Phòng, chống tham nhũng, lãng phí (SMS: 201806) - Ngày 21/8/2006, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nội dung của Nghị quyết như sau: Chấn chỉnh công tác thi tuyển, tiếp nhận cán bộ, công chức; chú trọng thanh tra, xử lý tham nhũng trong thi tuyển; bổ sung quy định về việc những người có quan hệ gia đình không được cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc, mở rộng dần diện chuyển đổi vị trí công tác trong hệ thống chính trị... Nâng cao tính chiến đấu, thực hiện dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình theo phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau"... Thí điểm tiến tới mở rộng thi tuyển công khai một số chức danh cán bộ quản lý cấp phòng, cấp vụ, nhất là người đứng đầu bệnh viện, trường học, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp của Nhà nước. Cán bộ, công chức dự kiến được bổ nhiệm, đề bạt phải trình bày chương trình hành động trước khi ghi phiếu tín nhiệm. Kiên quyết không sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu tái cử những người tham nhũng, lãng phí hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí. Xem xét, xử lý trách nhiệm người giới thiệu, người bổ nhiệm, đề bạt cán bộ đã bao che hành vi tham nhũng, lãng phí của người được bổ nhiệm, đề bạt... Tăng lương hoặc tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và cải thiện điều kiện làm việc cho các ngành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, tòa án và một số ngành dễ phát sinh tham nhũng; đồng thời, tăng cường chế độ trách nhiệm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... Người có hành vi tham nhũng phải xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm chính trị, hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào. Những đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, uy tín giám sút, dù cơ quan chức năng chưa kết luận được, cấp ủy vẫn phải xem xét, cân nhắc bố trí công việc khác cho phù hợp...
|
Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (SMS: 201808) - Ngày 18/8/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2006/NĐ-CP quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến lĩnh vực nào thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với lĩnh vực đó, Trường hợp pháp luật chưa có quy định thì mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng... Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; hạ ngạch; cách chức; buộc thôi việc. Trong đó hình thức hạ bậc lương áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo nhưng tái phạm hoặc các đối tượng vi phạm lần đầu gây lãng phí phải bồi thường thiệt hại từ trên 20 - 30 triệu đồng/lần xét bồi thường... Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện thiết bị làm việc, sử dụng điện nước gây lãng phí sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng... Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý trong việc lập, thẩm định dự án đầu tư gây lãng phí; trong khảo sát, thiết kế xây dựng công trình gây lãng phí; phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý trong tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công lễ khánh thành công trình xây dựng gây lãng phí... Phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi quản lý, sử dụng các khoản chi phí trong công ty nhà nước không đúng định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, chế độ quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy định về giải thể tổ chức hành chính, sự nghiệp (SMS: 201807) - Ngày 17/8/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2006/NĐ-CP quy định nguyên tắc, điều kiện, trách nhiệm của cơ quan đề nghị, trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước. Theo đó, tổ chức hành chính chỉ được thành lập khi xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức và không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đã được thành lập trước đó. Quy mô tổ chức và loại hình tổ chức cần thành lập phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức và phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước... Tổ chức hành chính nhà nước chỉ được thành lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực mà loại dịch vụ công đó Nhà nước chưa chuyển giao cho các tổ chức ngoài khu vực nhà nước đảm nhiệm hoặc loại dịch vụ công đó các tổ chức ngoài khu vực nhà nước không thực hiện hoặc không đủ khả năng thực hiện... Đối với những ngành, lĩnh vực đã có quy hoạch mạng lưới tổ chức sự nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì việc thành lập tổ chức sự nghiệp nhà nước phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đó... Tổ chức hành chính khi có sự điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và phạm vi đối tượng quản lý; khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi, chuyển giao, nâng cấp tổ chức theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ được tổ chức lại... Việc tổ chức lại cũng sẽ được thực hiện đối với các tổ chức sự nghiệp nhà nước khi có sự sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi, chuyển giao, nâng cấp tổ chức hoặc thực hiện đề án sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới tổ chức sự nghiệp nhà nước... Tổ chức khi không xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và hoạt động không có hiệu quả hoặc tổ chức đó không còn chức năng, nhiệm vụ thì bị giải thể... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Tổng điều tra kinh tế, hành chính, sự nghiệp (SMS: 19941) - Ngày 15/82006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 187/2006/QĐ-TTg về việc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 trên phạm vi cả nước nhằm thu nhập thông tin cơ bản về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp phục vụ công tác, hoạch định chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Chính phủ... Cuộc tổng điều tra này bao gồm các nội dung: số lượng và các chỉ tiêu cơ bản (tên gọi, địa điểm, loại hình cơ sở, hình thức sở hữu, loại hình tổ chức hoạt động, ngành nghề sản xuất kinh doanh...) của các đơn vị cơ sở kinh tế (trừ các đơn vị thuộc ngành nông, lâm, ngư nghiệp đã điều tra trong tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2006); các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thể, hiệp hội,... trên phạm vi cả nước; số lượng và trình độ chuyên môn của lao động, một số chỉ tiêu về thống kê giới; các chỉ tiêu cơ bản về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (thu nhập, doanh thu, nguồn vốn, tài sản...); các chỉ tiêu chủ yếu về tình trạng thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin,... Thời gian thực hiện thu thập số liệu của tổng điều tra bắt đầu từ ngày 01/7/2007 đến ngày 20/7/2007. Kết quả sơ bộ của tổng điều tra được công bố vào tháng 12/2007 và kết quả chính thức sẽ được công bố vào tháng 7/2008. Các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện tổng điều tra thống nhất theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tổng điều tra Trung ương... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Hướng dẫn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (SMS: 201812) - Ngày 22/8/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 76/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2006/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, các cơ quan Nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ nếu sử dụng kinh phí tiết kiệm được thì khoản tiết kiệm đó sẽ được phép dành để chi cho hoạt động của cơ quan, hoặc tăng thu nhập cho CBCNVC và người lao động... Đối với các đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước, số tiền tiết kiệm được từ kinh phí hoạt động được phép dành tối thiểu 50% để bổ sung kinh phí hoạt động cho cơ quan, tổ chức; tối đa 30% số tiền tiết kiệm được để thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Các khoản hoa hồng từ mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại, thiết bị làm việc, tài sản khác hoặc thanh toán dịch vụ nếu nhận được thì phải kê khai và nộp lại đầy đủ, kịp thời... Đối với hoa hồng nhận bằng hiện vật, phải quản lý, sử dụng theo chế độ quản lý tài sản hiện hành, nếu không có nhu cầu sử dụng phải thực hiện bán đấu giá công khai để thu tiền và quản lý... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chính sách miễn thuế (SMS: 201811) - Ngày 16/8/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện miễn thuế đối với hoạt động đánh bắt hải sản, sản xuất muối chưa qua chế biến và giảm thuế đối với cơ sở kinh doanh sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số từ năm 2006 đết hết năm 2010. Theo đó, tổ chức, cá nhân đánh bắt hải sản, sản xuất muối chưa qua chế biến là đối tượng được miễn thuế môn bài, thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp... Phạm vi miễn thuế: Đánh bắt hải sản thuộc diện miễn thuế chỉ bao gồm hoạt động khai thác các sản phẩm tự nhiên từ biển (cả gần bờ và xa bờ); Sản xuất muối chưa qua chế biến thuộc diện miễn thuế chỉ bao gồm hoạt động sản xuất muối từ nước biển tự nhiên, không bao gồm các hoạt động kinh doanh muối hoặc chế biến muối thành các sản phẩm muối tinh chế (như muối i-ốt, muối tinh...)... Để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đáp ứng đủ 3 điều kiện sau: Có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số; Có chi về việc đào tạo, dạy nghề cho người lao động dân tộc thiểu số; Thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thực hiện quyền tự chủ về tài chính và biên chế (SMS: 201810) - Ngày 09/8/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 71/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động có các hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, được vay vốn của các tổ chức tín dụng, huy động vốn của cán bộ, viên chức trong đơn vị để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ và tự chịu trách nhiệm trả nợ vay theo quy định của pháp luật... Các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay tín dụng, vốn huy động phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, công khai, dân chủ trong đơn vị, theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên biết, theo dõi, kiểm tra thực hiện... Đơn vị sự nghiệp không được dùng kinh phí của đơn vị để mua sắm thiết bị, đồ dùng, tài sản trang bị tại nhà riêng hoặc cho cá nhân mượn dưới bất kỳ hình thức nào (trừ điện thoại công vụ tại nhà riêng theo chế độ quy định)... Nhà nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp tăng thu, tiết kiệm chi, tinh giản biên chế, tăng thêm thu nhập cho người lao động trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; căn cứ kết quả tài chính trong năm, đơn vị quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm, như sau: Đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động, được quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm, nhưng tối đa không quá 02 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm do nhà nước quy định, sau khi đã thực hiện trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Quy định về khu đô thi mới (SMS: 201805) - Ngày 18/8/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 04/2006/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Quy chế khu đô thị mới ban hành theo Nghị định số 02/2006/NĐ-CP. Theo đó, việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án KĐTM chỉ được tiến hành khi quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt và thoả mãn các điều kiện sau: Khu đất của dự án đã được xác định trong quy hoạch xây dựng được duyệt; Đã xác định được bên mời thầu và hồ sơ mời thầu; Giá sàn tiền sử dụng đất đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt, trong trường hợp khu vực đất của dự án đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng; Có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư... Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình khác được xác định trong Quyết định cho phép đầu tư là các công trình có chuyển giao cho các tổ chức chuyên nghiệp của địa phương quản lý vận hành, thì bên nhận chuyển giao công trình được kiểm tra việc thực hiện của nhà thầu trong suốt quá trình thi công, đồng thời được tham gia nghiệm thu hoàn thành công trình... Tuỳ thuộc vào quy mô, đặc điểm của từng dự án KĐTM, UBND cấp tỉnh quy định mức bảo lãnh đấu thầu cho phù hợp, nhưng tối đa không quá 3% giá trị tiền sử dụng đất đối với khu vực dự án... Chủ đầu tư dự án KĐTM có trách nhiệm bảo hành công trình đối với bên nhận chuyển giao theo thời gian thoả thuận giữa hai bên thông qua biên bản chuyển giao, nhưng không được ít hơn 12 tháng kể từ ngày chuyển giao. Các chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành công trình nhà chung cư và nhà ở do mình đầu tư xây dựng trong KĐTM đối với bên mua căn hộ hoặc nhà ở theo thời gian thoả thuận, nhưng không được ít hơn 12 tháng kể từ ngày bán... Việc huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở trong dự án KĐTM được thực hiện nhiều lần, lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư được xác định trong Quyết định cho phép đầu tư. Các lần huy động tiếp theo được thực hiện phù hợp với tiến độ đầu tư xây dựng, nhưng tổng số tiền huy động không vượt quá 70% giá trị hợp đồng... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|