Số 34.2007 (339) ngày 31/08/2007

 CHÍNH PHỦ


Hỗ trợ tái định cư
(SMS: 501357)
- Ngày 24/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 141/2007/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Sơn La, ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg.
Theo Quyết định này, hộ sở tại bị thu hồi đất và di chuyển nhà ở để xây dựng điểm tái định cư tập trung nông thôn thì được hưởng hỗ trợ đầu tư nước sinh hoạt, điện sinh hoạt như đối với hộ tái định cư.
Hộ tái định cư được hỗ trợ tiền mua giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để trồng cây hàng năm, cây lâu năm và chăn nuôi. Cụ thể, hỗ trợ đối với hộ có 1 người là 7 triệu đồng (mức hỗ trợ cũ là 5 triệu đồng). Hộ có nhiều người thì từ người thứ 2 trở lên, mỗi người tăng thêm được hỗ trợ 3 triệu đồng (mức hỗ trợ cũ là 2 triệu đồng)…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách đối với khu kinh tế
(SMS: 501364)
- Ngày 24/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 140/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Theo đó, Khu kinh tế bao gồm các khu thương mại công nghiệp (TMCN), khu quản lý hành chính, khu quản lý và kiểm soát cửa khẩu quốc tế, khu đô thị và dân cư, khu du lịch-dịch vụ và khu vực phát triển nông lâm nghiệp.
Khu TMCN là khu phi thuế quan. Quan hệ trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa khu TMCN với các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu và nội địa được xem như quan hệ trao đổi giữa nước ngoài và Việt Nam. Các tổ chức kinh tế hoạt động trong khu này được xuất khẩu ra nước ngoài và nhập khẩu từ nước ngoài tất cả hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật Việt Nam không cấm.
Hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu TMCN được miễn thuế nhập khẩu, không phải chịu thuế giá trị gia tăng; hàng hóa, dịch vụ từ khu TMCN xuất khẩu ra nước ngoài được miễn thuế xuất khẩu, hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng bằng 0%.
Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được sản xuất, tiêu thụ trong khu TMCN hoặc xuất khẩu ra nước ngoài không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các dự án đầu tư, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc khu TMCN được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Khách tham quan du lịch vào khu TMCN được phép mua hàng hóa mang về nội địa và được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) với tổng giá trị hàng hóa không vượt quá 500.000đ/người/ngày.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Trả tiền lương qua tài khoản
(SMS: 501354)
- Ngày 24/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Các đối tượng được trả lương qua tài khoản gồm: Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, công nhân và lao động theo hợp đồng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an và các đối tượng khác hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Việc trả lương qua tài khoản thực hiện theo 2 bước: từ ngày 01/01/2008, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tiếp tục triển khai và mở rộng việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng nêu trên làm việc trong các cơ quan Trung ương, các cơ quan, đơn vị thuộc UBND các cấp tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố, thị xã, khu chế xuất, khu công nghiệp đã và đang triển khai việc này.
Tiếp theo, từ ngày 01/01/2009, tiếp tục mở rộng việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng trên ở những đơn vị chưa triển khai trên phạm vi toàn quốc, nơi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có khả năng đáp ứng việc trả lương qua tài khoản.


Chính sách về dự trữ quốc gia
(SMS: 501363)
- Ngày 23/8/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 139/2007/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020" với mục tiêu sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác của Nhà nước.
Bên cạnh đó, hoạt động dự trữ quốc gia không vì mục đích lợi nhuận, có vai trò quan trọng đối với việc phát triển bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, kinh tế-xã hội đất nước khi có những sự cố bất lợi do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa, thị trường gây ra. Quỹ dự trữ quốc gia bao gồm hiện vật và tiền, được quản lý tập trung, thống nhất dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Những định hướng cơ bản cho công tác dự trữ quốc gia là từng bước tăng cường quỹ dự trữ quốc gia có quy mô phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, cơ cấu danh mục mặt hàng hợp lý đủ điều kiện tác động kịp thời, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế-xã hội trong mọi tình huống biến động, đột xuất xảy ra. Tổng mức dự trữ quốc gia đến năm 2010 tăng gấp 2 lần năm 2005 và đến năm 2020 tăng gấp 2 lần năm 2010.
Từ nay đến năm 2010 rà soát, sắp xếp, hoàn thiện về cơ cấu danh mục hàng dự trữ quốc gia theo hướng tập trung vào những mặt hàng thực sự cần thiết, tập trung nguồn lực ngân sách tăng dự trữ quốc gia các mặt hàng chiến lược, thiết yếu.
Đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung danh mục hàng dự trữ quốc gia và mức dự trữ quốc gia những mặt hàng thiết yếu, quan trọng, phù hợp với tình hình mới. Tăng tỷ lệ dự trữ quốc gia bằng tiền để chủ động xử lý những trường hợp đột xuất.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phát triển kho bạc
(SMS: 501355)
- Ngày 21/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020, với mục tiêu các hoạt động Kho bạc Nhà nước được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử.
Chiến lược tập trung vào 8 nội dung: Quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước; Quản lý ngân quỹ và nợ Chính phủ; Công tác kế toán nhà nước; Hệ thống thanh toán; Kiểm tra, kiểm toán nội bộ; Công nghệ thông tin; Tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Về các giải pháp thực hiện, đầu tiên là việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về hoạt động Kho bạc Nhà nước bằng cách: Xây dựng hệ thống kế toán nhà nước theo chuẩn mực kế toán công quốc tế và hình thành Tổng kế toán nhà nước; Xây dựng Luật Quản lý ngân quỹ; Sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước cho phù hợp với xu hướng cải cách hành chính, yêu cầu quản lý tài chính công trong giai đoạn tới và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tiếp đến, tập trung hiện đại hóa công nghệ quản lý làm động lực cho cải cách và đổi mới hoạt động Kho bạc Nhà nước. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động của Kho bạc Nhà nước trong đó, ưu tiên đầu tư sử dụng các phần mềm tiên tiến trên thế giới phù hợp với yêu cầu quản lý tài chính-ngân sách trong tình hình mới và theo thông lệ quốc tế.
Các giải pháp khác là nâng cao hiệu lực, hiệu quả về tổ chức bộ máy và chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ Kho bạc Nhà nước chuyên nghiệp, đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý tài chính nhà nước. Coi trọng hợp tác quốc tế, coi đây là đòn bẩy cho cải cách và đổi mới hoạt động trong thời kỳ hội nhập.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phát triển công nghiệp
(SMS: 501324)
- Ngày 20/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: phát triển công nghiệp ở nông thôn với tốc độ tăng trưởng không thấp hơn tốc độ bình quân cả nước. Đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 28-30%, kim ngạch xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến các sản phẩm nông-lâm-thủy sản…
Chương trình khuyến công quốc gia được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư sản xuất công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn và các tổ chức dịch vụ khuyến công, gồm: Trung tâm khuyến công, cơ sở đào tạo nghiên cứu khoa học công nghệ, doanh nghiệp có hoạt động tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất công nghiệp nông thôn…
Dự kiến, kinh phí thực hiện Chương trình khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Trung ương dành cho các hoạt động khuyến công do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Kiểm soát về giá ngành vận tải
(SMS: 501273)
- Ngày 20/8/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ra Chỉ thị số 11/2007/CT-BGTVT về việc kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường trong hoạt động vận tải.
Bộ trưởng yêu cầu: cần tuyên truyền phổ biến kịp thời tới các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý về các chủ trương, biện pháp thực hiện kiềm chế tốc độ tăng giá cước vận tải hàng hóa và hành khách…
Yêu cầu các doanh nghiệp vận tải khẩn trương xây dựng và thực hiện các giải pháp hữu hiệu tiết kiệm chi phí, hợp lý hóa quá trình sản xuất, đổi mới phương tiện vận tải, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tạo giá thành vận tải hợp lý…

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý giá thuộc ngành tài chính kiểm tra thực hiện các quy định về quản lý giá và các biện pháp kiềm chế tăng giá cước mà doanh nghiệp đã áp dụng. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình để tùy tiện tăng giá cước bắt chẹt hành khách và chủ hàng…
 

 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Học bổng khối trường năng khiếu
(SMS: 501420)
- Ngày 15/8/2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 44/2007/QĐ-BGDĐT về học bổng khuyến khích học tập đối với học sinh, sinh viên trong các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, tiêu chuẩn xét cấp học bổng như sau: Điểm môn chuyên của học kỳ xét, cấp học bổng phải đạt từ 8,5 trở lên; Đoạt được một trong các giải từ khuyến khích trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực quốc tế hoặc quốc tế của năm học đó; Học sinh các trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao đoạt huy chương trong các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực quốc tế hoặc quốc tế của năm học đó, có học lực đạt từ trung bình và hạnh kiểm từ khá trở lên…
Mức học bổng cấp cho một học sinh một tháng tối thiểu bằng ba lần mức học phí hiện hành của trường trung học phổ thông chuyên tại địa phương. Đối với khối trung học phổ thông chuyên trong các trường đại học: do hiệu trưởng nhà trường quy định nhưng không thấp hơn mức trần học phí hiện hành tại trường. Đối với những trường không thu học phí: mức học bổng tối thiểu bằng ba lần mức trần học phí của trường trung học phổ thông tại địa phương…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN


Mua bán, trao đổi hàng hoá biên giới
(SMS: 501369)
- Ngày 23/8/2007, Tổng cụa Hải quan đã ra Công văn số 4848/TCHQ-GSQL về việc chấn chỉnh thủ tục Hải quan đối với hàng hoá qua cửa khẩu biên giới đường bộ.
Theo đó, việc mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới chỉ công dân là cư dân biên giới, có hộ khẩu thường trú tại các khu vực tiếp giáp biên giới với các nước có chung biên giới được mua bán, trao đổi các mặt hàng phù hợp…
Cửa khẩu, địa điểm mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới phải do các tỉnh tiếp giáp biên giới của Việt Nam và tỉnh tiếp giáp biên giới của nước có chung biên giới thoả thuận mở và được Bộ Thương mại cho phép tiến hành làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu…

Dừng làm thủ tục Hải quan đối với mặt hàng lá thuốc lá nguyên liệu, nhập khẩu qua cửa khẩu phụ…