Số 33.2007 (338) ngày 24/08/2007

 CHÍNH PHỦ


Xử lý tồn đọng trong thanh toán đầu tư xây dựng
(SMS: 501245)
- Ngày 20/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công văn số 1142/TTg-KTTH về việc xử lý tồn đọng trong tất toán tài khoản cấp phát và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo đó, dự án hoàn thành, bị đình hoãn thi công từ năm 2000 về trước: trong vòng 06 tháng các chủ đầu tư phải hoàn thành việc lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành để Kho bạc Nhà nước có cơ sở làm thủ tục tất toán tài khoản.
Dự án hoàn thành, bị đình hoãn thi công từ năm 2000 đến 2004: nếu sau 01 năm, tức là hết năm 2007 (kể từ khi có công văn của Bộ Tài chính) mà dự án vẫn chưa được phê duyệt quyết toán, Kho bạc Nhà nước sẽ tất toán số vốn đã thanh toán cho dự án đó. Mọi phát sinh (nếu có), các Bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm…
Từ nay trở đi, các chủ đầu tư nếu chậm thực hiện lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành (chậm quá 06 tháng so với thời gian đã được quy định cho mỗi nhóm dự án về thời gian lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành), mà không có lý do chính đáng sẽ áp dụng biện pháp chế tài như sau: đối với những chủ đầu tư vi phạm trong việc thực hiện quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thì cấp có thẩm quyền không giao dự án đầu tư mới, trừ những dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và dự án có tình chất đặc thù…


Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
(SMS: 501229)
- Theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ban hành ngày 17/8/2007, Chính phủ quy định: công dân Việt Nam mang giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được xuất cảnh, nhập cảnh (XNC) Việt Nam không cần thị thực.
Các giấy tờ cấp cho công dân Việt Nam để XNC bao gồm: Hộ chiếu quốc gia (hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông). Giấy tờ khác hợp lệ gồm: Hộ chiếu thuyền viên; Giấy thông hành biên giới; Giấy thông hành nhập, xuất cảnh; Giấy thông hành hồi hương; Giấy thông hành…
Trong đó, Giấy thông hành biên giới, nhập xuất cảnh, hồi hương có giá trị không quá 12 tháng tính từ ngày cấp và không được gia hạn như đối với hộ chiếu. Riêng Giấy thông hành cấp cho công dân Việt Nam không định cư ở nước ngoài để nhập cảnh về thường trú tại Việt Nam trong trường hợp cụ thể (không được nước ngoài cho cư trú; phải về nước theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam mà không có hộ chiếu quốc gia; có nguyện  vọng về nước nhưng không có hộ chiếu quốc gia) thì chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng tính từ ngày cấp và cũng không được gia hạn. Hộ chiếu thuyền viên có giá trị không quá 5 năm và được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm.
Hộ chiếu quốc gia cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp đến khi trẻ em đó đủ 14 tuổi và không được gia hạn.
Công dân Việt Nam ở trong nước đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý XNC theo 3 cách: trực tiếp nộp và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý XNC của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hay tạm trú; gửi hồ sơ qua đường bưu điện và nhận kết quả qua đường bưu điện; ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý XNC của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hay tạm trú. Thời hạn nhận hồ sơ và trả kết quả xin cấp hộ chiếu không quá 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Công dân Việt Nam ở nước ngoài đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông thì nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và được trả kết quả trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách miễn thị thực
(SMS: 501231)
- Ngày 17/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo đó, đối tượng được miễn thị thực là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh…
Giấy miễn thị thực có giá trị đến 5 năm và ngắn hơn thời hạn còn giá trị của hộ chiếu hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp ít nhất 6 tháng. Giấy miễn thị thực được cấp cho từng người. Trẻ em dưới 14 tuổi đi cùng hộ chiếu với cha hoặc mẹ, thì Giấy miễn thị thực được cấp cùng với hộ chiếu của cha hoặc mẹ…
Người nhập cảnh Việt Nam bằng giấy miễn thị thực, được tạm trú tại Việt Nam không quá 90 ngày cho mỗi lần nhập cảnh. Nếu tạm trú quá 90 ngày, phải làm thủ tục xin cấp thị thực theo quy định hiện hành trước hoặc sau khi nhập cảnh Việt Nam…
Ngoài hộ chiếu nước ngoài (hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp), trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy miễn thị thực cần phải có một trong 3 loại giấy tờ sau: Giấy tờ, tài liệu chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước đương sự cư trú hoặc công dân Việt Nam bảo đảm đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nếu trong đó có ghi đương sự là người có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam. Nếu người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần có giấy tờ chứng minh mối quan hệ đó…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/9/2007.


Ưu đãi đối với doanh nghiệp
thực hiện nhiệm vụ công ích
(SMS: 501265)
- Ngày 17/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 133/2007/QĐ-TTg về việc bổ sung Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích.
Thủ tướng quyết định: bổ sung dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài vào Danh mục c
ác sản phẩm, dịch vụ công ích do doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hợp tác xã thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng.
Doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp tài sản phục vụ mục tiêu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc quyền quản lý của công ty khi được cơ quan quyết định thành lập công ty cho phép. Việc thế chấp giá trị quyền sử dụng đất, tài sản của công ty gắn liền với quyền sử dụng đất phục vụ mục tiêu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai…
Ngoài ra còn được Nhà nước đầu tư đủ vốn để hình thành tài sản phục vụ mục tiêu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Sắp xếp doanh nghiệp nhà nước
(SMS: 501230)
- Ngày 17/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1057/QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007 - 2010.
Theo đó, giữ nguyên như thực trạng Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ du lịch Phú Thọ.
Đối với các công ty nhà nước độc lập, sẽ tiến hành: Chuyển thành công ty TNHH một thành viên; Cổ phần hóa; Chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên; Chuyển thành đơn vị sự nghiệp; Sáp nhập vào đơn vị khác: bao gồm 52 công ty.
Các công ty thành viên của 15 tổng công ty sẽ được sắp xếp lại theo hướng chuyển thành công ty TNHH một thành viên hoặc cổ phần hóa.
Các công ty mẹ trong tổng công ty và công ty theo hình thức công ty mẹ - công ty con sẽ được sắp xếp, theo đó, chuyển thành công ty THHH một thành viên 2 công ty; Thực hiện cổ phần hóa, nhà nước giữ cổ phần chi phối 15 công ty.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 17/8/2007.


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
(SMS: 501247)
- Theo Nghị định số 135/2007/NĐ-CP ban hàn ngày 16/8/2007, Chính phủ quy định: mức phạt tiền cao nhất là từ 15 đến 20 triệu đồng đối với các hành vi: không đóng  bảo hiểm cho hơn 500 người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc…; mức phạt giảm xuống còn từ 10 đến dưới 15 triệu đồng nếu vi phạm với số người lao động từ 101 đến 500; từ 7 đến dưới 10 triệu đồng: 51 đến 100 người; từ 01 đến dưới 7 triệu đồng: 11 đến 50 người…
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm nói trên như: tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn và bị buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng…
Đối với hành vi không giới thiệu người lao động đi giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cũng có thể bị áp dụng mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng. Tuỳ thuộc vào số lượng người lao động, mức xử phạt đối với vi phạm này còn có các mức: 01 đến dưới 05 triệu đồng, 05 đến dưới 10 triệu đồng và 10 đến dưới 15 triệu đồng…
Hành vi không cung cấp tài liệu, thông tin về bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt từ 100.000 đến 1.000.000 đồng… nếu báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số liệu về bảo hiểm cũng có thể bị áp dụng mức phạt này…
Đối với người lao động nếu không đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc thoả thuận với người sử dụng lao động không nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 1.000.000 đồng…
Cơ quan, tổ chức không cấp hoặc không chốt sổ bảo hiểm xã hội đúng hạn  có thể bị phạt tiền từ 01 đến dưới 20 triệu đồng…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: Y TẾ - TÀI CHÍNH


Đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập
(SMS: 501228)
- Theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC ban hành ngày 10/8/2007, Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn: giá thuốc trúng thầu không được cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu và không vượt quá giá tối đa hiện hành của từng mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế…
Trong trường hợp, những mặt hàng thuốc chưa được công bố giá tối đa, khi xây dựng kế hoạch đấu thầu, các đơn vị phải tham khảo giá những mặt hàng thuốc đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế công lập do Cục Quản lý Dược Việt Nam cập nhật và thông báo trên trang thông tin điện tử của ngành y tế.
Về việc báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu, trong vòng 15 ngày sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả lựa chọn nhà thầu về Bộ Y tế  kèm theo Báo cáo thẩm định, Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trường hợp trong năm phát sinh nhu cầu mua bổ sung về số lượng một số mặt hàng thuốc không nằm trong kế hoạch đấu thầu với số lượng nhỏ, tổng giá trị thấp (dưới 100 triệu đồng), Thủ trưởng đơn vị được quyền quyết định mua sắm các mặt hàng thuốc sau khi đã được sự thống nhất của Hội đồng thuốc và điều trị của đơn vị với điều kiện bảo đảm chất lượng và đơn giá mua thuốc theo quy định ở trên.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: LAO ĐỌNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - NỘI VỤ - TÀI CHÍNH


Phụ cấp các cơ sở y tế
(SMS: 501239)
- Ngày 20/8/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2007/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý.
Theo đó, chế độ phụ cấp được áp dụng đối với cán bộ, công chức đang trong thời gian thử việc; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 03 tháng trở lên và những người được điều động, biệt phái có thời hạn từ 03 tháng trở lên…
Mức phụ cấp thu hút đặc thù tối thiểu là 500.000 đồng/người/tháng…
Ngoài ra còn có phụ cấp ưu đãi y tế gồm 06 mức 70%, 60%, 50%, 40%, 35%, 30% (áp dụng đối với cán bộ, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc (phục vụ, cho ăn, uống thuốc), xét nghiệm đối với người nghiện ma túy, người bán dâm bị bệnh AIDS tại các Trung tâm có phân khu riêng biệt: theo phân loại lâm sàng giai đoạn IV, được hưởng mức 70%; giai đoạn III: 60%...); Phụ cấp ưu đãi giáo dục gồm 02 mức 50% và 40%...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: TÀI CHÍNH - LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Hỗ trợ người nghèo
(SMS: 501263)
- Ngày 20/8/2007, Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án và hoạt động trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí tối thiểu bằng 1% tổng chi ngân sách địa phương hàng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, cùng với nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho chương trình, lồng ghép với các nguồn vốn khác trên địa bàn để thực hiện tốt mục tiêu của chương trình...
Các nguồn vốn phải được đưa vào kế hoạch và quản lý thống nhất. Việc phân bổ ngân sách trung ương hỗ trợ theo nguyên tắc tập trung ưu tiên nguồn lực cho các xã miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có tỷ lệ hộ nghèo cao...
Đối với hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa mức hỗ trợ tối đa 100% chi phí về giống và vật tư chính; đối với hộ nghèo ở các vùng khác mức hỗ trợ tối đa là 50% chi phí mô hình.
Hỗ trợ hộ nghèo mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/hộ...
Hỗ trợ một lần vật tư chủ yếu (gạch, xi măng) cho các hộ nghèo tham gia dự án có nhu cầu xây mới, sửa chữa và nâng cấp chuồng trại chăn nuôi để phát triển chăn nuôi. Mức hỗ trợ cụ thể theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/hộ...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.