Số 33.2008 (389) ngày 22/08/2008

 CHÍNH PHỦ


Chỉ đạo hoạt động kinh doanh, sản xuất
(SMS: 505753)
- Theo Thông báo số 217/TB-VPCP ra ngày 20/8/2008 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng yêu cầu: đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng để góp phần cùng cả nước năm 2008 đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 7%; tập trung tham gia bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hàng cho sản xuất và xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ khâu phân phối không để đầu cơ buôn lậu; thực hiện triệt để tiết kiệm; tiếp tục rà soát cắt giảm, giãn tiến độ các dự án đầu tư; rà soát lại chiến lược đầu tư phát triển để nâng cao hiệu quả hoạt động; tích cực đẩy mạnh xuất khẩu…
Việc đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán phải được cân nhắc kỹ, đảm bảo hiệu quả và phải được kiểm soát chặt chẽ, báo cáo Thủ tướng trước khi thực hiện.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước giảm vốn nhà nước ở những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần để đầu tư vào các dự án, lĩnh vực quan trọng.
Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước, kịp thời phát hiện, có biện pháp chấn chỉnh ngay mọi hoạt động chưa phù hợp hoặc hiệu quả thấp…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Nghị định về tổ chức, hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tập đoàn phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững…


Ngăn chặn hành vi tung tin đồn thất thiệt
(SMS: 505727)
- Theo Công văn số 5431/VPCP-KTTH ra ngày 19/8/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các Bộ, ngành chủ động công bố công khai sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và của các Bộ về giá cả, thị trường, cung - cầu các mặt hàng thiết yếu để người dân biết, cảnh giác với các thông tin sai lệch có thể xảy ra…
Các Bộ: Tài chính,  Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế cần  phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương trong việc xây dựng cơ chế phối hợp để kịp thời xử lý những biến động bất thường về giá cả, thị trường, cung - cầu các mặt hàng thiết yếu.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và nâng cao nhận thức trước các thông tin sai lệch; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí kịp thời đưa thông tin chính thức từ phía các cơ quan chức năng để trấn an dư luận khi xảy ra biến động bất thường hoặc trước các tin đồn thất thiệt về giá cả, thị trường.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế phối hợp để kịp thời xử lý những biến động bất thường về giá cả, thị trường, cung - cầu các mặt hàng thiết yếu; chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt trên địa bàn, gây tâm lý bất ổn trong xã hội.


Công khai kết quả kiểm toán
(SMS: 505729)
- Ngày 18/8/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2008/NĐ-CP về công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Theo đó, các báo cáo kiểm toán năm, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán và biên bản kiểm toán thuộc diện phải công khai.
Báo cáo kiểm toán năm, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải được công khai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Quốc hội thông qua báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán được công khai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phát hành. Trường hợp có kiến nghị của đơn vị được kiểm toán về báo cáo kiểm toán thì thời hạn công khai là 30 ngày, kể từ ngày kiến nghị được giải quyết.
Việc công khai kết quả kiểm toán có thể được thực hiện qua hình thức họp báo, công bố trên Công báo và các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán Nhà nước, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Việc công khai không đầy đủ, không đúng nội dung, hình thức, thời hạn quy định; công khai tài liệu, số liệu sai sự thật; công khai tài liệu, số liệu thuộc bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị, tổ chức được kiểm toán theo quy định của pháp luật; đưa tin, bài phản ánh về công khai kết quả kiểm toán không chính xác, không trung thực, không khách quan là các hành vi vi phạm về công khai kết quả kiểm toán và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được kiểm toán chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với kết quả kiểm toán đã công bố công khai. Không được lợi dụng việc công khai kết quả kiểm toán để làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
(SMS: 505730)
- Ngày 18/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 113/2008/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương.
Theo đó, thành lập Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để quản lý tập trung, thống nhất, có hiệu quả các nguồn thu từ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Quỹ do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quản lý; Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại cổ phần, mọi hoạt động chi từ Quỹ được thống nhất thực hiện thông qua tài khoản này…
Các khoản thu từ cổ phần hóa, bán doanh nghiệp đã sử dụng để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư tại các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, bán quy định này được xác định là các khoản thu, chi của Quỹ…
Quỹ có 3 nguồn thu chính: từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; từ các hình thức sắp xếp chuyển đổi khác như giao, bán, giải thể, phá sản; từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; Công ty mẹ và nguồn thu khác (nếu có). Các khoản thu sau cổ phần hóa bao gồm: tiền bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước nhưng chưa chuyển giao và các khoản tiền thu hồi giá trị cổ phần chia cho người lao động để hưởng cổ tức, cổ phần bán trả chậm cho người lao động nghèo trong doanh nghiệp đối với doanh nghiệp cổ phần hóa trước ngày 14/7/1998 và thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữa vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kiểm tra làm rõ các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu
(SMS: 505625)
- Theo Công điện số 1353/CĐ-TTg ra ngày 15/8/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu công bố công khai tất cả những tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận xăng dầu để nhân dân biết, cùng phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, xử lý, ngăn chặn; Xử phạt kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như: đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh, truy tố trách nhiệm hình sự.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; Xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời đưa tin về các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, cũng như kết quả kiểm tra và xử lý của các cơ quan chức năng để người dân biết và phối hợp giám sát cùng các cơ quan chức năng…


Quỹ phòng, chống ma túy
(SMS: 505645)
- Ngày 13/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 110/2008/QĐ-TTg về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống ma túy.
Theo đó, Quỹ được sử dụng để hỗ trợ: các chiến dịch truy quét các băng, ổ nhóm buôn bán, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy; Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm, phức tạp; Xóa bỏ, triệt phá cây có chất ma túy, mua sắm trang thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ; Thân nhân những người hy sinh, bị thương tật, ốm đau do trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; Hoạt động cai nghiện, sau cai nghiện, hỗ trợ tái hòa nhập cho các đối tượng sau cai nghiện tại địa phương...
Quỹ được hình thành từ nhiều nguồn như tiền bán đấu giá tài sản, tang vật (trừ ma túy), phương tiện thu được từ các vụ án phạm tội về ma túy tại các địa phương sau khi bản án, quyết định xử lý có hiệu lực pháp luật; Các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; từ ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước.
30% từ nguồn thu trên sẽ được trích thưởng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp phát hiện, điều tra vụ án; 10% trích cho Quỹ phòng, chống ma túy Trung ương và 60% cho Quỹ phòng, chống ma túy của các địa phương nơi Tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm.
Bộ Công an quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống ma túy Trung ương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quản lý điều hành Quỹ phòng, chống ma túy của các địa phương.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH


Tăng chế độ phụ cấp đặc thù
(SMS: 505713)
- Ngày 15/8/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 72/2008/QĐ-TTg về việc sửa đổi Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg quy định chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành nghề trong các công ty nhà nước.
Theo đó, tăng chế độ ăn định lượng tính thành tiền đối với: công nhân, nhân viên, viên chức làm việc trong các công ty Nhà nước trong thời gian đo đạc, chụp ảnh hàng không thành lập bản đồ, đo đạc, chụp ảnh hàng hải thành lập bản đồ địa hình, bản đồ biển... lên mức 50.000 đồng/ngày (quy định trước đây là 32.000 đồng); Công nhân khai thác khoáng sản trong hầm lò, công nhân, nhân viên, viên chức tàu vận tải biển đi các tuyến trong nước (kể cả tàu chuyển tải trên biển)…: 60.000 đồng (trước đây: 37.000 đồng); Thợ lặn phục vụ công trình dầu khí, giao thông, thủy lợi, công nhân, nhân viên, viên chức tàu trục vớt cứu hộ, cứu nạn trên biển, tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải…: 70.000 đồng (trước đây: 45.000 đồng);
Tổ lái máy bay gồm: lái chính, lái phụ, dẫn đường và cơ giới trên không, công nhân, nhân viên, viên chức làm việc trên các tàu vận tải biển trong thời gian đi nước ngoài…: 110.000 đồng (trước đây: 80.000 đồng); C
ông nhân, nhân viên, viên chức làm việc tại các giàn khoan (tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí trên biển), các tàu dịch vụ, tàu vận tải dầu khí trên biển…: 150.000 đồng (trước đây: 110.000 đồng)…
Ngoài ra, tăng mức phụ cấp đi biển đối với người lao động thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trong những ngày thực tế làm việc trên các giàn khoan, các tàu dịch vụ, tàu vận tải dầu khí, các công trình dầu khí trên biển lên mức 150.000 đồng/ngày (trước đây: 110.000 đồng).

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Hoàn trả tiền môi giới lao động
(SMS: 505665)
- Ngày 12/8/2008, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 61/2008/QĐ-BLĐTBXH về mức tiền môi giới người lao động hoàn trả cho doanh nghiệp tại một số thị trường.
Theo đó, mức tiền môi giới tối đa người lao động hoàn trả cho doanh nghiệp tại thị trường Đài Loan là từ 800 - 1500 USD/người/hợp đồng áp dụng đối với ngành nghề: công nhân nhà máy, xây dựng, giúp việc gia đình, chăm sóc sức khoẻ; thị trường Nhật Bản là 1500 USD áp dụng đối với mọi ngành nghề; Malaysia: 200 - 300 USD; Ảrập Xê út: 300 - 500 USD; Liên bang Nga: 700 USD; Cộng hoà Czech: 1500 USD; Australia: 3000 USD; Nhà nước Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Vương quốc Bahrain, Vương quốc Oman; Nhà nước Kuwait: 300 - 400 USD...
Mức tiền môi giới người lao động hoàn trả cho doanh nghiệp (nếu có) phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và doanh nghiệp được thu một lần trước khi người lao động xuất cảnh ra nước ngoài làm việc...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.