Chính sách đối với lao động dôi dư (SMS: 91/2010/ND-CP) - Ngày 20/8/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2010/NĐ-CP. Nghị định này quy định chính sách đối với người lao động dôi dư trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu được chuyển đổi từ công ty nhà nước, công ty thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định về chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên nhưng chưa giải quyết chính sách lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP, Nghị quyết số 07/2007/NQ-CP, Nghị định số 110/2007/NĐ-CP của Chính phủ, nay tiếp tục thực hiện sắp xếp lại theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: cổ phần hóa, giao, bán; chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; chuyển thành đơn vị sự nghiệp hoặc giải thể, phá sản. Đối tượng áp dụng là người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động hoặc tòa án quyết định mở thủ tục phá sản, người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nam từ đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội; nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa 06 tháng để hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu. Người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ sau: trợ cấp 01 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước, không kể thời gian người lao động đã nhận trợ cấp thôi việc, mất việc làm và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định; trợ cấp 70% tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) ghi trong hợp đồng lao động cho số tháng còn lại chưa thực hiện hết hợp đồng lao động đã giao kết, nhưng tối đa cũng không quá 12 tháng, trường hợp mức trợ cấp này thấp hơn mức tiền lương tối thiểu chung tại thời điểm nghỉ việc thì được tính bằng mức tiền lương tối thiểu chung. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2010.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (SMS: 90/2010/ND-CP) - Từ ngày 01/01/2011, việc xây dựng, cập nhật, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010 của Chính phủ. Theo Nghị định này, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản về công dân Việt Nam được xây dựng, cập nhật, duy trì để quản lý, khai thác và sử dụng thông qua các phương tiện điện tử. Việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác, quản lý và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật về cư trú, hộ tịch, quốc tịch, dân số, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin đời tư cá nhân, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và các quy định pháp luật có liên quan; thông tin dữ liệu về dân cư được thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng đảm bảo đầy đủ, chính xác; bảo đảm quyền của tổ chức, cá nhân được truy nhập kịp thời, đầy đủ và sử dụng thông tin đúng mục đích trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật. Nghị định quy định: các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư có liên quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; các cơ quan, tổ chức khác được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư nhằm phục vụ những mục đích chính đáng của mình; công dân đã đăng ký thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có quyền khai thác sử dụng thông tin của mình đã đăng ký; cá nhân được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư nhằm phục vụ những mục đích chính đáng của mình. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011. Kế hoạch hành động thực hiện chính sách dân số (SMS: 31/NQ-CP) - Chính phủ đã ra Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 18/8/2010 ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ giai đoạn 2010-2015 thực hiện Kết luận số 44-KL/TW ngày 01/4/2009 của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch hành động này là kiên trì thực hiện mục tiêu gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt, mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con để duy trì vững chắc mức sinh thay thế và quy mô dân số nước ta không quá 100 triệu người vào năm 2020, tạo cơ sở vững chắc để ổn định quy mô dân số nước ta ở mức 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI. Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn và có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2006-2010; tập trung nguồn lực và thực hiện mạnh mẽ các giải pháp để tiếp tục giảm nhanh, vững chắc mức sinh ở vùng có mức sinh cao; hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số (thay thế những quy định về xử phạt vi phạm hành chính về dân số tại Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em), trình Chính phủ. Các bộ, ngành trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình rà soát, đánh giá tình hình thực hiện những quy định hiện hành về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đặt ra nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân số. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và dân tộc thiểu số (SMS: 52/2010/QD-TTg) - Ngày 18/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg quy định về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Các nội dung chính sách hỗ trợ pháp lý gồm có: thực hiện hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo; tăng cường năng lực cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, tư pháp xã, tổ hòa giải để trực tiếp thực hiện hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo. Các hoạt động để thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý bao gồm: cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để giải quyết những vướng mắc pháp luật, cung cấp thông tin pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã thuộc các huyện nghèo; tổ chức thực hiện các hoạt động đăng ký khai sinh, chứng thực và các công tác tư pháp - hộ tịch khác cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn cấp xã… Ưu tiên lựa chọn cán bộ tham gia các hoạt động này là người đang sinh sống tại địa bàn các xã thuộc các huyện nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số; chú trọng cán bộ nữ, cán bộ đã có kinh nghiệm trong các hoạt động trợ giúp pháp lý; thu hút già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng các tộc người tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/10/2010. 70% giảng viên toán đại học có bằng tiến sĩ (SMS: 1483/QD-TTg) - Đó là một trong những mục tiêu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 17/8/2010 với tổng kinh phí thực hiện là 651 tỷ đồng nhằm phát triển nền toán học Việt Nam mạnh mẽ về mọi mặt. Mục tiêu cụ thể của Chương trình này là đảm bảo vào năm 2020 có đủ đội ngũ giảng viên toán có trình độ cao ở các trường đại học, cao đẳng, trong đó tỷ lệ giảng viên toán có bằng tiến sĩ ở các trường đại học lớn phải đạt trên 70%; thiết lập một hình thức thích hợp để thu hút các nhà toán học thế giới, các nhà toán học người Việt Nam ở nước ngoài tới Việt Nam nghiên cứu, đào tạo tài năng, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về toán của các trường đại học, cao đẳng. Cũng theo Quyết định này, một “Viện Nghiên cứu cấp cao về toán” sẽ được xây dựng, đây là một cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo đỉnh cao về toán học cho các giảng viên đại học, các nhà toán học, các tân tiến sĩ, các nghiên cứu sinh đến thực hiện các ý tưởng, các đề tài nghiên cứu toán học xuất xắc, có ý nghĩa khoa học và ứng dụng cao. Nhà nước hỗ trợ một số đề tài nghiên cứu ứng dụng toán học trọng điểm với kinh phí đủ cao. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Đổi tên Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (SMS: 89/2010/ND-CP) - Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được đổi tên thành Tổng cục Địa chất và Khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ngày 16/8/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều 3 này quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 24 đơn vị trực thuộc; trong đó có 18 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và 6 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/10/2010. Quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng (SMS: 88/2010/ND-CP) - Cùng ngày 16/8/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2010/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng. Theo đó, giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển toàn bộ bằng ngân sách nhà nước thì tổ chức trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng đó được Nhà nước giao quyền chủ sở hữu; là chủ đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng và được thực hiện quyền của chủ bằng bảo hộ quy định tại Điều 186 Luật Sở hữu trí tuệ. Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần từ ngân sách nhà nước thì tổ chức được Nhà nước giao sử dụng vốn trực tiếp tham gia chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng đó được giao quyền chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước và thực hiện quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Nhà nước. Người nộp đơn có trách nhiệm bảo đảm sự trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho cơ quan bảo hộ giống cây trồng trong quá trình đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng: mọi tài liệu giao dịch phải được chủ đơn tự xác nhận bằng chữ ký của mình hoặc của đại diện, được đóng dấu xác nhận của tổ chức (nếu có); mọi bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu tiếng nước ngoài phải bảo đảm là dịch nguyên văn từ bản gốc. Chủ đơn phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả và nghĩa vụ phát sinh do đại diện của chủ đơn thực hiện trong giao dịch với cơ quan bảo hộ giống cây trồng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2010 và thay thế Nghị định số 104/2006/NĐ-CP ngày 22/6/2006 của Chính phủ. |