Số 32.2010 (490) ngày 17/08/2010

CHÍNH PHỦ

Đào tạo cán bộ quân sự cấp xã (SMS:
1388/QD-TTg) - Đề án đào tạo thí điểm cán bộ quân sự ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 09/8/2010. Mục đích của Đề án này là tổ chức thí điểm trước một bước đào tạo cán bộ quân sự ban chỉ huy quân sự cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở nhằm trang bị bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, trình độ chuyên môn tương đương sỹ quan dự bị cấp phân đội; có kiến thức, kỹ năng để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp của hệ thống chính trị ở cơ sở. Các hình thức đào tạo gồm có: đào tạo trình độ cao đẳng thời gian 36 tháng (từ tháng 9/2010 đến tháng 9/2013); đào tạo trình độ đại học thời gian 48 tháng (từ tháng 9/2010 đến tháng 9/2014); đào tạo liên thông cán bộ có trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở lên cao đẳng ngành quân sự cơ sở, thời gian 18 tháng (từ tháng 9/2010 đến tháng 3/2012); đào tạo liên thông cán bộ có trình độ cao đẳng ngành quân sự cơ sở lên đại học ngành quân sự cơ sở, thời gian 18 tháng (từ tháng 9/2012 đến tháng 3/2014).
Đối tượng tuyển sinh đối với đào tạo trình độ cao đẳng, đại học từ đội ngũ cán bộ chỉ huy trưởng, chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự cấp xã và nguồn cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã không quá 27 tuổi, trình độ văn hóa trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên; đối với đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học: thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học ban hành kèm theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (không quá 30 tuổi, đã có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương có nhu cầu học tập lên trình độ cao đẳng hoặc đại học; đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng hoặc từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học, học viên có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở hoặc cao đẳng ngành quân sự cơ sở đạt loại khá trở lên được xét tuyển ngay sau khi tốt nghiệp, học viên có bằng tốt nghiệp trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc đúng chuyên môn tại ban chỉ huy quân sự cấp xã; đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học, học viên có bằng tốt nghiệp trung cấp phải có ít nhất 3 năm làm việc đúng với chuyên môn tại ban chỉ huy quân sự cấp xã).
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Bổ sung hiệu lực văn bản đã ban hành (SMS: 1386/QD-TTg) - Ngày 09/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg bổ sung quy định về hiệu lực thi hành của Quyết định số 1082/QĐ-TTg ngày 14/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi thẩm quyền định giá đối với sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia, đường bộ và đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch. Theo đó, bổ sung Điều 3 với nội dung: “Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011”.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Phê duyệt kinh phí xúc tiến thương mại biên giới 2010 (SMS: 1374/QD-TTg) - Tại Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 06/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc sử dụng 16.000 triệu đồng (mười sáu ngàn triệu đồng) từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại năm 2010 đã được Quốc hội phê duyệt để thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại biên giới năm 2010. Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Bộ Tài chính điều chỉnh, xác định cụ thể nội dung, nguyên tắc, mức hỗ trợ để làm căn cứ cho việc phê duyệt, quyết toán, cấp kinh phí thực hiện các đề án, nội dung của Chương trình phù hợp với các cam kết trong WTO. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Chương trình này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

 
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành giáo dục (SMS: 3323/QD-BGDDT) - Ngày 13/8/2010, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 3323/QĐ-BGDĐT ban hành quy định về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành giáo dục. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cán bộ, nhà giáo, công nhân viên, người học trong toàn ngành giáo dục. Theo đó, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá là nhiệm vụ thường xuyên của các nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục; nghiêm cấm hút thuốc lá ở các nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục. Yêu cầu của công tác này là đảm bảo phối hợp thường xuyên giữa nhà trường, địa phương và gia đình người học trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; phát huy vai trò gương mẫu của nhà giáo, cán bộ, công nhân viên ngành giáo dục và sự chủ động tích cực của người học trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; đảm bảo quyền của người không hút thuốc lá được sống trong bầu không khí không khói thuốc lá.
Các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá gồm có: xây dựng nội quy, quy chế của nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục về cấm hút thuốc lá trong các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục; treo biển hoặc biểu tượng "cấm hút thuốc lá" ở các hành lang, lớp học, phòng họp và các phòng làm việc tại nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục; cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, sản xuất, kinh doanh thuốc lá và các sản phẩm của thuốc lá trong các nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục; cấm nhận tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức; cấm người học, nhà giáo, cán bộ, công nhân viên ngành giáo dục tham gia các hoạt động buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh, tiêu thụ thuốc lá trái pháp luật; đưa kết quả hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua đối với nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
BỘ TÀI CHÍNH

Tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng phân bón (SMS: 120/2010/TT-BTC) - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2010/TT-BTC ngày 11/8/2010 điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng phân bón quy định tại Danh mục mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thuế suất của Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới tại Danh mục thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng phân bón ban hành kèm theo Thông tư này. Theo đó, tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi từ 5% lên 6,5% đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 3103 và 3105, bao gồm: superphosphat mã 3103.10.10.00 (loại dùng làm thức ăn chăn nuôi), mã 3103.10.90.00 (loại khác) và mã 3103.90.10.00 (phân phosphat đã nung); superphosphat và phân phosphat đã nung ở dạng viên hoặc các dạng tương tự hoặc đóng trong bao bì (mã 3105.10.00.10), phân khoáng hoặc phân hoá học có chứa ba nguyên tố là nitơ, phospho, kali, ở dạng viên hoặc các dạng tương tự hoặc đóng trong bao bì (mã 3105.10.00.20), superphosphat ở dạng viên hoặc các dạng tương tự hoặc đóng trong bao bì (mã 3105.10.00.30) và phân khoáng hoặc phân hóa học có chứa ba nguyên tố là nitơ, phospho và kali (mã 3105.20.00.00).
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Chế độ tài chính đối với kinh doanh vỏ chai LPG(SMS: 118/2010/TT-BTC) - Ngày 10/8/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 118/2010/TT-BTC hướng dẫn về chế độ tài chính và thuế đối với cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng chai. Theo Thông tư này, vỏ chai LPG loại có giá trị dưới 10 triệu đồng/vỏ chai được phân bổ vào chi phí như công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển phục vụ sản xuất, kinh doanh; trường hợp doanh nghiệp đang ghi nhận vỏ chai LPG dưới dạng tài sản cố định thì phải điều chỉnh thành công cụ, dụng cụ. Vỏ chai LPG loại có giá trị từ 10 triệu đồng/vỏ chai trở lên được ghi nhận là tài sản cố định; thời gian trích khấu hao được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính. Cơ sở kinh doanh LPG chai và kinh doanh vỏ chai LPG thực hiện bán vỏ chai LPG (bao gồm loại sử dụng nhiều lần và loại sử dụng 01 lần) hạch toán doanh thu, chi phí theo các quy định hiện hành của pháp luật về chế độ kế toán doanh nghiệp, thực hiện kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cơ sở kinh doanh bán vỏ chai LPG phải xuất hoá đơn giá trị gia tăng, tính thuế giá trị gia tăng, kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng, hạch toán vào doanh thu khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với vỏ chai LPG bán ra như các loại hàng hoá khác.
Thông tư cũng quy định: mức thu thống nhất tiền ký cược vỏ chai LPG (chai LPG đủ điều kiện để nạp LPG đưa vào lưu thông đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam hoặc quy chuẩn quốc gia được cấp có thẩm quyền ban hành) đối với tổng đại lý kinh doanh LPG chai, đại lý kinh doanh LPG chai, cửa hàng bán LPG chai, cửa hàng chuyên kinh doanh và người tiêu dùng do chủ sở hữu vỏ chai quy định và tối đa không vượt quá 100% giá trị mua vỏ chai LPG của thời điểm gần nhất với thời điểm ký cược (bao gồm cả van đi kèm được lắp đặt bên trong vỏ chai LPG và chưa bao gồm thuế GTGT) theo từng chủng loại vỏ chai LPG. Trường hợp cơ sở kinh doanh LPG chai tự sản xuất vỏ chai LPG để đưa vào kinh doanh LPG thì mức thu thống nhất tiền ký cược chai LPG tối đa không vượt quá 100% giá thực tế xuất kho của thời điểm gần nhất với thời điểm ký cược (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) và cộng với chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đưa vào sử dụng (nếu có).
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và bắt đầu áp dụng từ ngày 01/10/2010. Bãi bỏ các văn bản hướng dẫn về hạch toán ký cược, phân bổ chi phí và trích khấu hao đối với vỏ chai LPG trái với quy định tại Thông tư này.

Cơ chế tài chính của công ty TNHH nhà nước một thành viên (SMS: 117/2010/TT-BTC) - Cơ chế tài chính của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (công ty) được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính về. Theo Thông tư này, công ty thành lập mới có mức vốn điều lệ được xác định bằng 30% tổng mức vốn đầu tư để đảm bảo cho công ty hoạt động bình thường theo quy mô, công suất thiết kế. Công ty mẹ được quyền bảo lãnh cho các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; trường hợp các doanh nghiệp có vốn góp của công ty mẹ có nhu cầu bảo lãnh thì công ty mẹ được bảo lãnh theo quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc: các bên góp vốn cùng cam kết thực hiện bảo lãnh, tỷ lệ % bảo lãnh của từng khoản vay không vượt quá tỷ lệ % góp vốn của công ty mẹ trong doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn và tổng các khoản bảo lãnh vay vốn không vượt quá vốn điều lệ của công ty mẹ.
Các công ty phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào các hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty. Tổng mức đầu tư ra ngoài công ty không vượt quá mức vốn điều lệ của công ty (bao gồm công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con; công ty thành viên hạch toán độc lập). Riêng đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công ty chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp; mức vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn nhưng phải đảm bảo mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn, tổng công ty không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp. Việc bổ sung ngành nghề kinh doanh hoặc đầu tư vốn vào các doanh nghiệp thành viên hoạt động kinh doanh ngành nghề ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của công ty chỉ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của chủ sở hữu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010 và thay thế Thông tư số 24/2007/TT-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ Tài chính.

 
TỔNG CỤC HẢI QUAN

Phân loại mặt hàng ống thép không hàn (SMS: 4473/TCHQ-TXNK) - Theo hướng dẫn tại Công văn số 4473/TCHQ-TXNK ngày 10/8/2010 của Tổng cục Hải quan, mặt hàng ống thép không hàn, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn 5L hay 5LU cho ống dẫn và các tiêu chuẩn 5A, 5AC hay 5AX cho các ống đúc, đường ống và ống khoan của Viện Dầu lửa Mỹ (API) thuộc nhóm 7304, mã số 7304.11.00.00 “-- Bằng thép không gỉ” hoặc mã số 7304.19.00.00 “--Loại khác” hoặc mã số 7304.22.00.00 “-- Ống khoan bằng thép không gỉ” hoặc mã số 7304.23.00.00 “-- Ống khoan khác” hoặc mã số 7304.24.00.00 “--Loại khác bằng thép không gỉ” hoặc mã số 7304.29.00.00 “--Loại khác”, có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo quy định tại Biểu thuế nhập khẩu được áp dụng tại thời điểm nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra các lô hàng ống thép không hàn nhập khẩu được sản xuất theo các tiêu chuẩn API 5L-B/ASTM, A53-B/ASTM, A106-B nếu tương ứng với tiêu chuẩn 5A, 5AC, 5AX cho các ống đúc và 5L, 5LU cho ống dẫn dùng cho ngành dầu khí thì phân loại và áp dụng mức thuế theo mã số 7304.11.00.00 hoặc 7304.19.00.00 cho ống dẫn và 7304.22.00.00, 7304.23.00.00, 7304.24.00.00, 7304.29.00.00 cho ống chống, ống và ống khoan, không phân biệt mục đích nhập khẩu có hay không sử dụng để dẫn dầu, dẫn khí.
Công văn này thay thế Công văn số 7809/TCHQ-GSQL ngày 23/12/2009 của Tổng cục Hải quan.