiểm tra, đôn đốc việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình… Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý, xử lý theo thẩm quyền hoặc xử lý theo uỷ quyền của Thủ tướng đối với các văn bản trái pháp luật… Tổ chức thực hiện công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi không chấp hành án… Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Tương trợ tư pháp (SMS: 505797) - Ngày 22/8/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp. Theo đó, 15 nhóm đối tượng là công dân Việt Nam được miễn phí thực hiện uỷ thác tư pháp về dân sự, gồm: người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng; cha, mẹ, vợ, chồng của liệt sỹ; con của liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ được miễn phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự. Người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật; người già từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân hoặc không có nơi nương tựa; trẻ em dưới 16 tuổi không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường xuyên sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật được miễn phí tương trợ tư pháp. Người tàn tật được miễn phí tương trợ tư pháp về dân sự là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau hoặc là người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa. Để được miễn phí tương trợ tư pháp, công dân phải nộp bản sao có chứng thực và xuất trình bản gốc giấy tờ chứng minh là người thuộc diện được miễn phí cho cơ quan tiếp nhận hỗ trợ. Về nguyên tắc, chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài do nước yêu cầu chi trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài phải trả kinh phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|