Số 33.2004 (186) ngày 27/08/2004

 CHÍNH PHỦ


Quy định về bưu chính
(SMS: 200170 - Không gửi qua fax)
- Ngày 18/8/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2004/NĐ-CP, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan duy nhất phát hành tem bưu chính mang dòng chữ "Việt Nam". Những tem đang in hoặc đã phát hành nếu có sai phạm nghiêm trọng sẽ bị Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định đình bản và đình chỉ; mọi tổ chức cá nhân không được phép kinh doanh, tàng trữ hoặc sưu tập tem bưu chính đã bị đình bản, đình chỉ lưu hành, những tem có nội dung không lành mạnh...
Người sử dụng dịch vụ có quyền khiếu nại về những sai sót của doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư. Doanh nghiệp tiếp nhận khiếu nại bằng văn bản phải thông báo cho người khiếu nại trong vòng 2 ngày kể từ khi nhận được khiếu nại. Thời hiệu khiếu nại đối với thư, bưu phẩm, bưu kiện là 6 tháng kể từ ngày gửi. Thời hạn giải quyết khiếu nại giữa người sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ là 2 tháng đối với dịch vụ thư, bưu phẩm, bưu kiện trong nước và 3 tháng đối với quốc tế. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng dịch vụ, trừ một số trường hợp có quy định cụ thể...


Chính sách phát triển bền vững
(SMS: 200171 - Không gửi qua fax)
- Ngày 17/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Những lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững gồm: Duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; thực hiện quá trình "công nghiệp hoá sạch"; phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Những lĩnh vực xã hội được ưu tiên là: tập trung nỗ lực xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tiếp tục giảm mức tăng dân số và tạo thêm việc làm cho người lao động; định hướng quá trình đô thị hoá và di dân; nâng cao chất lượng giáo dục; tăng số lượng và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, cải thiện điều kiện lao động và vệ sinh môi trường sống...
Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cần kết hợp song song với việc bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm, gồm: chống tình trạng thoái hóa đất; bảo vệ môi trường nước; khai thác và sử dụng hợp lý khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển; giảm ô nhiễm không khí ở các đô thị và khu công nghiệp; quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; bảo tồn đa dạng sinh học...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phát triển kinh tế-xã hội miền Trung
(SMS: 200169 - Không gửi qua fax) - Theo Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ban hành ngày 13/8/2004 về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định: tập trung phát triển vùng kinh tế trọng điểm sẽ thực hiện ở 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nhằm phát huy tiềm năng, vị trí địa lý và các lợi thế so sánh của từng vùng, từng bước phát triển vùng KTTĐ miền Trung thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên...
Về mục tiêu phát triển chủ yếu: tốc
độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 1,2 lần, giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước từ 5% hiện nay lên khoảng 5,5% vào năm 2010 và 6,5% vào năm 2020...
Đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng các Khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất và khu khuyến khích phát triển kinh tế -thương mại Chân Mây, quy hoạch xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội để sau năm 2010 các khu kinh tế này từng bước trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Nam
(SMS: 200168 - Không gửi qua fax) - Ngày 13/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/2004/QĐ-TTg về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Việc phát triển vùng kinh tế trọng điểm ở khu vực này tập trung vào 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An với mực tiêu: tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước từ 36% hiện nay lên khoảng 40-41% vào năm 2010 và 43-44% vào năm 2020; Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 1.493 đô la Mỹ năm 2005 lên 3.620 đô la Mỹ năm 2010 và 22.310 đô la Mỹ năm 2020; Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ phấn đấu đạt bình quân
20-25%/năm trong tiến trình hiện đại hoá, nâng cao dần tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 đạt trên 50%...
Xây dựng khu đô thị tổng hợp ở Tây-Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh thuộc 3 tỉnh Long An, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển trung tâm đào tạo chất lượng cao tại Bình Dương, các trung tâm y tế chất lượng cao, trung tâm đào tạo nghề trình độ cao tại Bà Rịa- Vũng Tàu, khu sinh dưỡng công nghiệp và xây dựng tổng kho trung chuyển tại Đồng Nai...


Phát triển kinh tế-xã hội Bắc Bộ
(SMS: 200167 - Không gửi qua fax)
- Ngày 13/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 145/2004/QĐ-TTg về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Những phương hướng mới có tính đột phá để phát triển các ngành và lĩnh vực then chốt của Bắc Bộ là: Phát triển các ngành kỹ thuật cao, dịch vụ chất lượng cao như công nghiệp phần mềm, thiết bị tin học, tự động hóa và các sản phẩm nghiên cứu khoa học thành ngành công nghiệp mũi nhọn; sản xuất các thiết bị tự động hóa, rô bốt, sản xuất vật liệu mới, thép chất lượng cao; phát triển công nghiệp đóng tàu, cơ khí chế tạo...

Vùng kinh tế trọng điểm tập trung vào 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh nhằm mục tiêu: tăng tỷ trọng đóng góp GDP của cả nước từ 21% năm 2005 lên khoảng 23-24% vào năm 2010 và khoảng 28-29% vào năm 2020. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/ năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,5% năm 2010 và dưới 0,5% năm 2020. Giảm tỷ lệ lao động không có việc làm đến 2010 xuống khoảng 6,5%. Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 1% vào năm 2010 và xuống dưới 0,8% vào năm 2020...
 

 BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG


Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước
(SMS: 200173 - Không gửi qua fax)
- Theo Thông tư số 18/2004/TT-BTNMT ban hành ngày 23/8/2004, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 109/2003/NĐ-CP như sau: mỗi khu bảo tồn đất ngập nước phải có quy chế quản lý riêng, gồm các nội dung chính sau: các quy định cấm; Phương thức quản lý, phát triển các phân khu chức năng và vùng đệm; Phương thức quản lý các dịch vụ tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học và hoạt động khác trong phạm vi của khu bảo tồn đất ngập nước...
Hộ gia đình đang sinh sống trong khu bảo tồn không được phát triển, mở rộng quy mô, phạm vi sinh sống; trường hợp tách hộ
hoặc xây dựng mới thì phải chuyển ra khỏi khu bảo tồn...
Từ nay đến năm 2006 thực hiện các công việc sau đây: hoàn thành việc điều tra, lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước trong phạm vi cả nước; Khoanh vùng bảo vệ và thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước, trước hết là đối với những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia đang bị xâm hại; điều chỉnh phạm vi khoanh vùng bảo vệ đối với các khu bảo tồn đất ngập nước hiện có trong trường hợp xét cần thiết...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Khấu trừ thuế GTGT
(SMS: 200166 - Không gửi qua fax)
- Ngày 18/8/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 84/2004/TT-BTC, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 120/2003/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Theo đó, các cơ sở sản xuất nông nghiệp, lâm nghiêp, nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản có tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán kết quả sản phẩm kinh doanh tập trung được khấu trừ thuế GTGT... Các cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào phục vụ sản xuất kinh doanh ở tất cả các khâu: đầu tư xây dựng cơ bản, sản xuất, chế biến...
Thông tư này cũng bổ sung dịch vụ đăng kiểm phương tiện vận tải quốc tế, dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho phương tiện vận tải quốc tế vào đối tượng không chịu thuế GTGT...
Dịch vụ sửa chữa, bảo hành áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%. Riêng sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải là sản phẩm cơ khí; dịch vụ đăng kiểm các phương tiện và thiết bị ngành giao thông vận tải áp dụng thuế suất 5%...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Lưu ký giấy tờ có giá
(SMS: 200172 - Không gửi qua fax)
- Ngày 17/8/2004, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1022/2004/QĐ-NHNN, về việc ban hành Quy chế lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, Các loại giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm: Tín phiếu kho bạc; Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; Trái phiếu kho bạc; Trái phiếu công trình Trung ương...

Trước khi sử dụng giấy tờ có giá đang lưu ký tại Trung tâm giao dịch chứng khoán để tham gia các nghiệp vụ thị trường tiền tệ với Ngân hàng Nhà nước, khách hàng lưu ký thực hiện chuyển giấy tờ có giá sang lưu ký tại tài khoản của Ngân hàng Nhà nước mở tại Trung tâm giao dịch chứng khoán theo quy định của Trung tâm giao dịch chứng khoán. Khi nhận được thông báo của Trung tâm giao dịch chứng khoán về việc khách hàng chuyển khoản giấy tờ có giá từ tài khoản của khách hàng lưu ký sang tài khoản của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển giấy tờ có giá vào tài khoản giấy tờ có giá lưu ký của khách hàng lưu ký mở tại Ngân hàng Nhà nước...
 

 BỘ Y TẾ


Thanh toán chi phí khám chữa bệnh
(SMS: 200165)
- Theo Quyết định số 2756/2004/QĐ-BYT ban hành ngày 13/8/2004, về việc điều chỉnh hệ số xác định trần thanh toán chi phí khám chữa bệnh
nội trú cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định: điều chỉnh hệ số k từ 1,1 lên 1,2 để làm cơ sở xác định trần thanh toán chi phí điều trị nội trú đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế cho năm 2004, áp dụng cho tất cả các cơ sở y tế có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...

Quyết định này có hiệu lực kể sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.